Cái
nhìn tích cực của
Đức Tổng giám mục Müller về Bộ Giáo lý Đức tin
WHĐ (08.08.2012) / CNA/EWTN News – Vị
Tân Bộ trưởng Bộ
Giáo lý Đức tin của Tòa Thánh nói ngài muốn Bộ
này phải đóng vai
trò tích cực trong việc Tân Phúc Âm Hóa, chứ không phải chỉ đơn giản là ứng phó với các vấn đề giáo lý khi chúng phát sinh.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNA ngày 20 tháng Bảy vừa qua, Đức Tổng giám mục Gerhard Ludwig Müller nói: “Nhiệm vụ của Bộ Giáo lý Đức tin không phải chỉ là bảo vệ đức tin Công giáo, nhưng còn là thúc đẩy đức tin, để đem lại các khía cạnh tích cực và khả năng của
toàn bộ sự phong phú của đức tin Công giáo”.
“Chúng ta phải nói về Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu Kitô, Chúa Thánh Thần, và cả về Thánh Kinh, Thánh Truyền của Giáo Hội, về Kinh Tin Kính và niềm tin của chúng ta. Như thế tâm hồn chúng ta mới rộng mở và suy tư của chúng ta mới sâu sắc hơn”.
Vị tổng giám mục người Đức, năm nay 64 tuổi, nguyên giám
mục Regensburg, đã được ĐTC bổ nhiệm đứng đầu Bộ Giáo lý Đức tin hồi đầu tháng 7 vừa qua. Đức TGM Müller cười và nói: “Đức Thánh Cha không hỏi ý
kiến tôi. Ngài bổ nhiệm tôi mà chẳng bàn bạc gì với
tôi. Ngài nói: ‘Đức cha phải làm việc này, đừng có trả lời không khi
Đức Thánh Cha đã muốn!’”
Hai nhà thần học Đức đã từng làm việc chung với nhau nhiều năm. Đức TGM
Müller không muốn sử dụng từ “tình bạn”, vì ở Đức từ
này dùng để nói về người nào đó cùng tuổi với mình, trong khi Đức giáo hoàng Bênêđictô “là người
thuộc thế hệ lớn
tuổi hơn tôi”.
Tuy nhiên, Đức TGM Müller hiện vẫn xem mối tương quan ấy như “một tình bạn ... nhưng Đức giáo hoàng như
một người cha còn tôi là đứa con”.
Đức TGM Müller vẫn còn nhớ đến ảnh hưởng của cha Joseph Ratzinger về phương diện trí thức với tác phẩm “Dẫn vào Kitô giáo” của ngài, xuất
bản năm 1968. Lúc ấy đang là cao trào của các cuộc nổi loạn ở Đại học trên toàn thế giới phương Tây.
“Ngài lại làm sáng tỏ đức tin của chúng ta và thuyết phục chúng ta về tính hợp
lý của niềm tin Công giáo, ngài khôi phục niềm tin của chúng ta vào Giáo Hội”.
Hiện nay Đức TGM Müller đang là chủ biên
công trình “Omnia Opera”, gồm các bài viết của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI. Dự án này
gồm 16 tập sách.
Ngài mô tả Đức giáo hoàng Bênêđictô là “một trí tuệ lớn và nhà tư tưởng quan trọng của thời nay”, đặc biệt khi nói về
“việc giải thích sự sâu xa và phong phú của đức tin Kitô giáo” đối với xã hội hiện nay.
“Còn quá sớm để nói về di sản của triều đại giáo hoàng
này, nhưng trong một nghĩa nào đó chúng ta có thể so sánh Đức Thánh Cha của chúng ta hiện
nay với các Đức giáo hoàng trí thức siêu vời trong lịch sử, như Đức giáo hoàng Lêô Cả hồi thế kỷ thứ 5 và Đức giáo hoàng Bênêđictô XIV hồi thế kỷ 18”.
Đức TGM Gerhard Müller sinh năm 1947
tại vùng Mainz, nước Đức. Ngài học triết học và thần học tại Mainz, München và Freiburg,
đậu hai bằng tiến sĩ. Luận án tiến sĩ thứ nhất nghiên cứu công trình của nhà thần học Tin Lành
Dietrich Bonhoeffer thuộc thế kỷ 20, luận án thứ hai nghiên cứu việc tôn kính các thánh”.
Sau đó, ngài làm giáo sư thần học tín lý tại
Đại học München trong 16 năm; với ngài, đó là 16 năm hạnh phúc. Năm 2002, ngài được Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm giám mục Regensburg.
Đường đời của Đức TGM Müller cũng gần giống với người thầy của ngài là Đức giáo hoàng Bênêđictô: dạy đại học, làm giám mục, rồi về nhận sứ vụ ở giáo triều Roma. Và thực tế, hiện nay ngài lại
đảm nhận cùng một sứ vụ ở Tòa Thánh mà Đức giáo hoàng Bênêđictô đã thi hành từ 1981 đến 2005.
Tuy nhiên, việc bổ nhiệm Đức TGM Müller vào chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin đã gặp phải những chỉ trích của một số người. Họ cáo buộc ngài có quan điểm không chính thống về nhiều vấn đề, từ vấn đề Đức Mẹ trọn đời đồng trinh, vấn đề Chúa Giêsu Kitô thực sự hiện diện trong Bí Tích Thánh
Thể, đến mối tương quan của các Kitô hữu không Công giáo với Giáo hội.
Đức TGM nói: “Đây không phải là những lời chỉ trích, mà là hành động khiêu khích. Và những khiêu khích ấy không thông minh lắm. Hoặc là họ đã không đọc những
gì tôi viết hoặc họ đọc mà không hiểu.”
Đức TGM
Müller giải thích: “Đức tin Công giáo của chúng ta tuyên xưng rõ ràng rằng khi truyền phép trong Thánh Lễ, toàn bộ bản thể bánh và rượu được biến đổi thành toàn bộ Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô, và sự biến đổi này được gọi chính
xác là biến đổi bản thể (transubstantiation). Chúng ta không
chấp nhận tất cả
các giải thích khác như đồng bản thể (consubstantiation), biến đổi ý nghĩa
(transignification), biến
đổi mục đích (transfinalisation) v.v…”
Và ngài xác định: “Giáo hội cũng tuyên xưng rõ ràng rằng “Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ Thiên Chúa, đồng trinh trước, trong và sau khi sinh
Chúa Kitô”.
Về các mối quan hệ giữa các Kitô hữu, Đức TGM Müller lưu ý rằng trong các
cuộc tranh luận hồi thế kỷ thứ 4 và thứ 5 với nhóm Donatus, Thánh Augustinô nhấn mạnh rằng Giáo Hội công nhận “mọi người đã được rửa tội thành sự đều được tháp nhập vào Chúa Kitô”, ngay cả khi họ không hiệp thông trọn vẹn
với Giáo hội Công giáo.
Nhưng Đức TGM Müller đã phải nhanh chóng bắt tay vào
việc đối phó với
vấn đề Hội đồng Lãnh đạo các Nữ tu Hoa Kỳ
(LCWR). Tháng Tư 2012, Bộ Giáo lý Đức tin đã kêu gọi LCWR cải cách, sau khi cuộc thanh tra kéo dài bốn năm hay “thẩm tra học thuyết” đưa ra kết luận rằng có một “cuộc khủng hoảng” niềm tin trong hàng ngũ của LCWR.
Hồi đầu tháng này, Chủ tịch LCWR là nữ tu Pat Farrell gợi ý rằng vấn đề chủ chốt trong các cuộc thảo luận với Tòa Thánh là “Liệu một người có thể vừa là Công giáo vừa có óc nghi ngờ hay không?"
Câu trả lời của Đức TGM Müller thật rõ ràng: “Bởi vì đức tin và lý trí thuộc về nhau, rõ ràng là
không thể vừa là Công giáo vừa có óc nghi ngờ. Chúng ta không được phép thương lượng về chân lý đã được mặc khải. Chúng ta chỉ hiệp thông với Giáo Hội bao lâu chúng ta chấp nhận toàn bộ và trọn vẹn mặc khải của Chúa Giêsu Kitô, chấp nhận tất cả các học thuyết của Giáo Hội”.
Tuy nhiên, ngài hết
sức miễn cưỡng khi phải chống lại các nữ tu Hoa Kỳ. Thay vì vậy, Đức TGM Müller muốn “đến với nhau và không đấu tranh chống lại nhau hoặc nghi ngờ lẫn nhau”.
“Chúng ta là anh
chị em của Chúa
Kitô và chúng ta muốn làm việc chung với nhau, không giống như một đảng phái chính trị hoặc một tổ chức nhân loại, nhưng chúng ta là gia đình của Chúa, là nhiệm thể của Chúa Kitô”.
Tương tự, Đức TGM Müller cũng đã tỏ ra cứng cỏi trước một vấn đề khác gây thắc mắc là tình bạn lâu dài của ngài với nhà thần học người Peru là cha Gustavo Gutiérrez, một trong những
người sáng lập nguyên tắc của “Thần Học Giải Phóng”.
Đức TGM
Müller giải thích
rằng có nhiều trường “Thần Học Giải Phóng” khác nhau. Ngài nhấn mạnh: “Chúng ta phải phân biệt các
trường này, một
số nằm trong hệ thống phân tích thực tại theo kiểu mác-xít và cộng sản” mà Giáo hội Công giáo đã
lên án.
Đức TGM
Müller đã từng giảng dạy và làm việc tại Nam Mỹ trong 15 mùa hè, nói rằng: “Tôi biết cá nhân cha Gustavo Gutiérrez, tôi cho rằng cha không theo lề lối ấy. Cha là một người Công giáo rất tốt. Cha quan niệm rằng không thể phân chia hoặc tách rời “tình yêu Thiên Chúa với tình yêu thương người lân cận”.
Là người sinh quán tại Mainz, Đức TGM Müller cho biết nguồn cảm hứng rất lớn của ngài là từ Đức giám mục Emmanuel Wilhelm von Ketteler, giám
mục giáo phận Mainz hồi thế kỷ 19, một nhà tiên phong về học
thuyết xã hội
Công giáo hiện đại. Công trình của Đức giám mục von Ketteler còn ảnh hưởng đến triều đại Đức giáo hoàng Leo XIII, và nhất là đến thông điệp về xã hội Rerum Novarum (1891) của ngài.
Trong viễn ảnh này của giáo huấn xã hội Công giáo, Đức TGM Müller tin rằng giáo huấn ấy “giúp tái thiết một nước Đức dân chủ sau chiến tranh”. Giáo huấn ấy còn được lặp
đi lặp lại nhiều
lần trong các tài liệu của Giáo hội gần đây như Hiến chế Gaudium et Spes của Công đồng Vatican II và Thông điệp Populorum Progressio của Đức giáo hoàng Phaolô VI năm 1967”.
(CNA/EWTN News, 06-08-2012)
Huy Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét