label

Thứ Tư, 2 tháng 2, 2011

Từ hái lộc và xin xăm ngày Xuân đến hái lộc Lời Chúa



Đức ông Parolin hái lộc Lời Chúa trong thánh lễ ngày 15-2-2009 tại Nhà thờ Chính tòa Hà Nội




Từ hái lộc và xin xăm ngày Xuân đến hái lộc Lời Chúa
Hái lộc ngày xuân là một trong những phong tục ngày Tết ở Việt Nam. Vào lúc giao thừa và trong ngày Tết, dân chúng có tục lệ đi hái lộc xuân. Họ thường đến đình chùa, miếu xin lộc xin ơn, cầu phúc cầu tài.
Lộc có hai nghĩa: là nhánh cây non, như người ta thường nói: cây nẩy lộc. Lộc cũng có nghĩa là bổng lộc, phúc lộc của trời, của thiên nhiên ban không cho.
Vì là một mầm non vừa nhú ra từ thân cây, từ kẽ lá, hoặc một nhánh cây non, nên lộc tượng trưng cho một sức sống vừa phát sinh và sẽ phát triển mạnh mẽ, hứa hẹn một tương lai xán lạn đang chờ ở phía trước. Vào thời điểm đầu xuân, những mầm non như vậy không có nhiều, nên trong thực tế người ta bẻ những nhánh cây non đem về treo trước nhà hoặc chưng trên bàn thờ với hy vọng rước được sức sống mới về nhà, đồng thời cũng cầu mong đem được phúc lộc về cho gia đình.
Truyền thống tin vào sức sống của thiên nhiên, tin vào ơn trời tự nó là điều tốt. Nhưng trong thực hành, con người vốn có tính hay tham lam, thay vì lấy một nhánh nhỏ, có người bẻ cả cành to, nhổ cả gốc rễ… vì quan niệm rằng: cành càng to lộc càng nhiều. Cho nên từ xưa cho đến nay, tục lệ này thường dẫn người ta đến chỗ quá đà, gây ra sự phá hoại môi sinh, như thường xuyên thấy xảy ra ở các nơi, nhất là trường hợp lễ hội Hoa Anh Đào ở Hà Nội mấy năm trước đây.
Thời nhà Lý, năm 1126, vua Lý Nhân Tông đã phải xuống chiếu cấm nhân dân mùa xuân không được chặt cây. Ai cũng thấy mùa xuân là mùa cây cối nẩy mầm xanh tươi. Chặt cây cối, phá hoại vườn tược cây cảnh trong mùa xuân khác nào xử tử cây cối, hoa cảnh. Cây cối bị triệt hạ thì con người sống ra sao? (1)
2. Xin xăm ngày xuân
Nơi một số đình chùa và lăng tẩm, có tục xin xăm khi khách thập phương tới lễ bái.
Dưới con mắt tự nhiên, xin xăm chỉ là một trò chơi may rủi, nhưng dưới con mắt tín ngưỡng, xin xăm là một cách thỉnh thần ý. Đa số người dân, khi xin xăm là nhắm vào ý nghĩa thứ hai này. Họ muốn biết thần ý về đời sống, gia đình, công việc làm ăn, tương lai hậu vận… Xăm là quẻ thẻ xin ở đền chùa để đoán tương lai… (theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học - Hà Nội 1994).
Về hình thức: xăm là một thẻ bằng tre vót mỏng kích cỡ 20x10cm. Trên đầu thẻ ghi đầu số thứ tự từ 1 đến 100 bằng chữ Nho, kế bên dưới là số Ả Rập, dưới cùng mỗi thẻ là số của ống xăm). Mỗi ống đựng 100 thẻ xăm. Tại Lăng Ông, Bà Chiểu, trong số 100 thẻ có:
38 thẻ nói những điều tốt, may mắn
50 thẻ nói những điều trung bình
12 thẻ nói những điều không tốt.
Cách thức xin xăm
Trước hết khách lễ thần 4 lạy, 3 vái rồi tùy ý quỳ hay ngồi, hai tay đưa cao ống xăm lên mà lắc một cách kính cẩn, sao cho một que thẻ rớt ra. Sau đó khách xá nhẹ vài xá, lạy tạ thần 4 lạy, và nhớ kỹ số thẻ của xăm (viết bằng chữ Hán, ai không biết chữ Hán phải nhờ người khác đọc giùm).
Sau đó khách tới bàn xăm. Tại đây có thầy chuyên môn giải thích cho khách. Khách cho biết số thẻ xăm. Thầy lấy lá xăm là một tờ giấy có cùng số tại bàn xăm. Lá xăm này mặt trước viết số thứ tự que xăm, rồi đến một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt diễn tả thần ý gồm 3 phần: nguyên văn bằng chữ Hán, phần phiên âm và phần dịch nghĩa. Mặt sau là lời bàn xăm, viết theo thứ tự: bổn mạng, gia đạo, mưu sự, cưới gả, bệnh tật, cầu tài, cầu quan, xuất hành, kiện cáo, mất trộm. Tất cả những lời bàn của thầy có đặc tính chung là vắn tắt, mơ hồ, nặng về phương diện luân lý, đạo đức. Còn nội dung tốt xấu thế nào thì có thể nói là theo tỉ lệ 38, 50 và 12 như đã nói trên đây.
Lượng giá
Xin xăm thuộc loại tín ngưỡng dân gian. Nhiều người, qua việc xin xăm, những mong thánh thần, trời Phật chỉ giúp vận hạn trong năm để phòng tránh.
Lá xăm mà nhiều người cho là biểu hiện ý của thần thánh có khi đúng có khi sai, như thực tế vẫn chứng minh. Thế nhưng vẫn không ít người tin vào nó. Khi gặp xăm xấu họ thất vọng hoàn toàn, mất tin tưởng vào cuộc sống, buông xuôi mọi sự, khiến ảnh hưởng tiêu cực đến hạnh phúc gia đình và người thân, đến công việc làm ăn. Dù mỗi người ai cũng phải chịu một phần ảnh hưởng của hoàn cảnh xã hội, nhưng cuộc sống của bản thân chúng ta phần lớn tùy thuộc vào ý chí và sự cố gắng của chính chúng ta. Hãy giúp mình thì Trời sẽ giúp. Mỗi người chịu trách nhiệm về chính mình. Chính chúng ta sẽ phải quyết định cuộc sống của mình trong hiện tại và định hướng cho tương lai (2).
3. Hái lộc Lời Chúa trong Giáo Hội
Trong nhiều nhà thờ Công giáo, từ khoảng đầu thập niên 1980, sau thánh lễ Minh niên Mồng một Tết Nguyên Đán, tại gian cung Thánh có tổ chức hái lộc Lời Chúa như một kiểu hội nhập văn hóa.
a). Những câu Lời Chúa trích từ Kinh Thánh, đa số từ Tân Ước, mỗi câu được viết trên miếng giấy, kích cỡ không nhất định, cuộn tròn lại treo trên một cành cây, thường là cành mai hay cành đào. Liền sau khi hát bài kết thúc thánh lễ Minh niên, mỗi người lên tự tay hái lấy một cuộn, như kiểu hái lộc cây, mở ra đọc Lời Chúa ghi trong đó, trong lòng thầm cầu nguyện cho bản thân, cho gia đình và cho những người thân, rồi đem về dán lên bàn thờ hay một nơi trang trọng trong gia đình. Để rồi cả năm mỗi người trong gia đình sẽ cố gắng sống theo điều răn dạy của câu Lời Chúa đó.
b). Lời Chúa dạy có thể xếp thành nhiều loại.
1. Loại tích cực:
­­– Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian (Mc 16, 15).
– Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con. Các con hãy nhận lấy Thánh Thần (Ga 20, 24).
2. Loại tiêu cực:
– Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói (Lc 6, 25).
– Ai vả má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa (Lc 6, 29).
3. Loại pha cả tích cực và tiêu cực:
– Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó vì Nước Trời là của họ (Mt 5, 3).
– Vì danh Thầy các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ (Mt 10, 22).
Trên nguyên tắc: đã là Lời Chúa thì lời nào cũng soi sáng hướng dẫn và nuôi dưỡng con người, có lời khuyên bảo, có lời răn đe, có lời hứa hẹn với điều kiện… và tất nhiên nếu muốn sống theo Lời Chúa cũng đòi hỏi rất nhiều hy sinh.
Người Công giáo, dù vẫn phải biết tiên liệu mọi công việc với tất cả tinh thần trách nhiệm, cũng phải luôn biết tin tưởng phó thác trong tay Chúa Quan Phòng về tất cả những gì liên quan tới tương lai, tránh mọi thứ tò mò không lành mạnh về vấn đề này (x. GLHTCG số 2115).
Vì thế người Công giáo không đi coi bói coi tử vi coi đồng bóng, không xin xăm… vì những điều này đi ngược lại với niềm tin vào một mình Thiên Chúa là Đấng Quan Phòng đầy quyền năng và tình thương. (x GLHTCG số 2115).
Chúa Giêsu đã dạy: “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến” (Mt 24, 42). Điều này có ý dạy chúng ta đừng tò mò tìm biết tương lai, nhưng hãy luôn luôn sống đạo đức và thường xuyên làm việc thiện như người đầy tớ trung tín và những trinh nữ khôn ngoan.
Khi hái lộc Lời Chúa, người Công giáo không nhằm cầu may hay để tìm biết tương lai hậu vận… nhưng là để chọn cho mình và cho cả gia đình mình một trong nhiều Lời Chúa, để cả gia đình thực hành cách đặc biệt trong suốt năm. Trong khi chồi lộc cây cối đem lại cho người hái hình ảnh một sức sống phát sinh và đang phát triển, thì lộc Lời Chúa lại đi lên tới chính Đấng “nhờ Người mà muôn vật được tạo thành”, vì Lời Người “là ngọn đèn soi cho chúng ta bước, là ánh sáng chỉ đường cho ta đi” (x. Tv 118, 105); “Lời Chúa là sức thiêng cứu rỗi mọi tín hữu” (Mc 17); “bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6, 68). “Trong lời Thiên Chúa, có năng lực lớn lao có thể nâng đỡ và ban sinh lực cho Hội Thánh, còn đối với con cái Hội Thánh thì thành sức mạnh cho đức tin, lương thực cho linh hồn, nguồn sống tinh tuyền và trường tồn cho đời sống thiêng liêng” (MK 21, trích dẫn trong GLHTCG số 114).
Nhận định như trên, thì dù Lời Chúa khuyên bảo hay răn đe, dù diễn tả dưới hình thức tích cực hay tiêu cực, tất cả đều đem lại ánh sáng và sự sống cho con người. Tuy nhiên, trong thực tế, vào thời điểm đầu năm, tâm lý chung của con người là chỉ muốn nghe những điều tích cực, những điều đem lại niềm vui và hạnh phúc. Vì thế nên nhiều khi có những trường hợp xảy ra là: người bắt được câu không vừa ý thì len lén treo lại và hái câu khác, hoặc đem về giấu đi để khi đi lễ chiều hái câu khác.
Rút kinh nghiệm này, nhiều cha quản xứ, khi soạn các câu lộc Lời Chúa, đã chỉ chọn những câu tích cực, để khi rút được ai cũng bằng lòng, và tình trạng đổi lại hoặc giấu giếm không xảy ra nữa. Như vậy xem ra đã giải quyết được một phần vấn đề. Phần vấn đề còn lại là làm cách nào để cũng áp dụng những Lời Chúa mà nhiều người cho là chói tai?
Vì có lúc Chúa sẽ hỏi: Thế còn những câu sau đây, sẽ chẳng có ai thi hành áp dụng sao? – “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9, 23); “Vì danh Thầy anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng ai bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 10, 22).
Có cha xứ đã trả lời: “Vào những thời điểm phụng vụ thích hợp, như mùa Chay, tuần Thánh… con sẽ giải thích cho dân chúng để họ vui lòng chấp nhận những giáo huấn khác của Tin Mừng đòi hỏi nhiều hy sinh”. Có lẽ Chúa sẽ trả lời: “Cũng tạm được thôi, nhưng…”
Nhưng cách tốt nhất vẫn là giải thích và chuẩn bị tinh thần giáo dân trước để ngay từ ngày đầu xuân, họ có thể đón nhận đầy đủ giáo huấn của Chúa Giêsu, những điều dễ đón nhận cũng như những điều xem ra chướng tai (Ga 6,60). Như lời Thánh Phaolô: “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện, hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ” (2 Tm 4, 2).
Nha Trang 14-1-2011
Gm Phaolô Nguyễn Văn Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét