label

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

Thư Mục Vụ Đức Giám Mục Giáo Phận tháng 4 năm 2011

CỬ HÀNH VÀ SỐNG
MẦU NHIỆM CHIÊN VUỢT QUA
***
 
“Đức Kitô chịu sát tế làm Chiên Vượt Qua của chúng ta,
chúng ta hãy lấy lòng tinh tuyền và chân thật
 mà mừng đại lễ”(1Cor 5,7-8).
 
          Anh chị em thân mến,
 
          Thế là chúng ta đã đi vào trung tâm và cũng là cao điểm của niên lịch phụng vụ, với Tuần Thánh và Tam Nhật Vượt Qua. Cộng đoàn dân Chúa trong giáo phận, giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo dân, chúng ta cùng hiệp thông với toàn thể Hội Thánh Chúa Kitô, để cử hành và sống mầu nhiệm Chiên Vượt Qua.
          Như anh chị em đã học biết, Tuần Thánh là trung tâm điểm và là cao điểm của mọi sinh hoạt phụng vụ trong Hội Thánh. Tuần Thánh bắt đầu từ Chúa Nhật lễ Lá tới Chúa Nhật Phục Sinh, đặc biệt trong đó có Tam Nhật Thánh. Trong tuần này, Hội Thánh cử hành nghi thức phụng vụ với những dấu chỉ và biểu tượng có nhiều ý nghĩa phong phú, được tích luỹ qua lịch sử phụng vụ của Giáo Hội. Chính vì thế, trong thư mục vụ này, tôi muốn đưa ra một vài gợi ý cho toàn thể cộng đoàn dân Chúa sống và cử hành mầu nhiệm Vượt Qua, cụ thể là Tuần Thánh.
          Với sự canh tân phụng vụ của công đồng Vaticanô II, Tuần Thánh được Hội Thánh công nhận là hành vi cao cả nhất để Hội Thánh thờ lạy Thiên Chúa Tối Cao và là kho tàng của Hội Thánh Công Giáo. Quả thật, cử hành Tuần Thánh là cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Vì thế, ý nghĩa của phụng vụ Tuần Thánhcuộc tưởng niệm, là cuộc cử hành, là lời mời gọi tham dự, và là cuộc hành trình đi vào chiêm niệm.
          1/ Quả thật, nghi thức Tuần Thánh là cuộc tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Đức Kitô. Ngài đã thực hiện cuộc vượt qua của mình trong nghi thức tưởng niệm biến cố đêm Vượt Qua của dân Do Thái ở đất Ai Cập. Trong lịch sử phụng vụ của mình, hàng năm Hội Thánh Công Giáo vẫn cử hành nghi thức vượt qua của Thầy mình như một cuộc tưởng niệm Mầu Nhiệm Đức Kitô.  Quả thật, toàn bộ hành vi của việc cử hành phụng vụ Tuần Thánh chỉ có thể tìm được ý nghĩa và giá trị đích thực khi được hiểu trong toàn bộ bối cảnh của cuộc khổ nạn và cái chết, cùng với sự Phục Sinh và Quang Lâm của Đức Kitô. Cử hành cuộc tưởng niệm này, Hội Thánh qua mọi thời đại đang thực hiện lệnh truyền của Thầy Chí Thánh “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19). Vì là cuộc tưởng niệm, nên để có thể cử hành một cách có hiệu quả thiêng liêng, cần phải tìm hiểu và học biết về lịch sử và truyền thống các nghi lễ, về ý nghĩa và mục đích của các dấu chỉ và biểu tượng của Tuần thánh và của Tam nhật Vượt Qua.
          2/ Thứ đến, nghi thức Tuần Thánh là cuộc cử hành các nghi thức làm cho cuộc Vượt Qua của Đức Kitô sống động trong hiện tại. Quả thật, cử hành lễ Vượt qua của Chiên Tân Ước, Hội thánh đã sử dụng nhiều nghi lễ với các biểu tượng, các dấu chỉ phong phú về ý nghĩa. Tuy nhiên, điều thiết yếu làm cho cuộc cử hành mầu nhiệm Vượt qua khác với các lễ hội trần thế là niềm xác tín rằng Đức Kitô Phục Sinh với các thương tích của cuộc khổ nạn vẫn đang hiện diện sống động trong cộng đoàn. Đây chính là cuộc cử hành Bí Tích Đức Kitô đang hiện diện trong Hội Thánh của Người. Như vậy, để đạt được mục đích thiêng liêng của cuộc cử hành mầu nhiệm Vượt Qua này, như các tông đồ “đã làm y như Đức Kitô đã truyền, và dọn tiệc vượt qua” (Mt 26,19) con cái của Hội Thánh cần chuẩn bị tinh thần nội tâm, cùng với sự luyện tập các nghi lễ bên ngoài một cách nghiêm túc cho cuộc cử hành các nghi thức này.
          3/ Tiếp đến, nghi thức Tuần Thánh là lời mời gọi tham dự vào mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Công đồng Vaticanô II trong hiến chế về Phụng Vụ Thánh dạy rằng: “Các tín hữu cần đến tham dự phụng vụ thánh với tâm hồn chuẩn bị sẵn sàng, ngay thẳng, hoà hợp tâm trí mình với ngôn ngữ và cộng tác với ân sủng (PV 11). Như vậy, sự tham dự ở đây không chỉ là cá nhân chu toàn phận sự của mình với lòng đạo đức chân thành, trong trật tự, phù hợp với tác vụ trọng đại ấy, mà còn là tham dự trong sự hiệp thông với toàn  nhiệm thể Đức Kitô. “Anh chị em có uống nổi chén thầy sắp uống không?”(Mt 20, 22).Vì thế, các cộng đoàn cần tổ chức cử hành các nghi thức Tuần Thánh để có sự tham gia của mọi thành phần dân Chúa trong cộng đoàn, và nhất là sự hiệp thông trong tinh thần hiến tế của Đức Kitô bằng sự hiến tế chính cuộc sống của mình.
          4/ Cuối cùng, nghi thức Tuần thánh là cuộc hành trình đi vào chiêm niệm để mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô trở thành cùng đích cho cuộc sống trần thế này. Quả thật, trong các nghi lễ của Tuần Thánh, yếu tố nhân loại qui hướng về yếu tố thần linh, những thực tại hữu hình qui hướng về những thực tại vô hình, hoạt động hướng đến chiêm niệm và những gì là hiện tại hướng về bữa Tiệc Chiên Thiên Chúa trong Thành Thánh Giêrusalem trên trời. Cử hành các nghi thức Tuần Thánh, con cái Hội Thánh được mời gọi cử hành mầu nhiệm tình yêu cao cả, Chiên Thiên Chúa chịu sát tế để xóa tội nhân loại, tự hiến tế để nuôi sống nhân loại, tự huỷ chính mình để con người có thể hiệp thông với chính Thiên Chúa: “Thầy là cây nho, anh em là ngành, ngành nào kết hợp cùng cây sẽ trổ sinh hoa trái” (Ga 15, 5). Như vậy, tham dự nghi thức Tuần Thánh, con cái Giáo Hội được đón nhận ân sủng để được biến đổi: “Tôi sống nhưng không phải là tôi mà là chính Đức Kitô sống trong tôi”(Gal.2,20).
          Riêng với các linh mục, thừa tác viên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô trong nghi thức Tuần Thánh, chúng ta lấy giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II về vai trò của linh mục trong hy lễ tạ ơn để nhắc nhở nhau cử hành nghi thức Tuần Thánh. Theo ý nghĩa này, Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô là nguyên lý cho sự thánh thiện và lời mời gọi nên thánh. Đối với các linh mục, Mầu nhiệm Vượt Qua phải chiếm một chỗ trung tâm, trong sứ vụ cũng như trong đời sống thiêng liêng. Và với vai trò mục tử, các linh mục không những chỉ chú tâm tuân giữ các lề luật trong các nghi thức Tuần Thánh, nhưng còn lo cho các Kitô hữu tham dự vào mầu nhiệm Vượt Qua không như khách bàng quan, câm lặng, thụ động, nhưng phải ý thức các mầu nhiệm nhờ các nghi lễ và kinh nguyện, và nhờ đó họ tham dự cách tích cực, linh động và hữu hiệu (x PV. 11).
          Năm nay, Thánh Lễ Truyền Dầu sẽ được cử hành tại nhà thờ giáo xứ Bò Ót vào ngày Thứ Ba Tuần Thánh 19.4.2011. Xin mời anh chị em đến tham dự.
          Hiệp thông với ĐC cố Gioan Baotixita, tôi xin ban phép lành của Đức Kitô chịu chết, chịu mai táng, và đã phục sinh cho toàn thể anh chị em.
 
          Thân ái trong Đức Kitô,
 
+GIUSE TRẦN XUÂN TIẾU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét