Vượt
qua ngưỡng cửa sự chết
Bài giảng của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI
trong
Thánh lễ cầu nguyện cho các hồng y và giám mục qua đời trong năm 2011
3-11-2012
Thưa quý anh em đáng kính,
Anh chị
em thân mến,
Bầu khí các Thánh thông công và việc tưởng niệm các tín hữu
đã qua đời đang hiện
diện và sống động trong trái tim của chúng ta, mà phụng vụ trong ít ngày vừa qua đã giúp chúng ta cảm nghiệm cách mạnh mẽ. Đặc biệt, khi đi viếng
phần mộ, chúng ta làm mới lại mối dây liên kết với những người thân yêu đã rời bỏ chúng ta. Nghịch lý thay, cái chết lại bảo tồn những gì cuộc sống
không thể giữ được. Những
người quá cố của chúng ta đã sống như thế nào, yêu thương điều gì, lo sợ và hy vọng những
gì, từ bỏ những gì, chúng ta sẽ khám phá được một cách rất đặc biệt những điều ấy từ
những ngôi mộ. Những ngôi mộ ấy cũng giống như tấm gương cho biết đời sống của họ, thế giới của họ. Chúng
mời gọi chúng ta và đưa chúng ta đến chỗ tái lập cuộc đối thoại mà sự chết làm cho bị khủng hoảng. Như vậy, các
nghĩa trang là nơi tập họp, nơi đó người sống gặp được người thân của mình đã chết và cùng với họ tái khám phá mối dây hiệp thông mà cái chết không thể bẻ gãy. Và ở tại Roma đây, trong các nghĩa
trang lạ thường là các hang toại đạo, chúng ta cảm thấy –không như ở nơi nào khác, mối dây liên kết sâu xa với Kitô giáo cổ đại, mà chúng
ta cảm thấy rất gần gũi. Khi chúng ta bước vào hành lang của các hang toại đạo - cũng như hành lang trong những nghĩa trang của các thành phố và quốc gia
chúng ta - là như bước qua
một ngưỡng cửa phi vật chất và đi vào hiệp
thông với những
người bị giam cầm bên trong, với quá khứ của họ, dệt bằng những niềm vui và nỗi buồn, mất
mát và hy vọng. Sở dĩ như thế vì cái chết vẫn còn liên quan đến con người ngày hôm nay
như thời đó, và nếu như nhiều điều trong quá khứ đã trở nên xa lạ với chúng ta, thì cái chết vẫn là như nhau.
Đối mặt với thực tế này, con người ở
mọi lứa tuổi đều tìm kiếm một tia sáng đem lại hy vọng, tiếp tục nói về cuộc
sống, và việc thăm viếng nghĩa trang cũng thể hiện mong muốn
này. Nhưng người Kitô hữu chúng ta trả lời vấn nạn về cái chết như thế nào? Thưa với đức tin vào Thiên Chúa, với một
cái nhìn của niềm hy vọng vững chắc, đặt
nền tảng trên cái
chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Và
rồi cái chết sẽ
mở ra cho sự sống, sự sống đời đời, sự sống ấy không phải là gia
hạn hiện tại đến vô hạn, nhưng là
điều gì hoàn toàn
mới. Đức tin của chúng ta dạy chúng ta rằng sự bất tử thật sự mà chúng ta mong ước không phải là một ý tưởng, một khái
niệm, nhưng là mối quan hệ hiệp thông trọn vẹn với
Thiên Chúa hằng sống: đó là được ở trong tay của Ngài, trong tình yêu của Ngài, và nên một với Ngài cùng với tất cả anh em chị em mà Ngài
đã tạo dựng và cứu chuộc, với toàn thể thụ tạo. Như
thế niềm hy vọng
của chúng ta dựa trên tình yêu của Thiên Chúa tỏa
sáng từ Thập Giá của Chúa Kitô, và vang lên trong lòng chúng ta lời Chúa Giêsu nói với
người trộm lành: “Hôm nay anh sẽ được ở trên Thiên Đàng với tôi” (Lc 23,43). Đó là cuộc sống trọn vẹn: cuộc sống trong Thiên Chúa, một cuộc sống mà bây giờ chúng ta chỉ có thể thấy được thấp thoáng
như như bầu trời
xanh nhìn qua màn
sương mù.
Anh em thân mến, trong bầu khí của đức tin và
cầu nguyện, chúng ta tụ họp chung quanh bàn thờ để dâng lên Hy tế Thánh Thể để cầu nguyện cho các hồng y, tổng giám mục và giám mục, đã kết thúc cuộc sống trần thế trong năm qua,. Đặc biệt, chúng ta nhớ đến những người anh em yêu quý là các
Đức hồng y John Patrick Foley, Antonio Bevilacqua, José Sánchez, Ignace Moussa Daoud,
Luis Aponte Martinez, Rodolfo Quezada Toruño, Eugenio de Araujo Sales, Phaolô Thiện Quốc Tỉ, Carlo Maria Martini và Fortunato Baldelli. Chúng ta cũng nhớ đến tất cả các tổng giám mục và giám mục đã qua đời, xin Thiên Chúa nhân
từ, đầy lòng
thương xót và công bằng (x. Tv 114) ban cho các ngài phần thưởng đời đời đã hứa cho các tôi tớ trung tín của Tin Mừng.
Nhìn lại chứng tá của các anh em đáng kính của chúng ta, chúng ta có thể nhận ra nơi họ là những môn đệ “hiền lành”, “thương xót”, “có tâm hồn trong sạch”, “xây dựng hòa bình” mà chúng ta đã nghe trong
đoạn Tin Mừng (Mt 5,1-12): đó là các người bạn của Chúa, tin tưởng vào lời Chúa hứa, ngay giữa những khó khăn và bách hại, họ vẫn vui sống
đức tin, và bây giờ đang sống trong nhà Chúa mãi mãi,
hưởng phần thưởng trên trời, tràn đầy hạnh phúc và ân sủng. Thật vậy, các mục tử mà chúng ta nhớ đến trong ngày hôm nay đã trung
thành và yêu thương phục vụ Giáo Hội, có khi phải đối mặt với những thử thách cam go, để bảo đảm luôn quan tâm và chăm sóc đoàn chiên được giao phó cho các ngài. Tài năng và công việc đa dạng của các ngài là một ví dụ về sự siêng năng chăm lo, sự khôn ngoan và nhiệt thành tận tụy vì Nước Thiên Chúa, đem lại những đóng góp có giá trị cho thời hậu công đồng, là thời gian canh tân trong toàn Giáo Hội.
Các mục tử, trước hết là tín hữu, rồi tiếp đến là những
thừa tác viên, được gần gũi Bàn tiệc Thánh Thể hằng ngày, là nơi các ngài được nếm trước những điều Chúa đã hứa trong “Bài Giảng Trên Núi”: được
ban Nước Trời và tham dự bữa tiệc của Giêrusalem Thiên quốc. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các ngài được
hưởng những gì Chúa đã hứa. Lời cầu nguyện của chúng ta được
nuôi dưỡng bằng
niềm hy vọng chắc chắn rằng “chúng ta không phải thất vọng” (Rm 5,5), như Chúa Kitô đã bảo đảm, những ai muốn sống kinh nghiệm cái chết trong xác thịt để chiến thắng cái
chết bằng sự Phục sinh diệu kỳ. “Sao lại tìm người sống ở giữa kẻ chết? Ngài không còn ở đây nữa, nhưng
đã sống lại rồi” (Lc 24,5-6). Sứ điệp này của các thiên thần
vào buổi sáng Phục Sinh ở ngôi mộ trống, đã đến với chúng ta qua các thời đại,
và cho cộng đoàn phụng vụ chúng ta lý do chính để hy vọng. Thật vậy, “Nếu chúng ta đã chết với Chúa Kitô –Thánh Phaolô ám chỉ đến Phép Rửa để nhắc nhở chúng ta–, chúng ta tin rằng chúng ta cũng sẽ được sống lại với Người” (Rm 6,8). Chính
qua cùng một Chúa Thánh Thần, mà tình yêu của Thiên Chúa đã
được tuôn đổ vào lòng chúng ta, để bảo đảm rằng niềm hy vọng của chúng ta không vô ích (x. Rm 5,5). Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót đã ban Con Một của Ngài chịu chết vì
chúng ta trong
khi chúng ta còn là tội nhân. Thế
thì khi chúng ta được nên công chính nhờ máu của Ngài, ắt chúng ta sẽ nhờ
Ngài mà được cứu độ hơn nữa (x. Rm 5,6-11)! Sự công chính của chúng ta dựa trên đức tin nơi Chúa Kitô. Ngài là “Đấng công chính” mà
Kinh Thánh đã báo
trước, nhờ Mầu Nhiệm Vượt Qua của Ngài - vượt qua ngưỡng cửa sự chết, mà mắt chúng ta được nhìn thấy Thiên Chúa, được chiêm ngưỡng dung nhan Ngài (x. Giop 19,27 a).
Khi còn ở dương thế, Con Thiên Chúa luôn được Mẹ Rất Thánh
của Người đồng hành. Chúng ta tôn kính Mẹ là thụ tạo duy nhất Vô nhiễm nguyên
tội và là Đấng đầy ân sủng. Những người anh em hồng y, giám mục mà chúng ta tưởng nhớ ngày hôm nay, đã được Đức Trinh Nữ Maria yêu thương đặc biệt và các ngài đã đáp lại tình yêu ấy bằng tình con thảo. Giờ đây chúng ta phó thác linh hồn các ngài cho lòng từ mẫu của Mẹ, xin Mẹ
chuyển cầu và giới
thiệu các ngài vào vương quốc vĩnh cửu của Chúa Cha,
được vây quanh bởi rất nhiều tín hữu mà các ngài đã dâng tặng cuộc sống cho họ. Với ánh mắt yêu thương, xin Mẹ Maria dõi nhìn các ngài, bây giờ các ngài đang ngủ giấc bình yên, chờ đợi phục sinh. Và chúng ta
dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện của chúng ta cho các ngài, hy vọng một ngày kia được gặp lại và đoàn tụ vĩnh viễn với các ngài trên Nước
Trời.
Amen.
(Minh
Đức chuyển ngữ)
ĐGH Bênêđictô XVI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét