Đức hồng y Martini qua đời: Một tiếng nói đã
tắt
WHĐ (02.09.2012) – Đức Hồng y Carlo
Maria Martini qua đời hôm thứ sáu 31-08-2012, thọ 85 tuổi.
Nhân dịp này, WHĐ xin giới thiệu bài
viết của Frédéric
Mounier, báo La Croix, tại Roma, về một
số nét cuộc đời và tư tưởng của vị Hồng y Tổng giám mục nổi tiếng này.
***
“Đã đến lúc tôi phải rút khỏi thế sự và dọn mình cho Nước
Trời quang lâm”. Đó là lời từ biệt của Đức hồng y Carlo Maria Martini, dòng
Tên, 85 tuổi, gửi đến độc giả của ngài hôm 16 tháng Bảy vừa qua trên tờ nhật
báo lớn “Corriere della Sera” của
thành phố Turino. Trên tờ báo này, Đức hồng y đã ngỏ lời với họ mỗi tuần, trong
suốt ba năm qua.
Mắc bệnh Parkinson từ nhiều năm nay, và gần như mất hẳn
giọng nói từ mấy tháng nay, nhưng vị cựu Tổng giám mục Milano (từ 1979 đến
2002) vẫn cố gắng duy trì “góc nói chuyện” và nhất là nơi để ngài lắng nghe này.
Nỗi đam mê đối với Lời
Lời và lắng nghe, hai đối cực này luôn được ngài tạo ra
và duy trì, đã nuôi dưỡng toàn bộ đời sống thiêng liêng của vị hồng y mà người
ta cho rằng nếu không bệnh, hẳn đã là giáo hoàng vào tháng Tư năm 2005.
Là một học giả Kinh Thánh và nhà chú giải nổi tiếng quốc
tế, cựu viện trưởng Học Viện Thánh Kinh, rồi viện trưởng Đại học Giáo hoàng Gregoriana
ở Roma, Đức hồng y Carlo Maria Martini đã xuất bản hàng mấy chục cuốn sách, phát
hành hơn một triệu bản tại Italia, dành cho một vấn đề duy nhất từng thôi thúc
ngài: “Con có sẵn sàng tin rằng lời ta là lời của Thiên Chúa không?”, câu hỏi mà
ngài xem như của chính Chúa Giêsu, trong một cuộc trao đổi với tờ La Croix năm 1997.
Từ niềm say mê đối với Lời và tìm hiểu Lời, cũng đã nảy
sinh một mối say mê đối với Thánh Địa, và đặc biệt, đối với Giêrusalem, nơi
ngài đã sống những năm gần như cuối cùng trước khi trở về gần Milano để chữa bệnh
vào năm 2008. Và chính nơi đối diện với cánh đồng Giosaphat đang chờ đón ngài
hôm nay, sẽ là nơi ở cuối cùng của ngài, là ngôi mộ ngài đã chọn cho mình tại
miền đất Thánh Kinh.
“Khuấy động sự bình an giả tạo của lương tâm”
Tiếp đến là sự lắng nghe. Khi Đức giáo hoàng Gioan Phaolô
II, vào ngày 29-12-1979, đặt ngài đứng đầu giáo phận lớn nhất của Italia, giáo
phận Milano, nơi đã cung cấp cho Giáo hội hai vị giáo hoàng (Piô XI và Phaolô
VI), nhiều người đã tự hỏi: sao, vị linh mục dòng Tên này chưa từng có chút
kinh nghiệm mục vụ nào, lại điều hành giáo phận vốn là thành lũy của phong trào
“Hiệp thông và Giải phóng”, tại vùng Lombardia mang đậm dấu ấn của một phong
trào thế tục hóa đang phát triển rất nhanh, của một sự biến chất và bạo lực
chính trị đã trở thành chuyện bình thường tại Italia?
Chính trong Lời, chính xác hơn, trong lời kinh của Thánh
Ambrôsiô, vị sáng lập giáo phận mà Đức giám mục Martini đã hấp thụ được lòng
nhiệt thành mục vụ: “Lạy Chúa, xin luôn ban cho dân của Người những mục tử biết
khuấy động sự bình an giả tạo của các lương tâm”.
Một “nền đạo đức của lòng khiêm tốn”
Tại Hội nghị giáo phận Roma về
Lời Chúa vào tháng Mười 1999, ngài đã rút ra các hiệu quả và kêu gọi mọi người
“lặp lại một kinh nghiệm về sự gặp gỡ đại đồng giữa các giám mục khiến có thể
tháo gỡ một số mắc mứu có tính cách kỷ luật và học thuyết”. Có người đã đọc thấy
ở đây một lời kêu gọi triệu tập một công đồng mới.
Tại Milano, ngài không ngừng đưa ra sáng kiến: “Trường học
hỏi Lời Chúa”, những buổi thảo luận chuyên đề dành cho các người không tin,
“Thư gửi người trẻ mà tôi không được gặp”, Hội nghị giáo phận, v.v... Năm 1988,
trong bài diễn văn hằng năm của ngài trước giáo phận, vốn luôn được chờ đợi,
ngài kêu gọi Giáo hội phải sống theo “một nền đạo đức của lòng khiêm tốn, của đức
giản dị, của lòng thương xót và tha thứ”.
Khi rời khỏi giáo phận ngày 11-07-2002, ngài nhắc lại: “Thời
đại nào cũng là thời ân sủng. Giáo hội phải tạo nên những không gian mới, trong
sự tôn trọng lẫn nhau, giữa người anh em, người công dân và người xa lạ”.
Một Giáo hội “đem lại sự dũng cảm”
Được Đức giáo hoàng Gioan
Phaolô II đặt làm hồng y ngày 02-02-1983, khi mới 56 tuổi, lời của ngài đã vượt
xa ranh giới của giáo phận ngài. Là Chủ tịch Liên Hội đồng giám mục châu Âu từ
1987 đến 1993, sử dụng thoải mái khoảng chục ngôn ngữ, và cho tới tận các tác
phẩm cuối cùng của ngài, hồng y Martini đã không ngừng cất tiếng nói khác biệt
của mình, thậm chí xuất hiện dưới con mắt nhiều người, như người đối lập trung
thực với Đức Bênêđictô XVI.
Về các vấn đề đạo đức (ngừa thai, đồng tính, thụ tinh
trong ống nghiệm, nghiên cứu phôi), kỷ luật (tiếp nhận người ly dị tái kết hôn,
truyền chức cho người đã có gia đình, độc thân linh mục) hay phụng vụ (việc cử
hành Thánh lễ theo phụng vụ thánh Piô V), ngài luôn quan tâm mở ra một luồng
khí mới, không cứng nhắc, để “Giáo hội có thể đem lại sự dũng cảm cho những người
thấy mình nhỏ bé và tội lỗi”.
“Bền chí”
Khi cử hành tang lễ ĐHY
Martini, các con mắt chắc chắn sẽ hướng về Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, người
đồng thời với ngài. Sinh cùng năm nhưng cách nhau mấy tháng, nhà thần học người
Đức và nhà Thánh Kinh học người Italia, được Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II gần
như cùng lúc đặt vào những vị trí cao, người thứ nhất có nhiệm vụ bảo vệ học
thuyết, người thứ hai đứng đầu giáo phận của thánh Ambrôsiô.
Trong Mật nghị hồng y vào tháng Tư 2005, Đức hồng y Martini,
từ lâu đã là “ứng viên giáo hoàng” do ngài giữ nhiều trọng trách tại Giáo triều
Roma, nhưng đã tàn tạ vì bệnh tật, đã lùi lại phía sau. Do đó, ngài đã không là
vị giáo hoàng đầu tiên dòng Tên trong lịch sử Giáo hội.
Nhìn nhận có sự khác biệt giữa hai người, nhưng Đức giáo
hoàng Bênêđictô XVI vẫn luôn có lòng ngưỡng mộ và duy trì tình bạn với ngài.
Nhiều lần, trước các chủng sinh Roma, ngày 18-02-2007, ngài ca ngợi Đức hồng y
Martini là con người “bền chí”.
“Phân biệt rõ lời Kitô”
Vào năm 1995, nhân kỷ niệm 15 năm
giám mục của nhà Thánh Kinh học dòng Tên, người khi ấy mới “chỉ” là bộ trưởng Bộ
Giáo lý Đức Tin, đã nói đùa: “Chẳng ai ngạc nhiên nếu như tôi nói rằng không phải
lúc nào chúng tôi cũng có cùng một ý kiến. Do tính khí và đào tạo, chắc chắn
chúng tôi rất khác nhau”.
Tuy nhiên, nhìn nhận nơi Đức hồng y Martini một bậc thầy
của phương pháp tiếp cận Lời Chúa trong lòng tin, Đức hồng y Ratzinger kết luận:
“Chúng tôi đã rất ý thức rằng chúng tôi cùng muốn đạt được một mục tiêu, dù các
quan điểm của chúng tôi có khác nhau”. Lần gặp gỡ cuối cùng của hai người, cảm
động và lặng lẽ, đã diễn ra tại tòa Tổng giám mục Milano, ngày 2 tháng Sáu vừa
qua.
Đó là dịp Đức Bênêđictô XVI gặp gỡ hơn một triệu người
nhân dịp Đại hội thế giới các gia đình. Đứng trước họ, và theo cách của mình, Đức
giáo hoàng đã tìm cách đáp lại lời kêu gọi của Đức hồng y Martini, ngày 06-12-1995,
nhân ngày lễ thánh Ambrôsiô: “Chớ gì Lời Kitô phải khác với bao lời thông thường
khác, bởi vì chúng ta biết rằng khi ấy lời này có thể bảo vệ và củng cố chính nền
đạo đức chung một cách hữu hiệu”.
(Theo la-croix.com, 31-08-2012)
Mai Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét