Nạn đói kém
hậu qủa của các đường lối chính trị
nông nghiệp thiển cận
Roma (Avvenire 29-12-2011; Vat. 28-02-2012) - Phỏng vấn ông Paolo De Castro, giáo sư Kinh Tế Chính trị nông nghiệp đại học Bologna, trung Italia, về hậu qủa của các đường lối chính trị nông nghiệp sai lầm
Từ hơn một thế kỷ qua các phát triển kỹ thuật đã giúp ngành nông nghiệp sản xuất hữu hiệu và cung cấp nhiều thưc phẩm hơn với phẩm chất cao hơn. Nhưng các thay đổi cuộc sống và luật lệ kinh tế khiến cho nhiều nước trước đây sản xuất ngũ cốc giờ đây phải nhập cảng ngũ cốc. Sự cạnh tranh của các nước có nền kinh tế đang lên và nạn đầu tư cũng khiến cho thị trường thực phẩm thường gặp khủng hoảng gây ra rất nhiều khó khăn cho dân nghèo. Trong các năm qua tại nhiều nước nghèo Phi châu đã xảy các vụ xuống đường biểu tình và bạo động vì giá cả ngũ cốc và thực phẩm gia tăng.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của ông Paolo De Castro, giáo sư Kinh Tế Chính trị nông nghiệp đại học Bologna, trung Italia, về nạn đói kém như hậu qủa của các đường lối chính trị nông nghiệp sai lầm trên thế giới.
Giáo sư Paolo De Castro sinh năm 1959, đã từng là Bộ trưởng nông nghiệp Italia hai lần, và hiện nay là Chủ tịch Ủy ban nông nghiệp của Quốc Hội Âu châu. Cuốn sách mới nhất của giáo sư tựa đề "Chạy về với đất. Thực phẩm và nông nghiệp trong kỷ nguyên của nạn khan hiếm mới".
Hỏi: Thưa giáo sư De Castro, tại sao thế giới đang sống trong kỷ nguyên kỹ thuật tân tiến mà lại vẫn xảy ra nạn đói kém và khan hiếm thực phẩm?
Ðáp: Trong các thập nhiên qua, thế giới, đặc biệt là các nước Âu châu, đã đề ra các đường lối chính trị cắt giảm sản xuất nông nghiệp vì tuân theo các luận lý thiển cận của việc tái quân bình thị trường. Trong một quốc gia như Italia chẳng hạn, các đường lối chính trị thiển cận ấy đã khiến rơi vào tình trạng mất thế quân bình: thay vì nhập cảng 100 thì vì nhu cầu gia tăng, ngày nay Italia phải nhập cảng thực phẩm ba lần nhiều hơn trước đây.
Hỏi: Nhưng mà thị trường không phải là lý do gây ra mọi sự dữ trong lãnh vực nông nghiệp, có phải thế không thưa giáo sư?
Ðáp: Thị trường sản xuất ra sự hữu hiệu kinh tế, nhưng không thể yêu sách nó phân chia các tài nguyên một cách đồng đều trong xã hội. Và ngày nay còn hơn trước đây nữa cần phải có các luật lệ, bởi vì chúng ta đang bước vào một giai đoạn khan hiếm thực phẩm mới.
Hỏi: Nhưng mà các luật lệ này không phải chỉ là các luật lệ của Âu châu, mà phải là các luật lệ của toàn thế giới chứ?
Ðáp: Vâng đúng thế. Cần bảo đảm cho an ninh lương thực, và Âu châu phải phát triển một dự án chung để điều hành một hiện tượng có nguy cơ trở thành một điều không thể kiểm soát được, vì sự kiện nhu cầu thực phẩm gia tăng với tiết nhịp đều đặn hơn là việc cung cấp lương thực. Nếu hai nước Nga và Ucraine đưa ra các thuế nhập cảng ngũ cốc, nếu Hội nghị thượng đỉnh của khối G20 đã dành 2 trên tổng số 7 trang của tài liệu chung kết cho vấn đề nông nghiệp, thì đây qủa là tiếng báo động cụ thể. chứ không phải là chuyện tầm thường không quan trọng.
Hỏi: Nó có phải là lời báo động liên quan tới nạn dân số gia tăng, như người ta vẫn thường làm hay không, thưa giáo sư?
Ðáp: Ðây không phải là vấn đề dân số, mà là vấn đề liên quan tới sự gia tăng lợi tức bình quân tính theo đầu người bên Ấn Ðộ và bên Trung Quốc, với hậu qủa là việc thay đổi các thói quen ăn uống: Việc gia tăng lợi tức thay đổi các thói quen ăn uống của hàng tỷ người trên thế giới. Nó khiến cho người dân ăn thịt nhiều hơn và tiêu thụ ít ngũ cốc hơn. Nhưng để có một lượng protein thịt bò thì trung bình phải cần tới 7 lượng ngũ cốc. Và như thế nhu cầu ngũ cốc gia tăng một cách nghiệm trọng. Ðã từ lâu mức gia tăng sản xuất nông nghiệp chỉ vào khoảng 1,5%, và như thế thì không đủ để đáp ứng các nhu cầu cần thực phẩm.
Hỏi: Như vậy, theo giáo sư cần phải có nhiều đất trồng tỉa hơn hay sao?
Ðáp: Sự kiện cụ thể cho thấy là đất đai đã được khai thác hầu như hoàn toàn. Trái lại, nó có nguy cơ giảm thiểu, vì sự kiện các thành phố ngày càng nhiều hơn và trải dài ra lấn chiếm đất dành cho nông nghiệp. Bên cạnh đó là các công tác trồng tỉa không nhằm mục đích cung cấp thực phẩm, mà là để sản xuất xăng sinh học, các cơ cấu này xâm lấn lãnh vực sản xuất thực phẩm. Sự kiện này tạo ra hiện tượng tìm mua đất trồng trọt tại các quốc gia nghèo. Trung Quốc và Ấn Ðộ mua hay thuê đất canh tác tại nhiều nước Phi châu mà không theo luật lệ nào. Sự kiện này có nguy cơ làm nảy sinh ra các hình thức mới của nạn thực dân kinh tế. Không phải vô tình mà Brasil đã ra luật cấm bán đất cho người ngoại quốc.
Hỏi: Thưa giáo sư, nếu đất đai là của cải có hạn, thì làm sao mà có thể gia tăng sản xuất được?
Ðáp: Ðây không phải chỉ là vấn đề gia tăng sản xuất, mà cũng còn là vấn đề duy trì được thế quân bình giữa thị trường, kỹ nghệ và sản xuất nữa. Ðiển hình như vấn đề sản xuất đường. Cho tới năm 2005, Âu châu và đặc biệt là Italia, đã sản xuất đường thặng dư, vì được yểm trợ bởi các nguồn tài chánh công cộng khiến cho nó xem ra ít hữu hiệu trên bình diện thị trường. Rồi vì áp lực của giới sản xuất bánh ngọt yêu cầu được phép tự do mua đường với giá rẻ hơn, chính quyền đã đưa ra luật cải tổ kỹ nghệ sản xuất đường, với các cắt giảm việc sản xuất. Vào thời đó Italia xuất cảng đường với giá 300 mỹ kim một tấn, ngày nay Italia bị bắt buộc phải mua đường với giá gần 1,000 mỹ kim một tấn. Ðối với sữa và các sản phẩm chế từ sữa cũng thế. Tất cả các luật lệ đã được nghĩ ra liên quan tới các sản xuất thặng dư hồi thập niên 1980. Ngày nay các hãng xưởng chế bánh ngọt của Italia gặp khủng hoảng vì không tìm ra sữa bột để làm bánh nữa, và toàn bộ việc sản xuất của châu Ðại Dương bị thị trường Á châu nuốt trửng.
Hỏi: Như thế là trong nhiều thập niên qua các chính quyền đã đưa ra các đường lối chính trị sai lầm?
Ðáp: Tôi gọi chúng là các đường lối thiển cận, không có khả năng chuẩn bị cho tương lai. Cần phải thay đổi. Phải làm sao để có sự cộng tác tràn đầy giữa kỹ nghệ và nông nghiệp. Phát triển việc nghiên cứu tìm tòi để gia tăng tiềm năng sản xuất của Âu châu.
Hỏi: Ngày trước Italia đã là quốc gia lãnh đạo trong lãnh vực nông nghiệp mà thưa giáo sư. Tại sao ngày nay nó lại rơi vào tình trạng lệ thuộc các nước khác về thực phẩm như vậy?
Ðáp: Ngày nay tại Italia nông nghiệp đã bị bỏ bê, trong khi tại các nước như Trung Quốc, Ấn Ðộ, và Brasil là ba quốc gia chiếm tới 70% tiền đầu tư trên toàn thế giới cho các nghiên cứu và phát triển nông nghiệp. Và quan trọng nhất là việc tìm kiếm và nghiên cứu công cộng liên quan tới tổ chức nông nghiệp thế giới chẳng hạn. Nó giúp tránh được các nguy cơ khai thác từ phía các tổ chức siêu quốc gây ra các hậu qủa kéo dài làm mất thế quân bình của thị trường.
Hỏi: Theo giáo sư thì tổ chức nông nghiệp quốc tế tích cực hay tiêu cực?
Ðáp: Cần phải loại bỏ khỏi lãnh vực này các thiên kiến ý thức hệ. Việc tìm kiếm là điều nòng cốt giúp giải quyết vấn đề khan hiếm thực phẩm đang đè nặng trên nhiều quốc gia. Dĩ nhiên không phải chỉ trong lãnh vực liên quan tới kỹ thuật sinh học mà thôi. Tất cả mọi giải pháp giúp sản xuất nhiều hơn và gây ra ô nhiễm ít hơn đều là những điều nòng cốt. Cả xăng sinh học nữa, không phải được làm từ ngũ cốc, mà là chế bằng các chất thải.
Hỏi: Xem ra chúng ta đang trở lại thời hậu đệ nhị thế chiến, là thời gian có các dự án phát triển lớn trong lãnh vực nông nghiệp, có đúng thế không thưa giáo sư?
Ðáp: Các dự án phát triển nông nghiệp ngày nay lại cần thiết trên bình diện liên lục địa. Cần phải có các chiến thuật mới trong việc quản trị đất đai và chú ý đến việc sản xuất nông nghiệp cho một cuộc cách mạng xanh mới. Nhưng cũng cần giảm các phung phí. Ngày nay một phần ba thực phẩm sản xuất bị phung phí: nghĩa là mỗi người dân tây âu phung phí 300 kí lô thực phẩm, và mỗi người dân tại các nước nghèo đang trên đường phát triển phung phí 150 kí lô, nhất là trong giai đoạn sản xuất, duy trì và phân phối. Thí dụ điển hình như tại Anh quốc có hàng loạt các khâu bán hạ giá các thực phẩm hết hạn nhưng vẫn còn dùng được.
(Avvenire 29-12-2011)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét