label

Thứ Hai, 18 tháng 7, 2016

BẢN TỔNG KẾT KHOÁ THƯỜNG HUẤN V

BẢN TỔNG KẾT KHOÁ THƯỜNG HUẤN V
DÀNH CHO CÁC NHÀ ĐÀO TẠO ỨNG SINH LINH MỤC TẠI VIỆT NAM
(03 – 16/7/2016)
Đà Lạt, Việt Nam
Chủ đề: “Phúc Âm hoá và Tân Phúc Âm hoá trong bối cảnh Viêt Nam
với công việc đào tạo các linh mục tại Việt Nam”
“Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con” (Mt 28,19). Chúa Giêsu đã ủy thác cho các môn đệ tiếp nối sứ vụ của Người trong thế giới, và Giáo Hội đã “đi khắp thế gian loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Hai mươi thế kỷ đã qua, Giáo Hội hiện diện trong thế giới để đem ánh sáng Tin Mừng đến cho con người thuộc các nền văn hoá khác nhau.
Trong lịch sử truyền giáo, đã có những vị thừa sai biết hội nhập đức tin tinh tuyền với các giá trị văn hoá bản địa, vì trong các nền văn hoá này tiềm ẩn những giá trị chân thiện mỹ vốn là hoa trái của Ngôi Lời. Tuy nhiên, thế giới mà Giáo Hội được sai đến đôi khi lại theo đuổi những giá trị ngược với những giá trị của Tin Mừng. Hơn thế nữa, người đi loan báo Tin Mừng cũng băn khoăn tự hỏi đâu là mối tương quan giữa Phúc Âm hoá và mọi cố gắng để “thăng tiến con người”. Biết đâu sứ vụ Phúc Âm hóa, nhiệm vụ hàng đầu của Giáo Hội, rất có thể dẫn đến việc biện hộ cho những thái độ đáng phê phán, thậm chí đi ngược với tinh thần Đức Kitô? Đứng trước những khó khăn và thách đố như thế, các môn đệ của Đức Giêsu sẽ làm gì để loan báo Tin Mừng trong thế giới hôm nay?
Tiếp nối những thành quả của Khoá Thường Huấn IV (2014), Ủy Ban Giáo Sĩ và Chủng Sinh trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tổ chức Khoá Thường Huấn V với đề tài “Phúc Âm hoá và Tân Phúc Âm hoá trong bối cảnh Việt Nam với công việc đào tạo các linh mục tại Việt Nam” từ ngày 03 đến 16 tháng 7 năm 2016, tại Trung tâm tĩnh tâm K’Long, Don Bosco, Giáo phận Đà Lạt, Việt Nam. Khoá Thường Huấn lần này nhận được sự hỗ trợ của Hội Thừa Sai Paris, Bộ Loan Báo Tin Mừng cho các Dân Tộc và một số ân nhân, với sự cộng tác đắc lực của các giáo sư đến từ Học viện Công giáo Paris, Học viện Truyền giáo Dòng Ngôi Lời (DWIMS) Philippines, Đại chủng viện Suwon Hàn quốc, Đại diện Hội Thừa Sai Paris ở Singapore, Đức Giám mục Anphong Nguyễn Hữu Long. Có 92 nhà đào tạo ứng sinh linh mục từ 10 Đại chủng viện, 17 Dòng tu và Tu hội, và đại diện của 26 Giáo phận tại Việt Nam đã tham dự Khoá Thường Huấn năm nay.



Tổng quát về Khoá Thường Huấn
Xoay quanh bốn chiều kích: nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ, Khoá Thường Huấn không chỉ là quãng thời gian học tập nghiên cứu tốt nhất mà còn là một cơ hội quý báu để anh em linh mục từ các Đại chủng viện, các Giáo phận và Dòng tu trong cả nước gặp gỡ, trao đổi với nhau trong niềm vui Phúc Âm thấm đượm tình Chúa tình người.
Đây cũng là thời gian để các tham dự viên đào sâu kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm về đào tạo và đời sống đức tin. Qua những bài suy niệm được chuẩn bị kỹ lưỡng, cụ thể và sâu sắc của Cha Piô Ngô Phúc Hậu, nhà truyền giáo lão thành, những trang Tin Mừng đã trở nên hết sức sống động.
Ngoài ra, ý thức đây cũng là dịp để trải nghiệm sự phong phú đa dạng của Giáo Hội, đồng thời cảm nghiệm tình yêu quan phòng của Thiên Chúa đối với những nhu cầu của Giáo Hội, các tham dự viên đã cùng với Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, Giáo phận Đà Lạt, Đức Cha Tân cử Giuse Đỗ Mạnh Hùng đến dâng thánh lễ tạ ơn tại Dòng kín Cát Minh Đà Lạt, thăm Đại chủng viện Minh Hoà và Trung Tâm Mục Vụ của Giáo phận.
Phần lớn thời gian còn lại của Khoá Thường Huấn được dành cho việc học hỏi và đào sâu về đề tài Phúc Âm hoá và Tân Phúc Âm hoá trong bối cảnh Việt Nam với công việc đào tạo các linh mục tại Việt Nam. Các thuyết trình viên đã giúp các tham dự viên nhận định về hiện trạng Phúc Âm hoá tại Việt Nam, quy chiếu về ánh sáng của Tin Mừng và lịch sử Giáo Hội, để có thể đề ra những định hướng thích hợp cho việc đào tạo linh mục trong bối cảnh xã hội Việt Nam hôm nay. Bên cạnh đó, các giờ thảo luận tổ và đúc kết chung cũng giúp soi sáng thêm cho các đề tài nhờ những kinh nghiệm rất cụ thể và sống động mà các tham dự viên đã chia sẻ.
Nội dung tổng quát các bài thuyết trình
Mở đầu tuần thứ nhất của Khoá Thường Huấn, cha Vinh sơn Trần Minh Thực đã điểm lại bối cảnh thế tục hoá tại Việt Nam mà cha Thierry-Marie Courau đã trình bày trong bài “Đào tạo các linh mục tương lai để tái rao giảng Tin Mừng trong bối cảnh thế tục hoá tại Việt Nam” (bài 1). Từ đó, cha Gilles Berceville dẫn dắt cử toạ đi vào hành trình truyền giáo rất thú vị xuyên qua lịch sử chuyển biến ngữ nghĩa và nhận thức về hai hạn từ căn bản liên quan đến đề tài Phúc Âm hoá: MISSION và EVANGELISATION (bài 2).
Lịch sử xuất hiện và sử dụng của hạn từ Phúc Âm hoá (Évangélisation) cho chúng ta thấy rõ cái cốt yếu trong đời sống Giáo Hội: thông truyền cho thế giới sự sống Ba Ngôi, qua việc loan báo Đức Giêsu Kitô, Tin Mừng của Thiên Chúa. Giáo Hội không phải là chủ nhân của việc Phúc Âm hoá, nhưng là dụng cụ, là dấu chỉ, là hoa trái. Nhiệm vụ của Giáo Hội là luôn tìm kiếm ánh sáng để không hành động theo ý riêng, nhưng theo ý Đấng đã sai mình, để làm cho các giá trị Tin Mừng sáng lên, từ đó làm cho thế giới cũng bừng lên ánh rạng ngời của chân lý. Giáo Hội phải luôn nhạy bén trước tác động âm thầm của Chúa Thánh Thần, vì không có Người thì những kỹ thuật Phúc Âm hoá hoàn hảo nhất, những phương pháp biện luận có sức thuyết phục nhất cũng không ảnh hưởng được gì trên trí tuệ con người (x. Evangelii Nuntiandi, 75).
Chân lý ấy càng được củng cố hơn khi cha Claude Tassin, khởi đi từ một số bức thư của thánh Phaolô, cố gắng giúp cử toạ hiểu đúng Tin Mừng là gì và những mối liên hệ sâu sắc mà Tin Mừng đan kết giữa người nói và người nghe được diễn tả qua tương quan ẩn dụ “cha mẹ-con cái”: “...nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em” (1Cr 4,15) (bài 3). Hiểu như thế, Tin Mừng không chỉ là Lời sống động phát xuất từ Thiên Chúa được hiểu một cách cụ thể nhưng còn được biểu hiện nơi đời sống cộng đoàn tín hữu; mỗi tín hữu là một trang Tin Mừng sống động. Vì thế, chúng ta cần suy nghĩ và hành xử cẩn trọng hơn trong việc kiểm soát lời, điều chỉnh đời sống và cách ứng xử của mình trong tương quan với Lời/lời và người khác, đồng thời làm sao để chính Chúa Giêsu Kitô thành hình và lớn lên trong các tương quan của đời sống thường ngày.
Nếu Tin Mừng là chính Chúa Giêsu Kitô và mỗi tín hữu đều là một trang Tin Mừng sống động thì thánh Máctinô thành Tours (bài 4) đích thực là một trong những trang Tin Mừng điển hình ấy. Qua gương mặt của ngài, người ta có thể nhận ra gương mặt khả ái của chính Chúa Giêsu đồng thời hiểu được rằng người ta chỉ có thể trở thành tông đồ khi dám làm bạn với người nghèo và việc loan báo Đức Kitô không thể tách rời các hoạt động bác ái.
Phương pháp này đã được Nữ tu Catherine Fino (bài 6) tiếp cận và khai triển, đặc biệt qua cách hoạt động của các cơ sở cứu tế của thế kỷ thứ 17. Phúc Âm hoá qua các việc bác ái là phương pháp vừa hiệu quả, vừa có thể giúp các tín hữu thống nhất kinh nghiệm đức tin, đồng thời khôi phục nền văn hoá cộng đồng. Đây chính là một “hướng mục vụ” cần phải chú trọng trong việc huấn luyện các ứng sinh linh mục giữa bối cảnh thời hậu hiện đại có nhiều chủ trương đạo đức khác nhau này.
Cha Michel Mallèvre (bài 5), đã giúp cử toạ tìm hiểu sâu hơn về một trong các chủ trương này là các anh em Tin Lành, đặc biệt là Tin Lành Phúc Âm (Protestantisme Évangelique) đang phát triển trên quê hương Việt Nam. Tìm hiểu họ để tự hỏi xem đâu là những điều kiện giúp chúng ta có thể hiểu biết, đối thoại và cùng “làm chứng”, hầu mở mang Nước Chúa trong một thế giới “đa nguyên” và “toàn cầu hoá” hôm nay.
Từ những nhận định và xác tín mà các diễn giả đã nêu lên trong tuần thứ nhất, bước sang tuần thứ hai, các tham dự viên đã được lắng nghe những kinh nghiệm cụ thể về việc rao giảng Tin Mừng trong bối cảnh đa văn hoá và đa tôn giáo của các nước Á Châu.
Trước tiên, cha Edgar Javier giúp cử toạ phân định rõ thêm để “đi ra” trên cánh đồng truyền giáo (bài 7). Vì trong bối cảnh mới mẻ ngày nay, sứ mạng này không chỉ đơn giản là “đến với muôn dân” (Ad Gentes) theo nghĩa “cứu các linh hồn” hay “trồng Giáo Hội” mà còn đòi chúng ta phải ở giữa muôn dân (Inter Gentes) với một tâm thế và phương thức uyển chuyển hơn, nhất là tại Á Châu, mảnh đất đa văn hoá và đa tôn giáo này.
Để có một cái nhìn cụ thể hơn về câu hỏi sâu rộng này, cha Paul Han Mintaeg đưa cử toạ về với một kinh nghiệm thực tế và gần gũi trong nỗ lực Phúc Âm hoá và Tân Phúc Âm hoá tại quê hương Hàn quốc của mình (bài 8). Đối diện với một thế giới đa dạng, Giáo Hội Công giáo Hàn quốc khá nhạy bén, uyển chuyển và năng động. Họ có những chứng nhân biết đối thoại, có khả năng “trở nên mọi sự cho mọi người” (x. 1Cr 9,22), và nhất là dám lăn xả và dấn thân vào đời sống xã hội. Cần đào tạo và giúp các linh mục tương lai của chúng ta vừa có được đời sống đức tin bén rễ sâu trong cầu nguyện, vừa có đức ái sống động dấn thân của một người lãnh đạo tinh thần, dũng cảm và thánh thiện.
Với những xác tín sâu xa về ơn gọi truyền giáo cộng với những trải nghiệm sống động và phong phú sau nhiều năm xả thân loan báo Tin Mừng, cha Grégoire Nguyễn Văn Giảng đã lôi cuốn cử toạ vào một hành trình truyền giảng Tin Mừng đầy phiêu lưu và thú vị (bài 9). Những kinh nghiệm quý giá này cho thấy rõ hành trình ơn gọi truyền giáo cần khởi đi từ những xác tín đến từ những trải nghiệm sống động của nhà thừa sai với Chúa Giêsu. Chỉ có kiến thức và kỹ năng truyền giáo mà thôi thì chưa đủ, nhà thừa sai còn cần có tương quan sống động và thâm sâu với Chúa Giêsu, có những kinh nghiệm gặp gỡ và gắn bó với Người bằng cả trái tim yêu mến và say mê nữa.
Đây cũng chính là điều mà Đức Cha Anphong, một người từng trải trong lãnh vực đào tạo và truyền giáo, củng cố thêm (bài 10). Theo ngài, mọi bàn thảo và thao thức về truyền giáo sẽ chỉ là lý thuyết nếu thiếu những con người nhiệt tâm thực hiện. Vì thế, ngài mạnh dạn khẳng định: việc đào tạo trong các Đại chủng viện tại Việt Nam hôm nay xem ra chưa chú trọng đủ tới sứ vụ truyền giáo. Tâm thức chung của các chủng sinh vẫn là vào chủng viện để ra làm “cha xứ”. Đời sống và sứ vụ sau đó thường chỉ ưu tiên cho việc cử hành phụng vụ và xây dựng cơ sở vật chất, ít lưu tâm tới việc đào tạo con người, lơ là trong việc rao giảng và hầu như chưa quan tâm đủ tới việc truyền giáo. Vì thế, chúng ta phải định hướng và hun đúc các chủng sinh ngay từ đầu về ý thức truyền giáo, về thao thức tông đồ và lòng quả cảm dấn thân cho sứ vụ.
KẾT LUẬN
Từ hai ngàn năm nay, Giáo Hội vẫn luôn cố gắng thực thi sứ mạng Phúc Âm hoá với bao lớp người đã hăng hái tiếp bước lên đường. Dù gặp bao gian truân nguy hiểm, bị lao tù, đòn vọt, phải vất vả nhọc nhằn, bị đói khát... (x. 2Cr 11,23), máu đã đổ, đầu đã rơi, nhưng không gì có thể tách họ ra khỏi tình yêu của Đức Kitô (x. Rm 8,35).
Tuy nhiên, lịch sử Giáo Hội cũng không ít lần chứng kiến những đổ vỡ đau thương, những nhiệt tình vô lối khiến tin vui trở thành tin buồn và khuôn mặt nhân ái của Thầy Chí Thánh bị méo mó, biến dạng, như ĐGH Biển Đức XVI đã khẳng định: “Sứ mạng rao giảng Phúc Âm nếu không được định hướng bởi lòng mến, không phát sinh từ một hành động sâu xa của tình yêu thần thiêng, thì chỉ còn là một hành vi xã hội không hơn không kém” (Sứ điệp Truyền giáo 2006). Hơn thế nữa, niềm vui Phúc Âm là điều chúng ta phải trải nghiệm cách cụ thể. Sẽ chẳng bao giờ có được niềm vui ấy, nếu chúng ta không biết xả thân và trao ban (x. Evangelii Gaudium).
Từ những xác tín trên, chúng tôi, những nhà đào tạo linh mục, ý thức sẽ luôn gắn bó với Thập giá của Đức Giêsu như Đức Maria và các thánh Tử Đạo Việt Nam. Nhờ thế, chúng tôi mới có đủ sức mạnh thiêng liêng để có thể chu toàn nhiệm vụ khó khăn là đào tạo cho Giáo Hội Việt Nam những linh mục thánh thiện, luôn sẵn sàng ra đi loan báo Phúc Âm, bằng một nhiệt tình mới, với một phương thức mới và một cách diễn đạt mới trong bối cảnh toàn cầu hoá và đa nguyên hôm nay.
 
Ban Thư Ký Khóa Thường Huấn 2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét