Đức Hồng Y Phê-rô Nguyễn Văn Nhơn trả lời phỏng vấn nhân dịp kỷ niệm ngân khánh giám mục của ngài
Đức
Hồng Y Phê-rô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội,
sinh tại Đà Lạt năm 1938. Ngài thụ phong Linh mục tại Đà Lạt ngày
21-12-1967. Cũng tại đây ngài thụ phong Giám mục ngày 03-12-1991 cho
giáo phận Đà Lạt. Ngày 22-4-2010 Tòa Thánh bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám
Mục Phó Tổng Giáo Phận Hà Nội và từ ngày 13-05-2010 ngài là Tổng Giám
Mục Tổng Giáo Phận này. Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã phong Hồng Y cho
ngài năm 2015.
Ban
Truyền thông Tổng Giáo phận Hà Nội đã có cuộc phỏng vấn Đức Hồng Y tại
Tòa Tổng Giám mục Hà Nội hôm 30 tháng 11, nhân dịp kỷ niệm ngân khánh
giám mục của ngài ngày 3 tháng 12 năm 2016. Dưới đây là nội dung của
cuộc phỏng vấn:
-
Kính thưa Đức Hồng Y, chúng con rất vui mừng được cùng chia sẻ với Đức
Hồng Y trong dịp mừng ngân khánh ngày hồng phúc lãnh nhận chức giám mục.
Chúng con xin được chúc mừng Đức Hồng Y.
Thưa
Đức Hồng Y, chắc hẳn trong dịp này, những kỷ niệm 25 năm về trước đang
ùa về với Đức Hồng Y. Chúng con xin Đức Hồng Y chia sẻ cho chúng con một
chút những kỷ niệm đẹp ấy được không ạ !
- Đức Hồng Y:
Nói
về kỷ niệm của 25 năm giám mục thì có rất nhiều kỷ niệm. Có những kỷ
niệm không thể nào quên được. Một trong những kỷ niệm đó là một kỷ niệm
vào chính dịp phong chức giám mục cho tôi, ngày 3 tháng 12 năm 1991 tại
nhà thờ Chính tòa Đà Lạt.
Vì
nhà thờ Chính tòa Đà Lạt chưa bao giờ có một lễ lọng trọng như vậy, vì
ban tổ chức tiên liệu các Đức Giám mục sẽ về, cũng như các linh mục, tu
sỹ trong toàn giáo phận và số đông giáo dân sẽ hiện diện, nên việc tìm
một địa điểm để tổ chức ngày lễ thật là khó. Sau khi có sự trao đổi với
chính quyền, thì đi đến sự đồng ý là tổ chức ở sân vận động. Thi hành kế
hoạch đó, anh em giáo dân đã rất nhiệt tình dựng khán đài, làm bãi đỗ
xe, và nhiều thứ khác. Mọi sự coi như đã sẵn sàng. Nhưng khi chỉ còn 2
ngày nữa thì được biết giấy phép cho việc tổ chức đó đã bị rút lại mà
không biết rõ lý do. Chỉ biết là mình phải thi hành. Đối với nhiều
người, điều đó khiến họ rất hụt hẫng, lo lắng. Nhưng riêng đối với cá
nhân tôi thì đó lại là một tin vui.
Nó
là một tin vui vì việc tổ chức ở sân vận động là chuyện cực chẳng đã.
Bây giờ phải về lại nhà thờ Chính tòa, đối với ban tổ chức là rất khó
khăn. Nhưng đối với tôi đó là một hồng ân.
Dù
sao đi nữa thì tôi cũng là đứa con của giáo xứ Chính tòa Đà Lạt. Tôi
được sinh ra, được rửa tội, được thêm sức, được chịu chức linh mục, và
giờ đây tôi chịu chức giám mục ở chính nơi mà tôi đã đón nhận tất cả
những hồng ân đó. Cũng chính nới đó, hai Đức cha phụ phong đều là thầy
của tôi: Đức cha Nicola Huỳnh Văn Nghi và Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa,
trước là cha phó của nhà thờ Chính Tòa Đà Lạt. Hai cha phụ tá cho tôi
cũng là hai người con của giáo xứ Chính Tòa mà nay là Đức Tổng Phao-lô,
Tổng Giáo phận Sài Gòn và Đức Cha Giuse, Giáo phận Nha Trang.
Tôi
cứ nghĩ rằng, nếu mọi sự đã diễn ra như người ta đã chuẩn bị, thì chắc
là tôi sẽ cảm thấy buồn khi người ta hỏi tôi là chịu chức ở đâu, và tôi
phải trả lời là: chịu chức ở sân vận động. Còn ngược lại, tôi đã được
đưa về chính nơi mà biết bao nhiêu kỷ niệm luôn vây quanh lấy mình. Bây
giờ nhắc lại những biến cố long trọng nhất của cuộc đời tôi thì nó đều
nằm ở nơi đó.
Cho
nên tôi nhìn sự di rời như vậy là một hồng ân, một sự quan phòng. Điều
đó tôi không bao giờ quên. Cám ơn Chúa và cám ơn tất cả mọi người.
Kỷ niệm đó cũng là một điều thúc đẩy tôi luôn luôn phải tin vào sự quan phòng của Chúa, dù biến cố đó có sảy ra thế nào đi nữa.
-
Con thưa Đức Hồng Y, chúng con được biết là chỉ một năm nữa Đức Hồng Y
đã tròn 50 năm linh mục. Với gần 50 năm trong sứ vụ linh mục và 25 năm
trong sứ vụ giám mục, chắc hẳn ngần ấy thời gian Đức Hồng Y đã có rất
nhiều những thăng trầm. Vậy xin Đức Hồng Y có thể chia sẻ cho chúng con
những bí quyết để mình luôn giữ vững lòng trung thành với ơn gọi của
mình không ạ!
- Đức Hồng Y:
Nói
về bí quyết thì rõ ràng tôi không có bí quyết nào cả. Vì những điều tôi
làm thì mọi người đều có thể làm được. Những ai tha thiết với ơn gọi
của mình, những ai muốn thăng tiến trong đời sống thiêng liêng của mình
thì cũng buộc phải làm những điều đó. Cho nên đây không phải là một bí
quyết, mà nó chỉ là đời sống bình thường. Tuy nhiên mình phải tin. Chính
vì mình tin vào những điều bình thường ấy thì mình mới có thể thực hiện
được. Vậy đó là điều gì? Chúng ta được nhắc đi nhắc lại hàng trăm hàng
ngàn lần là: Ai yêu mến Ta thì tuân giữ lời của Ta. Khi nào chúng ta
lắng nghe Lời Chúa và chúng ta thi hành Lời Chúa thì những điều chúng ta
làm luôn luôn là điều tốt đẹp.
Tôi
thường nghĩ đơn sơ: Mỗi lần nói về Lời Chúa thì tức khắc tôi hiểu ngay
Lời đó không phải là lời nói ra từ cửa miệng nhưng là Ngôi Lời nhập thể.
Nghĩa là chúng ta thấy những lời Kinh thánh mà chúng ta đọc là chính
Chúa Giê-su hiện diện. Ngài nói với chúng ta như Ngài đã nói với các
Tông đồ. Và nếu Ngài nói với tôi thì Ngài muốn rằng những điều mà Ngài
nói đó là dành riêng cho tôi, trong hoàn cảnh của tôi, trong tâm trạng
của tôi, trong khó khăn của tôi, trong cái bối rối của tôi, trong sự
chọn lựa của tôi. Thì giờ đây Ngài nói những lời đó và tôi đã nghe. Cho
nên tôi cầu nguyện để làm sao mình thực hiện được những điều đó.
Tôi
lấy một ví dụ: Trong cuộc đời mình có nhiều chọn lựa mà nhiều khi không
biết là chọn lựa như thế nào. Mình không biết phải nên nghe ai. Có một
lần, tôi nhớ vào năm 1959, vào khoảng tháng Hai, Đức Hồng Y Agagianian,
Đặc sứ của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII qua Việt Nam để cử hành năm Thánh
Mẫu. Ngài có lên Đà Lạt và đến thăm Giáo Hoàng Chủng Viện. Trong phòng
khánh thiết để đón Đức Hồng Y có một hàng chữ rất lớn bằng tiếng Latinh:
Obedientia et Pax – Vâng lời và bình an. Và mấy mươi năm qua, khi nào
mà tôi gặp phải những cái mà tôi phải chọn lựa thì tôi luôn luôn nhớ câu
đó: Vâng lời thì được bình an.
Khi
tôi chịu chức giám mục thì cũng cần phải có một định hướng hay một ước
mơ, hay một quyết tâm, một châm ngôn cho đời mình. Thì tôi đã chọn:
“Ngài phải lớn lên”. Và mình phải hiểu tức khắc: tôi phải nhỏ lại. Tôi
thấy rằng, trong cuộc đời có biết bao nhiêu cơ hội để cho chúng ta thực
hiện điều đó. Khi chúng ta thực hiện điều đó, thì chúng ta phải tin rằng
đó là Lời Chúa; đó chính là Ngôi Lời nhập thể đã nói với tôi; và đó là
điều mà tôi phải tin tưởng vì nó là chân lý, là con đường, là sự sống.
Khi tôi làm theo điều đó, chẳng những đúng mà tôi còn có sức mạnh của
Chúa Thánh Thần. Nhờ chúng ta quen với Lời Chúa, cho nên mỗi lần có biến
cố gì thì tức khắc Lời thích hợp xuất hiện trong đầu mình. Khi ấy ta
hãy cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con thi hành Lời Chúa. Tôi nghĩ rằng,
cũng như bao người, nếu chúng ta nói yêu mến Chúa thì chúng ta lắng nghe
Lời Chúa và đem ra thi hành. Khi ấy mọi sự sẽ tốt đẹp.
-
Chúng con cám ơn Đức Hồng Y đã chia sẻ cho chúng con những trải nghiệm
rất quý báu này. Nhưng thưa Đức Hồng Y, chúng con e là anh chị em giáo
dân lại ghen tị với chúng con nếu Đức Hồng Y chỉ chia sẻ kinh nghiệm cho
những người đi tu. Xin Đức Hồng Y chia sẻ chút tâm tình với anh chị em
giáo dân về thời gian hồng phúc này của Đức Hồng Y được không ạ !
- Đức Hồng Y:
Thực sự tôi không làm được việc gì nổi bật cho giáo dân và tôi cũng rất tiếc về điều đó.
Ngay
cả khi tôi mới được làm giám mục năm 1991, thì qua năm 1992 lần đầu
tiên tôi tham dự Hội nghị thường niên của các giám mục. Năm đó là năm
bầu Ban thường vụ. Thời đó Ban thường vụ mới chỉ có 3 Ủy ban: Ủy ban
Phụng vụ, Ủy ban Giáo dân, và Ủy ban thứ ba tôi không nhớ rõ lắm. Bây
giờ đã lên tới 17 Ủy ban. Thì khi đó tôi được chọn là chủ tịch Ủy ban
Giáo dân mà tôi có làm được gì đâu. Cho nên tôi vẫn tiếc.
Tuy
nhiên tôi cũng cám ơn Chúa đã bù trừ cho tôi. Nhờ làm giám mục mà tôi
có cơ hội đặc biệt để nghĩ đến anh chị em giáo dân, để có thể phục vụ
họ.
Trước
hết, nếu tôi không làm giám mục thì tôi cũng yêu mến người Thượng. Khi
tôi làm linh mục thì tôi cũng thường đưa các thày vào trong các làng
Thượng để làm công tác xã hội. Nhưng nó cũng chỉ dừng lại ở đó thôi. Khi
làm giám mục, tôi vẫn nhớ bài cám ơn của tôi sau lễ phong chức, tôi xin
mọi người cầu nguyện cho tôi 3 điều: cho tôi được phục vụ giới trẻ, cho
tôi được phục vụ người kinh tế mới, và cho tôi được phục vụ anh chị em
dân tộc. Ước mong đó nó được kéo dài cho tới ngày nay. 25 năm đối với
tôi, anh chị em dân tộc thực sự là anh chị em của tôi. Tôi không bao giờ
có thể quên và tôi cảm nghiệm được rằng: tôi là người cha của họ. Và họ
cũng cảm thấy tôi là người cha của họ. Đó là một kinh nghiệm vô cùng
quý báu mà nếu không làm giám mục thì tôi không có điều đó.
Điều
thứ hai là vào cuối cuộc đời của tôi. Với một sự quan phòng mầu nhiệm,
Chúa đã gửi tôi ra phục vụ Giáo hội miền Bắc. Nếu tôi không làm giám mục
thì giáo hội miền Bắc đối với tôi là một giáo hội gần như tôi không
biết gì hết. Mà nếu mình không biết thì làm sao mình yêu mến; mà mình
không yêu mến thì làm sao mình phục vụ được.
Tôi
không dám nói là ngày nay tôi đã biết giáo hội miền Bắc, hay là tôi đã
thật lòng yêu mến và phục vụ. Nhưng rõ ràng, trong những năm qua tôi đã
học hỏi rất nhiều; tôi cũng đã tiếp xúc khá nhiều; tôi cũng đã phục vụ
khá nhiều; và tôi cảm thấy mình có sự kính phục, có lòng yêu mến, có sự
tin tưởng vào giáo hội miền Bắc. Giáo hội miền Bắc và giáo hội miền Nam
cũng chỉ là một giáo hội của Đức Ki-tô ở hai miền bổ túc cho nhau, giúp
đỡ cho nhau. Do đó, tôi thấy Giáo hội Việt Nam thật là đẹp. Tôi cám ơn
Chúa đã cho tôi có những trải nghiệm đó.
-
Dạ vâng, chúng con rất hãnh diện và vui mừng về dịp hồng phúc này của
Đức Hồng Y. Chúng con xin được hiệp ý với Đức Hồng Y trong những ngày
này để tạ ơn Thiên Chúa. Chắc chắn hồng ân mà Đức Hồng Y đã đón nhận
cũng có phần của chúng con trong đó. Bởi vì Chúa đã gửi đến cho chúng
con rất rất nhiều quà qua bàn tay của Đức Hồng Y.
Một lần nữa chúng con xin được chúc mừng Đức Hồng Y. Chúng con trân thành cảm ơn Đức Hồng Y đã chia sẻ với chúng con.
- Đức Hồng Y: Nhớ tiếp tục cầu nguyện cho tôi.
(WTGP.Hà Nội 02.12.2016)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét