label

Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Thư Mục Vụ Đức Giám Mục Giáo Phận tháng 09/2012

THƯ MỤC VỤ
Đức Giám Mục Giáo Phận
Tháng 9 năm 2012
 
GIA ĐÌNH GIÁO PHẬN CỘNG TÁC
VỚI CHỦNG VIỆN TRONG VIỆC
ĐÀO TẠO LINH MỤC TƯƠNG LAI
 
          Anh chị em thân mến,
          Hiệp thông với Đức Cha Gioan Baotixita, tôi gửi đến toàn thể gia đình giáo phận lời chào thân ái, cùng với ước nguyện mọi người chúng ta luôn sống trong yêu thương bình an và hiệp nhất. Trong tháng 9, giáo phận như gia đình của Thiên Chúa, hướng về các chủng sinh yêu quí, đang bắt đầu một niên học mới trong giai đoạn đào tạo tại chủng viện Thánh Quí Cần Thơ. Vì thế, thư mục vụ tháng 9 có tựa đề “Gia Đình Giáo Phận Cộng tác với Chủng Viện Trong Việc Đào Tạo Linh Mục Tương Lai”.
 
          1. Đường hướng đào tạo chủng sinh tại giáo phận
          Niên khóa mới của chủng viện Thánh Quí 2012-2013 sẽ chính thức khai giảng ngày 21/9/2012. Giáo phận ý thức rằng chính Chúa Thánh Thần là nhà Đào Tạo các ứng sinh linh mục (PDV 65). Giáo phận cũng tin tưởng và sở cậy chủng viện, “là nơi đào tạo tối ưu” (PDV 60) để giúp các chủng sinh tự đào tạo chính mình. Tuy nhiên, giáo phận cũng luôn ý thức về trách nhiệm của mình là cộng tác với Chúa Thánh Thần và với chủng viện trong chương trình đào tạo. Chính vì thế, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và trong tinh thần đồng trách nhiệm, giáo phận sẽ cộng tác tích cực với chủng viện trong cả 3 giai đoạn là đào tạo mở đường (dự tu), đào tạo khai tâm (chủng sinh) và đào tạo trường kỳ (giáo sĩ). Trong sự cộng tác này, đường hướng đào tạo mà giáo phận chủ yếu nhắm đến là giúp các ứng sinh linh mục phát huy Cảm Thức Giáo Hội”, để qua từng giai đoạn đào tạo, ngày càng ý thức hơn “thuộc về giáo phận”, là một trong những sắc thái làm nên căn tính của linh mục triều.
 
          2. Thách đố của việc đào tạo
          Tuy nhiên, giáo phận cũng cần ý thức về những thách đố thực tế mà giáo phận phải đối diện trong việc đào tạo các ứng sinh linh mục về “cảm thức Giáo Hội”. Có ba (03) thách đố cụ thể ảnh hưởng trực tiếp đến việc đào tạo các chủng sinh tại giáo phận.
          Thách đố thứ nhất là do khác biệt về nguồn gốc cùng với môi trường sống của mình, các chủng sinh có những khác biệt nhất định. Cụ thể là 2 nguyên gốc làm nên sự khác biệt điển hình trong tập thể chủng sinh Long Xuyên; đó là nguyên gốc từ địa phương miền đồng bằng sông Cửu Long và nguyên gốc từ miền Bắc và miền Trung di cư qua nhiều thời kỳ đến định cư và lập nghiệp tại phần đất của giáo phận. Ngoài ra, từ một bối cảnh xã hội cụ thể và do tình hình địa lý của giáo phận, các chủng sinh có thể biết nhiều về cộng đoàn trong địa phương của mình, mà không có nhiều cơ hội tìm hiểu các cộng đoàn Kitô hữu khác với những cách sống đạo và truyền đạo đa dạng tại các địa phương khác trong giáo phận.
          Thách đố thứ hai là sự khác biệt giữa thế hệ linh mục đàn anh đang thi hành tác vụ linh mục với thế hệ chủng sinh đang được đào tạo để trở thành linh mục. Rõ ràng là có những khác biệt về tuổi tác, về tính tình, về những trải nghiệm cụ thể qua những giai đoạn lịch sử của xã hội và Giáo Hội và về tiến trình đào tạo ơn gọi linh mục, trong những giai đoạn khác nhau, tại môi trường chủng viện khác nhau; tất cả đã tạo nên những khác biệt về cách sống, cách suy nghĩ, cách ứng xử…
          Thách đố thứ ba là vì giáo phận còn là Giáo Hội lữ hành, nên có những điểm sáng mà vẫn còn đó những bóng tối. Vì thế, thật là dễ hiểu cho những tâm trạng chao đảo có thể xảy ra nơi các chủng sinh; vì tại chủng viện, các chủng sinh được giới thiệu những lý tưởng với những vẻ đẹp thánh thiện của Hội Thánh, của đời sống và tác vụ linh mục, trong khi hiện diện tại giáo phận trong các kỳ nghỉ hè và các dịp thực tập mục vụ, họ phải đối diện với những con người, các sinh hoạt và các tổ chức có nhiều giới hạn, thậm chí là gương xấu đang xảy ra trong các cộng đoàn Kitô hữu, cách riêng là những yếu đuối từ chính các linh mục cha anh. Những thách đố trên và nhiều thách đố khác làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc đào tạo các chủng sinh về ý thức “thuộc về giáo phận”.
 
          3. Đường hướng Đào tạo tu đức
          Để giúp các chủng sinh đối diện với những thách đố trên một cách tích cực, giáo phận cần giúp các chủng sinh biết ngoan ngoãn để Chúa Thánh Thần hướng dẫn vào một tương quan thân tình và cá vị với Chúa Kitô. Đây là cách thế Chúa Kitô đào tạo các môn đệ của Ngài, cụ thể là tông đồ Phêrô (Mt 16, 13-23). Thật vậy, chính trong tương quan thân tình với Chúa Kitô, người chủng sinh với những sắc thái độc đáo của riêng mình, sẽ có thể trả lời cho câu hỏi “Còn con, con bảo Thầy là ai?” Trả lời câu hỏi này, người chủng sinh tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa Kitô từ một cảm nghiệm thiêng liêng. Từ cảm nghiệm riêng tư này, người chủng sinh được mạc khải cho biết mình là ai trong tương quan với Chúa Kitô để khám phá ra sứ mạng của mình trong tương quan với cộng đoàn: “Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, Thầy sẽ trao cho con chìa khóa nước Trời”. Từ sứ mạng bởi Chúa Kitô, người chủng sinh sẵn sàng đón nhận cách sống của người tông đồ, là trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, cho dù đó là những chọn lựa ngược lại với ý muốn của bản thân và khác biệt với tập thể: “Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ… rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại”. Trong đường hướng tu đức này, chính “trong và nhờ” những khác biệt trong giáo phận, người chủng sinh được đào tạo và tự đào tạo ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô theo cách thế độc đáo của riêng mình, mà đồng thời vẫn tiếp nhận những khác biệt trong giáo phận để đi vào sự hiệp thông trong đa dạng và phong phú. Hơn nữa, chính “trong và nhờ” những giới hạn và yếu đuối đang hiện diện trong giáo phận lữ hành, người chủng sinh ngày càng trở nên trưởng thành trong việc phân định ý muốn của Thiên Chúa cho riêng mình, và can đảm tiến bước bằng chính hy tế đời mình. Đây chính là cách sống mầu nhiệm nhập thể, nhập thế và vượt qua của Chúa Kitô.
 
          4. Đề xuất giải pháp mục vụ
          Trong suốt giai đoạn đào tạo tại đại chủng viện, các chủng sinh hiện diện phần lớn thời gian trong môi trường chủng viện, có các cha giáo đặc tuyển tháp tùng, theo một chương trình sinh hoạt và tổ chức hữu hiệu.
          Vì thế, giáo phận cần tận dụng những dịp các chủng sinh trở về giáo phận, như kỳ nghỉ, thực tập mục vụ hè, năm thử, và năm mục vụ, để quan tâm và tháp tùng các chủng sinh theo đường hướng đào tạo của giáo phận. Quả vậy, đây là cơ hội mà giáo phận, qua UB linh mục chủng sinh, có thể tạo điều kiện cho các chủng sinh hiện diện trong giáo phận để tiếp cận và hiểu biết giáo phận với lịch sử, truyền thống, sinh hoạt và cơ cấu tổ chức. Đây cũng là cơ hội thuận lợi để các vị hữu trách tổ chức cho các chủng sinh của mình hiện diện, sống và hoạt động giữa những cộng đoàn Kitô hữu khác nhau, nhờ đó có những cảm nghiệm về sự phong phú và đa dạng của những khác biệt trong giáo phận. Đây cũng phải là cơ hội để linh mục đoàn tổ chức cho các chủng sinh chung sống, chia sẻ và cộng tác với các linh mục thế hệ cha anh trong tinh thần tham gia và hiệp thông vì sứ vụ trong tinh thần đồng trách nhiệm, với ý thức mình đang từng bước thuộc về linh mục đoàn của giáo phận. Ngoài ra, qua trung gian của các linh mục liên hệ với các chủng sinh (cha xứ, cha bảo trợ, cha tháp tùng…), giáo phận biết trân trọng lắng nghe và vui mừng đón nhận những đóng góp quảng đại và nhiệt tình của các chủng sinh cho đời sống và sứ mạng của giáo phận tại phần đất Long Xuyên. Nhờ đó, các chủng sinh ngày càng ý thức “mình là một thành viên thuộc về gia đình giáo phận”.
          Qua thư mục vụ này, Giáo phận xin được bày tỏ lòng tri ân đối với các bậc tiền bối trong hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân đã hình thành nên một truyền thống đào tạo linh mục tương lai như gia sản trân quí mà giáo phận đang được thừa hưởng. Đặc biệt, giáo phận tỏ lòng tri ân chủng viện Thánh Quí, các Đức Cha và các cha giáo đã hết lòng dấn thân cho công cuộc đào tạo linh mục cho giáo phận Long Xuyên. Thật vậy, sau 24 năm hoạt động, chủng viện thánh Quí đã đào tạo cho giáo phận Long Xuyên 129 linh mục làm thành linh mục đoàn đông đảo với hai giám mục và 260 linh mục. Xin Chúa trả công bội hậu cho các vị ân nhân.
          Riêng với 92 chủng sinh yêu quí của cha, chúng con là niềm vui mừng và hy vọng của giáo phận, đặc biệt của chính cha. Giáo phận tự hào vì sự hiện diện của chúng con trong đời sống giáo phận. Như biểu tượng tháp chuông của nhà thờ Chánh Tòa, chúng con đang được đào tạo và được mời gọi hãy tích cực tự đào tạo, trở thành những cánh tay vươn cao trên nền trời của phần đất Long Xuyên để giới thiệu Chúa Kitô cho anh em đồng đạo, đồng bào và đồng loại. Còn cha, trong nguyện cầu, bàn tay của cha đang dâng từng người chúng con cho Trái Tim Chúa Giêsu, xin Người gìn giữ, thánh hóa và thánh hiến chúng con trong tình yêu của Người. Cha ban phép lành của Chúa cho chúng con.
 
                    + GIUSE TRẦN XUÂN TIẾU
          GIÁM MỤC GIÁO PHẬN LONG XUYÊN
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét