Thái Lan: Khóa học dành cho
những nhà đào tạo trong các chủng viện
WHĐ (10.05.2013) – Linh mục có vai trò rất
quan trọng trong sứ vụ loan báo Tin Mừng, vì thế, việc đào tạo linh mục là một
việc khẩn thiết đối với sự sống còn của Giáo hội. Giáo hội không ngừng đào tạo
các linh mục, không chỉ trong giai đoạn ở chủng viện[1] mà còn kéo dài sau khi
mãn chương trình chủng viện[2] và suốt quãng đời linh mục trong việc đào tạo
trường kỳ[3]. Việc đào tạo linh mục lại tùy thuộc phần lớn vào những nhà đào
tạo, nên những nhà đào tạo linh mục cần được huấn luyện để trở nên những người
thợ lành nghề.
Quan tâm đến những nhà đào tạo chủng viện,
nên từ năm 2001, Tòa Thánh đã mở những khóa học dành cho các nhà đào tạo trong
các chủng viện, được tổ chức tại Italia. Tuy nhiên, với mong muốn đem lại nhiều
ích lợi hơn nữa cho những nhà đào tạo, nên năm 2013 này, theo đề nghị của Đức
Tổng giám mục Bangkok, Francis Xavier Kriengsak Kovithavanij, Chủ tịch Ủy ban
Giám mục về các chủng viện và ơn gọi, khóa học được Hội đồng Giám mục Công giáo Thái Lan tổ chức, dưới sự bảo trợ
của Bộ Truyền giáo và sự hợp
tác của Viện Đại học Sophia.
Lần đầu tiên tổ chức tại châu Á, khóa học này
mang tên Khóa học dành cho những nhà đào tạo trong các chủng viện, với chủ
đề: Linh mục trong Giáo hội như sự hiệp thông đối với việc đào tạo toàn diện.
Khóa học diễn ra tại Trung tâm huấn luyện mục vụ Baan Phu Waan (Baan Phu
Waan trong tiếng Thái nghĩa là nơi gieo giống), thuộc Tổng giáo phận Bangkok,
Thái Lan, và kéo dài ba tuần – từ ngày 15 tháng Tư đến ngày 05 tháng Năm 2013.
Baan Phu Waan là một trung tâm lớn, diện tích
khoảng 500 ha. Bên trong được xây dựng thành một quần thể kiến trúc: khách sạn,
nhà hưu dưỡng, trường học (trường nam và trường nữ), tiểu chủng viện,
nhà sinh hoạt đa năng, hồ bơi, sân thể thao (bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ,
quần vợt…). Ở giữa là
một hồ nước trong xanh, xung quanh các dãy nhà đều có thảm cỏ xanh, vườn cây
lớn nhỏ xen kẽ nhau tạo nên một không gian thoáng đãng, êm đềm. Bước vào trung
tâm, con người có cảm giác nhẹ nhàng, thanh thản bởi khung cảnh tự nhiên hữu
tình với bố cục kiến trúc chặt chẽ và hợp lý. Những người phục vụ nơi đây rất
nhiệt tình, vui vẻ, sẵn sàng giúp đỡ mọi người.
Khóa học dành cho người châu Á, vì thế các
học viên đến từ nhiều quốc gia của châu Á. Còn các giảng viên được mời từ các
quốc gia khác nhau. Tổng cộng 70 người, cả giảng viên và học viên; gồm có: Italia (4), Australia (1, Việt
kiều), Philippines
(4), Thái Lan (23), Malaysia
(2), Pakistan (4), Myanmar (11), Việt Nam (15), Ấn Độ (3), Lào (1), và Timor-Leste
(2).
Nội dung khóa học xoay quanh chủ đề về hiệp
thông trong việc đào tạo linh mục, với những gợi ý và chia sẻ, thông qua những
bài thuyết trình và làm việc nhóm (group
work) hay những buổi hội thảo (workshop)
theo chủ đề từng ngày.
Về việc đào tạo toàn diện, các học viên theo
sát những hướng dẫn của Giáo hội trong việc đào tạo linh mục theo bốn chiều
kích mà Tông huấn Pastores Dabo Vobis đã đề ra: nhân bản, thiêng liêng,
tri thức và mục vụ [4].
Các tham dự viên được nghe những kinh nghiệm
quý báu từ các chủng viện và các hình thức áp dụng đường hướng của Giáo hội
trong hoàn cảnh quốc gia mình đang sống. Đồng thời, trong tình hiệp thông giữa
các nhà đào tạo trong chủng viện, những người tham dự còn được sống tình huynh
đệ chan chứa yêu thương, đậm tình bác ái. Những câu chuyện dí dỏm bên mâm cơm,
những chuyện vui buồn từ các nhóm chia sẻ hay bầu khí linh thiêng trong các giờ
kinh lễ, tất cả đều toát lên tình hiệp thông giữa các nhà đào tạo, tuy có chênh
lệnh nhau về tuổi tác, có khi là thầy trò, nhưng tất cả cùng chung một mục đích
là làm cách nào để đào tạo nên những thế hệ linh mục cho Giáo hội như lòng Chúa
mong ước.
Một trong những hình thức đào tạo linh mục
ngày nay là học đi đôi với hành, các tham dự viên ngoài việc học rất nặng nề và
chiếm mất nhiều thời gian, ban tổ chức còn sắp xếp để các tham dự viên có thời
gian vừa học vừa tham quan giải trí và học hỏi, như xem những show trình diễn của voi rất ngoạn mục và
hài hước, đặc biệt các tham dự viên rất hồi hộp khi xem show biểu diễn giữa người và cá sấu, nguy hiểm và táo bạo. Ngoài
ra, các tham dự viên còn được đi thăm ngôi làng văn hóa (cultural village). Nơi đây tái diễn những sắc thái văn hóa khác
nhau của người Thái, từ cảnh sinh hoạt bình dân cho đến chốn trang nghiêm cung
đình; từ phong tục ăn uống thôn dã cho đến nghi thức cưới hỏi trang trọng, với
những nghi lễ cầu xin thần linh chúc lành cho đôi uyên ương trong nghi thức
rước dâu, ly rượu mừng, động phòng…, hay những màn khiêu vũ độc đáo điêu luyện
của các chàng trai cô gái Thái ở phần lễ hội, trong trang phục truyền thống dân
tộc, vừa mang vẻ trang nghiêm của lễ, vừa mang nét quyến rũ gợi cảm của hội.
Những nét văn hóa đặc trưng của người Thái như được hội tụ nơi đây. Các tham dự
viên không chỉ nhìn xem những nét đặc thù của văn hóa Thái, mà còn hiểu hơn về
đất nước, con người của người Thái trong việc bảo tồn những giá trị truyền
thống văn hóa dân tộc.
Kết thúc khóa học, mọi người đều cảm thấy hài
lòng, vì được học hỏi những kinh nghiệm quý báu từ các chủng viện, chia sẻ
những ưu tư, những trăn trở, khó khăn trong việc đào tạo linh mục. Lần đầu tiên
các nhà đào tạo chủng viện ở châu Á có dịp gặp gỡ trong mối hiệp thông với nhau
để nhìn lại công việc đào tạo của mình. Các ngài sẽ không cảm thấy lẻ loi, đơn
độc trong công việc cao cả này, vì bên cạnh mình còn có những người khác thuộc
mọi quốc gia đang cùng mình gánh vác trọng trách lớn lao này của Giáo hội.
Bầu khí của những ngày tham gia khóa học là
bầu khí hiệp nhất: hiệp nhất trong cử hành, hiệp nhất trong đường hướng đào tạo
linh mục, hiệp nhất trong cách làm việc, và đặc biệt hiệp nhất như anh em một
nhà.
Chia tay nhau, mỗi người trở về với công việc
thường ngày, mang theo những kinh nghiệm được chia sẻ và tình cảm thân thương của
những người bạn đồng nghiệp trong ba tuần sống và làm việc với nhau.
––––––––––––––––––––––––––––––––––
[1]
x. Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh
Optatam Totius (28/10/1965), số 4.
[2]
x. nt., số 22.
[3]
x. Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores
Dabo Vobis (25/03/1992), số 70-81.
[4]
x. nt., các số 43-44, 45-50, 51-56,57-59.
Phêrô Quốc Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét