label

Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2016

ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ VỀ CHỦ NHẬT CẦU CHO VIỆC TRUYỀN GIÁO



ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ VỀ CHỦ NHẬT

CẦU CHO VIỆC TRUYỀN GIÁO

Sáng nay khi dự thánh lễ chủ nhật cầu cho việc truyền giáo tại giáo xứ Cần Xây, trong bài giảng cha phó có kể một câu chuyện: Bà kia có một cô con dâu rất ngoan hiền dễ thương, đẹp người đẹp nết chỉ có điều là chưa theo đạo công giáo. Gia đình bên chồng cố gắng thuyết phục cô theo đạo, nhưng cô trả lời Đạo Công Giáo có gì hơn đạo Phật đâu? Con thấy mẹ cũng cho vay ăn lời cắt cổ, ai chưa trả là mẹ chửi thấy ông bà ông vải luôn.

 Câu chuyện trên đây đã để lại cho mọi người kitô hữu chúng ta một bài học hết sức thâm thuý, đặc biệt trong ngày cử hành lễ truyền giáo hôm nay. Nhiều khi vì những việc làm, lời nói vô tình hay cố ý của chúng ta làm rào cản, ngăn người khác đến với Chúa và Giáo hội. Thực vậy, có biết bao gia đình theo đạo mà không sống đạo đôi khi họ sống còn tệ hơn những người thuộc tôn giáo khác. Họ sống chẳng khác một người lương dân cũng phá thai, cũng số đề, bói toán, cũng cầu cơ, cũng ly dị. Gia đình bất hòa, vợ chồng không tôn trọng nhau, con cái không nghe lời cha mẹ, chửi thề, nhậu nhẹt bê tha, chúa tể là cái bụng. Cuộc sống như hòn đảo chẳng quan tâm tới ai, trong giáo xứ có người đau ốm, tang chế, họ cũng chẳng cần tới thăm hỏi, đọc kinh và thậm chí có nhiều người chẳng bao giờ đi lễ vậy thì họ truyền giáo cho ai? Trong khi gần chúng ta đây, những người đạo Hòa Hảo họ đang sống bác ái giúp đỡ những người khốn khổ, bần cùng, bệnh hoạn từ tiền bạc đến xe cộ chuyển bệnh, cơm nước nuôi bệnh nhân…Ai sẽ là tấm gương truyền giáo? Muốn truyền giáo được chúng ta phải làm gương cho họ thấy à người Công Giáo họ tốt quá, yêu thương giúp đỡ nhau, đạo đức quá… Vấn đề này đã được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đề cập đến trong tông thư Tiến tới thiên niên kỷ thứ ba rằng : “Sở dĩ thế giới không nhận ra Đức Kitô nơi Giáo Hội và nơi mọi người Kitô hữu vì hai lý do : Một là vì Giáo Hội không biểu lộ được Đức Kitô ở trong mình ra cho thế giới; hai là vì Giáo Hội chưa sống với Đức Kitô như là một người của Thiên Chúa để làm cho thế giới cảm nghiệm được sự sống dồi dào của Chúa Giêsu, sức thánh hoá mãnh liệt của Chúa Thánh Thần và nhất là tình yêu vĩnh cửu của Chúa Cha, qua Giáo Hội”. Ngài nói tiếp: “Thái độ lãnh đạm tôn giáo, một thái độ khiến nhiều người sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu hay sống một cuộc sống mờ nhạt không đẩy được họ tới đối diện với vấn đề chân lý”. 

Đừng nghĩ rằng công việc truyền giáo là của Giám mục, Linh mục, Tu sĩ hay nói chung là của nhưng người đi tu. Là Kitô hữu thì phải làm chứng, không làm chứng là phản chứng, làm chứng là một trong những cách thế truyền giáo hữu hiệu nhất, đặc biệt trong thời đại chúng ta hôm nay. Trước khi rao giảng bằng lời nói hãy rao giảng bằng đời sống. Người giáo dân trong giáo xứ hãy xây dựng một nếp sống lành mạnh trong khu xóm, loại trừ mọi tệ đoan, tật xấu. Đặc biệt hãy nêu gương bằng tôn trọng sự sống, tôn trọng phẩm giá con người, sống theo lương tâm ngay thẳng làm chứng về sự hiện diện của nước Thiên Chúa, Nước đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và bình an. Cũng nêu gương về đời sống hiệp nhất yêu thương. Tổ chức các hội đoàn, thăm hỏi ốm đau, thăm hỏi ma chay, đọc kinh cho người ốm, người chết. Dậy dỗ con cái sống đạo, kính trên nhường dưới, lễ phép trong lời nói và cử chỉ…Không có lời rao giảng nào có sức thuyết phục bằng sự hiệp nhất yêu thương trong gia đình, trong giáo xứ, trong giáo phận, như lời Chúa nói: Chính nơi điều này mà mọi người sẽ biết anh em là môn đệ của Thầy: Ấy là anh em thương yêu nhau ( Thư mục năm 2003 của HĐGMVN).

Nhìn vào thực tế, suốt hai ngàn năm qua, Giáo Hội luôn nỗ lực truyền giáo, từ con số Mười Hai lớn dần tới hơn một tỉ người. Tuy nhiên, so với dân s trên thế giới thì con số đó chưa thấm vào đâu, chỉ chiếm khoảng 17%. Đặc biệt ở Việt Nam chúng ta con số đó lại càng ít, số giáo dân chỉ chiếm gần 8% dân số toàn quốc. Thế mà số người trở lại hàng năm thật ít ỏi. Theo niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam năm 2015 cho biết: Năm 2013 cả Giáo hội Viêt Nam với 6.606 495 giáo dân, với 29.152 Giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh mà chỉ có 41.395 người lớn trở lại đạo. Như vậy, mỗi giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh bình quân một năm chỉ lôi kéo được hơn một người theo Đức Kitô. Đó là chưa nói đến những người bỏ đạo hay từ Công giáo theo các tôn giáo khác. Hơn nữa, hầu hết những người trở lại đạo ấy chỉ để lấy vợ lấy chồng. Riêng tại Cần xây càng phải suy nghĩ hơn, chung quanh ta lương dân rất nhiều, họ dần sống trên dọc đường quốc lộ 91 thuộc giáo xứ Cần Xây nơi mà trước kia các gia đình Công Giáo sống. Vì thế chúng ta càng phải làm gương, làm chứng tá và trụ lại những vị trí gần nhà thờ để cng đoàn giáo xứ ngày càng lớn mạnh. Có như thế chúng ta mới có sức lan tỏa và công cuộc truyền giáo mới đạt hiệu quả tốt. Cầu chúc mọi người luôn là ngọn đuốc sáng chiếu tỏa ánh sáng đức tin đến những người lương dân chung quanh chúng ta.
                                                                    Thiên Sinh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét