HỘI THẢO QUỐC TẾ
“Đào tạo
linh mục cho lục địa Á châu:
phát triển về nhân bản một cách tích cực,
toàn diện và hiệu quả”
(06 đến
11-05-2013)
tại Đại Học Lên Trời (Assumption University), Suvarnabhumi Campus -
Thailand
1. Cuộc Hội thảo Quốc tế về chủ đề “Đào tạo linh mục cho lục địa Á
châu: phát triển về nhân bản một cách tích cực,
toàn diện và hiệu quả”, đã được Uỷ Ban Giáo Sĩ
thuộc Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC-OC) tổ chức từ 06 đến 11-05-2013, tại Đại Học Lên Trời
(Assumption University), Suvarnabhumi Campus – Thái Lan, do Dòng Các Sư Huynh Thánh Gabriel thành lập và điều
khiển.
2. Tham dự
cuộc Hội thảo có 91 tham dự viên và thuyết trình viên gồm 1 Tổng Giám
Mục (Jose Palma, Philippines); 10 Giám mục: 1 Sri Lanka (Vianney
Fernando, chủ tịch FABC-OC), 4 Ấn Độ (Salvadore Lobo, Lournada Daniel,
Ellas gonsales, Jude Arockiasamy), 2 Philippines (Sarat Chandrea Nayak, Mylo
Vergara), 1 Bangladesh (Moses Costa), 1 Indonesia
(Hilarius Nurak), 1 Thái Lan (Bosco Panya); và 80 linh mục
thuộc 10 quốc tịch: Bangladesh (4), Ấn
Độ (14),
Indonesia (10), Malaysia (5), Myanmar (1), Philippines (29), Sri Lanka (7),
Taiwan (1), Thái Lan (6), Việt Nam (13).
3. Mục đích của cuộc
Hội thảo nhằm:
– Xác định các khía cạnh tích cực của việc
đào tạo về nhân bản tại Chủng viện.
– Trang bị cho các nhà đào tạo, khi đồng
hành với chủng sinh, có điều kiện hơn để giúp các chủng sinh trở thành những
con người toàn diện về nhân bản.
– Bảo đảm Giáo hội tại châu Á có những linh
mục được thúc đẩy bởi một động lực tốt, trưởng thành về tình cảm, phát triển
tốt về nhân bản với một cảm thức mạnh mẽ dấn thân cho Giáo Hội và sứ vụ.
4. Nhằm đạt mục đích
trên, chương trình của cuộc Hội thảo đã được khai triển dựa trên 6 đề tài thuyết trình:
(1) Thần học về thân xác và ý nghĩa của
thân xác trong việc đào tạo các linh mục tương lai về nhân bản (do cha Joel
Jason, Philippines).
(2) Động lực trở thành môn đệ (linh mục
tương lai) của Chúa Kitô: các khía cạnh thiêng liêng và nhân bản của động lực
này đối chiếu với ơn gọi và đời sống linh mục (do cha Peter Lechner, s.P, Philippines).
(3) Phát triển tình cảm của chủng sinh:
xác định căn tính của mình, trưởng thành về tình cảm; những điều này ảnh hưởng
ra sao đến sứ vụ tương lai, đến đời sống linh mục và sức khỏe tâm thần của một
linh mục (do cha Mathias Selvaratnam OMI, Sri Lanka).
(4) Phát triển tình dục lành mạnh cho một
linh mục lành mạnh trong tương lai: Căn tính về giới tính, khuynh hướng về tình
dục, các hành vi về tình dục; những điều này ảnh hưởng ra sao đối với cam kết sống
độc thân cho Giáo hội và cho sứ vụ (do cha Lawrence Pinto, MSIJ, Ấn Độ).
(5) Nhận thức đúng đắn về Sứ mệnh của Giáo
Hội và ý thức vâng phục Quyền bính của Giáo hội, đối chiếu đặc biệt đến các
khía cạnh nhân bản của đức vâng lời (do cha Joy Thomas SVD, Ấn Độ).
(6) Các thủ tục lựa chọn ứng sinh linh mục
Công giáo, nhấn mạnh cụ thể về nhân bản (do cha Jaime Noel Deslate, Philippines).
5. Ý chủ đạo xuyên suốt
các đề tài thuyết trình, chính là “ân
sủng không loại trừ tự nhiên, nhưng kiện toàn tự nhiên”. Những yếu
tố tích cực của đời sống tự nhiên (thân xác, những tương quan phái
tính, những động lực nhân bản trong ơn gọi...) được lưu ý. Nói cách
khác, cuộc Hội thảo lần này đặc biệt đào sâu vấn đề đào tạo tích cực toàn diện
về nhân bản, để giúp chủng sinh trưởng thành về mặt tình cảm, trở thành một con
người toàn diện và một con người phát triển lành mạnh về nhân bản, nhằm trở
thành những linh mục nhiệt thành, dấn thân phục vụ tại lục địa Á
Châu.
(1) Trước hết với đề tài “Thần học về thân xác và ý nghĩa của thân
xác trong việc đào tạo các linh mục tương lai về nhân bản”, cha Joel Jason
đã dựa trên những bài giáo lý [*] “Thần học về thân xác” của
Đức Gioan Phaolô II để
khám phá ra điều Thiên Chúa mạc khải qua chính con người với thân xác
mà Ngài đã dựng nên. Điều này chống lại Thuyết nhị nguyên đã tách
biệt “thân xác” (body) và “hồn” (soul), từ đó cho rằng thân xác là
xấu, hồn là tốt. Do đó, trong đào tạo, tránh hai thái cực: hoặc
“chối bỏ những sung sướng tự nhiên” (xem đó là xấu xa) của loại
người “khắc kỷ” (stoic) hoặc “say mê tìm kiếm những sung sướng tự
nhiên” (xem đó là thần tượng) của loại người “nghiện” (addict); trái
lại đào tạo những con người “mầu nhiệm” (mystic), xem những “sung
sướng tự nhiên” (pleasures) là những hoạ ảnh (icon) hướng đến trời
cao, để từ đó có thể “thăng hoa” (sublimate) những sung sướng tự nhiên
này.
(2) Tiếp đến, khi trình bày đề tài “Động lực trở thành môn đệ của Chúa Kitô
(linh mục tương lai)” cha Peter Lechner phân biệt nhiều loại động lực
“nhân bản” khác nhau trong đời sống con người: động lực thể lý (đói,
khát, sợ đau khổ…), động lực tâm lý (muốn hiểu biết, muốn được yêu
mến…), động lực xã hội (muốn thành công, muốn có tương quan…), động
lực thiêng liêng (có thể là tự nhiên như mong muốn nên tốt lành, có
thể đến từ Thiên Chúa…) đã cho thấy những cấp độ của những động
lực khác nhau có thể tìm thấy nơi ứng sinh linh mục. Việc đào tạo nhân
bản trong chủng viện phải nhắm tới sự phát triển động lực đúng đắn nơi các chủng
sinh. Tâm lý học cả Đông phương và Tây phương đều rất hữu ích cho việc huấn luyện
động lực cho các ứng sinh linh mục nên những con người trưởng thành. Động lực
đúng đắn tác động đến nhận thức của linh mục tương lai về chính bản thân và về
tương quan với Thiên Chúa và người khác trong yêu thương và phục vụ. Sau cùng,
động lực trong thiên chức linh mục đưa đến sự đồng nhất với động lực nhân bản
và thần linh của chính Đức Kitô, cách đặc biệt trong những đức tính như ân cần,
yêu thương và hiến mình cho người khác vì lợi ích của Nước Thiên Chúa. Để đạt đến
sự phát triển động lực đúng đắn, các chủng sinh nhất thiết phải có ý thức sâu sắc
về chính mình, tính khiêm tốn và lòng tin tưởng vào sự linh hứng của Thiên
Chúa.
(3) Để “phát triển lành mạnh về mặt
tính dục”, cha Lawrence Pinto đã giúp hiểu “những chiều kích nhân bản của đời sống tính dục” dưới
khía cạnh Tâm lý học như trưởng thành tình cảm/tính dục, những
khuynh hướng tính dục, những ước muốn và hành động tính dục, đảm
nhận đời sống tính dục để có được tình bạn đích thực và tương quan
với mọi người; tiếp đến là những quan niệm về tính dục nơi các tôn
giáo và nhất là “nhận thức đúng
đắn về tính dục” theo viễn tượng Kitô giáo dựa trên xác tín: “con người được tạo dựng theo hình ảnh
của Thiên Chúa”, vì thế tính dục nơi con người là lành mạnh và
“thánh thiện” (con người được mời gọi sống hồng ân tính dục Thiên
Chúa đặt để nơi mình), con người có khả năng sống trung tín trong sự
thân mật và trưởng thành tình cảm; về mặt xã hội, cha Pinto đã
trình bày những vấn đề thiếu lành mạnh hiện nay đang ảnh hưởng trên đời sống độc thân linh mục như vấn
đề đồng tính, lạm dụng tính dục, ảnh hưởng của truyền thông và
Internet… Từ những nhận thức về mặt khoa học tâm lý, về mặt tôn giáo
và xã hội, hai hệ luận đã được đưa ra: (1) trước hết là xác tín
rằng đào tạo đời sống độc thân cách toàn diện (thể lý, tinh thần, tình cảm và thiêng liêng) là một
nhu cầu khẩn thiết của Giáo Hội hôm nay; (2) từ xác tín trên thử đưa
ra những áp dụng về mặt đào tạo đời sống độc thân nơi các linh mục
như: giáo dục về những giá trị siêu nhiên của đời sống độc thân, một
hướng dẫn cụ thể mang tính sư phạm, một giáo dục khôn ngoan về tính
dục, một huấn luyện đích thực về đức khiết tịnh và tình yêu, một
sự đáp trả cá nhân trong tự do.
(4) Với cha S.M. Selvaratnam, vấn đề
“trưởng thành tình cảm”
được đặt ra trong viễn tượng hướng đến việc thi
hành sứ vụ linh mục. Sứ vụ được đặt nền tảng trước hết trên chính
con người đích thực của linh mục và tiếp theo đó mới đề cập đến
những yếu tố đào tạo tác động trên con người linh mục. Trước hết sự
phát triển toàn diện của một con người bao gồm sự phát triển lý
trí (rational development) và sự phát triển tình cảm (emotional
development). Có nhiều người sự phát triển lý trí, học vấn rất cao
(chỉ số IQ Intelligent Quotient cao), nhưng sự phát triển tình cảm gặp
nhiều trục trặc (chỉ số
EQ Emotional Quotient thấp); từ đó dẫn tới những thái độ, phản ứng…
đối với người khác gặp nhiều trục trặc: nóng nảy, nghi ngờ, lạm
dụng… Một yếu tố vô cùng quan trọng trong việc phát triển tình cảm
đó là “việc được đón nhận”
(acceptance). Một đứa trẻ không được yêu thương, “bị từ chối”, bị
ngược đãi… sẽ bị rối loạn về mặt tâm lý, luôn tìm cách làm sao để
người khác chú ý đến mình, “chấp nhận mình”. Nơi Chúa Giêsu, về mặt
nhân tính, được phát triển rất ổn định, vì được yêu thương, được
chấp nhận qua cha mẹ và nhất là từ Chúa Cha: “Này là Con ta rất yêu dấu, đẹp lòng ta mọi đàng” (Mt
3,17). Sau vấn đề ổn định từ thơ bé qua sự chấp nhận, yêu thương của
cha mẹ, những yếu tố khác ảnh hưởng trên việc “trưởng thành tình cảm” của một thiếu niên được đề cập
tới là: chính đời sống và con người của những nhà giáo dục, những
chiều kích trong đào tạo giáo dục về nhân bản, trí thức, thiêng
liêng, luân lý. Như vậy, sự trưởng thành tình cảm của người linh mục
là kết quả của một tổng hợp: từ việc ổn định nhân cách từ thơ bé
nơi gia đình đến những khía cạnh khác nhau trong tiến tình giáo dục
đào tạo.
(5) Đề tài thứ 5 do cha Joy Thomas trình
bày xác định các linh mục được đào tạo hiệu quả tại Á Châu hiện nay cần có nhận
thức đúng đắn về sứ mạng của Giáo Hội và ý thức vâng phục quyền bính trong Giáo
Hội. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói rằng Giáo Hội chỉ có một mục tiêu là
“phục vụ con người qua việc bày tỏ cho họ
tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ nơi Đức Kitô” (RM 2). Hội nghị toàn thể
lần thứ I của FABC tại Đài Loan năm 1974 đã kêu gọi một cuộc đối thoại ba chiều với các nền văn hóa, các tôn giáo, và người nghèo. Tại
Á Châu, các linh mục không chỉ là những con người của tri thức; họ phải vừa là
người của Thiên Chúa để trình bày những điều mầu nhiệm trong kinh nghiệm đời
thường, vừa là người của Giáo Hội phục vụ cộng đoàn từ dưới thấp chứ không phải
từ trên cao. Toàn bộ việc đào tạo linh mục phải mang tính truyền giáo, đặt nền
trên cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô Phục Sinh và xây dựng một cộng đoàn của sự sống
và tình yêu. Lục địa Á Châu cần có những linh mục luôn gắn bó mật thiết với
Thiên Chúa, cam kết dấn thân tron vẹn cho việc truyền giáo, có thể cộng tác với
mọi người và trung thành cách sáng tạo với truyền thống. Vì thế điều quan trọng
của đào tạo nhân bản, thiêng liêng, tri thức, và mục vụ là làm sống
động sự hiện diện của Đức Giêsu, cộng tác với giáo dân và anh chị em khác tôn
giáo, lưu tâm đến vấn đề nữ giới trong xã hội Á Châu, và nuôi dưỡng sự nhạy bén
với người nghèo. Điều này đòi hỏi việc giới thiệu Đức Giêsu với “một khuôn mặt Á châu… như là thầy dạy Khôn
Ngoan, Đấng chữa lành, Người giải thoát, vị hướng dẫn thiêng liêng, Đấng khai
sáng, người bạn đồng hành của người nghèo, Người Samari nhân hậu, Mục tử tốt
lành, và Đấng vâng phục” (theo Thượng Hội Đồng Giám mục Á Châu).
(6) Đề tài cuối cùng về “Các thủ tục lựa chọn ứng sinh linh mục Công giáo”
đã được cha Jaime Noel Deslate
khai triển thành 2 phần: (1) thủ tục lựa chọn ứng sinh lên chức linh mục; (2)
những đức tính nhân bản cần thiết của một ứng sinh linh mục. Trước hết, thủ tục
lựa chọn ứng sinh linh mục là một “công
việc mang tính Giáo Hội”. Việc này rộng lớn hơn là kết quả đánh giá dựa
trên những xét nghiệm kiểm tra tâm lý (psychological screening tests). Thủ tục
lựa chọn ứng sinh đòi sự cộng tác của các nhà đào tạo, các cha linh hướng, cha
xứ, bác sĩ tâm lý và của nhiều người khác nữa. Thủ tục này gồm 2 giai đoạn bổ
túc cho nhau: giai đoạn tiếp nhận ứng sinh với những điều kiện đưa ra và giai
đoạn giúp ứng sinh lớn lên hay chữa lành những “vết thương” (nếu có). Cuối cùng
thủ tục lựa chọn phải là một chương trình được phác hoạ rõ ràng với từng giai
đoạn. Về những đức tính nhân bản cần có, trước hết “phương pháp tâm lý tích cực”
(positive psychology) sẽ giúp khám phá và phát triển những nét tích cực nơi ứng
sinh: về tình cảm, về những điểm mạnh, những nét tích cực của những đức tính
nhân bản cũng như những ảnh hưởng tốt trong lãnh vực tôn giáo và tâm linh. Tiếp
đến, cha Jaime Noel đã nhắc lại
và liệt kê những đức tính nhân bản đã được những Văn kiện Giáo Hội đề cập đến
như trong Sắc lệnh Đào tạo Linh mục, trong Ratio
Fundamentalis Sacerdotalis (1970), trong Tông huấn Pastores Dabo Vobis, trong Chỉ Nam về Đời sống và Thừa tác vụ Linh
mục (1994), trong Ratio về đào tạo
Linh mục của Philippines. Cuối
cùng, để kết luận, vai trò của Chúa Thánh Thần đã được đề cập đến như là đỉnh
cao của Tiến trình lựa chọn các ứng sinh linh mục.
6. Ngoài những buổi thuyết trình, các tham dự
viên có những giờ hội thảo nhóm và những cuộc gặp gỡ cá nhân để đào sâu đề tài
và trao đổi kinh nghiệm trong việc đào tạo linh mục. Chính trong tình huynh đệ
linh mục, các tham dự viên cảm nhận được sự hiệp thông trong Giáo Hội và sự
quan tâm của Giáo Hội đối với việc đào tạo linh mục. Đặc biệt Uỷ Ban Giáo Sĩ của
Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC-OC) đã luôn tạo điều kiện để nâng đỡ và hỗ
trợ các tham dự viên trong nhiệm vụ khó khăn là đào tạo những những linh mục để
phục vụ trên cánh đồng truyền giáo của Lục địa Á Châu.
––––––––––––––––––––––––––––––––
[*] “Thần học về thân xác” (Theology of
the Body)
là
một loạt 129 bài giáo lý của Đức Gioan Phaolô II
được
trình bày trong những buổi triều yết chung vào thứ tư hằng tuần từ
1979–1984.
Lm. Giuse Đỗ Mạnh Hùng & Lm. Phêrô Kiều Công Tùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét