Ðức Thánh Cha trình bày
ý nghĩa Tam Nhật Thánh
Vatican (Vat. 20/04/2011) - Sự ngủ gục đích thật của chúng ta là sự vô cảm đối với Thiên Chúa và sự dữ của thế giới, trong khi đáng lý ra chúng ta phải tỉnh thức để làm điều thiện và chiến đấu cho sự thiện.
Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã khẳng định như trên trước hơn 30,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến sáng thứ Tư 20 tháng 4 năm 2011 tại quảng trường Thánh Phêrô.
Trong bài huấn dụ Ðức Thánh Cha đã trình bầy ý nghĩa Tam Nhật Thánh. Mở đầu bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, chúng ta đã đạt tới trung tâm của Tuần Thánh, thành toàn lộ trình mùa Chay. Ngày mai chúng ta sẽ bước vào Tam Nhật Phục Sinh, là ba ngày trong đó Giáo Hội tưởng niệm mầu nhiệm cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Sau khi đã làm người vì vâng lời Thiên Chúa Cha, Con Thiên Chúa đã trở nên giống chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi (Dt 4,15), Người đã chấp nhận chu toàn cho tới cùng ý muốn của Chúa Cha, và đương đầu với cuộc khổ nạn và thập giá vì yêu thương, để cho chúng ta tham dự vào sự phục sinh của Người, để chúng ta có thể sống mãi mãi trong Người và cho Người, trong sự ủi an và hòa bình. Vì thế tôi khích lệ anh chị em tiếp nhận mầu nhiệm cứu rỗi đó, tham dự sâu xa vào Tam Nhật Phục Sinh, trung tâm của toàn năm phụng vụ và là thời gian của ơn thánh đặc biệt đối với mọi kitô hữu. Tôi khích lệ anh chị em tìm thinh lặng và cầu nguyện trong các ngày này, để kín múc nơi suối nguồn ơn thánh một cách sâu thẳm hơn. Ðể chuẩn bị cho các ngày lễ sắp tới, mỗi tín hữu kitô đều được mời gọi cử hành bí tích Hòa giải, là lúc gắn bó chặt chẽ với cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, để có thể tham dự lễ Phục Sinh với nhiều hoa trái hơn.
Tiếp đến Ðức Thánh Cha đã nói về ý nghĩa các lễ nghi phụng vụ Tam Nhật Thánh. Thứ Năm Tuần Thánh là ngày tưởng niệm biến cố Chúa Giêsu thành lập bí tích Thánh Thể và chức Linh Mục thừa tác. Ban sáng trong mọi giáo phận toàn thế giới có thánh lễ làm phép Dầu thêm sức, Dầu tân tòng và Dầu bệnh nhân được dùng cho các Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức, truyền chức Linh Mục Giám Mục và Xức dầu bệnh nhân. Nó minh nhiên rằng ơn cứu độ được trao ban bởi các dầu ám chỉ bí tích bắt nguồn từ Mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô. Thật thế, bởi vì chúng ta được cứu rỗi với cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, và qua các Bí Tích chúng ta kín múc nơi cùng suối nguồn của ơn cứu độ. Trong thánh lễ này, các linh mục canh tân các dấn thân ngày Thụ Phong đễ hoàn toàn thánh hiến cho Chúa Kitô trong việc thi hành chức thừa tác phục vụ các anh em khác.
Ban chiều có lễ tưởng niệm việc thành lập Bí tích Thánh Thể, trong đó Chúa Kitô trở thành chiên con vượt qua, tự hiến mình để cứu chuộc chúng ta (1 Cr 5,7). Khi đọc lời chúc lành trên bánh và rượu, Chúa Giêsu cử hành trước hiến tế của thập gía và cho thấy ý muốn hiện diện mãi giữa các môn đệ. Ngài hiện diện thực sự với mình được trao ban và máu đã đổ ra. Trong Bữa Tiệc Chiều sau hết các Tông Ðồ được trở thành các thừa tác của Bí tích cứu độ này, được Chúa rửa chân và được mời gọi yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương các vị, bằng cách hiến mạng sống cho các vị. Khi lập lại cử chỉ này, chúng ta được mời gọi làm chứng cho tình yêu của Ðấng Cứu Chuộc chúng ta.
Phụng vụ Thứ Năm Tuần Thánh kết thúc với Buổi Chầu Thánh Thể ghi nhớ cuộc hấp hối của Chúa trong vườn Cây Dầu. Với ý thức cái chết trên thập giá gần kề, Chúa Giêsu cảm thấy một nỗi âu lo lớn. Cũng như Người đã xin ba Tông Ðồ tỉnh thức cầu nguyện, Người cũng xin Giáo Hội mọi thời tỉnh thức và cầu nguyện. Ðây là sứ điệp cho mọi thời đại, bởi vì sự buồn ngủ là vấn đề của toàn lịch sử. Ðức Thánh Cha quảng diễn điểm này như sau:
Vấn đề đó là sự ngủ gục này hệ tại cái gì, và sự tỉnh thức mà Chúa mời gọi chúng ta hệ tại đâu. Tôi sẽ nói rằng sự ngủ gục của các môn đệ dọc dài lịch sử là một loại vô cảm nào đó của linh hồn đối với quyền lực của sự dữ, một sự vô cảm đối với tất cả sự dữ của thế giới... Nhưng không phải chỉ có sự vô cảm đối với sự dữ, trong khi đáng lý ra chúng ta phải tỉnh thức để làm điều thiện, để chiến đấu cho sức mạnh của sự thiện. Ðó là sự vô cảm đối với Thiên Chúa: đây là sự ngủ gục đích thật của chúng ta; sự vô cảm đối với sự hiện diện của Thiên Chúa khiến cho chúng ta vô cảm đối với sự dữ. Chúng ta không cảm thấy Thiên Chúa và như thế, dĩ nhiên, chúng ta cũng không cảm thấy sức mạnh của sự dữ và chúng ta ở trên con đường sự thoải mái của mình.
Trong khi cầu nguyện Chúa Giêsu cảm thấy ý muốn của bản chất nhân loại là không muốn phải chết. Với tất cả ý thức, Chúa Giêsu cảm thấy sự sống, hố thẳm của cái chết, sự kinh hoàng của hư vô, sự de dọa của khổ đau... Cùng với cái chết, Người cảm thấy tất cả nỗi khổ đau của nhân loại. Người cảm thấy tất cả điều đó là chén đắng phải uống cho chính mình, chấp nhận sự dữ của thế giới, tất cả những gì kinh hãi nhất, sự chống đối Thiên chúa, tất cả tội lỗi. Và chúng ta hiểu tại sao Chúa Giêsu kinh hoàng trước thực tại tàn bạo này. Nhưng trong lời nguyện, Người biến đổi sự đối nghịch tự nhiên ấy chống lại sứ mệnh phải chết vì chúng ta, trở thành ý muốn của Thiên Chúa, trở thành tiếng "xin vâng" với ý muốn của Thiên Chúa... Chính trong việc đưa ý muốn của thụ tạo vào trong ý muốn của Thiên Chúa Cha, Người biến đổi và cứu rỗi chúng ta.
Trong lời cầu nguyện Chúa Giêsu gọi Thiên Chúa là "Abba Cha", là kiểu gọi thân tình trong gia đình. Nó cho thấy Chúa Giêsu là Con nói với Thiên Chúa là Cha. Thư gửi giáo đoàn do thái chú giải lời cầu của Chúa Giêsu và nói rằng các giọt nước mắt, lời cầu nguyện, tiếng kêu than, nỗ âu lo của Chúa Giêsu không là dấu chỉ sự nhượng bộ cái yếu đuối của xác thịt. Nhưng chính vì thế mà Chúa Giêsu đã dâng thực tại của chúng ta lên Thiên Chúa.
Chúa Giêsu thực hiện nhiệm vụ Linh Mục Thượng Phẩm của Người và trở thành Thượng Tế của nhân loại và mở trời và mở cửa ra cho sự sống lại... Sứ mệnh của Người là mang trong mình tất cả nỗi khổ đau của chúng ta, tất cả thảm kịch nhân loại. Và vì thế chính sự hạ nhục này của Vườn Giệtsêmani là nòng cốt đối với sứ mệnh của Con Người Thiên Chúa, Người mang trong mình nỗi khổ đau, sự nghèo khó của chúng ta, và biến đổi nó theo ý muốn của Thiên Chúa.
Trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh Giáo Hội tưởng niệm cái chết của Chúa và tham dự vào các nỗi khổ đau của Người, với lòng sám hối và việc ăn chay.. Khi nhìn cạnh sườn của Người bị đâm thâu, có máu và nước chảy ra như một suối nguồn, chúng ta nhận ra từ đó tình yêu của Thiên Chúa đối với mọi người, và chúng ta nhận được thần khí của Người. Sau cùng trong đêm thứ Bẩy Tuần Thánh, chúng ta sẽ cử hành lễ Vọng Phục Sinh, trong đó sẽ được loan báo sự sống lại của Chúa Kitô và chiến thắng vĩnh viễn của Người trên cái chết....
Kết thúc bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nêu bật thái độ sống nòng cốt của Chúa Giêsu như sau:
Tiêu chuẩn đã hướng dẫn mọi lựa chọn của Chúa Giêsu trong suốt cuộc đời Người đã là ý muốn kiên trì yêu mến Thiên Chúa Cha, là một với Thiên Chúa Cha, và trung thành với Người. Quyết định đáp trả lại tình yêu của Thiên Chúa Cha đã thúc đẩy Chúa Giêsu ôm nhận lấy chương trình của Cha trong mọi trạng huống và biến dự án tình yêu Chúa Cha đã giao phó cho Người là quy tụ tất cả nên một trong Người để dẫn đưa mọi sự tới với Người.
Ðức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Ðức, Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha, Ba Lan, Croat, và Ý. Ngài chúc tất cả Tam Nhật Tuần Thánh sốt sắng và tràn đầy ơn thánh của Chúa Phục Sinh.
Sau cùng Ðức Thánh Cha cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
Linh Tiến Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét