label

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

Đẹp thay bước chân người loan báo Tin Mừng



Đẹp thay bước chân người loan báo Tin Mừng
Bài giảng trong Thánh Lễ tạ ơn ngày 12/09/2012
tại Nhà Thờ Chính Toà Phủ Cam, Huế
Bài đọc:
1/ Isaia 52, 7-10: “Đẹp thay chân người loan báo Tin Mừng
2/ 1 Côrintô 1, 3-9: “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa cho anh em”
3/ Luca 1, 39-56: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa”.
Kính thưa Cộng đoàn phụng vụ,
1. Hôm nay là một ngày vui trọng đại, không chỉ đối với Tổng giáo phận Huế và Giáo tỉnh Miền Trung, mà còn cho toàn thể Giáo hội Công giáo tại Việt Nam nữa. Hôm nay là lễ tạ ơn về cuộc bàn giao trách nhiệm mục tử từ Đức Tổng giám mục Stêphanô Nguyễn Như Thể sang Đức Tân Tổng giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng: một sự kiện nối dài dòng chảy lịch sử của Truyền Thống Tông Đồ. Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe dẫn chúng ta đi ngược lên dòng lịch sử cứu độ, lên tới Thánh Tông đồ Phaolô, vi lời tâm sự thân tình của ngài: “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa cho anh em, vì Thiên Chúa luôn trung thành với ý định cứu độ của Người, bằng cách làm cho chúng ta trở nên phong phú về mọi phương diện trong Đức Kitô”; rồi lên tới Mẹ Maria với bài ca Magnificat lừng danh, sau khi Mẹ nhận được ơn trng đại, là cưu mang Con Thiên Chúa hằng sống, bằng một cuộc thụ thai đồng trinh do quyền năng của Chúa Thánh Thần, để sinh hạ Đức Giêsu, Vị Hoàng Tử Hoà Bình cho lịch sử nhân loi; và cuối cùng chúng ta lên tới “bài ca truyền giáo”, bài ca loan báo Tin mừng tuyệt đẹp của sách ngôn sứ Isaia trong Cựu Ước.
2. “Đẹp thay, ôi đẹp thay những bước chân gieo mầm cứu rỗi…” Đối với Giáo hội Việt Nam chúng ta, đó là những bước chân của các nhà thừa sai thuộc nhiều dòng tu và nhiều quốc tịch khác nhau, từ năm thế kỷ qua, kẻ trước, người sau, đã cập bến tại nhiều cửa khẩu Đàng Trong, Đàng Ngoài của Tổ quốc chúng ta; rồi ngược lên các dòng sông, bôn ba trên các nẻo đường đồng ruộng và núi rừng cheo leo hiểm trở, bất chấp gian khổ do khí hậu khắc nghiệt gây ra, và nhất là xuyên qua những cuộc bách hại ác liệt, để gieo vãi hạt giống Phúc Âm. Các ngài gieo vãi trong nước mắt, với niềm hy vọng: Chúa sẽ cho gặt hái trong vui mừng. Và lịch sử đã minh chứng rằng: càng nhiều nước mắt và máu đào của các vị anh hùng Tử đạo đổ ra thấm vào lòng Đất Mẹ Việt Nam, thì mùa gặt đức tin càng phong phú, số Kitô hữu càng gia tăng, các ơn gọi linh mục, tu sĩ và tông đồ giáo dân càng đa dạng. Hai mươi sáu giáo phận thuộc Giáo hội Việt Nam hôm nay là hoa quả hiển nhiên của nước mắt và máu đào do vô vàn Chứng Nhân Đức Tin đã đổ ra. Thập giá đã nở hoa trên Đất nước chúng ta; những bông hoa rất đẹp, mà tiêu biểu nhất là 117 vị Hiển thánh và một vị Chân phước đã được Mẹ Giáo hội tuyên phong. Và thửa vườn Giáo hội Việt Nam tiếp tục nở hoa dưới bóng Thập giá.
3. “Đẹp thay, ôi đẹp thay những bước chân rảo khắp nẻo đời...”. “Rảo khắp nẻo đời”, tức trên mọi nẻo đường cuộc đời nhân thế, không chỉ theo nghĩa đen là đường đi trên sông biển, đất liền, rừng núi, và ngày nay cả trên bầu trời nữa; nhưng còn theo nghĩa bóng là những thân phận con người, những tần tảo để mưu sinh, những tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc đời, những con đường tâm linh mở ra viễn ảnh tương lai sau kiếp sống trần thế. “Không gì liên quan tới con người, từng người và mọi người, những vui mừng và hy vọng, những u sầu và âu lo… của loài người, mà lại không gây âm vang trong lòng các môn đệ của Chúa Kitô…”[1]. Điều này lại càng đúng cho các vị mục tử trong Giáo hội, cách riêng tại Việt Nam: các mục tử đồng hành với Dân Chúa, đồng hành với Dân tộc, hướng dẫn Dân Chúa sống Phúc Âm, để cùng với các tôn giáo bạn và những người thành tâm thiện chí, góp phần xây dựng đời sống Dân tộc ngày càng đượm tình đồng bào, có sự công bằng, bình đẳng, tự do và xứng với nhân phẩm; nghĩa là đời sống ngày càng hạnh phúc hơn. Riêng tại Tổng giáo phận Huế, các vị mục t của chúng ta không những liên lỉ gieo bước từ núi Ngự Bình đến dãy Trường Sơn, từ sông Hương đến bờ biển Đông, để biết từng đơn vị của cộng đồng Dân Chúa khắp chốn nông thôn và thành thị; nhưng quan trọng hơn, chính các ngài đã chọn định hướng cho đời mình là: sống cho mọi người, như chúng ta thấy được trong châm ngôn của Đức Tổng giám mục Stêphanô “Để cho thế gian được sống”; và của Đức Tân Tổng giám mục Phanxicô Xaviê “Tôi ở giữa anh em như một người phục vụ”. Tầm nhìn chứa đựng trong hai châm ngôn ấy mang một sự liên tục kỳ diệu, bởi lẽ: để đem sự sống của Chúa Kitô đến cho thế gian, thì vị mục tử phải noi gương Chúa, ở giữa đoàn chiên “như một người phục vụ và sẵn sàng hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (x. Mt 20, 28).
4. Tôi không thể kể ra đây tất cả những gì Đức Tổng giám mục Stêphanô đã làm cho Tổng giáo phận Huế và Giáo hội Việt Nam trong mấy mươi năm qua. Chỉ Thiên Chúa mới thấy hết và biết chính xác. Và may ra một ai đó trong giới sử gia có thể ghi lại cách trung thực những gì ngài đã thực hiện cho Tổng giáo phận Huế và cho Giáo hội Việt Nam. Tôi chỉ muốn nêu lên một sự kiện nổi bật nhất trong cuộc đời mục tử của ngài. Đó là: ngài rất hiền hòa và nhẫn nại, chấp nhận nhiều đau thương, khốn khó, để có được vị thế và tầm quan trọng của linh địa La Vang như chúng ta thấy ngày nay. Tuy nằm trong phạm vị Tổng giáo phận Huế, nhưng đây lại là Trung tâm Hành hương Toàn quốc kính Đức Mẹ, như quyết định của HĐGMVN trong Đại hội năm 1980 diễn ra tại Hà Nội. Chính lòng kính mến Mẹ La Vang đã là nguồn nghị lực thúc đẩy ngài tiếp tục cuộc vận động đến thành công bước đầu như chúng ta biết bây giờ. Cuộc hành hương La Vang dịp lễ Đức Mẹ Mông Triệu năm 2012 đã đánh dấu việc HĐGMVN và Dân Chúa đồng lòng khởi công xây dựng Vương cung thánh đường dâng kính Mẹ La Vang; và chúng ta hy vọng, nhờ ơn Mẹ La Vang và sự hợp tác hữu hiệu của con cái Mẹ, ở quốc nội cũng như ở hải ngoại, chúng ta sẽ sớm được cử hành đại lễ cung hiến ngôi Đền thánh kính Đức Mẹ La Vang.
5. Vì thế, ngày hôm nay chúng ta đặc biệt hiệp thông với hai Đức Tổng giám mục khả kính của chúng ta để mượn lời Mẹ Maria, ca vang lên bài ca tạ ơn, bài Magnificat bất hủ, để chúc tụng, tôn vinh, cảm tạ Thiên Chúa Toàn Năng đã thực hiện những kỳ công trong cuộc đời của Mẹ và trong lịch sử Giáo hội Việt Nam chúng ta. Thiên Chúa Tối Cao đã đoái nhìn Nữ tì hèn mọn của Người, thì đến lượt Đức Mẹ Maria khiêm nhu cũng nhìn xuống đoàn con bé nhỏ và khốn khổ của mình đang bị bách hại tư bề, để che chở, ủi an. Tiếng la vang inh ỏi của kẻ đắc thắng đằng đằng sát khí, không bóp nghẹt nổi tiếng la vang bi ai thống thiết của những nạn nhân vô tội đang cầu xin Mẹ. Và Mẹ đã thật sự đến cứu giúp họ trong năm 1798 tại vùng rừng La Vang thuộc tỉnh Quảng Trị, giữa cảnh nồi da xáo thịt của cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn. Giáo hội Việt Nam non trẻ đã gieo trong nước mắt và máu đào, thì nhờ Mẹ La Vang mà được gặt trong vui mừng và hy vọng, một mùa gặt bội thu về đời sống đức tin và đức mến, một mùa gặt phong phú về lòng nhiệt thành tông đồ, sẵn sàng chia sẻ niềm vui ơn cứu độ cho đồng bào của mình. Thật vậy, “hoạt động truyền giáo phát sinh từ đức tin. Chính đức tin thúc đẩy việc loan báo Tin Mừng. Và việc loan báo Tin Mừng củng cố đức tin”, như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói trong sứ điệp gửi cho Đại hội Giáo dân Công giáo toàn châu Phi mới đây[2]. Các vị chủ chăn của Giáo hội Việt Nam đã chọn La Vang làm Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc, để Dân Chúa hành hương về đây, bày tỏ lòng tri ân cảm tạ đối với Mẹ, và cùng với Mẹ ngước mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp uy nghi của Người Con Yêu Dấu của Mẹ, Đấng đảm bảo sẽ nâng cao những người thấp bé và bị áp bức, bằng cách kéo họ lên với Người trên Thánh Giá, để đưa họ vào vinh quang Phục Sinh (x. Ga 12,32). Xin Đức Mẹ La Vang thưởng công đặc biệt cho Đức Tổng giám mục Stêphanô vì sự đóng góp quan trọng trong quá trình hình thành Trung tâm Hành hương cấp quốc gia này. Và xin Đức Mẹ La Vang đồng hành với Đức Tân Tổng giám mục Phanxicô Xaviê trên mọi nẻo đường trong sứ vụ mục tử, để Mẹ yêu thương nhắc nhở ngài luôn làm theo lời Chúa Giêsu dạy bảo (x. Ga 2, 5).
6. – “Lạy Mẹ Maria, Mẹ là ký ức sống động và hữu hình của Giáo hội, vì Mẹ đã ghi nhớ trong lòng mọi sự kiện liên quan tới Chúa Giêsu (x. Lc 2, 19) và mọi lời nói của Người (x. Lc 2,51; Ga 2, 5). Trong cuộc đồng hành với Dân Chúa, Mẹ luôn hợp tác với Chúa Thánh Thần, là ký ức vô hình và sống động của Giáo hội, Đấng có nhiệm vụ nhắc nhở các Tông đồ nhớ lại giáo huấn của Chúa Giêsu (x. Ga 14, 26) và dẫn đưa họ tới sự thật toàn vẹn (x. Ga 16,13). Trên con đường đi theo Chúa Giêsu là Thầy Chí Thánh và Mục Tử tốt lành, người chủ chăn nào của Dân Chúa mà lại chẳng cần có hai Vị Đồng Hành vừa là Ký ức, vừa là Cố vấn kỳ diệu như Mẹ Maria và Chúa Thánh Thần?”
7. Sau hết, con xin nói thay cho các vị chủ chăn và mọi thành phần Dân Chúa hiện diện nơi đây, kính chúc Đức Tổng giám mục Stêphanô sống tuổi già thanh thản, bình an và tiếp tục cống hiến cho Giáo hội sự khôn ngoan bởi Chúa Thánh Thần và lòng yêu mến Mẹ La Vang. Con xin kính chúc Đức Tân Tổng giám mục Phanxicô Xaviê luôn được sự đồng hành sâu sát và thân thiết của Chúa Thánh Thần và Đức Mẹ La Vang trên mọi nẻo đường mục vụ đang mở ra cho mình. Amen.
+ Giuse Võ Đức Minh,
Giám mục Giáo phận Nha Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét