label

Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2012

Kitô hữu và người Ấn giáo: giáo dục thế hệ trẻ thành những người kiến tạo hòa bình



Tòa Thánh Vatican chúc mừng Lễ Deepavali của Ấn giáo
Nhân dịp Lễ Deepavali 2012 của Ấn giáo, thường gọi là Diwali (Lễ hội Ánh sáng) – từ ngày 13 đến 17 tháng Mười Một–, Tòa Thánh Vatican đã gửi sứ điệp chúc mừng các cộng đoàn tín đồ Ấn giáo trên toàn thế giới.
Sứ điệp mang chữ ký của Đức hồng y Jean-Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại Liên tôn; và cha Miguel Ángel Ayuso Guixot, M.C.C.J. Thư ký, với chủ đề Kitô hữu và người Ấn giáo: giáo dục thế hệ trẻ thành những người kiến tạo hòa bình.
Sau đây là toàn văn Sứ điệp.
*
Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại Liên tôn
Sứ điệp nhân Lễ Deepavali 2012
Kitô hữu và người Ấn giáo: giáo dục thế hệ trẻ thành những người kiến tạo hòa bình
Các bạn tín đồ Ấn giáo thân mến,
1. Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại Liên tôn gửi lời chào thân ái nhất và chúc mừng nhân dịp lễ Deepavali hằng năm. Mong sao tình bằng hữu  huynh đệ ngày càng ngời sáng nơi các gia đình và cộng đồng của các bạn.
2. Vào thời điểm đặc biệt này của lịch sử nhân loại, trong khi các thế lực tiêu cực đe dọa nguyện vọng chính đáng muốn chung sống hoà bình ở nhiều nơi trên thế giới, chúng tôi muốn nhân truyền thống chia sẻ quý báu này để cùng với các bạn suy nghĩ về trách nhiệm của người Ấn giáo, người Kitô hữu và những người khác, về việc làm hết sức mình để đào tạo mọi người, nhất là thế hệ trẻ, trở nên những nhà kiến ​​tạo hòa bình.
3. Hòa bình không chỉ là sự vắng bóng chiến tranh, hay là một bản hiến chương hoặc một hiệp ước để bảo đảm một cuộc sống yên lành; nhưng hòa bình phải là “đầy đủ, toàn vẹn, khôi phục sự hài hòa” (x. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Ecclesia in Medio Oriente, 9) và là hoa trái của tình yêu. Cha mẹ, những nhà giáo dục, người lớn tuổi, các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị, những người kiến ​​tạo hòa bình, những người trong giới truyền thông, tất cả những ai mang trong tim mình lý tưởng hòa bình đều được mời gọi giáo dục thế hệ trẻ và nuôi dưỡng sự toàn vẹn ấy.
4. Hướng dẫn các người trẻ nam nữ sống trong hòa bình và xây dựng hòa bình là một lời mời gọi khẩn thiết cho việc dấn thân và hành động chung của cộng đồng. Nếu hòa bình là hòa bình đích thực và lâu dài, thì cần được xây dựng trên những trụ cột của sự thật, công bằng, tình yêu và tự do (x. Gioan XXIII, Pacem in Terris, 35), mỗi người trẻ, nam cũng như nữ, đều cần được huấn luyện để hành động một cách trung thực và công bằng trong tình yêu và tự do. Hơn nữa, trong mọi nền giáo dục hòa bình, những khác biệt về văn hóa chắc chắn phải được xem như sự phong phú chứ không phải là một mối đe dọa hoặc nguy hiểm.
5. Gia đình là trường học đầu tiên của hòa bình và các bậc cha mẹ các nhà giáo dục đầu tiên về hòa bình. Bằng gương sáng lời giảng dạy, họ có quyền ưu tiên duy nhất trong việc đào tạo con cái mình theo các giá trị thiết yếu cho cuộc sống hòa bình: tin tưởng, tôn trọng, hiểu biết, lắng nghe, chia sẻ, chăm sóc và tha thứ cho nhau. Ở trường học, nơi người trẻ trưởng thành từ các mối tương quan, từ việc học tập và làm việc với những người thuộc các tôn giáo và các nền văn hóa khác nhau, thầy giáo và những nđào tạo có trách vụ cao quý là bảo đảm một nền giáo dục tôn trọng và tôn vinh phẩm giá bẩm sinh của con người và cổ võ tình hữu nghị, công lý, hòa bình và hợp tác để phát triển con người toàn diện. Với những giá trị tinh thần và đạo đức là nền tảng của giáo dục, họ cũng có nghĩa vụ đạo đức là phải cảnh báo các sinh viên chống lại những ý thức hệ gây ra bất hòa và chia rẽ.
Trong khi các quốc gia và các nhà lãnh đạo trong các lĩnh vực xã hội, chính trị và văn hóa đóng vai trò riêng và quan trọng trong việc tăng cường giáo dục người trẻ, thì các nhà lãnh đạo tôn giáo, theo ơn gọi của mình những người lãnh đạo tinh thần và đạo đức, phải tiếp tục thúc giục thế hệ trẻ đi theo con đường hòa bình và trở thành sứ giả của hòa bình. Bởi vì các phương tiện truyền thông định dạng đáng kể cách người ta suy nghĩ, cảm nhận và hành động, nên những người tham gia trong các lĩnh vực này phải làm hết sức mình để cổ võ những tư tưởng, lời nói và việc làm của hòa bình. Thực vậy, chính những người trẻ phải sống những lý tưởng mà họ đặt ra cho người khác, bằng cách sử dụng tự do của mình một cách có trách nhiệm và cổ võ những mối tương quan thân ái cho một nền văn hóa hòa bình.
6. Rõ ràng, tính toàn vẹn mà hòa bình đem lại sẽ tạo nên một thế giới huynh đệ hơn và một “hình thức mới của tình huynh đệ” nơi mọi người, trong đó nổi bật lên “ý thức chia sẻ về sự cao cả của mỗi người (x. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, chuyến Tông du Journey Liban, gặp gỡ các thành viên chính phủ, các cơ quan Nhà Nước, Đoàn Ngoại giao, các nhà lãnh đạo tôn giáo và đại diện giới văn hóa, ngày 15 tháng Chín 2012).
7. Mong sao tất cả chúng ta, mọi nơi và trong mọi lúc, biết tuân theo đòi hỏi luân lý và tôn giáo là thúc đẩy những người trẻ cố gắng trở những người kiến ​​tạo hòa bình.
Chúc các bạn một lễ Deepavali hạnh phúc!
Hồng y Jean-Louis Tauran
Chủ tịch
P. Miguel Ángel Ayuso Guixot, M.C.C.J.
Thư ký

Minh Đức chuyển ngữ
 
Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại Liên tôn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét