label

Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

Đức cha Hàn Đại Huy, Tổng Thư ký Bộ Phúc âm hóa các dân tộc: “Rôma muốn hiểu rõ hơn về Trung Quốc”



Đức cha Hàn Đại Huy, Tổng Thư ký Bộ Phúc âm hóa các dân tộc: “Rôma muốn hiểu rõ hơn về Trung Quốc”
WHĐ (21.05.2011) – Đức Tổng Giám mục Hàn Đại Huy, Tổng Thư ký Bộ Phúc âm hóa các dân tộc, là người Trung Hoa đầu tiên đảm nhận một trọng trách tại Giáo triều.
Xuất thân từ một gia đình lương dân, Đức Tổng Giám mục Hàn Đại Huy lãnh nhận bí tích Thánh tẩy năm 11 tuổi. Ngài là một tu sĩ Dòng Don Bosco, đồng thời là một nhà thần học, giảng dạy thần học tại Hồng Kông và cả tại Trung Hoa lục địa. Ngày 23-12-2010, ngài được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm Tổng Giám mục, Tổng Thư ký Bộ Phúc âm hóa các dân tộc.
Mới đây, ngài nhận trả lời phỏng vấn của báo La Croix, do nhà báo Frédéric Mounier, đặc phái viên thường trú của La Croix tại Rôma, thực hiện.
Sau đây là toàn văn bài trả lời phỏng vấn nói trên:
Frédéric Mounier: Xin Đức cha cho biết tình hình hiện nay của Giáo Hội tại Trung Quốc.
Đức Tổng Giám mục Hàn Đại Huy: Từ thời Mao Trạch Đông, chính quyền luôn muốn có một Giáo Hội Công giáo “tự trị”, với những giám mục do nhà nước bổ nhiệm. Đối với Rôma, những cuộc tấn phong này là bất hợp lệ là không đúng với giáo thuyết của Công giáo về Giáo Hội. Đức Gioan Phaolô II, vốn xuất thân từ một đất nước do cộng sản nắm quyền, đã hiểu rõ tình hình địa phương, ngài đã thừa nhận nhiều giám mục.
Chính quyền cũng đã ngầm cho phép các giám mục “công khai” được xin Rôma công nhận. Từ khi Tòa thánh công bố Thư gửi các tín hữu tại Trung Quốc của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI vào năm 2007, kêu gọi các cộng đoàn tiến đến hiệp nhất và ủng hộ một cuộc đối thoại về việc bổ nhiệm các giám mục, đã không có bất kỳ cuộc tấn phong bất hợp lệ nào. Giữa Rôma và Bắc Kinh đã có được một sự đối thoại cho từng trường hợp. Nhưng vào ngày 15 tháng 11 vừa qua, lại xảy ra một cuộc tấn phong bất hợp lệ tại Thừa Đức.
Phải chăng chính quyền Trung Quốc đang trở nên cứng rắn hơn?
Đột nhiên, Hội Công giáo yêu nước, nơi quy tụ những người Công giáo “công khai”, mong lập Giáo Hội tự trị, vốn  hoàn toàn không phù hợp với giáo thuyết của Hội Thánh về Giáo Hội, đã phá vỡ cuộc đối thoại, cố lôi kéo các giám mục trung thành với Rôma. Con snhững người cơ hội chủ nghĩa  đã tăng lên, kể cả trong số các giám mục. Một số, bị chuyện “quà cáp” lôi cuốn, cũng đã ngả theo.
Trong vụ tấn phong bất hợp lệ tại Thừa Đức, có 8 người là những giám mục hợp lệ đã tham gia vào việc phong chức. Đối với nhà cầm quyền Trung Quốc, đây là một thắng lợi quan trọng, giúp họ có thể làm tới. Tiếp theo, vào ngày 8-12-2010, có 45 giám mục, tuổi bình quân dưới 50, đã tham gia Đại hội toàn thể Hội Công giáo yêu nước. Sau đó ít lâu, tại Thượng Hải, trong cuộc Hội thảo về Matteo Ricci, tôi gặp một số người đã tham gia Đại hội nói trên. Họ nói với tôi: họ bị ép phải đi họp. Nhưng cũng có một số nhà quan sát cho tôi biết, đa số các giám mục dự Đại hội đều tỏ rõ sự vui mừng phấn khởi.
Xin Đức cha phân tích…
– Bầu khí thật sự khó khăn, và không chỉ do sự kiểm soát của chính quyền gây nên mà cũng còn do bên trong Giáo Hội chưa đủ mạnh mẽ. Một linh mục có tham vọng, kiếm chác dễ được chính quyền chấp nhận (làm giám mục), rồi sau đó nghĩ rằng có thể chờ được Rôma tha thứ.
– Quan điểm của Tòa Thánh như thế nào, thưa Đức cha?
– Trước hết Rôma muốn hiểu rõ hơn về Trung Quốc. Đó là ý nghĩa việc Rôma bổ nhiệm tôi mà tôi là người đầu tiên phải ngạc nhiên. Đây là một bước tích cực, một số người cho đây là “quà Đức Giáo hoàng tặng Trung Quốc”.
Tiếp đến, Tòa Thánh từ bây giờ trở đi biết rằng sự mong đợi nhà cầm quyền Trung Quốc trở lại tình trạng trước đây chỉ là một ảo tưởng. Bởi sau sự kiện Thế vận hội được tổ chức ở Bắc Kinh và Triển lãm quốc tế ở Thượng Hải, chính quyền Trung Quốc thấy chẳng có lý do gì để phải nhượng bộ.
Chính quyền đã đã chi nhiều tiền, nhất là cho việc xây nhà thờ, dễ dãi trong những thủ tục hành chính. Cuối cùng chúng ta phải dành sự chăm sóc tốt nhất cho việc đào tạo các mục tử, giúp họ duy trì những tiếp xúc cá nhân với Rôma hơn nữa, vững vàng trong đức Tin hơn nữa.
– Đức Hồng y Trần Nhật Quân, cũng cùng Dòng Don Bosco với Đức cha, nguyên Tổng Giám mục Hồng Kông, đã công khai đặt vấn đề về việc Rôma quá cởi mở cho đối thoại.
– Từ “đối thoại” có hai ý nghĩa khác nhau, nhìn từ phía Trung Quốc và từ Rôma. Tại Trung Quốc, nhiều người Công giáo, ‘thầm lặng’ hoặc ‘công khai’, không muốn đối thoại bằng mọi giá, vì cho rằng Vatican nhượng bộ chính quyền. Trong khi tại Rôma, đối thoại là một khái niệm thần học, là yêu cầu bắt buộc của tinh thần cởi mở. Tôi cho rằng ĐHY Trần Nhật Quân biết hiện có những người Công giáo Trung Hoa mang hai bộ mặt, một đối với Rôma và mặt kia đối với chính quyền.
ĐHY hiểu rằng, nếu quá nhượng bộ chính quyền, thì sẽ khuyến khích những người xu thời. Còn nhìn từ Rôma thì lại khác: đối thoại là quan điểm bao trùm. Nhưng khi chính quyền giữ lập trường kiên định về Giáo Hội tự trị trong việc bổ nhiệm giám mục, thì đã đóng cánh cửa đối thoại lại. Đối với Rôma, việc không thể nhượng bộ là vấn đề bổ nhiệm giám mục phải do Đức Giáo hoàng. ĐTC Bênêđictô XVI đã khẳng định điều đó rất rõ ràng.
– Thưa Đức cha, các giám mục được tấn phong bất hợp lệ sẽ bị vạ tuyệt thông? 
– Thực ra, các cuộc tấn phong giám mục bất hợp lệ đưa đến vạ tuyệt thông tiền kết (latae sententiae). Nhưng việc Giáo Hội tuyên bố vạ tuyệt thông cũng gặp khó khăn nếu có bằng chứng những người sai phạm bị áp lực. Chúng ta cần biết từng vị giám mục được tấn phong có phải là nạn nhân bị ép buộc hay không. Việc xác minh đòi phải có thời gian. Nhưng, khách quan mà nói, tình hình như thế là nặng nề và nghiêm trọng, vì nó có thể xuất hiện thêm những kẻ cơ hội và làm chia rẽ thêm trong lòng Giáo Hội.

 
PV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét