Trước thềm Hội
nghị FABC, Đức hồng y Oswald Gracias: “Giáo hội không muốn tham gia vào đời
sống chính trị. Chúng tôi chỉ muốn bảo đảm Giáo hội được tự do”
WHĐ (12.11.2012)
– Đức hồng y Oswald Gracias, 67 tuổi, Tổng giám mục Tổng giáo phận Mumbai, Ấn
độ, hiện là Tổng thư ký Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC), một tổ chức thành
lập từ năm 1970, liên kết 19 Hội đồng giám mục Công giáo tại châu Á.
Ngày 1-11 vừa
qua, Đức hồng y Gracias đã trả lời phỏng vấn của Gerard O’Connell, phóng viên Vatican Insider tại Roma, về Hội nghị
khoáng đại lần thứ X của FABC sẽ diễn ra tại Việt Nam từ ngày 10 đến 16-12-2012,
và tầm quan trọng của FABC đối với các Giáo hội tại châu Á, nơi có 60% dân số
thế giới sinh sống nhưng chỉ có 3% là Kitô hữu. ĐHY Gracias cũng nói về khả
năng có được một giáo hoàng người châu Á.
Sau đây là nội
dung cuộc phỏng vấn đăng trên trang Vatican
Insider ngày 5-11-2012 do UCAN chuyển ngữ.
*
– Đức Thánh cha Bênêđictô thông báo ngài sẽ
vinh thăng hai hồng y người châu Á, một vị người Ấn Độ và một vị người Philippines. Ấn
Độ có hồng y đầu tiên năm 1953, nhưng nếu mật tuyển viện được tổ chức sau ngày
24-11, Ấn Độ sẽ có năm hồng y bỏ phiếu bầu chọn giáo hoàng mới. Việc này nói
lên điều gì?
Tất nhiên là
quan trọng. Châu Á quyết định tương lai thế giới, Ấn Độ và Trung Quốc, hai nước
chiếm 37% dân số thế giới – đang trở thành diễn viên chính trên sân khấu quốc tế. Ấn Độ là quốc gia lớn, nhưng Giáo
hội Công giáo ở đó nhỏ. Chúng tôi có 20 triệu người Công giáo, chỉ chiếm 2,3%
dân số. Hiện nay chúng tôi có năm hồng y cử tri, trong đó có hai vị đứng đầu
các Giáo hội theo nghi lễ Đông phương. Tôi có thể nói với anh rằng tôi hết sức
vui mừng khi Đức Thánh cha thông báo Tổng Giám mục Cleemis sẽ được đặt làm hồng
y. Giáo hội theo nghi lễ Malankara có ít thành viên nên có hồng y đầu tiên là
điều bất ngờ. Điều này có ý nghĩa đối với họ và tôi rất vui về việc này.
– ĐHY dự đoán sẽ có giáo hoàng người châu Á
không?
– Tại sao không
chứ? Nói thật với anh, theo tôi quốc tịch lúc này không quan trọng cho lắm. Tôi
nghĩ những gì chúng ta cần là một người thánh thiện. Chúng ta cần một người
lãnh đạo Giáo hội, có thể dẫn dắt tốt. Tôi nghĩ chúng ta phải bỏ tư tưởng thành
kiến về quốc tịch; đó có thể là một người châu Phi, người Nam Mỹ, người Bắc Mỹ,
miễn là một người nhân lành. Vì thế, tôi không nói cụ thể tôi muốn có một giáo
hoàng người châu Á nhưng phải là người hoàn hảo nhất. Trong những lúc quan trọng như thế này, Giáo hội cần ban lãnh đạo
thật giỏi, và tôi tin chắc Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn chúng ta khi chọn giáo
hoàng mới.
– FACB sẽ tổ chức Hội nghị khoáng đại lần thứ
10 tại Việt Nam
và đây chắc chắn là một sự kiện lịch sử.
– Đây đúng là
một sự kiện lịch sử. Chính phủ Việt Nam mời chúng tôi. Tôi rất hy vọng.
Lúc đầu dự kiến tổ chức từ ngày 16–25/11, nhưng đáng buồn là chúng tôi phải
hoãn lại vì Công nghị hồng y ngày 24-11, và một số thành viên của chúng tôi
phải tham dự công nghị.
– Con nghĩ thay đổi ngày họp rất rắc rối.
– Thật may tôi
có tham dự Thượng hội đồng ở đây, vì thế tôi có thể can thiệp nhanh chóng. Và
Đức hồng y Rosales, đại diện Đức Thánh cha tại hội nghị FABC, cũng ở Roma tham
dự lễ phong thánh cho vị thánh người Philippines, vì thế tôi có thể nói chuyện
với ngài. Buổi tối sau khi Đức Thánh Cha thông báo công nghị hồng y, tôi gọi
điện cho văn phòng của FABC tại Hong Kong và các hội đồng giám mục khác vào thứ
Sáu sau đó, tức hai ngày sau, chúng tôi đã có thể thống nhất ngày họp mới.
Sáng thứ Bảy,
chúng tôi có thể thông báo với chính quyền Việt Nam và giải thích lý do hoãn lại
ngày họp. Họ phải mất thời gian để nghiên cứu và trả lời đồng ý. Nhưng tôi đoán
hiện nay không có vấn đề gì lớn. Tôi rất mong cuộc họp diễn ra thành công vì
Giáo hội Việt Nam.
Đây sẽ là thời điểm quan trọng vì chúng tôi nhóm họp trong một quốc gia có Giáo
hội nhỏ nhưng đầy sức sống, và chúng tôi muốn ủng hộ họ. Người ta nhận ra tầm
quan trọng của việc sang Việt Nam.
Mọi người háo hức về việc này.
– Quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt Nam
hiện nay dường như khá tốt.
– Quan hệ đang
tiến triển. Tòa Thánh có một đại diện không thường trực tại Việt Nam và ngài cũng là sứ thần tại Singapore.
Chính quyền mời FABC và đã hội kiến Đức hồng y Mẫn. Tôi tin rằng cuộc họp này
sẽ rất thuận lợi. Chúng tôi sẽ có khoảng 100 giám mục, trong đó có 80 cử tri.
Đức hồng y Rosales, đại diện Đức Thánh Cha, sẽ khai mạc cuộc họp vào ngày
11-12, và tôi sẽ chủ trì phiên họp bế mạc tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày
16-12. Chúng tôi sẽ mời các quan chức chính quyền tham dự lễ khai mạc.
Mọi việc đang
tiến triển đối với Giáo hội Việt Nam. Tạ ơn Chúa! Như tôi nói lúc
trước, Giáo hội không muốn tham gia vào đời sống chính trị của quốc gia nào cả.
Mọi người không cần lo sợ Giáo hội hay Đức Thánh Cha. Vai trò của chúng tôi là
tâm linh, là mục vụ. Chúng tôi muốn chứng tỏ cho mọi người thấy rằng Giáo hội
cũng như FABC đều không có ý can thiệp vào chuyện nội bộ của bất kỳ quốc gia
nào. Chúng tôi chỉ muốn bảo đảm Giáo hội được tự do, mọi người được thực hành đức tin, tuyên xưng đức tin và
làm chứng cho những người khác. Và nếu có người muốn gia nhập đức tin, chúng
tôi tạ ơn Chúa và ngợi khen Chúa và họ được tự do làm thế.
– Nghị trình hội nghị sẽ như thế nào?
– Chúng tôi có
bài thuyết trình do Đức Tổng giám mục Quevedo chuẩn bị về chủ đề: “Bốn mươi năm FABC: Đáp ứng những thách đố của
châu Á”. Hội nghị ôn lại những việc chúng tôi đã đạt được trong 40 năm qua
và cố nhận ra con đường chúng tôi cần đi hiện nay. Cuộc họp có chút giống
Thượng Hội đồng giám mục. Chúng tôi sẽ thảo luận bản dự thảo, thêm vào ý kiến
đóng góp của tất cả các Hội đồng, và sau đó chuẩn bị văn kiện cuối cùng nói lên
con đường chúng tôi sẽ đi.
– Là tổng thư ký của FABC, ĐHY nhận thấy vai
trò của FABC tại châu Á như thế nào?
– FABC có thể
đóng vai trò quan trọng vì các quốc gia châu Á có nhiều điểm chung, nhưng cũng
có những khác biệt. Về phần Giáo hội, có Giáo hội mạnh hơn, có Giáo hội yếu
hơn. Tôi rất mong các Giáo hội mạnh hơn giúp các Giáo hội yếu hơn bằng nhiều
cách, chẳng hạn chia sẻ các nguồn lực. Nhưng quan trọng hơn hết là chúng tôi
giúp bằng cách ủng hộ họ, khích lệ họ. Chúng tôi còn học hỏi lẫn nhau rất
nhiều. Ngoài ra, do các lý do chính trị một số trong chúng tôi chỉ có thể gặp
mặt tại các cuộc họp FABC hay tại Roma, nên còn quan trọng cho việc đó nữa.
– Các giám mục Công giáo ở Trung Quốc không
thể tham dự các cuộc họp của FABC được?
– Hiện nay họ
không thể nhưng tôi hy vọng một ngày nào đó các giám mục Trung Quốc cũng có thể
đến tham dự các cuộc họp của chúng tôi.
– Khi phát biểu trước Thượng Hội đồng giám
mục, ĐHY nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Giáo hội tại châu Á tham gia ba cuộc
đối thoại: đối thoại với các nền văn hóa, với các tôn giáo và với người nghèo
châu Á. Đây có phải là chính sách của FABC?
Đúng vậy. Đó là
nền tảng. Điểm tương đồng của châu Á là văn hóa, tôn giáo và người nghèo. Đó
cũng là đặc trưng của châu Á, và đó là lý do mà Giáo hội ở mỗi quốc gia phải
tìm hiểu thật rõ về ba thực trạng này. FABC cổ xúy
việc này.
– Khi nói về Giáo hội
tại Á châu, ĐHY đã phát biểu với Thượng hội đồng: “Đối với chúng tôi tôn giáo
là sống tinh thần môn đệ hơn
là bám chặt giáo lý hay một bộ quy tắc. Con người Đức Giêsu thật sự hấp dẫn”.
Tôi nghĩ đó là
một trong những điểm chính mà tôi muốn nói. Đó không chỉ là vấn đề anh có tin
điều này hay điều kia không. Tôi muốn nói rằng đối với người châu Á trước hết
đó là câu hỏi “Đức Giêsu có ý nghĩa gì với anh không? Anh có mối tương quan nào
với Đức Giêsu không?” Và một khi anh có mối tương quan cá nhân với Đức Giêsu
thì anh sẽ đón nhận giáo huấn của Ngài vì Ngài nói điều này. Đối với người châu
Á chúng tôi, đức tin thiên về con người nhiều hơn, không trừu tượng. Mọi thứ
khác xuất phát từ mối tương quan cá nhân này với Đức Giêsu.
– Trong Thượng hội đồng, ĐHY có nhắc tới CELAM
và SECAM, các đối tác của FABC ở châu Mỹ La tinh và châu Phi. ĐHY có thể cho
biết về việc này được không?
– Chúng tôi có
các cuộc họp với Đức Hồng y Pengo, chủ tịch SECAM; và Đức Tổng Giám mục Aguiar
Retes, chủ tịch CELAM. Ba chủ tịch chúng tôi đã có
vài lần gặp mặt chính thức và thân mật để thảo luận kỹ về công việc của
nhau và những việc chúng tôi có thể làm chung. Chúng tôi nhận ra chúng tôi có
rất nhiều điểm chung. Đây là diễn biến quan trọng và chúng tôi sẽ phát triển từ
đây. Tôi xem mối liên giao ban đầu này là một bước đột phá thật sự.
(Vatican Insider, 5-11-2012)
Gerard O’Connell / ĐHY Oswald Gracias
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét