label

Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

Đức Giêsu, con người của lời hứa



Đức Giêsu, con người của lời hứa
(Tin Mừng theo thánh Matthêu)
Dựa trên truyền thống Do Thái, thánh Matthêu đã trình bày Đức Giêsu như một Đavít mới, một Môsê mới. Đavít và Môsê là hai khuôn mặt đặc biệt và tiêu biểu trong lịch sử Dân Chúa. Môsê là vị lãnh đạo giải thoát dân và trao ban cho dân Lề Luật của Thiên Chúa; Đavít là người được Thiên Chúa tuyển chọn một cách đặc biệt, một cách nhưng không, được Thiên Chúa xức dầu tấn phong làm người lãnh đạo Dân Chúa. Hai khuôn mặt đó, Matthêu quy tụ lại trong con người Đức Giêsu.
ĐỨC GIÊSU LÀ ĐAVÍT MỚI
Mở đầu tác phẩm, thánh Matthêu giới thiệu gia phả của Đức Giêsu. Xét trên quan điểm lịch sử, gia phả này còn nhiều thiếu sót, có tính chất gò bó, quá đơn giản. Nhưng trên quan điểm thần học, Matthêu muốn chúng ta lưu ý đến con số 14 trong cách trình bày gia phả của Đức Giêsu:
“Từ Abraham đến Đavít có 14 đời; từ Đavít đến thời lưu đày Babylon có 14 đời; từ thời lưu đày Babylon đến Đức Giêsu có 14 đời” (1,17).
Tại sao lại là con số 14? Có nhiều cách giải thích.
Một trong những cách giải thích rất đơn giản và cũng dễ hiểu là chúng ta hãy đặt mình vào não trạng người Do Thái thời bấy giờ - bởi họ là những độc giả trực tiếp tác phẩm của Matthêu. Theo quan niệm của họ, con số 14 là con số ám chỉ Đavít. Thật vậy theo mẫu tự tiếng Hipri thì Đavít gồm ba chữ: Đ W Đ (Đawiđ). Đ tương đương với số 4, W số 6 và Đ số 4. Cộng chung lại, ta có số 14. Như thế, chúng ta có thể nói, khi trình bày gia phả Đức Giêsu trong tương quan với con số 14, ngay từ đầu, Matthêu đã muốn so sánh và gắn liền Đức Giêsu với Đavít.
Đức Giêsu là Đavít mới xuất hiện trong lịch sử dân Người. Đối với người Do Thái, Đavít là nhân vật nổi bật trong lịch sử của họ, không những trên bình diện chính trị xã hội, mà còn trên bình diện tôn giáo nữa. Đó là một khuôn mặt rất tiêu biểu của Israel trong Cựu Ước. Vậy, khi trình bày Đức Giêsu là Đavít mới, Matthêu cũng nhắm trình bày Người là khuôn mặt tiêu biểu, là trung tâm của Dân Chúa trong Tân Ước. Ý tưởng này, được Matthêu nhắc lại nhiều lần trong tác phẩm (x. 9,27 ; 21,9...)
ĐỨC GIÊSU LÀ MÔSÊ MỚI
Nếu con số 14 khiến người Do Thái liên tưởng đến Đavít, thì con số 5 khiến họ nghĩ ngay đến vị lãnh đạo Môsê của họ, vì đó là con số truyền thống của Môsê. Người Do Thái tin rằng Bộ Ngũ Kinh là tác phẩm của Môsê. Bộ đó gồm năm cuốn sách. Đó là Lề Luật, là Torah, là Luật Mẹ của mọi luật hướng dẫn đời sống của họ. Từ đó, họ yêu quý con số 5. Họ sắp xếp nhiều tác phẩm của họ trên cơ sở này. Ví dụ: 150 bài Thánh vịnh được xếp thành 5 bộ sách; họ còn chọn 5 cuốn sách đặc biệt để đọc trong các dịp lễ lớn: Diệu ca, Rút, Ai ca, Huấn ca, Esther; thêm vào đó, sách Cách ngôn, sách Huấn ca cũng được chia làm 5 phần... Tất cả như đều rập theo Luật Mẹ là Bộ Ngũ Kinh.
Thánh Matthêu cũng đã dựa trên truyền thống đó khi ông soạn Tin Mừng. Tác phẩm của ông xoay quanh năm bài giảng của Đức Giêsu về Nước Trời: 3 – 7 ; 8 – 10 ; 11 – 13,52 ; 13,53 – 18 và 19 – 25. Như vậy, Matthêu ngụ ý trình bày 5 bài giảng về Nước Trời của Đức Giêsu song song với 5 cuốn sách mà Môsê đã ban cho Dân Chúa. Từ đó, trong cái nhìn của Matthêu, Tin Mừng trở nên Luật mới, Torah mới đem đối chiếu với Luật cũ, Torah cũ.
Môsê đã ban Luật cũ. Đức Giêsu đã ban Luật mới.
Vậy, Đức Giêsu là Môsê mới.
Ngoài ra, trong phần trình bày xuất xứ của Đức Giêsu, Matthêu cũng đã sử dụng 5 đoạn Thánh Kinh: Mt 1,23 // Is 7,14 ; Mt 2,6 // Mk 5,1 ; Mt 2,15 // Hs 11,1 ; Mt 2,18 // Gr 31,15 ; Mt 2,23 // Is 11,1.
Một điểm nữa trong bố cục tác phẩm của Matthêu khiến chúng ta lưu ý, đó là Matthêu chú ý sắp xếp các bài thuật truyện về các việc làm của Đức Giêsu trước mỗi bài giảng của Người: Người hành động, rồi giảng dạy. Cách thức trình bày đó khiến người Do Thái phải liên tưởng đến khuôn mặt của Môsê trong lịch sử dân tộc họ: Môsê đã hành động, rồi giảng dạy. Ông hành động bằng việc ông giải thoát dân khỏi ách nô lệ, và ông giảng dạy bằng cách ban cho dân Luật của Chúa.
Đức Giêsu đã làm và đã nói. Những ai đến với Đức Giêsu sẽ được thấy và được nghe. (Xem câu chuyện các môn đệ Gioan đến hỏi Đức Giêsu và câu trả lời của người trong Mt 11,2-6). Như vậy, Đức Giêsu xuất hiện trong tư thế một Môsê mới, vừa là Đấng rao giảng về Nước Trời, vừa là Đấng hành động thực hiện ơn cứu độ. Người là Đấng Cứu Thế ban Luật Mới.
ĐỨC GIÊSU KIỆN TOÀN LỜI HỨA
Đức Giêsu xuất hiện như một Đavít mới, một Môsê mới. Như vậy, Người mang sứ mạng của Đavít, của Môsê đối với lịch sử Dân Chúa. Nhưng, Đức Giêsu còn vượt xa Đavít, vượt xa Môsê!
Đavít thiết lập một vương quốc chính trị, xã hội, tôn giáo. Vương quốc đó bị giới hạn trong thời gian và không gian. Còn vương quốc mà Đức Giêsu thiết lập, bắt đầu thực hiện từ con người của Ngài, để rồi trải rộng xuyên qua thời gian và không gian. Các bài giảng bằng dụ ngôn về Nước Trời (13,1-52) cho ta thấy thực tế và viễn ảnh đó. Ngài là hạt giống Nước Trời được gieo vào thửa đất trần gian. Hạt giống ấy bị vùi sâu trong lòng đất. Có khi bị quên lãng. Không ai nhìn ra, ngoại trừ Người gieo giống và những người làm vườn chứng kiến sự kiện hạt giống được gieo vào lòng đất. Từ đó, một cách âm thầm, hạt giống ấy phát triển và đem lại hoa quả cho con người. Hạt giống ấy chính là Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế thuộc dòng tộc Đavít. Người đã đến với trần gian. Người đồng hành với con người. Người chia sẻ, hòa lẫn với mọi người để đem mọi người vào Vương Quốc của Thiên Chúa.
Môsê đã giải thoát dân và ban cho dân Luật Chúa. Nhưng ông chỉ là ngôn sứ của Thiên Chúa, là người công bố sứ điệp của Thiên Chúa cho dân. Trong khi đó, Đức Giêsu là Lời của Thiên Chúa: “... Các ngươi đã nghe bảo... ; còn Ta, Ta bảo các ngươi...” (Mt 5,22t). Đức Giêsu đã hành động và đã giảng dạy trong tư thế một Đấng có uy quyền. Người không phủ nhận những gì Môsê đã nói, đã làm; Người cũng không làm ngược lại những gì Đavít đã thực hiện cho Dân Chúa. Bởi Người mang sứ mạng của Môsê, của Đavít trong lịch sử Dân Chúa. Nhưng Người còn đi xa hơn , bởi Người nói, Người làm chính là điều Thiên Chúa muốn nói, muốn thực hiện.
Từ đó, Matthêu cho chúng ta thấy, chính Đức Giêsu là con người của Lời Hứa. Không phải chỉ khi chúng ta nhìn lại quá khứ của Dân Chúa, mà ngay cả và nhất là khi chúng ta nhìn về tương lai đầy sáng tạo và linh động của Dân Chúa, Người vẫn mãi mãi là con người của Lời Hứa.
––––––––––––––––––––
Bài tiếp theo: Đức Giêsu, con người của niềm tin
 
Gm. Giuse Võ Đức Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét