Vượt qua ngưỡng cửa thiên niên kỷ thứ ba
Hội thảo về đời sống và sứ vụ của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II
WHĐ (06.05.2011) – Nhân dịp Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II được tôn phong chân phước (1-5-2011), Ủy ban Văn hóa trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (UBVH/HĐGMVN) đã tổ chức Hội thảo về đời sống và sứ vụ của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, từ 8g30 đến 16g ngày 6-5-2011, tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận TP.HCM.
Chủ đề của cuộc hội thảo là: Vượt qua ngưỡng cửa thiên niên kỷ thứ ba.
Sau lời khai mạc của Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, chủ tịch UBVH/HĐGMVN, trên 300 hội thảo viên lần lượt được nghe trình bày về các đề tài:
– Cuộc đời và sứ vụ của Đức Gioan Phaolô II (cha Phêrô Nguyễn Thanh Tùng)
– Đức Gioan Phaolô II, Cánh cửa hòa bình (Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt)
– Đức Gioan Phaolô II và nền đạo đức sinh học (Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên)
– Đức Gioan Phaolô II và giới trẻ (Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên)
Sau mỗi bài tham luận, nhiều thắc mắc do tham dự viên nêu lên và được các thuyết trình viên giải đáp, đã làm sống động ký ức về vị Giáo hoàng thứ 264 của Giáo hội Công giáo, người ảnh hưởng tích cực lên hạ bán thế kỷ XX.
Trong ngày sống với tân chân phước Gioan Phaolô II này, UBVH/HĐGMVN cũng phổ biến cuốn sách mang tựa đề của ngày hội thảo: “Vượt qua ngưỡng cửa thiên niên kỷ thứ ba”, tập hợp nhiều cách tiếp cận của nhiều tác giả về cuộc đời của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II.
Trong phần đúc kết, Đức cha chủ tịch UBVH/HĐGMVN đã nêu lên vài ghi nhận sau đây:
Với chân phước Gioan Phaolô II, ngưỡng cửa thiên niên kỷ thứ ba còn nhiều ngổn ngang nhưng cũng chất chứa tràn đầy niềm hy vọng.
Ngổn ngang về hòa bình, vì bóng dáng chiến tranh và bạo lực vẫn còn, nhưng hòa bình mà Đức Gioan Phaolô II và Giáo hội nhắm đến không chỉ trên bình diện vật lý, mà còn là sự bình an nội tâm và làm thế nào dẫn đưa con người ngày nay đến gặp gỡ Đức Giêsu Kitô, Chúa của hòa bình.
Liên quan đến lĩnh vực đạo đức sinh học, chúng ta cũng nhận ra sự mênh mông của lãnh địa này, mà Giáo hội cần bù đắp các khoảng trống trong tương lai.
Về giới trẻ ở ngưỡng cửa thiên niên kỷ thứ ba, ta cũng nhận ra sự không đồng bộ trong hoạt động lẫn những vấn đề khác nhau, tùy từng địa phương, nhưng còn đó một niềm hy vọng.
Thực vậy, ngưỡng cửa thiên niên kỷ thứ ba tràn trề hy vọng, hy vọng về một nền đạo đức thấm nhuần tinh thần Kitô giáo do chân phước Gioan Phaolô II khơi gợi.
Đức cha Giuse còn nhận định về việc thảo luận rằng tuy ngắn hơn các cuộc hội thảo trước, nhưng cũng đủ làm sáng lên tinh thần Gioan Phaolô II, để giúp người Kitô hữu hành động và bước tới thiên niên kỷ này với đức tin và niềm hy vọng Kitô giáo.
Người Kitô hữu cần trang bị cho mình phong thái Gioan Phaolô II để “vượt qua” (từ được Ban tổ chức làm nổi bật) ngưỡng cửa thiên niên kỷ thứ ba. Phong thái này được cô đọng trong 3 động từ: “đừng sợ”, “đứng lên” và “tiến tới”. Hơn nữa, từ ngày 1/5 vừa qua, người Kitô hữu chúng ta không chỉ hành động theo tinh thần Gioan Phaolô II, mà còn được đồng hành và phù trợ của vị tân chân phước này.
Cuộc hội thảo khép lại với việc khánh thành bộ tượng đài “sống” mang tên “Gioan Phaolô II và thiên niên kỷ thứ ba” do 3 nghệ nhân tạo hình thực hiện.
Tâm Giao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét