Đức Phanxicô – Người Xây Cầu
Là
một thông tín viên của America Mag ở Vatican, tôi có đặc ân được theo
sát Đức Giáo hoàng Phanxicô trong năm qua, khi ngài đến thăm 11 nước
thuộc 4 châu lục. Tôi cũng đã quan sát thật gần các khởi xướng chính của
ngài ở Vatican, bao gồm việc phong các tân hồng y, phát hành tông thư
Laudato Si, bế mạc Hội đồng Giám mục về Gia đình và khai mạc Năm Toàn xá
Lòng Thương xót, sau khi đến thăm Cộng hòa Trung Phi.
Trong
bài viết cuối cùng của năm này, tôi muốn chia sẻ một vài suy tư về
chứng tá khiêm nhượng mà đầy lôi cuốn, mà Đức Phanxicô đã làm chứng cho
Tin mừng trong các sự kiện vừa qua.
Bắt
đầu với các chuyến công du. Có 2 chuyến công du, ngài đã thể hiện sự
dũng cảm và quyết tâm ngoại hạng, có được nhờ đức tin và tín thác sâu
sắc vào Thiên Chúa. Thứ nhất là ở Phi Luật Tân ngày 17-01, khi một cơn
bão đang lớn dần và kéo đến, ngài vẫn bay đến Tacloban, hòn đảo bị bão
Haiyan tàn phá nặng nề hồi tháng 11, 2013, để an ủi và đem lại hi vọng
cho cư dân ở đây. Giữa gió mạnh và mưa lớn, Đức Phanxicô đã đến giữa họ
và cử hành thánh lễ trong bộ áo mưa mỏng màu vàng. Nhưng ngài phải cắt
ngắn chuyến đi này vì bão giật quá dữ dội.
Với
cùng lòng dũng cảm, quyết tâm, và đức tin sáng rực như ngôi sao giữa
đêm tối, Đức Phanxicô đã bỏ qua các cảnh báo và phản đối, để đi vào
Bangui ngày 29-11 vừa qua, để thể hiện sự gần gũi với các cư dân của thủ
đô Trung Phi, đang bị bủa vây và tàn phá bởi xung đột và nghèo đói. Bất
cứ nơi nào ngài đến, người dân chào đón ngài như người giải phóng, và
ca ngợi ngài là người đem lại hòa bình và hi vọng.
Là
giáo hoàng, Đức Phanxicô đã đặt chú tâm hàng đầu đến vùng ven, theo lời
của ngài, nghĩa là đến các tình trạng xung đột, bất công, đau khổ và
loại trừ. Và hôm 29-11, ngài đã làm thế, khi bỏ qua truyền thống hàng
thế kỷ, mà khai mạc Năm Toàn xá Lòng Thương xót ở nhà thờ chính tòa
Bangui, chứ không phải ở Roma, và còn tuyên bố rằng: ‘Hôm nay, Bangui
trở thành thủ đô thiêng liêng của thế giới. Năm Thánh Lòng Thương xót
đến trước cho mảnh đất đã phải chịu khốn khổ suốt những năm qua vì chiến
tranh, hận thù, vô tri, và thiếu vắng hòa bình. Và còn mọi quốc gia
trên thế giới cũng đang chịu đau khổ với thập giá chiến tranh. Chúng ta
hết thảy mong muốn hòa bình, thương xót, hòa giải, tha thứ và yêu thương
cho Bangui, cho Cộng hòa Trung Phi, và cho tất cả các quốc gia đang
chịu đau khổ vì chiến tranh.’
Ngài
cũng đã đặt vùng ven làm ưu tiên hàng đầu khi đến thăm Ecuador,
Bolivia, Paraguay và Sarajevo. Và trong bài nói chuyện với Hội nghị Thế
giới các Phong trào Bình dân ở Santa Cruz, Bolivia, ngài đã mạnh mẽ nói
về quyền của biết bao nhiêu triệu người đang phải sống trong nghèo đói,
khốn khổ, và đủ mọi bất công khác.
Đến thăm Cuba và Hoa Kỳ, ngài tìm cách để thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia, mà chính ngài đã giúp tan băng.
Tầm
nhìn của Đức Phanxicô mang tính toàn cầu và toàn diện, bận tâm của ngài
không chỉ hướng đến người Công giáo, mà là đến tất cả những ai sống
trên thế giới. Điều này được phản ánh trong quyết định của ngài khi tập
trung vào hai chủ đề có ảnh hưởng đến tất cả mọi người, là môi sinh và
gia đình. Ngài đã khiến cả thế giới chú ý với tông thư Chăm lo cho Ngôi
nhà chung, và Hội đồng về Gia đình.
Tinh
thần lãnh đạo đích thực, lối sống bình dị, tầm nhìn rộng và các nỗ lực
tìm kiếm hòa bình, đã khiến ngài được hưởng ứng nồng nhiệt khi có bài
diễn văn với Lưỡng viện Hoa Kỳ. Và ngày hôm sau, hơn 150 lãnh đạo thế
giới hiện diện nghe ngài nói tại Hội đồng chung Liên Hiệp Quốc.
Xuyên
suốt năm qua, Đức Phanxicô đã truyền sinh lực cho người Công giáo toàn
thế giới bằng cách nhắc nhở rằng công bố Tin mừng là làm chứng với một
đời sống phản ánh các yếu tố trung tâm của thông điệp Chúa Giêsu, là yêu
thương, thương xót, gặp gỡ, dung nạp và chọn lựa ưu tiên cho người
nghèo.
Đức
Giáo hoàng tin tưởng vững vàng nơi nền văn hóa gặp gỡ. Ngài đã đến thăm
một ngôi chùa Phật giáo ở Colombo, một nhà thờ phái Luther ở Roma, và
học viện triết học của phái Phúc âm ở Bangui. Quan trọng hơn nữa, ngài
đã đến đền thờ trung ương của Bangui, nằm ngay chính giữa vùng đất của
người Hồi giáo ở thành phố này, vốn là một điểm nóng của bạo lực trong
những năm gần đây, khi Kitô hữu và người Hồi giáo giết hại lẫn nhau. Đức
Phanxicô đã cầu nguyện trong đền thờ, khẳng định rằng, ‘Kitô hữu và
người Hồi giáo là anh chị em’ và rồi đã đi chung xe với giáo chủ Hồi
giáo, đến thăm những người Hồi giáo ở một trại tập trung gần đó. Đây là
hành động chữa lành, góp phần tạo bầu khí cho hòa bình.
Trong
năm 2015, Đức Phanxicô đã có nhiều phương cách đáng ghi nhớ để xây lên
những nhịp cầu. Và mọi người kỳ vọng trong năm 2016 sẽ còn hơn nữa.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch
(phanxico.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét