label

Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012

Diễn văn của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI với các Tân giám mục thuộc các xứ truyền giáo



Diễn văn của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI với các Tân giám mục thuộc các xứ truyền giáo
đang tham dự Khóa học* do Bộ Rao Giảng Tin Mừng cho các Dân Tộc tổ chức
tại Castel Gandolfo (Roma), ngày 7-9-2012
Anh em thân mến,
Tôi vui mừng gặp gỡ anh em đến Roma để tham dự khóa huấn luyện cho các giám mục mới được bổ nhiệm, do Bộ Rao Giảng Tin Mừng cho các Dân Tộc tổ chức. Tôi chân thành chào thăm Đức hồng y Bộ trưởng Fernando Filoni, và tôi cám ơn ngài vì những lời nói thật cao đẹp mà ngài đã dành cho tôi, nhân danh cả anh em nữa. Tôi chào thăm Đức cha Savio Hàn Đại Huy, Thư ký, và Đức ông Protase Rugambwa, Phụ tá Thư ký của Bộ này; tôi cám ơn các ngài và tất cả những người đã đóng góp vào việc làm cho khóa học được thành công.
Khóa học này được tổ chức vào thời điểm rất gần kề Năm Đức Tin, một ơn huệ Chúa ban cho Giáo hội để giúp những người đã chịu phép Rửa tội ý thức về Đức Tin của mình và truyền đạt Đức Tin đó cho những người chưa được cảm nghiệm vẻ đẹp của Đức Tin.
Các cộng đoàn mà anh em là mục tử ở Châu Phi, Châu Á, Châu Mỹ La tinh và Châu Đại Dương, cho dù ở các hoàn cảnh khác nhau, tất cả đều dấn thân trong việc rao giảng Tin Mừng lần đầu và trong công cuộc làm kiên vững Đức Tin này. Anh em cảm nhận những niềm vui và hy vọng, cũng như những vết thương và nỗi lo của họ, như Thánh Tông đồ Phaolô đã viết: “Tôi vui mừng vì các đau khổ tôi chịu vì anh em và tôi làm cho hoàn tất trong thân xác của tôi những gì còn thiếu trong những đau khổ của Đức Kitô, để đem ích lợi cho thân thể của Ngài là Giáo hội (Cl 1, 24). Và thánh nhân còn thêm: “Vì điều này mà tôi lao nhọc và chiến đấu, nhờ sức mạnh của Ngài hoạt động mạnh mẽ trong tôi” (c. 29). Ước gì sự tín thác nơi Chúa luôn được kiên vững trong tâm hồn anh em; Giáo hội là của Chúa, và chính Ngài là Đấng hướng dẫn Giáo hội lúc gặp khó khăn cũng như khi được an bình.
Các cộng đoàn của anh em hầu hết mới được thành lập, có những phẩm chất tốt và những yếu đuối gắn liền với lịch sử ngắn ngủi. Các cộng đoàn này bày tỏ một Đức Tin chân thành và đầy vui tươi, sống động và sáng tạo, nhưng cũng thường chưa được ăn rễ sâu. Trong các cộng đoàn này niềm phấn khởi và nhiệt huyết tông đồ đan xen với những thời điểm bất ổn và bất nhất. Người ta cũng thấy xảy ra đây đó những sứt mẻ và những nhóm người bỏ Giáo hội ra đi. Tuy nhiên, đây là các Giáo hội đang trưởng thành nhờ hoạt động mục vụ, nhưng cũng nhờ ơn huệ “các thánh cùng thông công”, vốn tạo nên sự cộng hưởng đích thực và riêng biệt của ơn thánh giữa các Giáo hội có truyền thống xa xưa và những Giáo hội mới thành lập, cũng như và nhất là giữa Giáo hội trên trời và Giáo hội lữ hành.
Từ ít lâu nay người ta nhận thấy số các nhà thừa sai giảm sút, nhưng lại được quân bình hóa bằng việc tăng thêm số linh mục giáo phận và linh mục dòng. Sự gia tăng số các linh mục bản xứ cũng sản sinh ra một hình thức hợp tác truyền giáo mới: một vài Giáo hội non trẻ đã bắt đầu gửi các linh mục tới các Giáo hội chị em đang thiếu linh mục trong cùng một quốc gia hoặc trong những quốc gia của cùng một châu lục; đó là tình hiệp thông làm cho sinh hoạt rao giảng Tin Mừng được sinh động. Vì thế các Giáo hội trẻ cho thấy một dấu chỉ của hy vọng cho tương lai của Giáo hội phổ quát.
Trong bối cảnh như thế, anh em thân mến, xin anh em đừng ngại ra sức và can đảm hăng say thi hành mục vụ, hãy nhớ tới ơn huệ đã được gieo vào lòng anh em qua việc truyền chức giám mục, có thể tóm tắt trong 3 tác vụ (tria munera): giảng dạy, thánh hóa và cai quản. Anh em hãy nhiệt tâm với sứ vụ đến với muôn dân (missio ad gentes), việc hội nhập văn hóa trong phạm vi Đức Tin, việc huấn luyện các ứng viên lên chức linh mục, việc coi sóc hàng giáo sĩ giáo phận, sự lo lắng cho các tu sĩ nam và nữ và giáo dân. Giáo hội sinh ra từ truyền giáo và lớn lên cùng với sứ vụ truyền giáo. Hãy biến sự thôi thúc nội tâm của Vị Tông đồ dân ngoại thành sự thôi thúc của anh em: “Tình yêu Chúa Kitô thôi thúc chúng tôi” (2 Cr 5, 14).
Việc hội nhập văn hóa cách đúng đắn trong phạm vi Đức Tin giúp anh em đem Phúc Âm nhập thể trong các nền văn hóa của các dân tộc và nhận lấy những gì là tốt đẹp trong các nền văn hóa đó. Đó là một tiến trình lâu dài và khó khăn, nhưng không bao giờ được nhân nhượng tính đặc thù và vẹn toàn của Đức Tin Kitô giáo (xem Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu chuộc, 52).
Sứ vụ truyền giáo đòi hỏi các mục tử phải nên đồng hình dạng với Đức Kitô bằng một đời sống thánh thiện, khôn ngoan và có tầm nhìn xa, sẵn sàng tiêu hao mình đi cách quảng đại vì Phúc Âm và mang trong tim mình sự lo lắng cho tất cả mọi Giáo hội.
Anh em hãy canh chừng lo lắng cho đoàn chiên, bằng cách chú tâm đặc biệt tới các linh mục. Hãy hướng dẫn họ bằng gương sáng, hãy sống trong sự hiệp thông với họ. Anh em hãy sẵn sàng lắng nghe các linh mục nói và đón nhận họ với lòng nhân từ hiền phụ, nêu bật các khả năng khác nhau của họ. Anh em hãy dấn thân để bảo đảm cho các linh mục của anh em có những cuộc gặp gỡ đặc biệt và định kỳ để huấn luyện. Anh em hãy làm thế nào để Thánh Thể luôn là trung tâm của đời sống của họ và là lý do của cuộc sống thi hành thừa tác vụ của họ.
Anh em hãy nhìn thế giới hôm nay bằng đức tin để hiểu biết thế giới ấy cách sâu xa, và một con tim quảng đại, sẵn sàng cảm thông với con người, nam cũng như nữ, của thời đại chúng ta.
Anh em đừng thiếu sót với nhiệm vụ hàng đầu của mình là người của Thiên Chúa, được kêu gọi để cầu nguyện và để phục vụ Lời của Ngài hầu mưu ích cho đoàn chiên. Người ta cũng có thể nói về anh em điều mà tư tế Onia quả quyết về ngôn sứ Giêrêmia: “Đây là người bạn của anh chị em, người ấy cầu nguyện thật nhiều cho dân chúng và cho cả thành thánh này (2 Mac 15, 14). Anh em hãy hướng nhìn về Chúa Giêsu, Mục Tử của các mục tử: thế giới ngày nay cần những con người nói với Thiên Chúa, để có thể nói về Thiên Chúa. Chỉ như thế Lời cứu độ mới mang lại kết quả (x. Diễn văn cho Hội đồng Tòa Thánh cổ võ Tân Phúc âm hóa, ngày 15-10-2011).
Anh em thân mến, các Giáo hội của anh em biết rõ bối cảnh bất an đang tác động cách đáng ngại trên đời sống của con người. Các vấn đề cấp bách về thực phẩm, y tế và giáo dục, đang thách thức các cộng đoàn Giáo hội và lôi kéo họ vào trong đó một cách trực tiếp. Quả thật, sự quan tâm và hành động của họ là đáng cảm phục và khen ngợi. Ngoài thiên tai, lại còn thêm những kỳ thị về văn hóa và tôn giáo, thái độ bất khoan dung và óc bè phái, là kết quả của chủ nghĩa cực đoan đang đưa ra những quan điểm nhân chủng học sai lầm và dẫn đến việc đánh giá thấp, nếu không phải là đánh giá sai quyền tự do tôn giáo, sự tôn trọng người yếu thế, nhất là trẻ em, phụ nữ và các người khuyết tật. Sau cùng những xung đột lại bộc phát giữa các chủng tộc và các giai cấp xã hội, gây ra những cuộc bạo động không thể bào chữa được, cũng là một gánh nặng. Anh em hãy tín thác vào Phúc Âm, vào sức mạnh canh tân của Phúc Âm, vào khả năng của Phúc Âm có thể thức tỉnh các lương tâm, cứu vãn con người và xây dựng tình huynh đệ mới từ bên trong. Việc loan truyền Lời Chúa làm cho ơn hòa giải nở hoa và cổ võ sự hiệp nhất giữa các dân tộc.
Trong Sứ điệp cho Khánh Nhật Truyền Giáo sắp tới, tôi muốn nhắc lại rằng Đức Tin là một ơn huệ phải được đón nhận vào cõi lòng và cuộc sống của mình, và chúng ta phải luôn cảm tạ Thiên Chúa về ơn huệ ấy. Nhưng Đức Tin được ban cho để được chia sẻ; một tài năng được trao phó cho để đem lại hoa trái; một ánh sáng không được đem cất giấu đi. Đức Tin là ơn huệ quan trọng nhất được ban cho ta trong cuộc sống: chúng ta không được giữ lại cho riêng mình! “Tất cả… đều có quyền được biết đến giá trị của ơn huệ ấy và được hưởng ơn huệ ấy”, Đức Gioan Phaolô II đã nói như thế trong Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu chuộc (số 11). Tôi tớ Chúa, Đức giáo hoàng Phaolô VI, khi xác quyết lại tính ưu tiên của việc rao giảng Tin Mừng, đã nói: “Con người cũng có thể được cứu rỗi cả qua các con đường khác, nhờ vào lòng thương xót của Thiên Chúa, mặc dù chúng ta không loan báo Phúc Âm cho họ; nhưng liệu chúng ta có thể cứu rỗi chính mình được không, nếu vì chểnh mảng, vì sợ hãi, vì xấu hổ hoặc vì những hậu quả của những ý tưởng sai lầm, mà chúng ta bỏ việc loan báo Phúc Âm?” (Tông huấn Evangelii nuntiandi, số 80). Những câu hỏi ấy vang vọng trong con tim chúng ta như một lời kêu gọi hãy cảm nhận tính ưu tiên tuyệt đối của trách vụ loan báo Tin Mừng.
Anh em thân mến, tôi phó thác anh em và các cộng đoàn của anh em cho Mẹ Maria rất thánh, là người môn đệ thứ nhất của Đức Kitô và là người thứ nhất rao giảng Tin Mừng, vì Mẹ đã cho thế giới Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể. Xin Mẹ, là Ngôi Sao sáng của việc loan báo Tin Mừng (Stella Evangelizationis), luôn hướng dẫn bước chân của anh em. Trong ý hướng này tôi ban Phép Lành Tòa Thánh cho anh em.
Dịch từ tiếng bản tiếng Ý do Phòng Báo Chí Tòa Thánh phổ biến ngày 7-9-2012
Linh mục Phanxicô Borgia Trần Văn Khả, ngày 8-9-2012
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét