label

Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2011

Bài giảng chúa nhật thứ I mùa chay ( cha sở Mai Đức Vượng)

CÁM DỖ
Chúa nhật I Mùa Chay A
            Hôm nay chúng ta bước vào Chúa Nhật I Mùa Chay.
Mùa Chay, như tên gọi, là Mùa Chay tịnh. Mùa tập luyện khổ chế, hãm dẹp những đòi hỏi của thân xác. Để làm gì ? Thưa : Để làm chủ thân xác mình và để chia sẻ với những người túng thiếu.
Sống trên đời, mỗi người như người khách bộ hành đi trên con đường mù mịt bụi trần, là những cám dỗ. Càng đi xa bụi bậm càng bám nhiều trên mặt mũi, thân xác và y phục. Chúng ta cần phải tắm rửa sau mỗi chặng hành trình, mỗi khi đi đâu về. Mùa Chay chính là những chặng dừng chân mà GH đặt ra trên con đường đời chúng ta mỗi năm, để chúng ta dừng chân, tắm rửa linh hồn của mình. Bằng nghiêm túc xét lại đời sống mình trong một năm qua, đâu là những thói hư tật xấu như bụi bặm đang phủ lên linh hồn mình, thành tâm sám hối, quyết tâm giũ bỏ để đổi mới.
Tin Mừng Chúa nhật I Mùa Chay năm nào, GH cũng cho chúng ta nghe câu chuyện Chúa Giêsu bị ma quỷ cám dỗ.. tại sao thế ?
Nhân câu chuyện tin mừng Chúa bị ma quỷ cám dỗ tôi muốn chia sẻ với anh chị em một chút về Cám Dỗ.
1. Trước hết : Cám Dỗ là gì ?
Cám dỗ được định nghĩa là : Một cơ hội hiểm nghèo, một sức mạnh có thể đẩy đưa ta tới chọn lựa một hành động xấu.
Sáng nay từ nhà đi tới nhà thờ, tôi gặp một cái bóp căng phồng nằm cô đơn trên đường. Lượm lên, mở ra, tôi thấy một xấp dày cộm tòan tiền 500.000. Lập tức trong đầu tôi cùng một lúc có 2 tiếng nói: Nhờ Cha rao lên xem có ai mất thì trả lại cho họ.. Đó là tiếng của luơng tâm, tiếng Chúa. Tiếng nói kia : Vô mánh rồi ! Mình sẽ nhẹm đi để xài. Ai biết ! Đó là tiếng của ma quỷ cám dỗ.
Cái Bóp căng phồng là Chước Cám dỗ.. là cơ hội.
Hai tiếng nói ấy tạo nên trong tôi một cuộc Chiến tranh nội tâm, thầm lặng nhưng vô cùng khốc liệt. Tôi thắng hay thua, tôi chọn mệnh lệnh nào là tùy ở tập quán của tôi có quen làm điều tốt hay không, và trên hết là ở Ơn Chúa.
Thưa anh chị em,
Tôi hình dung một cơn Cám dỗ đơn giản như thế để anh chị em dễ hiểu. Bắt đầu bao giờ cũng là những cơn cám dỗ nhỏ, càng ngày những cơn cám dỗ càng lớn hơn. Ai ăn cắp quả trứng, sẽ ăn cắp con bò..
Sồng trên đời ai cũng gặp cám dỗ. Càng thánh càng gặp nhiều cám dỗ. Kể anh chị em nghe Câu chuyện thằng Quỷ ngủ gục.
Một thiên thần đi qua một thành phố, thấy một con quỷ già đang ôm đầu gối để ngủ. Thiên thần hỏi : Mày ngồi đây làm gì, bộ hết chỗ ngủ rồi sao mà ngồi ngay cửa ngõ thành phố để ngủ. Nó trả lời : Tôi được giao công tác vận động bà con trong thành phố này phạm tội. Thiên thần nghĩ : Ừ tốt lắm, ngủ đi để khỏi cám dỗ người ta.. rồi ngài tiếp tục đi. Ngài đi qua một khu rừng, thấy một bầy quỷ rất đông đang vây quanh một vị ẩn tu, thân hình ốm yếu tiều tụy, chúng đang bày đủ trò để cám dỗ ngài. Thiên thần bực mình la lên : Sao cả một thành phố mà chỉ trao cho có một đứa, lại ngồi ngủ gục, còn ở đây, chỉ có một người, đã trốn chạy thế gian, mà các ngươi kéo cả một bầy để phá phách. Bất công quá ! Một thằng già nhất ranh mãnh thưa : Thưa ngài : Cả một thành phố đông đúc, nhưng chúng tự biết phạm tội, không cần cám dỗ. Còn tên này, cứng đầu quá nên chúng tôi phải huy động cả một lực lượng, nhưng cũng chưa đạt được chỉ tiêu…

2. Ma Quỷ hay cám dỗ chúng ta về những sự gì ?
Thưa ba chước cám dỗ mà ma quỷ cám dỗ Chúa hôm nay, chính là những cơn cám dỗ muôn thuở mà ma quỷ vẫn còn áp dụng để cám dỗ chúng ta, đó là DANH, LỢI, THÚ.
- Khi dụ Chúa nhảy từ trên nóc đền thờ xuống…là để lấy Danh.
- Khi bảo Chúa quỳ gối thờ lạy nó, nó sẽ cho các thành phố.. được Lợi.
- Khi xúi Chúa biến đá thành bánh để ăn cho khỏi đói..là thỏa mãn cái Thú, thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ.
Con người ai cũng ham DANH vọng chức quyền, vì có chức có quyền mới nộ nạt, đàn áp, tham ô, vòi vĩnh người khác, mới có LỢI lộc là tiền của. Cả đời bốc vác, làm thuê làm mướn thì nộ nạt được ai ! Có Lợi lộc, giàu có rồi thì HƯỞNG THỤ mọi thú vui..
Cái Vòng đời của nhiều kẻ có Chức có Danh là : DANH - LỢI - THÚ và cuối cùng là TỘI. Không vào TÙ thì cũng là gia đình tan nát !
Ma quỷ dễ sợ không anh chị em ?
Chính vì vậy mà một trong những lời Cầu nguyện Chúa dạy trong Kinh Lạy Cha là : Xin chớ để chúng con sa chước Cám dỗ !



3. Sau cùng : Khi gặp Cám dỗ ta phải làm gì ?
Thưa bài thuốc Chống Cám dỗ chỉ có ba liều thôi :
- Thứ nhất là Cầu nguyện : T. Alphongsô nói : Khi gặp cám dỗ mà không cầu nguyện chắc chắn sẽ thua. Chúa dạy nói : Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ… Hãy tập nói đi, hãy cầu đi…
- Thứ hai là Đừng đùa với cám dỗ. Kế sách tối ưu của tam thập lục kế là tẩu vi thượng sách. Hãy tránh xa ngay nơi chốn hiểm nghèo ấy, con người nguy hiểm ấy, cơ hội đáng sợ ấy sớm chừng nào tốt chừng nấy.. chơi dao sẽ có ngày đứt tay.
- Thứ ba là mạnh dạn tỏ cơn cám dỗ ra cho một người đạo đức nào đó. T. Philipplhê nói, khi tỏ cơn cám dỗ ra với một người đạo đức, là đã thắng 50% rồi. Một hình thức xin trợ giúp 50-50. Tên ăn trộm khi bị pháp hiện hắn sẽ chuồn ngay.

Anh chị em thân mến,
Cám dỗ đầy rẫy quanh ta. Có khi chính những người trong gia đình ta là những kẻ cám dỗ ta nhiều nhất ! Một vị thánh đã cầu nguyện : Lạy Chúa, xin cứu con không phải khỏi kè thù, nhưng cứu con khỏi những người con thương mến.
Chước cám dỗ thì luôn có sẵn quanh ta như cạm bẫy, mà sức ta thì yếu đuối. Nhiều khi Chúa muốn gởi cám dỗ đến để thử thách, để rèn luyện ta về đức khiêm tốn.
Hãy tránh xa mọi cơ hội hiểm nghèo có thể sa ngã.
Hãy bày tỏ cơn cám dỗ với người tốt lành đạo đức.
Và hãy cầu nguyện xin Chúa giúp sức…
“ Lạy Cha, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chùng con cho khỏi sự dữ. Amen”.

Giáo xứ Cần Xây,
Chúa Nhật I Mùa Chay A
LM. Pr. MAI ĐỨC VƯỢNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét