label

Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2011

Vai trò của Kinh Thánh trong Đối Thoại Liên Tôn


Giáo sư David Ford

Vai trò của Kinh Thánh trong Đối Thoại Liên Tôn
Bài phát biểu của nhà thần học Anh giáo
tại “Trung tâm Gioan Phaolô II về Đối Thoại Liên Tôn”
Roma, 12.04.2011 – Đòi hỏi của Đối Thoại Liên Tôn trong những xã hội đa văn hóa thời hiện đại là một đề tài thường trở đi trở lại trong triều đại của ĐGH Gioan Phaolô II. Vai trò cốt yếu của đối thoại trong xã hội dân sự ngày nay được công nhận là điều đương nhiên, nhưng làm sao cuộc đối thoại diễn ra khi nó vẫn còn là một vấn đề đang tranh luận.
Minh giải Kinh Thánh (Scriptural Reasoning) là một phương pháp đối thoại liên tôn đang được phát triển và phổ biến vượt ra ngoài khuôn khổ các học viện chính quy.
Việc Minh giải Kinh Thánh quy tụ được nhiều người thuộc các truyền thống tôn giáo khác nhau để cùng đọc và thảo luận về những đoạn văn của các sách thánh. Kết quả nhắm tới không phải là sự nhất trí ý kiến, nhưng là việc hiểu biết sâu sắc hơn.
Một trong các nhà sáng lập ra phương pháp này là giáo sư David Ford, nhà thần học Anh giáo và giáo sư thần học của Đại học Cambridge, vừa trình bày lối tiếp cận này trong buổi diễn thuyết tại Trung tâm Gioan Phaolô II về Đối Thoại Liên Tôn tại Giáo hoàng Học viện Thánh Tôma Aquinô ở Rôma.
Biến cố hằng năm này được Quỹ Russell Berrie của bang New Jersey tài trợ và cũng được rabbi Bemporad-người điều phối phần câu hỏi và thảo luận- đánh giá cao. Rabbi Bemporad là vị sáng lập Cơ sở Trung tâm Hoa Kỳ về Sự Hiểu Biết Liên Tôn và là giáo sư môn học Liên Tôn tại đại học Angelicum, bản thân ông cũng dấn thân sâu vào lãnh vực ngoại giao về Đối Thoại Liên Tôn.
Năm 1993, dưới triều của ĐGH Gioan Phaolô II, Bemporad đã trợ giúp việc củng cố mối quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Nhà Nước Israel, cùng cộng tác với Hồng Y Johannes Willebrands và Hồng Y Edward Cassidy.
Cách sử dụng Minh giải Kinh Thánh
Ngành ngoại giao chỉ là một trong nhiều cách ứng dụng cho Đối Thoại Liên Tôn. Như một phương pháp về Minh giải Kinh Thánh trong Đối Thoại Liên Tôn, ban đầu nó được sáng tạo bởi và dành cho các học giả trong một khung cảnh mang tính học thuật, hiện nay Minh giải Kinh Thánh được thực hành trong những nơi thờ phượng, trường học và trong các buổi họp quốc tế giữa những cộng đoàn tôn giáo khác nhau, chủ yếu từ các truyền thống Abraham.
Mục đích của phương pháp này tương hợp với mục tiêu của Trung tâm Đối Thoại Liên Tôn Gioan Phaolô II là “kiến tạo những nhịp cầu giữa các anh em Công giáo, Do Thái, và các truyền thống tôn giáo khác bằng cách cung cấp sự hiểu biết toàn diện, sự cống hiến và lòng gắn bó với các vấn đề liên tôn cho thế hệ kế tục các nhà lãnh đạo tôn giáo.”
Một thành viên hiện nay của Trung Tâm Ủy Viên đại học hai năm, linh mục Celestine Ezemadubom, đã trình bày một chứng từ tại hội nghị từ quan điểm riêng của ngài, với tư cách là thành viên và linh mục đang làm việc trong lãnh vực này.
Làm sao một linh mục như cha Celestine Ezemadubom dấn thân vào ngành Minh giải Kinh Thánh? Một nhóm thân quen của các hội viên đón tiếp, hướng dẫn một nhóm khác luân phiên đến các nơi thờ phượng hoặc một đại học để tiến hành việc đọc và thảo luận với nhau về những đoạn sách thánh của các tôn giáo, đặc biệt liên quan đến những vấn đề đương thời, các vấn nạn về đạo đức luân lý, hoặc những mối quan tâm thực tế của địa phương. Nhóm cùng nhất trí về một số nguyên tắc cơ bản như sự cởi mở và tính chân thành, hầu cổ vũ cho cuộc đối thoại mang tính xây dựng và tăng cường sự hiểu biết và tình huynh đệ, chứ không nhất thiết nhằm đạt đến sự nhất trí, kể cả sự thỏa thuận.
Từ lý thuyết đến thực hành
Ford mô tả phương pháp học được khai triển như thế nào từ những ảnh hưởng-tác động của cuộc sống đời thường giữa các tín hữu của những tôn giáo khác nhau. Ford sinh trưởng trong một gia đình Anh giáo ở Dublin, nơi Giáo hội Ái-nhĩ-lan là thiểu số với 3% trong số phần đông là Kitô hữu Công giáo. Sau khi học xong thần học tại Đại học Cambridge và Yale, ông giữ chức vụ giảng dạy trong một thành phố đa văn hóa của Birmingham, nơi ông quan sát nhiều nỗ lực đối thoại mà phần lớn vẫn chưa đạt được hiệu quả tốt.
Ford dần khám phá một lối tiếp cận mang tính cá nhân, và như thế thực tế hơn khi ông nhận ra phương pháp minh giải Bản văn Kinh Thánh của thần học gia Do Thái Peter Ochs của Học viện Mỹ về Tôn giáo. Theo như Ford mô tả, nhóm của Ochs gồm “các triết gia và học giả đương thời chuyên nghiên cứu các Bản văn (Tanakh and Talmud) đang tham gia hội thảo và tranh luận sôi nổi về các bản văn và tác phẩm kinh điển (đan xen với nhiều hài hước và hóm hỉnh) qua các nhà tư tưởng hiện đại.”
Từ đó, minh giải Kinh Thánh phát triển, qua đó anh em Do Thái, Kitô hữu và Hồi giáo thường quen biết nhau - qua chuyên môn hoặc riêng tư - đã gặp gỡ để cùng đọc và thảo luận về Tanakh, Kinh Thánh và Quran trong bầu khí linh thiêng và bằng hữu.
Những buổi họp mặt này để lại cho Ford một ấn tượng khó quên: “Học hỏi Tanakh và Thiên kinh Quran từ giờ này sang giờ khác với anh em Do Thái và Hồi giáo đã từng biết và sống các truyền thống của họ; để có thể đặt các câu hỏi, tranh luận và nhận ra sự khác biệt sâu sắc nhưng với lòng trân trọng; để thấy Kinh Thánh qua cách nhìn và các câu hỏi của họ, và đáp lại để nói lên niềm tin Kitô của tôi; để khám phá ra những mối tương quan đương thời và thực tế với các bản văn trong cả ba pho sách thánh (về luân lý đạo đức, về cuộc sống thường ngày, triết lý sống, chính trị, kinh tế v.v...)” Tất cả đã thay đổi sự hiểu biết của Ford về tiềm năng đối thoại liên tôn hầu thắng vượt những thành kiến rập khuôn và hun đúc tình bằng hữu.
Với các ý tưởng và kinh nghiệm thu thập được, khi trở về Anh quốc, ông đã cùng với các đồng nghiệp thành lập Chương trình Đối Thoại Liên Tôn tại Cambridge để “cổ vũ niềm tin sâu sắc và sự hiểu biết uyên thâm hơn trong một thế giới tục hóa.”
Khoảng năm 2007, Minh giải Kinh Thánh đã thu hút được sự chú ý và đồng tình của phần đông các giới lãnh đạo tôn giáo ở Nước Anh. Hai Imams tại thành phố Luân-đôn, nơi có rất đông các tín đồ Hồi giáo sinh sống, đã phổ biến những tư tưởng được các giới lãnh đạo Islam chính thức công bố. Chúng làm sáng tỏ đường hướng tham gia của anh em Hồi giáo và mở cửa các đền thánh Islam cho những buổi họp mặt của các nhóm.
Kinh nghiệm cá nhân về đối thoại liên tôn đã ảnh hưởng rất nhiều đến con đường nghiệp vụ chuyên môn mà Ford đã chọn, một hành trình mà ông giới thiệu với hết mọi tín hữu đang đồng hành, để đối diện với các vấn đề của thời đại chúng ta: “Tôi không ngừng xác tín rằng đầu thế kỷ XXI là thời đại của sự dấn thân đối thoại liên tôn, đặc biệt giữa các tôn giáo thuộc truyền thống Abraham, và chúng ta sẽ chịu những hậu quả nghiêm trọng nếu bỏ lỡ cơ hội này.”
Andrea Kirk Assaf
Chuyển ngữ: Sr Anne Nguyễn Thị Phượng
Ban Mục vụ ĐTLT TGP. Tp. HCM
(Nguồn: http://www.zenit.org/article-32302?l=english)
 
Andrea Kirk Assaf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét