Chân dung linh mục qua hình ảnh Đức giáo hoàng Phanxicô
Chúa nhật IV Phục Sinh được gọi
là Chúa nhật Chúa chăn chiên lành và là Ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu. Dĩ
nhiên là cầu nguyện cho có nhiều bạn trẻ nhiệt tình và quảng đại đáp lại tiếng
gọi của Chúa để dấn thân trong đời sống linh mục và tu sĩ, nhưng đừng quên còn
phải cầu nguyện cho chính các linh mục, để họ sống đúng với ơn gọi cao quý Chúa
đã ban và trở thành những mục tử như lòng Chúa ước mong.
Đức giáo hoàng Phanxicô mới thi
hành thừa tác vụ thánh Phêrô được một tháng nhưng đã để lại nhiều dấu ấn
đặc biệt nơi lòng người. Qua hình ảnh của ngài, có thể thấy được những nét đẹp
trong chân dung linh mục mà Dân Chúa ước mong. Cha Roger Landry, bình luận viên
của cơ quan thông tấn EWTN về Mật nghị hồng y 2013, đã tóm tắt những nét chính
trong chân dung linh mục qua hình ảnh Đức giáo hoàng Phanxicô.
Trước hết là sự đơn giản
trong đời sống linh mục. Dù các linh mục giáo phận không có lời khấn khó nghèo,
nhưng các ngài được kêu gọi sống đời giản dị. Đáng tiếc là nhiều khi, người tín
hữu không cảm nhận được điều này khi thấy hàng giáo sĩ đi những loại xe đắt
tiền, ra vào những nhà hàng sang trọng, và nhà ở của linh mục đầy những thiết bị
xa hoa. Lối sống của Đức giáo hoàng Phanxicô khi là hồng y ở Buenos Aires chắc hẳn là lời mời gọi các linh
mục xét lại cách sống của mình: ngài ở trong một căn hộ nhỏ thay vì ở dinh thự
giám mục, sử dụng phương tiện công cộng thay vì đi xe hơi với tài xế riêng.
Thứ hai, trong suốt thời
gian làm Tổng giám mục Buenos Aires,
ngài phê phán mạnh mẽ những linh mục có lối sống “hai mặt”. Năm
2010, trong cuốn El Jesuita, cuốn sách hình thành từ những cuộc phỏng
vấn, khi được hỏi về câu nói quen thuộc của một số tín hữu: “Tôi tin Chúa nhưng
tôi không tin các linh mục”, Đức hồng y Bergoglio đã thẳng thắn trả lời: “Nhiều
linh mục sống không xứng với lòng tin của các tín hữu”. Ngài muốn thay đổi điều
đó bằng cách kêu gọi, giúp đỡ, đòi hỏi các linh mục sống đúng với căn tính của
mình.
Gắn liền với đòi hỏi trên
là sự sòng phẳng. Người ta ngỡ ngàng khi thấy Đức Tân giáo hoàng,
ngay hôm sau khi được bầu, đã ghé nhà trọ để đích thân trả tiền phòng và lấy
đồ. Không chỉ đơn giản là một cử chỉ đẹp, đó còn là dấu chỉ thực sự về quan
niệm sống bình đẳng với mọi người, không cho phép mình nhận bất cứ sự ưu đãi
nào.
Điều thứ tư là việc sử dụng
quyền bính. Như ngài đã nhấn mạnh trong bài giảng khai mạc thừa tác vụ
thánh Phêrô, quyền bính của linh mục là để phục vụ, để chăm sóc và bảo vệ con
người, cách riêng là những người nghèo, yếu đuối, bị bỏ rơi. Giống như vị Mục
tử nhân lành, linh mục phải trở thành tôi tớ chứ không phải ông chủ của người
khác. Đây là điều hoàn toàn ngược lại với quan niệm tìm kiếm địa vị và lợi lộc
trong hàng giáo sĩ.
Thứ năm, Đức giáo hoàng
Phanxicô kêu gọi các linh mục trở thành những người có lòng thương xót.
Trong cuốn El Jesuita, bất cứ khi nào có linh mục xin ngài cho lời
khuyên, ngài đều trả lời : “Hãy biết thương xót”. Châm ngôn của ngài Miserando
atque eligendo (Được chọn và được thương xót) làm nổi bật ơn gọi của chính ngài,
phát xuất từ cảm nghiệm về lòng Chúa thương xót năm 17 tuổi khi đi xưng tội vào
ngày lễ thánh Matthêu, vị tông đồ bị coi là kẻ tội lỗi công khai nhưng lại được
Chúa kêu gọi. Trong huấn từ đầu tiên khi đọc kinh Truyền Tin, ngài nhấn mạnh
rằng Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta không mệt mỏi, đó cũng là lời mời gọi các
linh mục không ngừng ban tặng lòng thương xót của Chúa cho mọi người, trong cử
hành bí tích cũng như trong đời sống hằng ngày.
Thứ sáu, ngài kêu gọi các
linh mục sống tinh thần phụng vụ đích thực. Chúng ta biết ơn Đức
Bênêđictô XVI về những cải tổ phụng vụ. Đức Phanxicô sẽ tiếp tục sự cải tổ đó. Đức
Bênêđictô XVI chịu ảnh hưởng của Romano Guardini, Đức Phanxicô cũng từng viết
luận án tiến sĩ về Romano Guardini. Tuy nhiên đối với ngài, điều quan trọng là
chiều kích nội tâm chứ không chỉ là những thay đổi bên ngoài. Chính Chúa Giêsu,
chứ không phải linh mục, mới là trung tâm của phụng vụ, linh mục phải giúp cộng
đoàn tập trung vào Chúa Giêsu hơn là vào bản thân mình. Đúng như Đức Bênêđictô
XVI nói, nếu phụng vụ chỉ là hành động của con người, là những show biểu diễn cá nhân, thì nó sẽ hết
sức nghèo nàn và không thể dẫn chúng ta vào thế giới của Thiên Chúa.
Cuối cùng, Đức giáo hoàng
Phanxicô muốn đào tạo các linh mục thành những sứ giả hăng say của
Tân Phúc Âm hóa. Trong cuốn El Jesuita,
ngài nói đến cơn cám dỗ muôn thuở của các linh mục là chỉ muốn làm nhà quản trị
thay vì là mục tử. Linh mục không thể chỉ đóng khung trong nhà xứ của mình
nhưng cần “bước ra để gặp gỡ người dân”, nhất là những con chiên lạc. Trong
thời đại mà nhiều linh mục bị nhận chìm trong công việc quản trị và bàn giấy,
ngài thúc đẩy các linh mục hãy đặt sứ vụ truyền giáo làm ưu tiên hàng đầu của
mình.
Chiêm ngắm vị giáo hoàng
được chọn làm mục tử của Giáo hội phổ quát, thiết nghĩ là cách cụ thể để
mỗi linh mục “khơi dậy ân huệ Thánh Thần” đã lãnh nhận trong ngày chịu
chức, rà soát lại đời sống của mình, để có thể sống đúng và sống đẹp theo hình
ảnh Đấng chăn chiên lành.
Thiên Triệu