label

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011

Mọi người, mọi việc trong Giáo Hội phải hướng đến mục đích truyền giáo

Mọi người, mọi việc trong Giáo Hội phải hướng đến mục đích truyền giáo


Huấn từ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tại Đại hội của Hội Giáo hoàng Truyền giáo 
WHĐ (16.05.2011) – Vào lúc 11g45 trưa 14-05, tại phòng Clêmentinô thuộc Điện Tông đồ thuộc Vatican, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã tiếp kiến các đại biểu tham dự Đại hội thường niên Hội Truyền giáo của Tòa Thánh.
Sau đây là toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha trong buổi tiếp kiếp:
Lời chào
Kính thưa Đức Hồng y, chư huynh đệ thân mến trong chức giám mục và linh mục, quý nam nữ tu sĩ thân mến,
Trước hết tôi gửi lời chào thân ái đến Đức Tổng Giám mục Fernando Filoni, tân Bộ trưởng Bộ Phúc âm hóa các dân tộc và hết lòng cảm ơn Đức Tổng đã nhân danh các đại biểu vừa có những lời phát biểu dành cho tôi. Nhân đây tôi cũng cầu chúc Đức Tổng gặt hái nhiều thành quả trong sứ vụ mới. Đồng thời tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Hồng y Ivan Dias đã nêu gương quảng đại phục vụ tại Bộ Truyền giáo và Giáo Hội khắp nơi trong những năm qua. Xin Chúa tiếp tục dùng ánh sáng Chúa hướng dẫn hai người thợ trung tín trong vườn nho của Chúa. Xin chào Đức Tổng Giám mục Savio Hàn Đại Huy, Phó Tổng Thư ký của Bộ, Đức Tổng Giám mục Piergiuseppe Vacchelli, Chủ tịch Hội Truyền Giáo của Tòa thánh, quý cộng sự viên của Bộ và Giám đốc Hội Truyền giáo tại các quốc gia, đã từ các Giáo Hội tại khắp nơi quy tụ về Rôma, tham dự Đại hội thường niên của Hội đồng Thượng cấp của Hội. Xin nồng nhiệt chào mừng tất cả anh chị em.
Thả những mẻ lưới Tin Mừng ở vùng biển của lịch sử để đưa con người lên đất liền của Thiên Chúa
Các bạn thân mến, qua hoạt động truyền giáo năng động và việc cộng tác với Dân Chúa, các bạn đã làm nổi bật “đối với thời đại ngày nay cần phải củng cố cam kết dấn thân missio ad gentes - truyền giáo cho các dân tộc” (Tông huấn Verbum Domini, số 95), để công bố “niềm Hy vọng lớn lao”, loan báo về “Vị Thiên Chúa mang gương mặt con người đã yêu thương chúng ta đến cùng – yêu thương từng con người và cả nhân loại” (Thông điệp Spe Salvi, số 31). Trong thực tế, những vấn đề mới và những hình thái nô lệ mới đang xuất hiện trong thời đại của chúng ta tại các quốc gia được mệnh danh là đệ nhất thế giới, tuy thịnh vượng và giàu có nhưng tương lai vẫn không chắc chắn, và cũng xuất hiện tại các quốc gia mới nổi lên nhờ có lợi trong quá trình toàn cầu hóa, nhưng rồi cuối cùng phải lãnh hậu quả là ngày càng tăng thêm số người nghèo khổ, di cư và bị áp bức, phải sống cảnh tắt dần niềm hy vọng. Giáo Hội phải không ngừng đổi mới cam kết dấn thân mang Chúa Kitô đến cho mọi người, mở rộng sứ mệnh cứu thế để Nước Chúa ngự đến, Nước của công lý, tự do, hòa bình và tình yêu. Biến đổi thế giới theo kế hoạch của Thiên Chúa với sức mạnh đổi mới của Phúc âm “ngõ hầu Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự” (1 Cr 15, 28) là nhiệm vụ của toàn thể Dân Chúa. Do đó, cần phải tiếp tục công cuộc truyền giáo với lòng nhiệt thành được đổi mới, hân hoan công bố Nước Thiên Chúa đã đến trong Chúa Kitô, trong quyền năng của Chúa Thánh Thần để dẫn đưa mọi người tiến đến sự tự do đích thực của con cái Chúa, ngược lại với mọi hình thức nô lệ. Cần phải thả những mẻ lưới Tin Mừng ở vùng biển của lịch sử để đưa con người lên đất liền của Thiên Chúa.
Mọi hoạt động trong Giáo Hội đều mang chiều kích truyền giáo
“Nhiệm vụ rao giảng Lời Chúa là bổn phận mọi môn đệ của Chúa Giêsu Kitô, do Phép Thánh tẩy họ đã lãnh nhận mang lại” (Verbum Domini, số 94). Nhưng để mạnh mẽ dấn thân cho việc truyền giáo, bản thân mỗi Kitô hữu cũng như các cộng đoàn phải thực sự xác tín “Lời Chúa là sự thật giải thoát mà mọi người thời nào cũng cần đến” (Verbum Domini, số 95). Nếu xác tín này không bắt rễ sâu trong đời sống của mình, chúng ta không thể cảm nhận được niềm say mê và vẻ đẹp được loan báo Lời Chúa. Trong thực tế, mọi Kitô hữu cần phải khẩn cấp làm việc xây dựng Nước Chúa. Tất cả mọi sự trong Giáo Hội đều nhằm phục vụ công cuộc Phúc âm hóa: từng lĩnh vực hoạt động của Giáo Hội và từng người với những chức trách khác nhau đều được kêu gọi chu toàn phận sự của mình. Mọi người đều phải tham gia missio ad gentes - sứ vụ truyền giáo cho các dân tộc. Giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ, giáo dân. “Không một tín hữu nào trong Chúa Kitô lại có thể thấy mình xa lạ với trách nhiệm này, một trách nhiệm phát xuất từ việc thuộc về Thân Thể Chúa Kitô theo cách bí tích” (Verbum Domini, số 94). Do đó chúng ta phải đặc biệt lưu ý, để mọi lĩnh vực, từ mục vụ, dạy giáo lý đến làm việc bác ái đều mang chiều kích truyền giáo: Giáo Hội là truyền giáo. 
Chỉ những ai lắng nghe Lời nhập thể, kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô, mới có thể trở thành một nhà truyền giáo
Điều kiện cơ bản cho việc loan báo Tin Mừng là các bạn hãy để cho Chúa Kitô hoàn toàn chiếm lĩnh mình. Người là Ngôi Lời của Thiên Chúa nhập thể. Chỉ những ai lắng nghe Lời nhập thể, kết hiệp mật thiết với Người, mới có thể trở thành một nhà truyền giáo (x. Verbum Domini số 51, 91). Người loan truyền Tin Mừng phải đặt mình sống trong tác động của Lời Chúa và được các Bí Tích dưỡng nuôi: sự tồn tại và sứ vụ của nhà truyền giáo tùy thuộc vào chính mạch máu là các Bí tích và Lời Chúa. Chỉ bằng cách bắt rễ sâu trong Chúa Kitô và Lời của Người, mới có thể không rơi vào cám dỗ biến hoạt động truyền giáo thành những chương trình thuần túy nhân loại, mang tính xã hội, che khuất hoặc làm mất đi chiều kích siêu việt của ơn cứu độ được Chúa mang lại trong Đức Kitô. Phải làm chứng và loan báo Lời Chúa một cách rõ ràng, vì nếu không được thể hiện bằng việc làm chứng, thì Lời Chúa sẽ khó lòng hiểu được và tin được. Mặc dù chúng ta thường thấy mình bất toàn, nghèo nàn, thiếu khả năng, nhưng chúng ta luôn vững lòng tin vào quyền năng của Chúa, Đấng luôn đặt kho báu của Ngài trong “những bình sành dễ vỡ” và chính Ngài đang hành động qua trung gian là chúng ta.
Sứ vụ truyền giáo hấp dẫn nhưng cũng đầy thử thách: sứ vụ này đòi hỏi phải có lòng yêu mến đối với công việc loan báo và làm chứng cho Tin Mừng, một tình yêu triệt để đến mức có thể được minh chứng bằng tử đạo. Giáo Hội không thể trốn tránh nhiệm vụ của mình là mang ánh sáng của Chúa Kitô, rao giảng Tin Mừng Phúc Âm, dù có thể bị bách hại vì điều đó (x. Verbum Domini, số 95). Hoạt động truyền giáo góp phần làm nên chính đời sống của Giáo Hội, cũng như đã là một phần cuộc đời Chúa Giêsu. Kitô hữu không được sợ hãi ngay cả khi “hiện nay, các Kitô hữu là nhóm tôn giáo bị đàn áp nhiều nhất vì niềm tin của mình” (Thông điệp nhân Ngày Thế giới Hòa bình năm 2011, số 1). Thánh Phaolô quả quyết: Tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù là hiện tại hay tương lai, hay quyền năng, dù là chiều cao hay chiều sâu, hay bất cứ tạo vật nào khác, không gì sẽ có thể tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Ðức Kitô Giêsu Chúa chúng ta” (Rm 8, 38-39).
Lời cảm ơn
Các bạn thân mến, cảm ơn các bạn đã hoạt động và tổ chức hoạt động truyền giáo tại các Giáo Hội địa phương của mình, với tư cách là những Giám đốc Hội Giáo hoàng Truyền giáo tại các quốc gia. Hội Giáo hoàng Truyền giáo được các vị tiền nhiệm của tôi cổ võ, khuyến khích (x. Ad Gentes, số 38) là một phương cách đặc thù về phương diện hợp tác truyền giáo và chia sẻ một cách hữu hiệu về nhân sự và tài lực giữa các Giáo Hội địa phương. Cũng không thể quên sự giúp đỡ của Hội Giáo hoàng Truyền giáo dành cho các Học viện Giáo hoàng tại Roma, là nơi đào tạo các linh mục, tu sĩ và giáo dân đã được các Giám mục tuyển chọn và gửi đến, cũng như sự giúp đỡ của Hội đối với các Giáo Hội địa phương tại các miền truyền giáo. Công việc của các bạn thật giá trị đối với công cuộc xây dựng Giáo Hội thành “ngôi nhà chung” của toàn thể nhân loại.
Xin Chúa Thánh Thần, Đấng chủ trì công cuộc truyền giáo, dẫn dắt và nâng đỡ chúng ta luôn mãi, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, Ngôi sao sáng dẫn đường truyền giáo và là Nữ Vương các Thánh Tông đồ.
Tôi thân ái ban phép lành Tòa Thánh cho các bạn và các nhân viên của Hội”.
(Theo Agenzia Fides)
 
PV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét