label

Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

Công nương Charlène và hoàng tử Albert ở Vatican

Công nương Charlène và hoàng tử Albert ở Vatican


Công nương Charlène và hoàng tử Albert ở thư viện Dinh Tông tòa trước hình các hoàng tử nhỏ Monaco. Cùng với Đức Tổng Giám mục ngoại trưởng Richard Gallagher.
 
Tại Vatican, hoàng tử và công nương xin Đức Phanxicô ban phép lành cho các bức hình của cặp sinh đôi, bé trai Jacques và bé gái Gabriella của mình. Từ khi trở lại đạo công giáo hai tháng trước khi đám cưới, công nương Charlène là một giáo hữu công giáo sốt sắng.
 
Trước thang máy dẫn lên các văn phòng chính thức của Dinh Tông đồ, Đức Giáo hoàng đã cho đặt bức tượng, không phải là không khôi hài, vì bức tượng có tên “Đức Vô Nhiễm thinh lặng”. Một cách lịch sự nhắc kéo cho khách đang ở đây. Charlène đội khăn quàng thanh lịch màu bánh thánh, mặc áo đầm kiểu măng tô và mang bao tay trắng. Đi đôi giày cao gót, bà theo gót chân của các nhân viên lịch sự hướng dẫn Vatican. Bên cạnh bà là hoàng tử Albert. Ở Dinh Tông đồ, dù dưới thời Đức Phanxicô, nghi lễ vẫn không thay đổi: công nương cúi rạp mình trước Đức Thánh Cha, còn chồng bà thì nghiêng mình. Tôn trọng tục lệ, Đức Giáo hoàng để họ đi trước mình.
 
Đức Phanxicô tiếp họ ở tầng thứ nhì. Trong bộ đồ trắng dành riêng cho các nữ hoàng công giáo, công nương Charlène có vẻ như rất ngạc nhiên, hơn là bà Christine Lagarde, với phái đoàn Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng đến gặp Đức Phanxicô cùng ngày, cũng như hơn hoàng tử Albert, người được lớn lên trong gia đình quý tộc. Là người luôn ân cần niềm nở, Đức Giáo hoàng đã nhìn bà với đôi mắt nồng hậu.
 
Trên đường đến phòng tiếp khách, Đức Phanxicô nhường bước cho cặp vợ chồng hoàng gia.
 
Họ nói chuyện gì với nhau trong buổi tiếp kiến riêng hai mươi phút này? Chuyện của các nhà vua? Với giáo hoàng Dòng Tên Argentina thì câu chuyện sẽ khác. Đức Phanxicô đưa họ vào câu chuyện thiết thân của ngài: môi sinh, trợ giúp nhân đạo, các đề tài quốc tế trong đó có đề tài về hòa bình, về an ninh, về sự đón tiếp người di dân, về tình trạng chung của vùng Địa Trung Hải, và cuối cùng là vấn đề Trung Đông. Hoàng tử Albert đứng đầu một hiệp hội hỗ trợ cho các dự án trong lãnh vực thay đổi khí hậu, còn cựu vô định bơi lội thế vận thì thành lập một hiệp hội thể thao giúp các em bé kém may mắn. Nhưng khi Đức Giáo hoàng hỏi tin hai em bé sinh đôi của họ và nói mình sẽ cầu nguyện cho các em thì khuôn mặt của ngài sáng lên. Làm sao không xúc động khi Giáo hoàng 79 tuổi có những cử chỉ của một người ông, chuẩn bị quà cho bé trai Jacques một con rồng bông và một búp bê cho Gabriella cùng với các bức tượng bằng bạc? Ngày 10 tháng 5-2015, khi các em rửa tội, ngài đã gởi phép lành Tòa Thánh đến cho các em. Sau đó Đức Phanxicô tặng cho hai vợ chồng hoàng gia các món quà truyền thống, hai xâu chuỗi, một bằng ngọc, một bằng xà cừ, quyển thông điệp “Niềm Vui Tin Mừng” và một mề đai Thánh Martin de Tours trong hộp nhung có huy hiệu Tòa Thánh. Về phần hoàng tử Albert, ông tặng Đức Phanxicô ấn bản Thông điệp “Chúc tụng Chúa” được in ở Monaco và một đồng tiền có in hình Thánh Devote, hoàng tử giải thích cho Đức Giáo hoàng nghe bằng tiếng Ý chi tiết lý thú, Thánh Devote là thánh bảo vệ Vương quốc được mừng lễ trong tuần này. Một thánh lọt sổ trong kho tàng văn hóa rộng lớn của Đức Jorge Mario Bergoglio, người không ai địch nổi về đời sống và kinh cầu các thánh.
Chỉ có các nữ hoàng công giáo mơi được phép mặc áo trắng trước Đức Giáo hoàng.
 
Chỉ còn vài tuần là đến Mùa Chay, cặp vợ chồng hoàng gia mang biếu Đức Giáo hoàng rau quả từ vườn sinh hóa của mình, một sự chú ý tế nhị với “giáo hoàng của người nghèo” vì khi ngài nhận những món quà sang trọng, ngài vội vàng tặng quỹ từ thiện giáo hoàng để làm lô xổ số, lấy tiền giúp người nghèo và người vô gia cư. Lần xổ sắp tới vào ngày 2 tháng 2, trong các lô có chiếc Lancia Ypsilon màu xám, đồng Rolex bằng sắt cho đàn ông, một xe đạp hai người đạp… Tháng 4-2014, nữ hoàng Anh đến Vatican cũng mang theo một giỏ hoa quả tươi của Balmoral. Nữ hoàng Elizabeth II, đứng đầu Giáo hội Anh giáo đã được năm giáo hoàng tiếp kiến. Con số kỷ lục đối với phụ nữ, tuy vậy nhưng không làm cho hoàng gia Monaco mặc cảm. Dù chỉ rộng 202 hếcta, nước nhỏ nhất trong 180 nước bang giao với Tòa Thánh, Monaco vẫn là nước mà công giáo là quốc giáo, được ghi trong Hiến pháp quốc gia. Vì thế trong thời gian qua hoàng tử Rainier và công nương Grace, họ đã nhiều lần chính thức đến thăm Vatican. Hoàng tử Rainier đã được các Giáo hoàng Piô XII, Gioan XXIII, Phaolô VI, Gioan-Phaolô I và Gioan-Phaolô II tiếp. Tháng 4 2005, Đức Gioan-Phaolô II chết trước ông vài ngày.
 
Một giai thoại dễ thương và đáng ghi nhớ không thoát được giáo hoàng Argentina, người biết mọi chuyện, chắc là ngài được thì thầm cho biết, trong chuyến đi thăm long trọng tháng 6 năm 1959, khi công nương Grace, với khuôn mặt như thánh nữ, mặc tuyền đồ đen tiến đến gặp Đức Roncalli, ngài đã thì thầm bằng tiếng Pháp, ngôn ngữ ngoại giao của Tòa Thánh: “Bà là người đẹp nhất trong các con gái của tôi.” Một thiên thần đã qua đời… Đương nhiên Charlène, cô gái Phi Châu biết giai thoại dễ thương này. Theo đạo tin lành, nhưng trước khi đám cưới, bà đã trở lại, bà giữ đạo sốt sắng. Từ đó, theo cách của mình, bà trở nên thần bí. Đúng vậy, bà tìm thấy trong tôn giáo một vài chuẩn mực của mình và thích đi tạ ơn Chúa vì Ngài đã cho mình hai đứa con xinh đẹp mạnh khỏe. Thường thường, không kèn không trống, không hộ tống, bà đến tạ ơn Chúa và mang hoa đến Nhà thờ Chính tòa  Đức Mẹ Vô Nhiễm. Nhưng điều làm cho bà xúc động là sáng hôm đó, bà biết, thỉnh thoảng Đức Giáo hoàng cũng kín đáo rời Vatican mang hoa đến đặt dưới chân Đức Mẹ mà ngài tôn kính ở Nhà thờ Đức Bà Cả. Một bí mật chung của hai người.
 
Marta An Nguyễn chuyển dịch
(phanxico.vn)

Đức Thánh Cha kêu gọi trở thành thừa sai Lòng Thương Xót

Đức Thánh Cha kêu gọi trở thành thừa sai Lòng Thương Xót

Đức Thánh Cha kêu gọi Kitô hữu trở thành thừa sai Lòng Thương Xót - OSS_ROM
30/01/2016 14:45
VATICAN. Lúc 10 giờ sáng 30-1-2016, ĐTC đã tiếp kiến 20 ngàn tín hữu hành hương và ngài mời gọi họ hãy trở thành những người thông truyền lòng thương xót của Chúa cho tha nhân.
 Đây là buổi tiếp kiến chung đầu tiên trong khuôn khổ Năm Thánh Lòng Thương Xót. Ngoài các buổi tiếp kiến sáng thứ tư hằng tuần, trong Năm Thánh, mỗi tháng 1 lần, ĐTC sẽ tiếp kiến chung vào sáng ngày thứ bẩy. Hiện diện tại buổi tiếp kiến có rất nhiều gia đình trẻ với con nhỏ của họ. Họ về Roma tham dự Ngày gia đình cùng với hàng triệu người khác, biểu tình để đề cao giá trị gia đình, trước trào lưu đang cổ võ luật công nhận các cặp đồng phái và nhất là cho các cặp này được nhận con nuôi.
 Trong bài huấn dụ, ĐTC nói về tương quan giữa lòng thương xót và sứ mạng truyền giáo. Ngài nói: ”Chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi trong việc cảm thấy cần ơn tha thứ của Chúa, vì khi chúng ta yếu đuối, sự gần gũi với Chúa làm cho chúng ta mạnh mẽ hơn, và giúp chúng ta sống đức tin của chúng ta với niềm vui lớn lao hơn!”.
 ĐTC gợi lại một kinh nghiệm thường nhật của mỗi người và nhận xét rằng: ”khi chúng ta nhận được một tin vui hoặc khi chúng ta trải qua một kinh nghiệm tốt đẹp, tự nhiên chúng ta cảm thấy cần phải chia sẻ với người khác.. Niềm vui được khơi lên như vậy thúc đẩy chúng ta thông truyền niềm vui ấy”.. Cũng vậy đối với người gặp gỡ Chúa Giêsu và tình thương của Chúa, như kinh nghiệm của các môn đệ đầu tiên. ĐTC nói:
 ”Gặp gỡ Chúa Giêsu cũng là gặp gỡ tình thương của Người. Tình thương này biến đổi và làm cho chúng ta có khả năng thông truyền cho tha nhân sức mạnh được ban cho chúng ta. Có thể nói từ ngày chịu phép rửa tội, mỗi người chúng ta được một tên mới, thêm vào tên mà cha mẹ đã đặt cho chúng ta, tên mới ấy là ”Cristoforo”, là người mang Chúa Kitô. Mỗi Kitô hữu là người mang Chúa Kitô!”.
 ĐTC giải thích rằng: ”Lòng thương xót chúng ta nhận được từ Chúa Cha được ban cho chúng ta không phải như một an ủi riêng tư, nhưng làm cho chúng ta trở thành khí cụ để cả những người khác cũng nhận được cùng hồng ân như vậy. Có một vòng tròn tuyệt vời giữa lòng thương xót và sứ vụ truyền giáo. Sống lòng thương xót làm cho chúng ta trở thành những thừa sai của lòng thương xót, và làm thừa sai khiến chúng ta ngày càng tăng trưởng hơn trong lòng thương xót của Chúa. Vì thế chúng ta hãy coi trọng đặc tính Kitô của mình, và dấn thân sống như tín hữu, vì chỉ như thế Tin Mừng mới có thể đánh động tâm hồn con người và mở rộng con tim đón nhận ân phúc tình thương”.
 Trong phần chào thăm các tín hữu, ĐTC đặc biệt nhắc nhở các bạn trẻ về lễ kính thánh Gioan Bosco, Tông đồ giới trẻ, cử hành hôm nay, 31-1, và nói rằng: ”Các bạn trẻ thân mến, các con hãy nhìn lên thánh nhân như một nhà giáo dục gương mẫu”.
 Ngài không quên chào Hiệp hội toàn quốc Italia những người tàn phế vì lao động và nói rằng ”Sự hiện diện của anh chị em là dịp để tôi tái khẳng định ”thật là quan trọng dường nào việc bảo vệ sức khỏe của các công nhân, và bảo sự sự sống con người, là hồng ân của Thiên Chúa, nhất là khi sự sống ấy trở nên yếu ớt và mong manh hơn” (SD 30-1-2016)
 G. Trần Đức Anh OP

Có thể là tội nhân, nhưng không được là kẻ hư hỏng

Có thể là tội nhân, nhưng không được là 

kẻ hư hỏng

Thánh lễ sáng thứ sáu, 29.01, tại nguyện đường thánh Marta - OSS_ROM
30/01/2016 10:46
VATICAN. “Chúng ta hãy tha thiết nài xin Thiên Chúa để dẫu chúng ta có yếu đuối phạm tội nhưng đừng bao giờ trở thành những kẻ hư hỏng (corrotti), không cần đến sự tha thứ của Thiên Chúa nữa.” Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ sáu, ngày 29.01, tại nguyện đường thánh Marta.
Khởi đi từ bài đọc một trích sách Sa-mu-en, thuật lại chuyện vua Đa-vít và bà Bát Se-va, Đức Thánh Cha đã phân biệt giữa tội nhân và kẻ hư hỏng. Khác với những người hay phạm tội nhưng biết ăn năn, kẻ hư hỏng không còn cảm thấy cần sự tha thứ của Thiên Chúa nữa.
Con người có thể hay phạm tội nhưng luôn biết chạy đến với Thiên Chúa để chân thành nài xin sự tha thứ. Chân thành nài xin chứ không bao giờ nghĩ rằng tự sức mình có thể đạt được sự tha thứ ấy. Nhưng khi con người bắt đầu trở nên hư hỏng, không còn cảm thấy cần sự tha thứ; thì vấn nạn mới thực sự phát sinh.
Tôi không cần Chúa
Đây là thái độ mà vua Đa-vít vướng phải khi vua say mê bà Bát Se-va, vợ ông U-ri-gia, một sỹ quan quân đội đang chiến đấu trên tiền tuyến. Sau khi vua Đa-vít ăn nằm với bà Bát Se-va và biết rằng bà đã có thai, vua đã nghĩ ra những mưu kế để che dấu hành vi ngoại tình của mình. Vua truyền cho ông U-ri-gia từ chiến trận quay về nhà để nghỉ ngơi và có thời gian gần gũi với vợ. Nhưng ông U-ri-gia lại nghĩ rằng không nên về với vợ mà nằm ở cửa đền vua với tất cả các bề tôi của chúa thượng ông. Kế hoạch không thành, Vua Đa-vít chuốc rượu cho ông U-ri-gia đến say khướt, nhưng âm mưu vẫn thất bại.
Như thế, vua Đa-vít đã rơi vào một tình huống khó khăn. Nhưng chắc chắn rằng, vua vẫn có thể tự nói với mình: ‘Ta sẽ giải quyết được việc này.’ Vua đã viết thứ cho ông Giô-áp và gửi ông U-ri-gia mang đi. Trong thư, vua viết rằng: ‘Hãy đặt U-ri-gia ở hàng đầu, chỗ mặt trận nặng nhất, rồi rút lui bỏ nó lại, để nó bị trúng thương mà chết.’ Vua Đa-vít nhất định khiến ông U-ri-gia phải chết. Người lính can trường và trung thành này – trung thành với lề luật, với dân tộc, tổ quốc – đã phải mang lấy án tử bởi chính vị vua mà ông hết mực trung thành.
Tính “an toàn” của sự hư hỏng
Vua Đa-vít là thánh nhân nhưng cũng là tội đồ. Vua đã sa ngã vì sự thèm muốn và khao khát nhục dục, nhưng Thiên Chúa vẫn rất yếu mến vua. Vua Đa-vít cảm thấy an tâm, vì quốc gia đang hưng thịnh. Sau khi ngoại tình, với quyền lực của mình, vua đã làm mọi cách để đẩy người tôi trung đến cái chết, khi bỏ nó lại chiến trường nơi mặt trận nặng nhất. Và cái chết vì gươm đao là chuyện vô cùng bình thường của nhà binh.
Sự kiện này xảy ra trong cuộc đời của vua Đa-vít khiến chúng ta cũng phải xem xét lại đời sống của mình: Liệu tôi có đang chuyển từ tội nhân đến một kẻ hư hỏng không? Vua Đa-vít đã bước một chân lên nấc thang đầu tiên dẫn đến sự hư hỏng rồi. Vua có quyền lực. Vua có sức mạnh. Và chính vì lý do đó, sự hư hỏng rất dễ xảy ra với chúng ta là những người có quyền lực, cho dù đó là uy quyền trong Giáo hội, tôn giáo hay trong kinh tế, chính trị... Bởi vì, ma quỷ sẽ khiến chúng ta an tâm và tự nhủ: ‘Tôi có thể làm được. Tôi sẽ giải quyết được mọi sự.’
Tội nhân, có thể chấp nhận; nhưng kẻ hư hỏng thì không
Sự hư hỏng – nhờ ân sủng Chúa, vua Đa-vít đã được giải thoát khỏi tình trạng này – đã làm thương tổn tâm hồn chàng thiếu niên anh dũng, người đã đối diện với tên Gô-li át khổng lồ và hạ hắn bằng một dây phóng đá cùng năm hòn đá cuội nhặt dưới suối. Bởi vậy, hôm nay, tôi muốn nhấn mạnh với anh chị em một điều thôi: Đôi khi chúng ta phạm tội hay đời sống của chúng ta quá an toàn, chắc chắn, chúng ta cảm thấy ổn vì có nhiều quyền lực; chính lúc đó sự hư hỏng sẽ bắt đầu. Một trong những điều tồi tệ nhất mà sự hư hỏng gây ra là khiến người ta không còn cảm thấy cần sự tha thứ của Thiên Chúa nữa.
Bởi vậy, chúng hãy tha thiết cầu nguyện cho Giáo hội, cho Đức Giáo Hoàng, các Giám mục, linh mục, các nam nữ tu sĩ và tất cả mọi tín hữu: ‘Lạy Chúa, xin cứu chúng con. Xin cứu vớt chúng con khỏi sự hư hỏng. Chúng con là tội nhân, nhưng lạy Chúa, xin đừng để chúng con trở thành những kẻ hư hỏng, không cần đến sự tha thứ của Chúa nữa.’ Chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa ân sủng này.”
Vũ Đức Anh Phương, SJ

Kitô hữu là người có trái tim rộng mở để đón nhận tất cả mọi người

Kitô hữu là người có trái tim rộng mở để đón nhận tất cả mọi người

Thánh lễ sáng thứ năm, 28.01, tại nguyện đường thánh Marta - OSS_ROM
28/01/2016 12:14
VATICAN. “Kitô hữu là người có trái tim rộng mở, vì anh là con của một người Cha có tâm hồn cao thượng và lúc nào cũng dang rộng vòng tay để đón nhận mọi người với lòng bao dung, quảng đại.” Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ năm, 28.01, tại nguyện đường thánh Marta, nhân ngày Giáo hội mừng kính thánh Tôma Aquinô. Hiện diện trong thánh lễ hôm nay có các linh mục kỷ niệm 50 năm ngày được truyền chức của mình.
Kitô hữu là một chứng tá về ánh sáng của Thiên Chúa
Tin Mừng theo thánh Mác-cô hôm nay nói về ánh sáng. Đèn được đốt lên không phải để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường, nhưng là đặt trên đế để chiếu tỏa ánh sáng. Được gợi hứng từ những điều ấy, Đức Thánh Cha đã chia sẻ rằng: “Mầu nhiệm của Thiên Chúa là ánh sáng. Một trong những đặc tính của Kitô hữu khi được rửa tội là lãnh nhận ánh sáng của Thiên Chúa và phải truyền trao ánh sáng ấy cho người khác. Nói khác đi, Kitô hữu là một chứng nhân. Đây là đặc nét của Kitô hữu. Kitô hữu mang lấy ánh sáng và phải bày tỏ ánh sáng ấy ra cho mọi người thấy, vì anh là một chứng nhân. Khi một Kitô hữu không muốn thấy ánh sáng của Thiên Chúa nhưng lại ưa thích bóng tối, thì chính bóng tối sẽ đi vào tâm hồn của anh, vì anh ta đã sợ ánh sáng mà lại yêu thích các ngẫu tượng là đêm tối. Như vậy, anh không còn là một Kitô hữu đúng nghĩa nữa. Kitô hữu phải là một chứng nhân, phải làm chứng về Đức Giêsu Kitô là ánh sáng của Thiên Chúa. Kitô hữu phải đặt ánh sáng Đức Kitô lên đế cao để soi sáng cho cuộc đời.”
Kitô hữu là người sẵn sàng chịu thiệt thòi để được lợi là Đức Kitô
“Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: ‘Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa.’ Một đặc nét khác của Kitô hữu là tấm lòng cao thượng và quảng đại, vì anh là con của một người Cha hào hiệp.
Con tim của người Kitô phải rộng rãi, thênh thang, chứ không phải là một con tim lúc nào cũng đóng kín với cái tôi chủ nghĩa. Khi anh chị em đi vào ánh sáng của Đức Giêsu, đi vào tình bằng hữu với Ngài, khi anh chị em để cho Thánh Thần hướng dẫn; con tim của anh chị em sẽ trở nên rộng mở và bao dung. Kitô hữu không đi tìm sự thua kém, thiệt thòi; nhưng lại sẵn sàng chịu thiệt để đạt được một điều khác, đó chính là Đức Giêsu. Kitô hữu sẵn sàng chịu thiệt trước mặt người đời để được trở nên chứng nhân của Đức Giêsu.”
Linh mục là người trao truyền ánh sáng
Cuối cùng, Đức Thánh Cha ngỏ lời với các linh mục, vì đang hiện trong thánh lễ hôm nay, có những vị kỷ niệm 50 năm linh mục của mình.
“Tôi rất vui vì được cử hành thánh lễ giữa anh em, nhân kỷ niệm 50 năm linh mục của anh em. 50 năm linh mục chính là 50 năm bước đi trên con đường của ánh sáng và của chứng nhân. 50 năm cố gắng để trở nên tốt hơn, 50 năm nỗ lực mang ánh sáng để đặt trên đế. Có những khi vấp té, nhưng chúng ta hãy tiếp tục đứng dậy và lại sẵn sàng ra đi truyền trao ánh sáng của Đức Kitô cho người khác với sự quảng đại và một con tim rộng mở. Chỉ có Thiên Chúa và trí nhớ của anh em mới biết là đã có bao nhiêu người được lãnh nhận ánh sáng ấy; đã có bao nhiêu người mang trong mình bóng tối nhưng được anh em chiếu dãi ánh sáng của Đức Kitô. Cám ơn anh em! Cám ơn vì tất cả những gì anh em đã làm trong Giáo hội, cho Giáo hội và cho Đức Giêsu.
Xin Thiên Chúa ban cho anh em niềm vui, niềm vui hoan hỷ của việc gieo trồng những hạt mầm thánh thiện, của việc truyền trao ánh sáng và của việc có một vòng tay rộng mở để đón nhận tất cả mọi người với tấm lòng quảng đại, bao dung.”
Vũ Đức Anh Phương, SJ

Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

KHÔNG ĐƯỢC CHẤP NHẬN (31.1.2016 – Chúa nhật 4 Thường niên, Năm C)


KHÔNG ĐƯỢC CHẤP NHẬN
Lời Chúa: Lc 4, 21-30
Hôm ấy, sau khi đọc sách ngôn sứ Isaia, Ðức Giêsu lên tiếng nói trong hội đường Nadarét rằng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người. Họ bảo nhau: “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?” Người nói với họ: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Caphácnaum, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!” Người nói tiếp: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình. Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: thiếu gì bà goá ở trong nước Ítraen vào thời ông Êlia, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nuớc phải đói kém dữ dội, thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xarépta miền Xiđon. Cũng vậy, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ítraen vào thời ngôn sứ Êlisa, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Naaman, người xứ Xyria thôi.”
Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành - thành này được xây trên núi - họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.
Suy nim:
Tin là thái độ căn bản trong cuộc sống.
Chẳng ai có thể sống mà không tin.
Không tin người này nhưng lại tin người kia.
Không tin lý thuyết này nhưng lại tin giả thuyết nọ.
Thành ra ai cũng phải chọn một niềm tin.
Không phải chọn một cách vu vơ, mù quáng,
nhưng một cách sáng suốt và tự do.
Ðiều khó là giữ cho lòng mình được tự do thanh thoát,
không bị những định kiến ràng buộc hay tư lợi chi phối,
nhờ đó chúng ta dám chọn sự thật,
dù sự thật đó làm đổ nhào mọi điều ta nghĩ,
và xoay lại hướng đi của cả đời ta.
Có lẽ dân làng Nadarét ít có thứ tự do này.
Khi Ðức Giêsu giảng trong hội đường Nadarét thân quen,
họ đã ngỡ ngàng thán phục trước lời Ngài nói.
Hãnh diện biết mấy khi một thành viên trong làng
nay được tiếng tăm lẫy lừng khắp miền Galilê!
Nhưng tin Ðức Giêsu là một ngôn sứ
lại là điều họ không làm được.
“Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?”
Ký ức của họ vẫn còn giữ nguyên những hình ảnh
của Ðức Giêsu  sống tại đây hơn ba mươi năm qua.
Một cuộc sống quá đỗi bình thường!
Một ông thợ mộc, con một ông thợ mộc khác.
Gốc gác, họ hàng của Ðức Giêsu, họ đều nắm rõ.
Tiếc là họ đã không thể đi xa hơn.
Cái hiểu biết trước đây khiến họ mãn nguyện, tự hào,
và tưởng mình chẳng còn gì để biết thêm về Giêsu.
“Những gì ông đã làm ở Caphácnaum, hãy làm ở đây xem.”
Người làng Nadarét không tin Ðức Giêsu là ngôn sứ.
Họ muốn Ngài chứng minh bằng phép lạ.
Họ muốn thấy tận mắt, chứ không chỉ nghe nói thôi.
Nhưng Ðức Giêsu không làm phép lạ để ép người ta tin.
Chính lòng tin đưa đến phép lạ,
mà Ngài lại chẳng gặp lòng tin nào nơi người đồng hương.
Lòng chai đá cứng cỏi của họ chuyển thành sự phẫn nộ,
khi Ðức Giêsu kể chuyện hai ngôn sứ Êlia và Êlisa
được Thiên Chúa sai đến thi ân cho dân ngoại.
Dân làng không giữ được Ðức Giêsu cho riêng mình.
Khi thấy mình chẳng còn chút đặc quyền, đặc lợi,
thì họ tìm cách thủ tiêu Ngài.
Tin Ðức Giêsu là ngôn sứ, là Mêsia, là Con Thiên Chúa,
điều đó chẳng dễ dàng chút nào.
Người không tin cũng có thể đưa ra bao lập luận.
Ðiều cần thiết là phải tìm kiếm chân lý với cả tâm hồn.
Chúa Thánh Thần vẫn soi sáng cho người thành tâm thiện chí.
Hôm nay, chúng ta đã biết, tin và gần gũi Ðức Giêsu,
nhưng chúng ta vẫn có nguy cơ tương tự như người Nadarét:
tưởng mình đã múc cạn được mầu nhiệm
hay muốn độc quyền giữ Ðức Giêsu cho mình.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nadarét đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người.
Cũng có lúc chúng con không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối,
trong một Hội Thánh còn nhiều bất toàn.
Dường như Chúa thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Ngài bằng con mắt đức tin.
Xin thêm đức tin cho chúng con
để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Thông báo tuyển sinh vào Chương trình Cao học Thần học

Uỷ ban Giáo dục Công giáo / HĐGMVN: Thông báo tuyển sinh vào Chương trình Cao học Thần học


Sau khi xét duyệt hồ sơ, Học viện sẽ gửi thư tới các ứng sinh đã ghi danh, cho biết có đủ điều kiện hay không để tham gia kỳ thi tuyển. Đồng thời, Học viện cũng cho biết thời giờ và địa điểm của kỳ thi.
 
 
Chia sẻ

Thư mục vụ của Đức Giám Mục Giáo Phận - Tháng 02 năm 2016

Thư mục vụ của Đức Giám Mục Giáo Phận - Tháng 02 năm 2016

TẾT BÍNH THÂN
TẾT ĐOÀN TỤ GIA ĐÌNH
 
Anh chị em thân mến
Các Đức Giám Mục giáo phận gửi đến toàn thể cộng đoàn dân Chúa lời chào chúc vui mừng và hy vọng nhân dịp Xuân Bính Thân.
Vì dịp Đầu Xuân, sẽ có nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân gốc giáo phận, đang sống, làm việc và học tập ở xa, trở về sum họp với gia quyến, nên thư mục vụ tháng 2 này có chủ đề Tết Bính Thân, Tết Đoàn Tụ.
 
Theo Đức Thánh Cha Benêdictô, di dân và tỵ nan là dấu chỉ của thời đại. Thực tế là ngay tại giáo phận của chúng ta, nhiều Kitô hữu đã rời xa gia đình, xa giáo xứ, xa giáo phận với nhiều lý do. Chính vì thế, sự đoàn tụ trong dịp Tết Nguyên Đán tự nó đã có ý nghĩa, nhưng càng có ý nghĩa hơn với sự hiện diện của những anh chị em đã rời xa những người thân yêu hầu như suốt năm, nay trở về gặp gỡ. Để cuộc đoàn tụ đầu năm đạt được lợi ích thiêng liêng và mục vụ trong năm Thánh Lòng Thương Xót, cũng là năm Tân Phúc Âm Hóa Đời Sống Xã Hội, và theo đường hướng của giáo phận là Tái rao giảng Tin Mừng để đến với muôn dân, chúng ta cùng suy tư về hiện trạng di dân theo cái nhìn tích cực và cùng đề ra những sinh hoạt tu đức và mục vụ, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên Đán này.
 
Theo cái nhìn tích cực, “di dân” là một khát vọng của con người hướng về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đấng Đáng Kính Phaolô VI đã mô tả những khát vọng của con người ngày nay như sau: Khát vọng “được giải thoát khỏi lầm than, bảo đảm cuộc sống của mình một cách chắc chắn nhất, được sức khỏe, công ăn việc làm vững chắc; được tham gia đầy đủ nhất vào các trách nhiệm, không bị áp bức, tránh được những tình trạng làm thương tổn phẩm giá con người; được hưởng một nền giáo dục đầy đủ hơn; tóm một lời là muốn được hiểu biết và sở hữu nhiều hơn, để sống trọn vẹn hơn” (Thông điệp Phát triển các dân tộc, 23.6.1967, 6). Khát vọng này là dấu chỉ con người luôn hướng về tuyệt đối vì “được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa”.
 
Với ý thức rằng tất cả nhân loại như đoàn lữ hành trần thế trên đường tiến về Nhà Cha, thì khát vọng “cho đến khi nào được nghỉ yên trong Chúa” (Thánh Augustinô) thúc đẩy con người tìm đến với nhau và hình thành nên một cộng đoàn. Trong cộng đoàn này, mọi người đều được quan tâm trong sự hiệp nhất và tôn trọng những sự khác biệt, để cùng nhau xây dựng một cộng đoàn liên đới, huynh đệ và cảm thông, là sống trong bầu khí gia đình với sự tín thác vào Thiên Chúa, tín nhiệm vào anh chị em mình, và tín trung với nhân phẩm. Đức Thánh Cha Phanxicô nói đến thế giới ngày nay cần một khả năng đi từ một nền văn hóa gạt bỏ đến một nền văn hóa gặp gỡ và tiếp đón. Với niềm tin Kitô giáo, gặp gỡ và tiếp đón nhau là cơ hội gặp gỡ và tiếp đón chính Chúa. Kết quả là ơn hiệp nhất và bình an.
 
Ngoài ra, trong lịch sử Cứu Độ và lịch sử Giáo Hội, di dân còn là cơ hội thi hành sứ vụ của Giáo Hội là “Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa”. Thật ra, các nhà thừa sai là những người di dân vì lý do niềm tin. Chúa Kitô là vị thừa sai từ trời xuống trần gian, thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, và trở về với Chúa Cha. Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Người di dân và tỵ nạn là một cơ hội Chúa Quan Phòng ban để góp phần kiến tạo một xã hội công bằng hơn, một quốc gia liên đới hơn, một thế giới huynh đệ hơn, và một cộng đoàn Kitô hữu cởi mở hơn theo Tin Mừng”. Giá trị Tin Mừng như muối, như men, như ánh sáng làm biến đổi thế giới này,cũng là nhờ vào chứng tá của anh chị em di dân.
 
Với những ý tưởng trên, các cộng đoàn giáo xứ, giáo họ trong giáo phận cần tích cực và sáng kiến để tổ chức những ngày đầu Xuân Bính Thân như một lễ hội đoàn tụ. Trong thực tế, có nhiều giáo xứ đã tổ chức các cuộc họp mặt anh chị em di dân trở về giáo xứ để gặp gỡ, trao đổi, chung vui và cao điểm là thánh lễ cầu sự hiệp nhất và bình an cho Năm Mới. Với nhiệt tình tông đồ, với tình yêu huynh đệ, và với sáng kiến, quý cha, quý tu sĩ nam nữ, các giáo lý viên, các huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể, các tông đồ giáo dân trong cộng đoàn giáo xứ giáo họ, chúng ta sẽ có nhiều sáng kiến để hoạch định và thực hiện các chương trình mục vụ trong dịp tết Nguyên Đán. Trong các tổ chức này, 3 ý tưởng nên được triển khai và cổ vũ cho anh chị em di dân:
 
* Nên triển khai những ý nghĩa tích cực và hy vọng của tình trạng di dân, hơn là chỉ nhấn mạnh đến những tiêu cực và sợ hãi.
            * Trao đổi về mục vụ giáo lý và bí tích, đặc biệt là bí tích hôn phối (như giáo lý hôn nhân, lời rao hôn phối, nghi thức chứng hôn…), để giáo phận có thể phục vụ anh chị em di dân một cách hữu hiệu hơn, đơn giản hơn.
            * Khích lệ anh chị em hội nhập vào sinh hoạt của Giáo Hội địa phương mới với tinh thần tông đồ: như tham gia vào các sinh hoạt của giáo xứ, của các đoàn thể, các giới, tham gia vào Hoi đồng Mục vụ, giáo lý viên, ca đoàn, huynh trưởng TNTT, thừa tác viên ngoại thường cho Rước Lễ…
 
Ở đây, giáo phận cũng ước mong Ủy Ban Di Dân của giáo phận kết hợp với Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng, và Ủy Ban Bác Ái Xã Hội Caritas Việt Nam có những dự phóng phục vụ anh chị em di dân trong năm 2016.
 
Chúng tôi muốn ngỏ lời với anh chị em đang sống, làm việc và học tập xa giáo phận: Xin anh chị em trở thành niềm tự hào của giáo phận vì cách sống niềm tin của anh chị em và vì nhiệt tâm tông đồ của anh chị em. Các cựu chủng sinh Long Xuyên, kể cả ở nước ngoài, đang là niềm tự hào của giáo phận. Các giám mục hứa cầu nguyện cho anh chị em và xin phúc lành của Chúa xuống trên anh chị em, đặc biệt trong dịp Đầu Xuân. Riêng với giới trẻ và các sinh viên, các giám mục mượn lời của Đức Thánh Cha Phanxicô cầu chúc chúng con: Đừng để mình bị cướp mất Tin Mừng - Đừng đề mình bị cướp mất hy vọng - Đừng để mình bị cướp mất lý tưởng huynh đệ.
 
Chúng ta cùng dâng toàn thể giáo phận lên Chúa Xuân và Mẹ Maria, Nữ Vương Ban Sự Bình An. Xin cho giáo phận được hiệp nhất và bình an trong năm mới. Xin cho mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận được sống trong vui mừng và hy vọng. Xin cho quê hương Việt Nam được ấm no, hòa bình và hạnh phúc.
 
Dịp đầu Xuân, hàng giáo sĩ chúng tôi ban phép lành của Chúa cho anh chị em trong năm mới. Xin anh chị em cũng cầu xin phúc lành của Chúa xuống trên hàng giáo sĩ chúng tôi.
 
 
+ Giuse Trần Văn Toản                                                    + Giuse Trần Xuân Tiếu
      Giám Mục Phụ Tá                                                Giám Mục Giáo Phận Long Xuyên
 

Một khóa hội thảo về bậc sống độc thân của linh mục sẽ được tổ chức tại Rôma

Một khóa hội thảo về bậc sống độc thân của linh mục sẽ được tổ chức tại Rôma

 
 “Linh mục độc thân, con đường của tự do”. Đó là chủ đề của cuộc hội thảo quốc tế tổ chức ở Giáo hoàng Học viện Gregoria, Rôma từ 4 đến 6 tháng 2-2016.
 
 
Nhiều giám chức trong giáo triều sẽ phát biểu và đề cập đến vấn đề độc thân của linh mục, quan hệ của nó với tự do khởi đi từ Sách Thánh, từ các suy tư của các Giáo phụ, và các công đồng.
Khóa hội thảo này trước hết là nhắc lại, đối với Giáo hội công giáo theo nghi thức latinh, thì theo Tân Ước, độc thân của chức thánh là kết quả của lời kêu gọi tiết dục để phục vụ Nước Trời. Khóa hội thảo này cũng mong nhấn mạnh đến bậc sống độc thân của linh mục, bậc sống này thường hay bị đặt lại vấn đề, đây không phải là một đòi hỏi mới, lại cũng không phải đơn thuần là một kỷ luật của đời tu, nhưng bậc sống này có nguồn gốc quan trọng hơn, đó là nguồn gốc từ Chúa Kitô và được xem là “con đường của tự do”.
 
Một vấn đề trong lịch làm việc của Đức Giáo hoàng
Khóa hội thảo sẽ được linh mục François-Xavier Dumortier, Viện trưởng Giáo hoàng Học viện Gregoria và nhà phân tâm học Tony Anatrella, một chuyên gia về tâm lý xã hội điều khiển. Trong số các thành viên tham dự có Đức Hồng y Marc Ouellet, Bộ trưởng bộ Giám mục, Giám mục Joël Mercier, Tổng thư ký bộ Giáo sĩ. Đức Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin sẽ kết thúc khóa hội thảo và sẽ phát biểu về đề tài “Linh mục được chịu chức trong bản thể Chúa Kitô”.
Tháng 5-2014, khi trở về từ Đất Thánh, Đức Phanxicô trả lời câu hỏi của báo chí về vấn đề này, ngài cho biết, bậc sống độc thân của linh mục không phải là một “giáo điều đức tin” nhưng là một “luật sống”, “một ơn cho Giáo hội” khi có một vài người công giáo đòi đàn ông đã lập gia đình được phong chức thánh. “Cánh cửa vẫn luôn mở”, tuy nhiên ngài cho biết, đây không phải là vấn đề thời sự. Một năm sau đó, tháng 2-2015, trong một bài diễn văn chưa bao giờ được công bố, nhưng được các linh mục địa phận Rôma tham dự ghi lại, Đức Phanxicô cho biết, đã ghi vấn đề độc thân của linh mục vào lịch làm việc của mình, nhưng ngài không cho biết thêm chi tiết.
 
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch
(phanxico.vn)
 

Người giàu kiêu ngạo là người “nghèo nhất trong các người nghèo”

Người giàu kiêu ngạo là người “nghèo nhất trong các người nghèo”


Trong Sứ điệp Mùa Chay năm 2016 được công bố vào ngày 26 tháng 1-2016. Đức Phanxicô đoan chắc, “người nghèo nhất trong các người nghèo” là người giàu, người quyền thế nhưng không tự nhận mình là người “ăn xin hèn mọn”.
 
 
Trong sứ điệp không nhân nhượng này, Đức Phanxicô đả kích sự “kiêu ngạo điên cuồng của bá quyền” của một nhân loại từ chối không nhận biết Chúa, ngài khuyến khích nên có những công việc thực hiện lòng thương xót trong Năm Thánh ngoại thường này.
Trong sứ điệp ký ngày 4 tháng 10 vừa qua, nhân dịp lễ Thánh Phanxicô Axixi, Đức Giáo hoàng cũng nhắc lại, đức tin thực hiện qua các hành vi cụ thể hàng ngày với tấm lòng thương xót, những việc lo phần xác cũng như phần hồn. Ngài nói thêm, các việc này không bao giờ được tách xa nhau. Ngài giải thích nét đặc biệt của từng hành động: “Qua các việc lo cho phần xác, chúng ta chạm đến da thịt Chúa Kitô trong da thịt người anh em, những người cần được nuôi ăn, nuôi mặc, được có chỗ ở, được thăm viếng, còn các việc về mặt thiêng liêng như dạy dỗ, khuyên bảo, tha thứ, cảnh báo, cầu nguyện thì chúng ta chạm trực tiếp đến thân phận kẻ có tội của mình”.
Không có gì khác hơn là người ăn xin hèn mọn
Đứng trước những người khốn cùng nhất, chúng ta xét mình để cảm nhận mình “không khác gì hơn là người ăn xin nghèo hèn”, Đức Giáo hoàng nói thêm, những người lâm cảnh thiếu thốn là “dịp để chúng ta hoán cải”. Theo nghĩa này, “người nghèo khốn cùng nhất là người không chấp nhận mình như thế, ngài dằn mạnh. Họ tưởng mình giàu nhưng thật ra, họ là người nghèo nhất trong các người nghèo” vì họ là “nô lệ của tội lỗi”. Ngài còn cảnh báo việc dùng tiền bạc và quyền thế không để phục vụ Chúa và tha nhân nhưng để “che khuất” xác quyết mình chỉ là kẻ ăn xin.
Một sự kiêu ngạo điên cuồng
Thêm một lần nữa, Đức Phanxicô nhắc lại lời chỉ trích của mình về khuôn mẫu sai lầm của sự phát triển dựa trên ngẫu tượng tiền bạc, làm cho những con người, những xã hội giàu nhất dửng dưng với số phận của người nghèo, không muốn nhìn họ. Đức Phanxicô đả kích sự mù quáng và tha hóa của một nhân loại từ chối Chúa, cũng như thói “kiêu ngạo điên cuồng bá quyền, mà tình trạng này phản ảnh một cách thảm thương tình trạng quỷ ám của ‘các ngươi như những vị thần’ (St 3, 5)”. Ngài cũng lên án các “ý thức hệ của loại tư tưởng duy nhất và các suy nghĩ kiểu kỹ thuật-khoa học, cho Chúa là không đáng kể và con người là những khối đông mà họ có thể lèo lái”.
Một bức tranh u ám, chính xác, Giám mục địa phận Rôma cho rằng, con người với quả tim tốt lành, những người giàu, những người quyền thế cuối cùng, họ tự đày đọa mình rơi vào hố thẳm cô độc muôn đời là địa ngục. Nhưng Đức Giáo hoàng cũng cho câu trả lời: tình yêu của Chúa, Đấng duy nhất có thể làm đã cơn khát hạnh phúc, trao ban tình yêu vô tận, mà con người điên rồ nghĩ có thể thỏa mãn bằng các ngẫu tượng của hiểu biết, của tiền bạc, của quyền lực. “Chúng ta đừng để thời gian Mùa Chay này đi qua một cách vô ích mà không hoán cải!”, Đức Phanxicô kết luận với đoạn Phúc Âm Thánh Matthêu: “Chính lòng thương xót mà Ta muốn, chứ không phải của lễ hy sinh” (Mt 9,13).
Năm nay Mùa Chay bắt đầu ngày Thứ Tư lễ Tro 10 tháng 2.
 
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch 
(phanxico.vn)
 

Đạo đức sinh học: Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi phải thận trọng khi đẩy nhanh tiến độ phát triển khoa học





Đạo đức sinh học: Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi phải thận trọng khi đẩy nhanh tiến độ phát triển khoa học
WHĐ (28.01.2016) – Thứ Năm 27-01, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến Uỷ ban Đạo đức Sinh học Italia được thành lập cách nay hơn 25 năm. Nhân dịp này, Đức Thánh Cha bày tỏ mối lo ngại trước đà phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ sinh học và y học. Ngài cũng cảnh báo nguy cơ chỉ biết nhắm đến tính thực dụng và lợi nhuận, nhất là trong bối cảnh hiện nay đang chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa tương đối và hoài nghi đối với những khả năng của lý trí con người.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Tôn trọng sự toàn vẹn và sức khỏe con người từ lúc thụ thai đến khi chết tự nhiên là một nguyên tắc đạo đức căn bản chi phối cả những ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực y học. Những ứng dụng này không bao giờ được xâm phạm phẩm giá con người, cũng như chỉ nhắm đến mục tiêu kỹ nghệ và thương mại”. Đức Thánh Cha nêu lên một số trong những thách thức hiện nay là việc coi phôi thai người chỉ như một thứ vật liệu có thể loại bỏ, và trường hợp những người đau ốm và già nua sắp chết.
Ngoài ra Đức Thánh Cha còn yêu cầu Ủy ban Đạo đức “hãy suy nghĩ về đề tài người khuyết tật và việc loại trừ những người dễ bị tổn thương trong một xã hội cạnh tranh và ra sức đẩy mạnh đà phát triển”.
Ngài còn đưa ra một yêu cầu khác là phải có sự phân tích liên ngành về những nguyên nhân phá hoại môi trường. Cần phải đề ra những hướng dẫn dành cho khoa sinh học; thực hiện việc nghiên cứu so sánh các lý thuyết coi sinh học là trung tâm và lấy nhân học làm trung tâm; tìm kiếm các lộ trình nhằm nhìn nhận vai trò trung tâm của con người trong sự tôn trọng các sinh thể khác và toàn bộ môi trường.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha bày tỏ mong ước về sự hài hòa các chuẩn mực và quy tắc áp dụng vào các hoạt động sinh học và y học. Đây là một nhiệm vụ “tuy phức tạp nhưng có thể thực hiện được”. “Chứng từ chân lý sẽ góp phần vào sự phát triển lương tâm dân sự”.
Đó chính là nội dung đã được Đức Thánh Cha minh định ngay trong phần mở đầu huấn từ: “như mọi người đều biết Giáo hội nhạy cảm với những vấn đề đạo đức, nhưng có lẽ tất cả đều không hiểu được rằng Giáo hội không đòi bất cứ không gian riêng biệt nào cho mình trong lĩnh vực này. Trái lại, Giáo hội vui mừng khi lương tâm dân sự, ở những mức độ khác nhau, có thể suy nghĩ, xem xét và hành động trên cơ sở lập luận tự do và cởi mở, cũng như trên cơ sở những giá trị hình thành nhân vị và xã hội”.
(Theo Radio Vatican)
 
Thành Thi

Đức Thánh Cha tiếp kiến Bộ Giáo Lý đức tin

Đức Thánh Cha tiếp kiến Bộ Giáo Lý đức tin

Đức Thánh Cha tiếp kiến Bộ Giáo Lý đức tin - OSS_ROM
29/01/2016 13:52
VATICAN. ĐTC khuyến khích Bộ Giáo Lý đức tin tiếp tục chu toàn công tác bảo vệ đức tin và phong hóa, nhất là trong những lãnh vực tế nhị nhất của cuộc sống.
 Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 29-1-2016, dành cho 81 tham dự viên khóa họp toàn thể của Bộ vừa kết thúc. Trong số các tham dự viên có 18 HY và 5 GM thành viên. Phần còn lại là các vị cố vấn và chức sắc khác.
 Trong bài huấn dụ, ĐTC nhắc nhở chân lý đầu tiên của Giáo Hội đó là tình yêu của Chúa Kitô, vì thế lòng thương xót chính là xà nhà nâng đỡ đời sống của Giáo Hội. Ngài khẳng định rằng:
 ”Làm sao không mong muốn cho toàn thể dân Kitô - các mục tử và tín hữu - trong Năm Thánh này, tái khám phá và đặt ở trung tâm các công việc từ bi bác ái về thể lý cũng như tinh thần? Và vào cuối đời, chúng ta sẽ bị hỏi xem chúng ta có cho người đói ăn, kẻ khát uống hay không, và cũng ta cũng sẽ bị thẩm vấn xem chúng ta có giúp tha nhân ra khỏi ngờ vực, có dấn thân đón nhận những người tội lỗi, khuyên nhủ hoặc sửa chữa họ, chúng ta có khả năng bài trừ sự dốt nát, nhất là về đức tin Kitô và đời sống tốt đẹp hay không?”.
 ĐTC không quên nhắc nhở rằng ”Nghĩa vụ được giao phó cho Bộ của anh chị em có nền tảng tối hậu và được biện minh thích đáng nơi sự kiện này: trong đức tin và đức ái, có một quan hệ tri thức và liên kết với mầu nhiệm Tình Yêu là chính Thiên Chúa.. Đức tin Kitô không phải chỉ là kiến thức cần được bảo tồn trong ký ức, nhưng còn là chân lý cần phải sống thực trong tình yêu. Vì thế, cùng với đạo lý đức tin, cần bảo tồn cả sự toàn vẹn của các phong hóa, đặc biệt trong những lãnh vực tế nhị nhất của cuộc sống. Lòng gắn bó tin tưởng nơi Chúa Kitô bao hàm cả hành vi của lý trí lẫn lời đáp trả về mặt luân lý đối với hồng ân của Chúa. Về vấn đề này, tôi cũng cũng ơn sự dấn thân và trách nhiệm của Bộ giáo lý đức tin trong việc xử lý những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên” (SD 28-1-2016)
 G. Trần Đức Anh OP

MƯỜI QUYẾT TÂM Do Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu trong Năm 2016



MƯỜI QUYẾT TÂM
Do Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu
 trong Năm 2016


1. Không nói xấu người khác
2. Không vứt bỏ phần ăn dư của mình
3. Dành thời giờ cho người khác
4. Chọn những món bình dân hơn
5. Đích thân thăm viếng người nghèo
6. Không lên án người khác
7. Làm bạn với những ai bất đồng với ta
8. Thực hiện cam kết: như đời sống hôn nhân
9. Tập thói quen kêu cầu với Thiên Chúa mọi
nơi, mọi lúc
10. Cuối cùng, xin hãy luôn sống vui tươi, nhân ái...