label

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

THƯ MỤC VỤ THÁNG 9

THƯ MỤC VỤ THÁNG 9
MÔI SINH - LÒNG THƯƠNG XÓT – VÀ TÂN PHÚC ÂM HÓA XÃ HỘI
VẤN ĐỀ MẤT DẦN ĐA DẠNG SINH HỌC
***
Anh chị em thân mến,
Chúng tôi xin gửi đến cộng đoàn dân Chúa thư mục vụ tháng 9 với chủ đề “Môi Sinh -  Lòng Thương Xót và Tân Phúc Âm Hóa Xã Hội – Vấn đề mất dần đa dạng sinh học”
Thông điệp “Chăn Sóc Ngôi Nhà Chung – Laudato Si’” của Đức Thánh Cha Phanxicô trong các số từ 32 đến 42 đề cập đến Đánh mất sự đa dạng sinh học. Theo đó, việc mất mát rừng rậm và thảo mộc trên thế giới sẽ đưa đến việc làm mất các giống loài thực vật và động vật, kể cả các cây nấm, tảo, các con sâu, côn trùng, rắn rít và biết bao nhiêu loại vi sinh (số 32).  Cũng vậy, các đại dương, ao hồ, sông rạch, các đầm lầy ngập nước… chứa đựng nguồn phong phú các sinh vật (số 40, 41). Tất cả chúng rất cần thiết cho hoạt động tốt của hệ thống sinh thái (số 34). Những loài này có thể là những nguồn quan trọng nhất, để nuôi dưỡng con người, cũng còn để chữa lành bệnh tật và còn cho nhiều phục vụ đa dạng khác (số 32). Do sự can thiệp của con người mả chúng bị tiêu diệt (số 34, 35). Như vậy, vì lỗi lầm của con người, mà hàng ngàn giống loài không còn tôn vinh Thiên Chúa, và cũng không trao lại cho chúng ta sứ điệp từ sự hiện diện của chúng trong thế giới này (số 33). Và Đức Thánh Cha hô hào: “Cần phải đầu tư nhiều để có thể hiểu việc gìn giữ hệ thống sinh thái tốt đẹp hơn và phân tích hiệu quả những thay đổi quan trọng của môi trường. Vì tất cả tạo vật đều liên kết với nhau, cần phải đánh giá chúng với tình yêu và thán phục, và tất cả như những hữu thể mà chúng ta đều cần đến. Mỗi mảnh đất đều có một tránh nhiệm phải chăm sóc cho gia đình này. Vậy cần phải lo lắng để gìn giữ các giống loài mà chúng đang cho trú ngụ, phải triển khai một chương trình và chiến thuật để chăm sóc đặc biệt các giống loài, đang trong tình trạng bị hũy hoại” (số 42).
 
Riêng tại Việt Nam, cụ thể là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, theo nghiên cứu của các chuyên gia, nhìn chung, sự mất mát và sự suy giảm đa dạng sinh học có thể do bởi 3 nhóm nguyên nhân cơ bản sau đây: Một là sự suy giảm và sự mất đi nơi sinh sống của các sinh vật, có thể do các hoạt động của con người như sự chặt phá rừng, chuyển đổi đất sử dụng, khai thác huỷ diệt thuỷ sản..., các yếu tố tự nhiên như bão, lốc, dịch bệnh, sâu bệnh. Hai là sự khai thác quá mức thiên nhiên. Do áp lực tăng dân số, sự nghèo khổ đã thúc đẩy sự khai thác quá mức tài nguyên sinh vật và làm giảm đa dạng sinh học. Thêm nữa, một số phương thức khai thác có tính huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản như dùng hoá chất, dùng điện, dùng thuốc nổ để săn bắt thủy sản. Ba là sự ô nhiễm môi trường. Một số hệ sinh thái đất ngập nước bị ô nhiễm bởi các chất thải công nghiệp, phân bón trong nông nghiệp, chất thải đô thị…. 
 
Kết quả là sự đa dạng sinh thái tại vùng đồng bằng sông Cửu Long bị suy giảm trầm trọng. Một vài điển hình cụ thể:
Vùng ĐNN Đồng Tháp Mười với diện tích khoảng 697.000 mẫu tây cách đây khoảng 300 năm là vùng đầm lầy hoang hóa mênh mông với lau, sậy, lăn, sen, súng và tràm. Cho đến nay, vùng Đồng Tháp Mười đã có 625.000 ha ruộng lúa. Việc tăng diện tích trồng lúa đồng thời với việc sản xuất tăng vụ (3 vụ lúa) đã ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đển diện tích và môi trường sinh sống của nhiều loài thủy sinh vật tự nhiên, đặc biệt là các nhóm cá bản địa như cá lóc, cá rô đồng, cá trê, lươn, cá thát lát...
 
Sự kiện cháy rừng vào năm 2002 tại vườn Quốc gia U Minh Thượng khoảng 4.000 ha, rừng U Minh Hạ bị cháy khoảng 300 ha. Tại U Minh Thượng, trước khi bị cháy rừng đã thống kê được 32 loài thú; sau khi bị cháy, ít nhất có 25 loài thú bị ảnh hưởng với các mức độ khác nhau. Trước khi bị cháy, tại vườn Quốc gia U Minh thượng có 94 loài chim; sau vụ cháy rừng, chỉ còn 76 loài chim. 
Trong bối cảnh này, giáo phận học hỏi nền tu đức môi sinh từ lời giáo huấn của Đức Thánh Cha trong thông điệp “Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung – Laudato Si’”. 3 ý tưởng chính trong nền tu đức môi sinh này là:
1)      Con người có trách nhiệm với đồng loại, và cũng có trách nhiệm với các sinh vật khác:  “Khi anh chị em thấy lừa hay bò của người anh em mình ngã trên đường, thì đừng bỏ mặc làm ngơ, nhưng phải giúp người anh em đỡ chúng dậy…Nếu trên đường, anh chị em gặp một tổ chim, ở trên bất cứ cây nào hay ở dưới đất, trong đó có chim con hoặc trứng, và chim mẹ đang ủ chim con hay ấp trứng, thì anh chị em không được bắt cả mẹ lẫn con” (Đnl 22,4.6) (số 68).
2)      Trong khi tham dự vào sự quan phòng của Thiên Chúa chăm sóc thiên nhiên, con người phải tôn trọng bản chất tự nhiên của từng sinh vật. Quyển Giáo Lý nói: “Mỗi tạo vật đều có sự thiện và toàn vẹn riêng của mình. Các thụ tạo khác nhau phản ánh ngay trong sự hiện hữu riêng mình như Thiên Chúa muốn, mỗi thứ một cách, ánh quang của sự khôn ngoan vô tận và sự thiện hảo của Thiên Chúa”(số 69).
3)      Mỗi tạo vật đều là lời mời gọi con ngưởi đọc được sứ điệp của Thiên Chúa. Việc chiêm ngắm thiên nhiên sẽ giúp chúng ta khám phá qua mỗi vật một lời giảng dạy mà Thiên Chúa muốn trao cho chúng ta. Vì thế chúng ta có thể nói : “Cận kề các mạc khải đích thực chứa đựng trong Thánh Kinh, vẫn có một biểu lộ thần linh trong mặt trời chiếu sáng cũng như lúc chiều rơi” (số 85).
 
Một cách cụ thể đi vào thực hành, xin được đưa ra những đề xuất sau đây:
 
1)      Giáo dục trong cộng đoàn để mọi người ý thức trách nhiệm bảo vệ và chăm sóc động vật, đặc biệt là gia súc. Dạy cho thiếu nhi và thanh thiếu niên tránh những hành động dã man đối với các sinh vật.
 
2)      Hô hào các gia đình trồng thêm cây xanh tại vườn, ao.., và tổ chức cho cộng đoàn trồng cây xanh hai bên đường đi và dọc kênh rạch…
 
3)      Những gia đình hay nhà xứ tại nông thôn, nên tổ chức theo mô hình VAC (vườn – ao – chuồng)
 
4)      Các nhà xứ nên có vườn sinh thái, trồng nhiều loại cây, tạo điều kiện cho chim chóc và các sinh vật tới trú ngụ
 
5) Tuân theo luật pháp và chính sách của xã hội về bảo vệ sự đa dạng sinh học tại địa phương.
 
Anh chị em thân mến,
Hiệp thông với nhau, chúng ta cùng ca vang:
Chúc tụng Chúa đi mọi công trình của Chúa,
Muôn ngàn đời hãy ca tụng suy tôn
Chúc tụng Chúa đi này kinh ngư thủy tộc
Chúc tụng Chúa đi hỡi muôn lại chim chóc
Chúc tụng Chúa đi hỡi gia súc lẫn thú rừng
Muôn ngàn đời hãy ca tụng suy tôn
Nào chúc tụng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần
Muôn ngàn đời hãy ca tụng suy tôn (Thánh Ca Daniel)
GM + Giuse Trần Văn Toản
GM + Giuse Trần Xuân Tiếu
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét