Tìm hiểu sứ mạng và nhiệm vụ của Vị đại diện Tòa Thánh
WHĐ (17.04.2011) – Ngày 13.01.2011, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, hiệu tòa Capri, làm Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam. Nhằm giúp độc giả biết thêm về sứ mạng và nhiệm vụ của vị đại diện Tòa Thánh, Hiệp Thông số 63 (tháng 1 & 2 năm 2011) đã giới thiệu bài nói chuyện của Đức Hồng y Jean-Louis Tauran với các giám mục trong khóa thường huấn, được ghi lại trong cuốn L’Evêque et son ministère, Urbaniana University Press, 1999, 403-407.
WHĐ đăng lại bài viết này trong tập san Hiệp Thông nói trên (trang 202–213).
Trước tiên chúng ta hãy tìm hiểu về từ ngữ “Tòa Thánh”. Điều 361 của Bộ Giáo luật nói rằng Tòa Thánh chỉ về Giáo hoàng Rôma cũng như Phủ Quốc vụ khanh và những bộ, ban ngành của Curia Rôma. Điều mà cộng đồng quốc tế quan tâm chính là trung tâm của mối hiệp thông phổ quát, đặc biệt của Hội Thánh công giáo, được tổ chức chung quanh Đấng kế vị thánh Phêrô. Luật quốc tế và cộng đồng quốc tế đã thiết lập những quan hệ với tổ chức công giáo này kể từ thời Trung cổ và vẫn tồn tại đến ngày nay, không hề đứt đoạn. Điều mà quốc tế nhìn nhận là Giáo hoàng Rôma. Quốc gia Vatican không được quan tâm, ngoại trừ một số khía cạnh có tính kỹ thuật (hệ thống tem, tiền tệ). Quốc gia Vatican đã được thiết lập nhằm chấm dứt cuộc tranh cãi về Rôma: “cái tối thiểu cần thiết để thực thi sứ mạng thiêng liêng của Đức Giáo hoàng và để đảm bảo với tất cả những ai liên hệ với Tòa Thánh rằng Tòa Thánh độc lập với những quyền lực trần thế” (Đức Phaolô VI, Diễn văn tại Liên hiệp quốc, New York, 4-10-1965).
Tòa Thánh hiện diện trên trường quốc tế bằng ba cách: (1) qua những hoạt động của Đức Giáo hoàng: bản thân ngài, quyền giáo huấn, những chuyến thăm mục vụ; (2) qua Phủ Quốc vụ khanh; (3) qua các vị đại diện Tòa Thánh.
Tôi muốn nói với anh em về điểm thứ ba này vì tôi được mời trình bày cho mọi người biết các đại diện Tòa Thánh là ai và họ làm gì. Nói về các vị đại diện của Đức Giáo hoàng thì trước hết là nói về Hội Thánh. Phải luôn luôn ghi nhớ bản chất hiệp thông của Hội Thánh: sự hiệp thông mang tính phẩm trật đặt nền trên Tông đồ đoàn với thánh Phêrô là đầu. Việc đại diện cho Đức Giáo hoàng trong những công việc ad extra trước hết phải được đặt trong bối cảnh Hội Thánh: cử hành những Công đồng đại kết, ở đó một vị đặc sứ được cử đến thay mặt cho Đức Giáo hoàng. Những đại sứ đầu tiên của Đức Giáo hoàng là các giám mục, trong những cử hành mang tính Giáo Hội, đại diện cho Đức Giáo hoàng xét như là Vị Đại diện Chúa Kitô, chứ không phải trong tư cách một vị vua trần thế.
Không gì sai lầm hơn khi nói rằng nếu Đức Giáo hoàng có các đại sứ, thì đó là do ngài là ông vua trần thế hoặc Chủ tịch một nước hoặc Hội Thánh là một công ty đa quốc gia... Tìm lại lịch sử sẽ thấy điều chính yếu là Đức Thánh Cha. Có thể thấy rõ điều này qua những biến cố gần đây. Từ năm 1870 đến 1929, Tòa Thánh mất chủ quyền về mặt trần thế, Đức Giáo hoàng bị giam giữ tại Vatican, là tù nhân của nước Ý. Dù vậy, ngài vẫn tiếp tục gửi các sứ thần và vẫn đón tiếp các đại sứ. Điều đó chứng tỏ không phải khía cạnh trần thế làm cho Đức Giáo hoàng có quyền hoạt động trên trường quốc tế.
Kết luận đã rõ: việc đại diện cho Đức Giáo hoàng là việc phục vụ sự hiệp thông trong Hội Thánh và thiện ích chung của xã hội nhờ những quan hệ mang tính cơ chế với các chính quyền dân sự. Sự phục vụ này được thực hiện nhờ phương thế là luật ngoại giao.
Nhiệm vụ của vị đại diện Tòa Thánh
Chúng ta chỉ xem xét ở đây vấn đề chúng ta quan tâm: hoạt động của các vị đại diện Tòa Thánh trong một đất nước. Sẽ không nói đến hoạt động nhiều mặt của các đại diện Tòa Thánh bên cạnh những tổ chức quốc tế.
Vị trí của vị đại diện Tòa Thánh là một trách nhiệm mang tính Giáo Hội: được thiết lập cách cố định (stabiliter constitutum) và hoạt động nhằm mục đích thiêng liêng (in finem spiritualem) (GL điều 145 # 1). Tính cố định phát xuất từ chỗ trách nhiệm này gắn kết với nhiệm vụ của Đức Giáo hoàng trong Hội Thánh. Ngoài ra trong bộ Giáo luật, những điều khoản bàn về các vị đại diện Đức Giáo hoàng nằm trong phần nói về cơ cấu phẩm trật của Hội Thánh, và đặc biệt hơn nữa, trong đoạn nói về việc thực thi quyền bính. Vì lý do này, trách nhiệm của vị đại diện Tòa Thánh không chấm dứt khi Đức Giáo hoàng qua đời.
Những nhiệm vụ của vị đại diện Tòa Thánh được mô tả trong Tự sắc Sollicitudo Omnium Ecclesiarum (Phaolô VI, 24-6-1969) và trong Giáo luật, điều 361-369.
Nhiệm vụ chính của vị đại diện Tòa Thánh là giúp cho mối giây hiệp nhất giữa Tòa Thánh và các Hội Thánh địa phương được vững vàng và hiệu quả hơn. Ngoài ra, vị đại diện còn bày tỏ mối quan tâm của Đức Giáo hoàng đối với thiện ích của xứ sở nơi ngài đang thi hành sứ vụ. Cách riêng, chính ngài phải nhiệt tình quan tâm đến vấn đề hòa bình, phát triển và sự hợp tác giữa các dân tộc nhằm phục vụ lợi ích thiêng liêng, đạo đức và vật chất của gia đình nhân loại (Sollicitudo Omnium Ecclesiarum, số 4).
Vị đại diện Tòa Thánh ưu tiên lo lắng cho nhiệm vụ Giáo Hội hơn là nhiệm vụ chính trị (in finem spiritualem). Bổn phận chính và đặc thù của ngài là củng cố mối giây hiệp nhất trong Hội Thánh. Rồi để hợp tác nhằm phục vụ lợi ích của dân tộc mà ngài được sai đến làm việc, ngài phải là kênh truyền thông qua đó Đức Giáo hoàng cho biết những quyết định của ngài liên quan đến Hội Thánh địa phương, bao gồm việc bổ nhiệm giám mục và những tài liệu hữu ích. Vị đại diện sẽ duy trì những mối liên hệ giữa Hội Thánh và Nhà nước. Ngài sẽ nhắc nhở những nguyên tắc căn bản nhằm thúc đẩy đời sống thế giới nhân đạo hơn: sự hợp tác giữa các dân tộc, những quyền con người và quyền của các dân. Tóm lại, nền ngoại giao của Tòa Thánh phải là nắm men trong xã hội loài người.
Tương quan giữa vị đại diện Tòa Thánh và các giám mục trong Hội Thánh địa phương
Rõ ràng đây là lãnh vực ưu tiên trong hoạt động của vị đại diện Tòa Thánh. Tự sắc của Đức Phaolô VI nêu rõ những điểm sau đây: cộng tác và thông tin giữa Tòa Thánh với Hội Thánh địa phương và ngược lại; trợ giúp hoạt động mục vụ của các giám mục; khi cần thiết, hỗ trợ các giám mục trong mối quan hệ với chính quyền dân sự; củng cố tương quan với Hội đồng Giám mục, chuẩn bị việc bổ nhiệm giám mục; hỗ trợ các Bề trên dòng; cộng tác với các giám mục trong việc thúc đẩy những quan hệ đại kết.
Vị đại diện Tòa Thánh phải đóng vai trò trợ giúp, nâng đỡ mối giây liên lạc giữa các Hội Thánh địa phương ở vòng ngoài với Rôma là trung tâm của Hội Thánh, nhưng không bao giờ hành động như thay thế các giám mục địa phương và cũng không ngăn cản thẩm quyền của các ngài. Dĩ nhiên, vì là đại diện của Đức Giáo hoàng và thực thi quyền bính đã được trao cho ngài, nên vị đại diện có quyền về mặt thiêng liêng đối với các tín hữu trong xứ sở mà ngài làm việc... Dù vậy, không có nhiệm vụ nào của vị đại diện liên hệ trực tiếp đến đời sống nội bộ của Hội Thánh địa phương, nghĩa là vị đại diện không có thường quyền trên các tín hữu; ngài không thể ra luật, không ban phát ân huệ hay hình phạt nào, cũng không đưa ra một phán quyết nào về luật.
Điều được quan tâm đặc biệt là mối tương quan của vị đại diện Tòa Thánh với Hội đồng Giám mục địa phương. Vị đại diện Tòa Thánh phải quan tâm đến ý kiến của Hội đồng Giám mục trong việc bổ nhiệm giám mục và những thay đổi trong đời sống Hội Thánh. Ngài phải trao đổi với Hội đồng Giám mục khi thương thảo về những hiệp ước và thỏa ước. Vị đại diện Tòa Thánh không phải là thành viên của Hội đồng Giám mục, nhưng thông thường ngài sẽ tham dự buổi họp khai mạc của Hội nghị giám mục, để là mối liên kết giữa Đức Giáo hoàng với Hội đồng Giám mục, cũng để cho thấy những quyết định của Hội đồng Giám mục luôn phản ánh sự hiệp thông của Hội Thánh địa phương với Hội Thánh phổ quát. Điều quan trọng là vị đại diện phải được thông báo về những vấn đề mà hội nghị bàn thảo; ngài sẽ được thông báo về chương trình nghị sự cũng như những thông tin hữu ích cho việc hiểu biết về Hội Thánh địa phương.
Quan hệ của vị đại diện Tòa Thánh với chính quyền dân sự
Mối quan hệ với chính quyền dân sự hàm chứa sự tôn trọng đối với quyền bính đã được thiết lập cách hợp pháp. Điều đó không có nghĩa là vị đại diện không thể trực tiếp đối thoại với dân chúng. Trong mối quan hệ này, nhiệm vụ đầu tiên của vị đại diện là thông báo và giải thích cho chính quyền biết về lập trường của Tòa Thánh cũng như của Hội Thánh địa phương về những vấn đề lớn của xã hội. Đồng thời, bày tỏ mối quan tâm của Hội Thánh về tất cả những gì liên quan đến hòa bình, phát triển và hợp tác giữa các dân tộc, nhưng không đề nghị những giải pháp cụ thể (kỹ thuật). Vị đại diện phải thường xuyên quan tâm đến sự tự do của Hội Thánh và bảo vệ sự tự do đó khi cần thiết.
Tính đặc thù trong sứ mạng của Hội Thánh giữa cộng đồng nhân loại
Tòa Thánh không phải là một lực lượng chính trị nhưng Tòa Thánh đại diện cho sức mạnh tinh thần không thể không được nhìn nhận trong bối cảnh quốc tế. Trong bối cảnh đó, Đức Giáo hoàng và những người cộng tác của ngài ý thức về nhiệm vụ của mình, và hằng ngày vẫn gióng lên tiếng nói của Tin Mừng liên quan đến các vấn đề trên thế giới.
Trong lãnh vực này, những mối ưu tiên của Tòa Thánh là: bảo vệ quyền của Hội Thánh và các tín hữu; bảo đảm những điều kiện ít ra là tối thiểu cho việc phát triển đời sống kitô hữu, không chỉ để tồn tại nhưng còn là để sống và tăng trưởng. Do đó, Tòa Thánh luôn bảo vệ tự do và quyền tự do tôn giáo trong những hội nghị quốc tế cũng như tại Liên hiệp quốc.
Tòa Thánh luôn nỗ lực thúc đẩy hòa bình với hai xác tín này: hòa bình được xây dựng trên sự hợp nhất nhân loại; hòa bình không chỉ là giải trừ vũ khí nhưng là sự tin tưởng và tín nhiệm giữa con người với nhau, nhìn nhau như anh em.
Nền đạo đức trong những mối quan hệ quốc tế phải được xây dựng trên bốn nguyên tắc:
– Chân lý: bản chất đích thực của con người, mục đích của hành động và những nỗ lực của con người không thể bị hi sinh cho những lợi ích chính trị hoặc trở thành những đối tượng thỏa hiệp.
– Tự do: Nhà nước hiện hữu là để kiến tạo và bảo đảm những điều kiện cho mỗi công dân thể hiện bản thân trong những khát vọng cá nhân và tập thể của họ.
– Công lý: hướng đến một thế giới nhân đạo hơn, trong đó mỗi người đều được mời gọi hiến tặng và trao ban.
– Liên đới: thúc đẩy những quốc gia giàu có hơn về vật chất cũng như tinh thần giúp đỡ những dân tộc kém may mắn hơn. Nhưng không thể xem những nước nghèo như những khách hàng hoặc những con nợ.
Trong bối cảnh thế giới ngày nay, một trong những nỗ lực lớn nhất của ngành ngoại giao Tòa Thánh là giúp đỡ cộng đồng quốc tế phát huy một tầm nhìn mới về trật tự thế giới, vừa quan tâm đến những trở ngại cho nền hòa bình thế giới vừa cố gắng vượt qua những trở ngại đó bằng đối thoại cũng như bằng sự lắng nghe những người không có tiếng nói để lên tiếng thay cho họ. Ngày nay nếu Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến đối thoại, chính là vì chỉ có đối thoại mới có thể loại trừ những nghi ngờ, chia rẽ và đối đầu. Trong tầm nhìn mới này về trật tự thế giới, điều quan trọng tiên quyết là phải giữ sự tín nhiệm vốn là đòi hỏi cần thiết cho việc sống chung hòa bình của gia đình nhân loại. Trong thời đại chúng ta, việc đối thoại có lợi thế nhờ sự phát triển của nền văn minh hiện đại. Các phương tiện truyền thông phát triển rất nhanh. Ý thức về sự hiệp nhất và vận mệnh chung của gia đình nhân loại cũng gia tăng. Thế nhưng sự tiến triển kỹ thuật truyền thông không phải đương nhiên là sự tiến bộ đem lại lợi ích cho con người, nếu sự hiểu biết lẫn nhau không gia tăng. Qua công tác ngoại giao, Tòa Thánh mong muốn có phương tiện chia sẻ những kinh nghiệm thiêng liêng quý báu và những khát vọng của các dân tộc, hiểu biết những giá trị làm nền cho những khát vọng đó, giúp tránh những xung đột do sự vô cảm và thiếu hiểu biết gây ra.
Hàng giáo sĩ và chính trị
Những nguyên tắc tổng quát là: sự tự lập của những thực tại trần thế, Hội Thánh và Nhà nước tách biệt nhau. Điều đó không có nghĩa là không thể có sự hợp tác giữa hai bên. Cũng một đức tin Kitô giáo có thể dẫn đến những dấn thân khác nhau (Octagesima Adveniens, số 50). Điều quan trọng là người kitô hữu giáo dân không nên vắng mặt trong những bàn thảo chính trị, ở đó họ có hai nhiệm vụ: khơi dậy và canh tân, để xã hội được đổi mới khởi đi từ những nguyên tắc đạo đức.
Chúa Kitô phân biệt thành đô trần thế với Vương quốc Thiên Chúa. Làm như thế, ngài cứu độ cả trần thế lẫn con người. Cứu độ trần thế vì giúp trần thế nhận ra giá trị và sự tự lập của nó. Cứu độ con người vì khi khẳng định đặc tính siêu việt của nhân vị, ngài giải thoát con người khỏi ách độc tài toàn trị của trần thế.
Tính cách đặc thù của Hội Thánh là ở chỗ Hội Thánh không thể bị đồng hóa với bất cứ một nền văn hóa hay một hệ thống chính trị nào. Hội Thánh có nhiệm vụ phê phán: vì Tin Mừng, Hội Thánh phải nói rằng Nhà nước không phải là tất cả của hiện hữu nhân sinh, và Nhà nước không đáp ứng được tất cả những khát vọng của con người. Từ khởi nguyên của Kitô giáo cho đến ngày nay, mỗi khi Nhà nước muốn làm suy giảm quyền bính của Hội Thánh hoặc những quyền của Hội Thánh, người kitô hữu luôn tìm cách chống lại, nhân danh lương tâm: đức tin Kitô giáo phá hủy huyền thoại Nhà nước tự coi mình như Thượng đế (đế quốc Rôma, chủ nghĩa quốc xã, cộng sản), để thay vào đó là sự thiện hảo mà theo kế hoạch của Thiên Chúa, chỉ đạt được khi tôn trọng những quyền Thiên Chúa đã ban cho con người.
Các linh mục có quyền có những chọn lựa riêng, miễn là phù hợp với Tin Mừng. Tuy nhiên, vì những chọn lựa chính trị ở tự bản chất là bất tất và không bao giờ diễn đạt được Tin Mừng cách xứng hợp và bền vững, cho nên linh mục phải nhớ rằng mình là người phục vụ sự hiệp thông trong cộng đoàn mà mình có trách nhiệm: “phải giúp cho những não trạng khác nhau gặp gỡ nhau, để không ai cảm thấy mình là xa lạ trong cộng đoàn kitô hữu” (Presbyterorum Ordinis, số 9). Dấn thân vào một đảng phái chính trị sẽ tạo ra sự đối kháng với một thành phần tín hữu, như thế sẽ gây cản trở cho mối tương quan giữa mục tử và giáo dân, kể cả khi cử hành Thánh Thể. Đang khi đó, khi linh mục chủ sự cử hành Thánh Thể là chủ sự việc cử hành sự hiệp nhất. Linh mục là chứng nhân của những thực tại tương lai, do đó phải giữ một khoảng cách nào đó với những chức vụ và dấn thân chính trị (Synode 1971). Linh mục có sứ mạng hiện tại hóa hy tế và tình yêu của Chúa Kitô cho thế giới và trong thế giới. Do đó linh mục có bổn phận đưa Tin Mừng nhập thể vào những hoàn cảnh sống cụ thể khi loan báo những nguyên tắc đạo đức, lắng nghe tiếng nói của những người bị áp bức, gặp gỡ những nhà chính trị thuộc mọi đảng phái và mọi công dân dấn thân vào chính trị.
Do đó, chúng ta có thể hiểu được triết lý hàm ẩn trong những khoản giáo luật 285 và 287:
– Điều 285 #3: Cấm các giáo sĩ đảm nhận công vụ nào có sự tham gia vào việc thi hành quyền bính dân sự.
– Điều 287 #2: Giáo sĩ đừng chủ động tham gia vào những đảng phái chính trị và vào việc điều khiển các công đoàn, trừ khi theo phán đoán của thẩm quyền Hội Thánh, điều đó cần thiết để bênh vực những quyền lợi của Hội Thánh hoặc để thăng tiến lợi ích chung.
Giám mục có trách nhiệm xét xem sự vi phạm nhân quyền hoặc sự thúc đẩy thiện ích chung có đòi hỏi linh mục dấn thân cụ thể không (Giáo Luật điều 287). Vì đây là vấn đề rất đặc biệt, cho nên như Thượng Hội đồng giám mục năm 1971 gợi ý, cần phải tham khảo ý kiến của Hội đồng linh mục, kể cả của Hội đồng Giám mục.
Trong mọi trường hợp, tôi cho rằng phải có một vài điều kiện sau: khi những lực lượng phản dân chủ tạo thành sự đe dọa nghiêm trọng đối với sự tự do cần thiết cho việc thực thi quyền con người; khi có nguy cơ ngăn cản việc rao giảng Tin Mừng; khi người giáo dân không thể hoặc không thích hợp cho việc hoạt động trong những hoàn cảnh trên. Dù thế nào chăng nữa, đây chỉ có thể là sự dấn thân có mức độ giới hạn xét về cả mục tiêu lẫn thời gian. Tất cả những điều này đã được giải thích trong lá thư của Đức Hồng y Sodano gửi cho các sứ thần Tòa Thánh tại châu Phi vào tháng 5, 1991.
Phủ Quốc vụ khanh yêu cầu các vị đại diện Tòa Thánh nhắc nhở các giám mục rằng: các kitô hữu giáo dân có bổn phận bày tỏ sự hiện diện của Hội Thánh trong đời sống chính trị khi họ áp dụng những nguyên tắc Kitô giáo. Ngược lại, các linh mục dĩ nhiên, các giám mục lại càng cần hơn nữa phải tránh không tham gia vào những quốc hội. Sự hiện diện của các linh mục trong những tổ chức như thế chỉ có thể được cứu xét trong những trường hợp rất đặc biệt, đương nhiên chỉ trong thời gian ngắn, và không bao giờ được đóng vai trò chủ tịch. Bản chất đặc biệt của những trường hợp này sẽ được Hội đồng Giám mục lượng giá và phải trình cho Tòa Thánh.
Các giám mục phải công khai bày tỏ lập trường nếu được, tất cả cùng lên tiếng trong một tài liệu của Hội đồng Giám mục nhằm soi sáng lương tâm, nhắc nhớ đức tin và giáo huấn xã hội của Hội Thánh, nhất là khi những quyền căn bản của con người và phần rỗi các linh hồn bị đe dọa. Các ngài phải luôn luôn khích lệ người kitô hữu giáo dân trau dồi bản thân và hiện diện như những chứng nhân trong đời sống công cộng.
Rõ ràng sứ vụ đặc thù của hàng giáo phẩm không phải là tham gia vào những tranh cãi trần thế. Ngược lại, điều quan trọng là phải phục vụ mọi người để thúc đẩy sự hòa giải và hòa bình. Để đạt mục đích này, Hội Thánh không thể gắn mình vào một nhóm hay một đảng phái. Lại càng không nên có mặt trong hàng ngũ chống đối chính trị; nếu không, chính Hội Thánh địa phương sẽ mất đi khả năng làm trung gian trong những khủng hoảng nghiêm trọng hơn.
Hồng y Jean-Louis Tauran
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét