Những nhà thần học giáo dân
tại Pháp
Pháp [La Croix 18/3/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Tại Pháp, ngày càng có nhiều người giáo dân theo học thần học.
Năm 1953, một nhà thần học lỗi lạc là đức cố Hồng y Yves Marie Congar cho rằng "người giáo dân sẽ không bao giờ học thần học như các linh mục, bởi vì theo đúng nghĩa, thần học là một môn học của giáo sĩ, cách riêng cách linh mục". Nhưng kể từ thời Công Ðồng Vatican II, người ta đã bắt đầu làm quen với ý tưởng: thần học là môn học của toàn thể Dân Chúa.
Dù vậy, cho đến nay, vấn đề xem ra không đương nhiên. Bởi lẽ, nguyên tắc là một chuyện, mà thực tế lại là chuyện khác: đối với người giáo dân, trở thành một nhà thần học đòi hỏi phải phấn đấu nhiều. Ðó là chưa nói đến chuyện không được nhìn nhận trong Giáo hội.
Dĩ nhiên, trong các học viện, hiện vẫn có những khóa đào tạo dành cho các giảng viên giáo lý hay những người có trách nhiệm mục vụ. Nhưng việc giảng dạy thần học ở cấp bậc đại học, nghĩa là học hỏi Kinh Thánh, Thánh Truyền, tra cứu cội nguồn và suy tư phê bình vẫn chưa được mở rộng cho người giáo dân. Khác với các nước láng giềng như Ðức, Ý, Bĩ, tại Pháp, việc tách biệt Nhà Nước và Giáo hội đã "trục xuất" thần học ra các đại học nhà nước; thần học không còn là một môn học với bằng cấp được Nhà nước công nhận nữa. Và dĩ nhiên, có học thần học ra cũng chẳng dễ kiếm được việc làm, vì trong các trường công lập không có bộ môn giáo lý.
Tuy nhiên, mỗi năm, vẫn có nhiều người giáo dân Pháp ghi danh học thần học. Một trong những chi nhánh thần học quan trọng nhứt tại Pháp là chi nhánh thần học do Học Viện Công Giáo Paris thành lập cách đây 40 năm, dành cho những người đang làm việc. Khóa học được tổ chức vào ban tối và kéo dài 8 năm. Riêng tại Ðại học Công giáo Strasbourg, thần học được tổ chức theo lối học hàm thụ. Ðại học Toulouse cũng có một khóa học dành cho giáo dân. Học viện Công giáo Paris cũng mở một số chi nhánh thần học dành cho giáo dân tại một số thành phố khác.
Những người giáo dân theo học thần học này là ai?
Theo một cuộc nghiên cứu xã hội học, thành phần giáo dân ghi danh học thần học tại Pháp có cả nữ lẫn nam; 70 phần trăm ở trong độ tuổi từ 30 đến 60.
Jean Francois Barbier Bouvet và Eric Vinson, hai nhà xã hội học đã thực hiện cuộc nghiên cứu nói trên, nói rằng đây là một tỷ lệ khác thường, bởi vì người ta cứ nghĩ rằng trong Giáo hội Pháp, đa số những người giáo dân tham gia các sinh hoạt giáo hội là phụ nữ và đều là những người có tuổi.
Có nhiều lý do thúc đẩy người giáo dân Pháp ghi danh học thần học. Nhưng lý do đầu tiên không phải là để phục vụ Giáo hội hay vì các phong trào Giáo hội. Họ theo học thần học trước tiên là vì mình. 85 phần trăm nói rằng họ muốn có một sự hiểu biết sâu xa hơn về đức tin; 70 phần trăm thì muốn có một đời sống thiêng liêng phong phú hơn. Chỉ có 8 phần trăm những người theo học thần học nói rằng họ làm như thế là để đảm nhận trách nhiệm hay để thi hành các trách nhiệm trong Giáo hội một cách tốt đẹp hơn. 16 phần trăm cho rằng việc huấn luyện thần học cho người giáo dân là một giải pháp để phân chia đồng đều và hữu hiệu hơn các trách nhiệm trong Giáo hội.
Tuy nhiên có đến 60 phần trăm những người tốt nghiệp thần học đều dấn thân hoạt động trong Giáo hội với những công tác như: chuẩn bị hôn nhân, tổ chức các lễ nghi an táng, hướng dẫn tĩnh tâm, tham gia hội đồng mục vụ giáo xứ, viết báo, làm tuyên úy nhà tù, bệnh viện. v.v...
Nhưng "các nhà thần học giáo dân" vẫn chưa thấy được Giáo hội "xử dụng" đúng mức. 29 phần trăm nói rằng họ không được xử dụng hay thực sự được xử dụng. 42 phần trăm cho rằng mình rất ít được xử dụng. Ðiều này cho thấy trong các phương thức sinh hoạt của mình, Giáo hội vẫn còn giữ bộ mặt "giáo sĩ". Theo ông Jean Francois Barbier Bouvet, mặc dù không được Giáo hội xử dụng hay ít xử dụng, những nhà thần học giáo dân lại cảm thấy mình hữu dụng hơn trong xã hội.
Phải chăng đây không là cái nhìn sâu xa của Công Ðồng Vatican II? Bà Brigitte Cholvy, một nhà thần học đang điều khiến chương trình thần học dành cho giáo dân tại Học Viện Công giáo Paris, nói rằng "bước vào thời hiện đại, người thấy phát sinh một nền thần học "chủng viện", quân tâm đến việc đào luyện một hàng giáo sĩ có khả năng. Ngày nay, trong một thế giới kito bị tục hóa, cũng nên có một nền thần học giáo dân, không chỉ dành cho giáo dân và do giáo dân điều khiển, mà còn là một nền thần học về thế giới, nghĩa là được người giáo dân thực nghiệm và suy tư một "cách thần học".
CV.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét