label

Thứ Năm, 10 tháng 2, 2011

Đức Thánh Cha tấn phong 5 tân Tổng Giám Mục

Ðức Thánh Cha tấn phong
5 tân Tổng Giám Mục

Ðức Thánh Cha tấn phong 5 tân Tổng Giám Mục.
Vatican (SD 5-2-2011) - Sáng ngày 5 tháng 2 năm 2011, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã tấn phong 5 vị Tổng Giám Mục phục vụ Tòa Thánh, đứng đầu là Ðức Cha Savio Hàn Ðại Huy (Hon Tai-Fai), 51 tuổi, dòng Don Bosco Hong Kong, tân Tổng thư ký Bộ truyền giáo.
Trong số 4 tiến chức còn lại có Ðức Tổng Giám Mục Marcello Bartolucci, 67 tuổi, người Ý, tân Tổng thư ký Bộ Phong Thánh, Ðức Tổng Giám Mục Celso Morga Iruzubieta, 63 tuổi, người Tây Ban Nha, tân Tổng thư ký Bộ giáo sĩ, Ðức Tổng Giám Mục Antonio Guido Filippazzi, 48 tuổi, sẽ được bổ nhiệm làm tân sứ thần Tòa Thánh tại Indonesia, thay thế Ðức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, được bổ làm Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore và đại diện không thường trú tại Việt Nam. Sau cùng là Ðức Tổng Giám Mục Edgar Pena Parra, 51 tuổi, người Venezuela, Sứ thần Tòa Thánh tại Pakistan.
Hai vị phụ phong là Ðức Hồng Y Angelo Sodano, niên trưởng Hồng y đoàn và Ðức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh. Hiện diện trong thánh lễ bắt đầu lúc 10 giờ tại Ðền thờ Thánh Phêrô có 36 Hồng Y, 50 Giám Mục và 8 ngàn tín hữu. Ðức Hồng Y Marc Ouellet, người Canada, Tổng trưởng Bộ Giám Mục, đã giới thiệu các tiến chức lên Ðức Thánh Cha.
Bài giảng
Trong bài giảng thánh lễ, dựa vào chủ đề tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất năm nay là câu trích từ sách Tông đồ công vụ: "Họ kiên trì trong giáo huấn của các Tông Ðồ và trong sự hiệp thông, trong việc bẻ bánh và cầu nguyện" (Cv 2,42), ÐTC lần lượt đưa ra những lời nhắn nhủ các tiến chức Giám Mục theo 4 yếu tố nâng đỡ cuộc sống Giáo Hội.
- Trước tiên là "kiên trì trong giáo huấn của các Tông Ðồ": đây là điều thuộc về yếu tính của Kitô hữu và là nghĩa vụ nòng cốt của các vị Chủ Chăn, những người thợ trong vườn nho của Chúa". Ðức Thánh Cha nói: "Người Mục Tử không được làm như cây sậy uốn mình trước gió, một người đầy tớ theo tinh thần thời đại. Nghĩa vụ thiết yếu của vị Mục Tử là phải kiên quyết, can đảm chống lại những trào lưu thời đại. Mục Tử không thể là một cây sậy, nhưng phải là một cây có rễ sâu để có thể kiên vững và có nền tảng vững chắc. Ðiều này không có nghĩa là cứng nhắc hoặc không biết uyển chuyển. Chỉ nơi nào có sự kiên vững ổn định thì mới có sự tăng trưởng".
Ðức Thánh Cha giải thích thêm rằng "Kiên trì trong giáo huấn của các Tông Ðồ" - đức tin có một nội dung cụ thể, không phải là một linh đạo bất định, một cảm giác mơ hồ đối với siêu việt.. Giáo Hội đã tóm tắt nòng cốt giáo huấn của các tông đồ trong điều gọi là "regula fidei", qui luật đức tin, và cũng đồng nhất với các bản tuyên xưng đức tin. Ðó chính là nền tảng đáng tin cậy, các tín hữu Kitô chúng ta phải dựa trên đó ngày nay.. Trong tư cách là các Chủ Chăn của Giáo Hội, chúng ta phải sống bằng niềm tin ấy để có thể rao giảng như Tin Mừng làm cho chúng ta chắc chắn về tình yêu Thiên Chúa và chắc chắn mình được Thiên Chúa yêu thương".
- Sang đến yếu tố thứ hai là sự hiệp thông. "Sau công đồng chung Vatican 2, từ hiệp thông này trở thành một lời nòng cốt của thần học và việc rao giảng, vì trong đó có diễn tả tất cả các chiều kích của cuộc sống Kitô và đời sống Giáo Hội"... Khi hiệp thông với các Tông Ðồ, ở lại trong đức tin của các vị, chính chúng ta được tiếp xúc với Thiên Chúa hằng sống. Các bạn thân mến, sứ vụ Giám Mục nhắm phục vụ cho mục tiêu ấy, làm sao để dây hiệp thông không bị cắt đứt. Ðó lòng nòng cốt sự kế truyền Tông Ðồ, là bảo tồn sự hiệp thông với những vị đã gặp Chúa một cách hữu hình và cụ thể, qua đó mở rộng Trời Cao, sự hiện diện của Thiên Chúa nơi chúng ta. Chỉ nhờ sự hiệp thông với các các Ðấng Kế Vị các Tông Ðồ, chúng ta mới tiếp xúc được với Thiên Chúa nhập thể".
- Về yếu tố thứ ba là sự bẻ bánh, tức là Thánh Thể, Trung Tâm của Giáo Hội. Ðây cũng phải là trung tâm cuộc sống Kitô và đời sống tư tế của chúng ta. Ðức Thánh Cha nói: "Chúng ta hãy cố gắng cử hành Thánh Lễ với tất cả lòng tận tụy, với lòng nhiệt thành ngày càng càng sâu đậm hơn, chúng ta hãy cố gắng xếp đặt ngày của chúng ta theo mức độ Thánh Thể, hãy cố gắng để Thánh Thể uốn nắn nhào nặn cuộc sống chúng ta. Bẻ bánh cũng có nghĩa là chia sẻ, thông truyền tình thương của chúng ta cho tha nhân. Chiều kích xã hội, sự chia sẻ không phải là một phụ trương luân lý được thêm vào cho Thánh Lễ, nhưng là thành phần của Thánh Lễ...Chúng ta hãy quan tâm làm sao để đức tin luôn được biểu lộ trong tình thương và trong đức công bằng đối với nhau và cách hành xử xã hội của chúng ta luôn được đức tin soi sáng; đức tin cần được sống trong tình thương".
- Ðề cập đến yếu tố sau cùng là "kinh nguyện", Ðức Thánh Cha nhắc nhở rằng "kinh nguyện một đàng phải có tính chất rất bản thân, một sự kết hiệp sâu xa nhất với Thiên Chúa. Kinh nguyện phải là cuộc "chiến đấu" của chúng ta với Ngài, làm tìm kiếm Chúa, cảm tạ Ngài và hân hoan trong Ngài. Nhưng kinh nguyện không bao giờ chỉ là chuyện cá nhân riêng tư của tôi, không liên hệ với người khác. Cầu nguyện chủ yếu cũng luôn luôn là cầu nguyện trong cộng đồng con cái Thiên Chúa, liên kết với tha nhân. Chỉ trong tập thể chung như thế chúng ta mới là con cái của Cha chung, như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cầu nguyện". (SD 5-2-2011)

G. Trần Ðức Anh, OP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét