label

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012

ĐƯỜNG HƯỚNG MỤC VỤ TRUYỀN THÔNG CÔNG GIÁO

           (Bài phát biểu của Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm)
ĐƯỜNG HƯỚNG MỤC VỤ TRUYỀN THÔNG CÔNG GIÁO
Đại hội của Uỷ ban Truyền thông xã hội trực thuộc HĐGMVN – 16.02.2012
 
 
I. Từ bốn yếu tố chính trong truyền thông
1. Nguồn : chủ thể cung cấp nội dung.
2. Đối tượng : người đón nhận nội dung truyền thông.
3. Sứ điệp : nội dung truyền thông.
4. Kênh truyền thông : nội dung được chuyển tải qua nhiều hình thức và phương tiện.
 
II. Đến quan điểm công giáo về truyền thông
1.Nguồn
Cội nguồn của truyền thông là Thiên Chúa Tình Yêu, Đấng Thiên Chúa duy nhất nhưng không đơn độc, mà là duy nhất trong Ba Ngôi. Dòng sông truyền thông của tình yêu không ngơi nghỉ giữa lòng Ba Ngôi (ad intra) và trào vọt ra bên ngoài (ad extra) trong công trình sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa. Đời sống Giáo Hội đúng nghĩa vừa là dấu chỉ vừa là khí cụ của dòng chảy truyền thông ấy.
Trong từng hành động truyền thông cụ thể, có nguồn là chủ thể nhân loại (nói, viết, gửi hình ảnh) nhưng chủ thể đó ý thức mình là khí cụ của Thiên Chúa, nên chủ thể ấy hành động trong tác động của ân sủng Thiên Chúa và theo sự hướng dẫn của Giáo Hội. Cũng từ đó, chủ thể luôn ý thức việc mình làm phải mang tính trung thực, cởi mở, tôn trọng tha nhân, ý thức trách nhiệm. Cũng ở đây, phải nói đến linh đạo truyền thông, cụ thể như Đức Bênêđictô XVI nhấn mạnh giá trị của tĩnh lặng trong truyền thông.
2. Đối tượng
Đối tượng chính yếu là người công giáo, những thành viên trong Giáo Hội, để chia sẻ thông tin, gia tăng hiểu biết về Giáo Hội, củng cố và đào sâu đức tin, cậy, mến.
Ngoài ra, theo định hướng loan báo Tin Mừng, phải nghĩ đến đối tượng là người ngoài công giáo. Khi những người này tiếp cận truyền thông công giáo, họ có gặp được ánh sáng chân lý và hơi ấm của tình yêu? Không chỉ qua nội dung mà còn qua cách trình bày.
3. Sứ điệp
Sứ điệp chính yếu, nếu không nói là duy nhất, của truyền thông công giáo, phải là Tin Mừng Đức Giêsu Kitô. Đồng thời là Tin Mừng được hiện tại hóa cho con người trong những cảnh sống cụ thể, với những vấn đề cụ thể : “Hôm nay ứng nghiệm những lời mà anh chị em vừa nghe” (Lc 4).
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để loan báo sứ điệp Tin Mừng cho con người ngày nay? Làm thế nào để đưa hình ảnh và âm vang của Chúa vào trong thế giới hôm nay? Làm thế nào để có chọn lựa phù hợp với Tin Mừng trong từng hoàn cảnh? Làm thế nào để Tin Mừng trở thành ánh sáng soi dẫn suy nghĩ và hành động?
4. Kênh truyền thông
Những kênh truyền thông quen thuộc: báo chí, tạp chí, sách vở, truyền thanh, truyền hình, internet…
Trong hoàn cảnh cụ thể của GH VN, chỉ có tạp chí (Hiệp Thông, 2 tháng/lần), sách vở (giới hạn trong các nhà sách công giáo, chưa đến được những nhà sách khác), internet…và đều ở mức độ giới hạn.
Không thể quên kênh truyền thông hằng ngày: diện đối diện, gặp gỡ cá nhân.
 
III.  Những hạn chế và thách đố
1. Những khó khăn khách quan
Giới hạn về phương tiện truyền thông: không được phép xuất bản báo chí, chương trình truyền thanh và truyền hình. Kể cả những gì được làm, vẫn có nhiều giới hạn: tạp chí, internet…
Tài chính eo hẹp.
Não trạng thời đại, kể cả trong đời sống tôn giáo, là não trạng “mì ăn liền”, thích chuyện giật gân, không muốn tĩnh lặng để suy tư.
2. Những khó khăn chủ quan
Thiếu hợp tác giữa những người làm công tác truyền thông: trong một giáo phận, giữa các giáo phận, giữa các nhóm…
Những phân rẽ: chủ yếu từ lý do chính trị. “Một số người, do thù ghét GH, coi giáo huấn của GH như đối tượng để tấn công và chế giễu…Ngay cả các hãng truyền thông công giáo cũng có thể đưa ra những ý thức hệ xung đột, đôi khi làm cho giáo huấn của GH hầu như không còn nhận ra được nữa, chứ đừng nói là thông đạt” (nhận định của Ban MVTT Hoa Kỳ).
 
IV. Những lời mời gọi
1. Lưu tâm hơn đến sứ điệp và đối tượng
Sứ điệp: dễ bị bỏ quên để chạy theo sự thu hút bằng những tin tức giật gân nhưng phản Tin Mừng (thiếu trung thực, thiếu tôn trọng người khác, thiếu ý thức trách nhiệm đối với đời sống đức tin của Dân Chúa).
Giới trẻ: thành phần tiếp cận các phương tiện truyền thông hiện đại nhiều nhất, nhưng có những nguy cơ: chìm trong đại dương thông tin, không có chuẩn mực để đánh giá; từ đó có cái nhìn phiến diện và lệch lạc về cuộc sống, dẫn đến lối sống không lành mạnh.
2. Hợp tác giữa các ban truyền thông
Phối hợp giữa những người làm truyền thông, các ban truyền thông giáo phận.
Phối hợp giữa ban Truyền thông và những ban khác: truyền giáo, giáo dục, di dân.
3. Linh hoạt và đổi mới
“Người làm truyền thông cho GH phải sử dụng công nghệ mới khi chúng xuất hiện. Không ngần ngại sử dụng các phương tiện truyền thông thương mại hoặc tiếp cận với các chuyên gia ngành công nghiệp truyền thông, bằng cách cung cấp cho họ những tin tức về GH, hỗ trợ các nỗ lực của họ, tư vấn về chuyên môn, liên minh với họ khi thích hợp” (HK).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét