label

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2016

BỐN ĐẶC NÉT TRONG CÁC BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ

BỐN ĐẶC NÉT TRONG CÁC BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ
 
Ông Pietro Grasso, chủ tịch Thượng viện Ý cho biết một sự thay đổi tận căn của Giáo hội đang tiến hành. Ông nêu lên bốn đặc nét trong các bài giảng của Đức Phanxicô.
 
Một ngôn ngữ “đơn giản, giàu hình ảnh, tác động lên đời sống hàng ngày” của nhiều người, một ngôn ngữ nhắm đến một sự “thay đổi tận căn” của Giáo hội: đó là các đặc nét trong cách truyền thông của Đức Phanxicô dưới cái nhìn của ông Pietro Grasso, chủ tịch Thượng viện Ý.
Ngày 16-6-2014, một hội nghị bàn tròn đã được tổ chức ở tòa báo của Dòng Tên, tờ Civilta cattolica, chung quanh tác phẩm của linh mục giám đốc tờ báo, cha Antonio Spadaro, sj, «Đức Phanxicô. Sự thật của một cuộc gặp gỡ. Các bài giảng ở Nhà nguyện Thánh Mácta” (“Papa Francesco. La verità è un incontro. Omelie da Santa Marta”) được nhà xuất bản Rizzoli xuất bản bằng tiếng Ý.
Các nhân vật tham dự gồm có: Pietro Grasso, chủ tịch Thượng viện Ý, Monica Maggioni, nữ giám đốc Đài Truyền hình RaiNews và linh mục  Federico Lombardi, sj, giám đốc Văn phòng báo chí Tòa Thánh.
Lời nói đi thẳng vào lòng người
Trong một nhận xét về các lời tuyên bố trước công chúng của Đức Phanxicô, ông Pietro Grasso đã nhấn mạnh đến bốn khía cạnh.
Trước hết là khía cạnh phong cách: “giáo hoàng thích những câu có phối hợp, ngắn gọn, thiết yếu. Ngài cảm nhận sự cấp thiết của truyền thông, phải được hiểu, phải lay động cử tọa”. Nhưng sự đơn giản trong ngôn ngữ của ngài “không phải là sự đơn giản của lý luận: nó đi thẳng vào trọng tâm các vấn đề, mang đến trên bề mặt những gì thật thâm sâu”, ông nhận xét.
Khía cạnh thứ hai là ngài “dùng các biểu tượng, các hình ảnh” có một “sức mạnh biểu tượng không thể tưởng tượng được”: một ngôn ngữ thích ứng với trí tưởng tượng “về thị giác” hiện nay.
Khía cạnh thứ ba:  Đức giáo hoàng chọn các “chủ đề có tính thời sự lớn”, như “cái đẹp, sự thật, công chính để chống với nạn mafia”. Nhưng ngài cũng chọn đề tài “hòa bình, đối thoại, dịu dàng, lòng thương xót, quan tâm đến đau khổ và nghèo khó”, đối diện với “nạn văn hóa vứt bỏ”.
Cuối cùng, khía cạnh thứ tư là khía cạnh hữu hình của ngôn ngữ, không những bằng lời mà còn bằng “cử chỉ của một tấm lòng đón nhận và cởi mở”. Đức Phanxicô là một “giáo hoàng làm cho lòng người xúc động, ngài vuốt ve, nghiêng mình và ôm hôn”, ông Pietro Grasso nói tiếp.
Giữa các chủ đề Đức Phanxicô thường hay nói, ông chủ tịch Thượng viện nhấn mạnh đến đề tài tham nhũng, ghi nhận sự khác biệt về các lời của Đức Phanxicô và lời của các chính trị gia: các chính trị gia có một “ngôn ngữ khép kín, cường điệu khoa trương, những slô-gan trống rỗng, không triển khai mà chỉ quy về mình” và cuối cùng là “xa dân”. Ngược lại, “dân chúng hiểu ngay lập tức trọng tâm lý luận của Đức Phanxicô”.
Cũng vậy, về cách chọn các đề tài, các chủ đề của Đức Phanxicô là các chủ đề nói về “đời sống hàng ngày, các chủ đề gần với dân chúng, chứng tỏ có sự quan tâm đến các nhu cầu thật sự của dân chúng”. Các chính trị gia có thể “đưa ra các phân tích” nhưng không có cảm nhận của “người đã sống kinh nghiệm đó, không đặt mình vào địa vị người nghe”: họ không biết “hương vị và sự thiếu tiện nghi của biên giới, chỉ biết môi trường khử trùng của phòng thí nghiệm”.
Một thay đổi đang tiến hành
Pietro Grasso ca ngợi sự nhanh chóng trong việc thay đổi Giáo hội kể từ ngày Đức Phanxicô được bầu chọn vào tháng 3, 2013: “Chỉ trong vài tháng, ngài đã lật ngược các truyền thống, bứt phá các rào cản, làm mới lại ngôn ngữ, phủi bụi thói quan liêu, cùng một lúc cổ động tinh thần làm việc đồng đội… Sứ điệp của ngài rõ và mạnh: chúng ta không được để các nguyên tắc và giá trị của tôn giáo chỉ giới hạn trong lời cầu nguyện và trong nguyện ngắm, nhịp sống hàng ngày của chúng ta phải được xây dựng trên sự đón tiếp, vào lòng tin tưởng, hy vọng và tình đoàn kết.”
Trích lời của linh mục Spadaro, ông Pietro Grasso mô tả Đức Phanxicô như “người lên võ đài, nơi mình phải chiến đấu, phải theo luật chơi – biết nhận định – không sợ phải chiến đấu với chính mình để thực hiện điều không tưởng của việc thay đổi”, một việc “cấp bách”.
Ông nêu lên phẩm chất của nhiều cấu trúc trong ngôn ngữ của Đức Phanxicô: “nguôn gốc Châu Mỹ La Tinh, được đào tạo theo truyền thống Dòng Tên, có đức tính cởi mở, hiểu được nhu cầu phải tiếp xúc với cộng đoàn, chọn lựa các chủ đề có tính thời sự cấp bách, có khả năng làm cho người nghe hiểu mình qua các hình ảnh đơn giản nhưng mang tính biểu tượng cao, tất cả phối hợp trong khả năng mang tính bản năng khi dùng các hình thức và khí cụ truyền thông để đi thẳng vào lòng giáo dân”.
Ông Grasso kết luận, “Tất cả những điều này không quy riêng về ngài nhưng để phục vụ cho một chương trình hoạch định cải cách có tầm sâu cho Giáo hội: một thay đổi tận căn về mặt chính trị và thiêng liêng mà truyền thông là một trụ cột nền tảng và cần thiết.”
Nguyễn Tùng Lâm dịch
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét