label

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Giải pháp phòng chống ngộ độc do lạm dụng rượu


(SKDS) - Trước tình trạng số người bị ngộ độc thực phẩm do rượu và tai nạn giao thông liên quan đến rượu liên tục tăng, ngày 13/9/2012, tại Quảng Bình, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo “Phòng chống ngộ độc rượu và tác hại của lạm dụng rượu” nhằm đưa ra những giải pháp hiệu quả để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và trật tự an toàn xã hội.
Hội thảo đã nghe báo cáo và nhiều ý kiến thảo luận của cơ quan chức năng, hiệp hội, địa phương tập trung vào việc đánh giá thực trạng, nguyên nhân ngộ độc thực phẩm do rượu, tai nạn giao thông liên quan đến uống rượu, kinh nghiệm công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm, tác hại của lạm dụng rượu và các kiến nghị về bảo đảm an toàn sản xuất, kinh doanh rượu, phòng chống ngộ độc thực phẩm và tác hại của lạm dụng rượu.
 Điều trị ngộ độc rượu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.  Ảnh: Khánh Linh
Kết luận hội thảo, 4 nhóm giải pháp đã được thống nhất như sau:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng trong sản xuất, kinh doanh rượu an toàn như: xây dựng thông điệp cảnh báo, tuyên truyền, tập huấn về biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm do rượu, không lạm dụng rượu, không sử dụng rượu theo kinh nghiệm dân gian, rượu giá rẻ, rượu không bảo đảm an toàn. Chú trọng đối tượng truyền thông phù hợp với vùng miền.
Tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, hiệu quả nhằm ngăn ngừa việc sản xuất, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, rượu không bảo đảm an toàn thông qua các hoạt động liên ngành của các địa phương; tập trung kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể, hộ gia đình, khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; xây dựng mô hình ký cam kết giữa các hộ kinh doanh rượu với chính quyền địa phương trong việc kinh doanh rượu có nguồn gốc; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vi phạm và công khai trên các phương tiện thông tin.
Nâng cao năng lực kiểm soát an toàn đối với rượu trên địa bàn; xây dựng và duy trì hệ thống quản lý, giám sát và phòng chống độc thực phẩm do rượu như: đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ chuyên môn ở các cấp trong phòng chống ngộ độc thực phẩm do rượu, đặc biệt ở các địa phương vùng sâu, vùng xa; trang bị test kit phát hiện độc tố, thuốc đặc trị, phác đồ xử lý ca bệnh, kinh phí hoạt động.
Tăng cường phối hợp các tổ chức chính trị, xã hội trong việc giám sát sản xuất, kinh doanh rượu an toàn, phòng chống lạm dụng rượu, ngộ độc do rượu.                  

  Lê Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét