label

Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

Đồng cảm với Thư Chung 2011 bằng tâm tình của một người tín hữu Cao Đài

Hình minh họa
Đồng cảm với Thư Chung 2011

bằng tâm tình của một người tín hữu Đạo Cao Đài 

Với nhan đề CÙNG NHAU BỒI ĐẮP NỀN VĂN MINH TÌNH THƯƠNG VÀ SỰ SỐNG, Thư Chung hậu Đại hội Dân Chúa 2010 của Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi toàn thể Cộng đồng Dân Chúa Việt Nam (xin gọi tắt là Thư Chung 2011) được công bố chính thức ngày 01-5-2011, và năm ngày sau đó được phổ biến rộng khắp 26 giáo phận. Toàn văn Thư Chung được in đầy đủ trên tuần báo Công giáo và Dân tộc, số 1807 (tr. 19-21), và rất nhiều trang web Công giáo trong nước cũng đồng loạt đăng tải. Có nơi như trang web của Tổng giáo phận Huế còn cho phép tải xuống trọn vẹn văn bản dạng word, 51 trang khổ A5. Quả thực rất tiện cho những người cần tìm hiểu cặn kẽ Thư Chung.

Có độ dài non 12.400 từ, Thư Chung 2011 chia làm 48 số, với 140 chú thích rất tỉ mỉ. Ngoài Dẫn nhập Kết luận, Thư Chung phân ra bốn chương, trong đó Chương IV (Loan báo Tin Mừng trong hoàn cảnh ngày nay) bao gồm các số từ 31 đến 47, nêu lên chủ điểm “Giáo hội cần đối thoại với các tôn giáo, với người nghèo, và với những anh chị em không tôn giáo(số 39-40). Những từ này được in đậm trong Thư Chung, có thể hiểu như một cách đặt tên cho các đề mục trọng yếu đã được đánh số.

Tôi chú ý trước tiên hai đề mục 39-40, đặc biệt là những nội dung liên quan “Cuộc đối thoại với các tôn giáo” (số 40). Qua bài viết này, tôi muốn chia sẻ những đồng cảm với Thư Chung liên quan hai đề mục 39-40, bằng tâm tình của một người tín hữu Cao Đài.

Chương IV nêu ra cụm từ “trong hoàn cảnh ngày nay”, và nếu tôi đọc không sót, thì dường như Thư Chung 2011 không trực tiếp xác định một thực trạng khá phổ biến mà các nhà truyền giáo trong mọi tôn giáo đang phải giáp mặt. Theo tôi, thực trạng này cho thấy hai xu thế từ phía không tôn giáo và từ phía có tôn giáo:

– Một là nỗ lực “giải thiêng” của những anh chị em không tôn giáo với mong muốn giải trừ cho xã hội những ảnh hưởng của các tôn giáo.

– Hai là lòng quá nhiệt thành của các anh chị em có tôn giáo, vì muốn đề cao tôn giáo của mình tột bực nên không hề dè dặt ngôn từ khi tìm cách hạ thấp hay chỉ trích tôn giáo khác.

Xu thế thứ hai khiến cho xã hội không tránh khỏi ngán ngẩm, vì cảm thấy mấy ông bà mang tiếng tu hành mà cư xử cũng chả ra làm sao. Hệ quả là các anh chị em có tôn giáo ấy vô tình đang gián tiếp yểm trợ cho nỗ lực giải thiêng của phía không tôn giáo!

Từ thực trạng nêu trên, tôi muốn bày tỏ suy nghĩ rằng đối thoại với các tôn giáo không chỉ là yêu cầu của riêng cộng đồng Dân Chúa, mà còn là yêu cầu lâu dài của mọi tôn giáo, của toàn xã hội. Thư Chung 2011 xác định (số 39): Đây là cuộc đối thoại từ trái tim đến trái tim nhằm xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau và phục vụ hạnh phúc đích thực của con người.” Tôi nghĩ rằng, như thế là Thư Chung đã “bắt mạch và kê toa” một phương thuốc nhằm đối trị cái thực trạng nêu trên. Phương thuốc này nói theo Đông y là phải “trường phục”, tức là phải nhẫn nại dùng lâu dài mới mong trị được căn bệnh trầm kha.

Tôi cũng hiểu, khi nói xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau”, tức là Thư Chung 2011 đưa ra nhu cầu tương tri giữa con người không tôn giáo và con người trong các tôn giáo khác nhau. Bởi thiếu tương tri nên mới không có lòng tương kính, trân trọng lẫn nhau.

Khi thấy Thư Chung dùng từ “đối thoại”, tôi không mong rằng người đọc sẽ nghĩ lầm chỉ đơn giản là cách ứng xử qua đầu môi chót lưỡi với tính cách xã giao hay ngoại giao giữa các cộng đồng tôn giáo và xã hội khác nhau. Thư Chung thận trọng xác định rằng cuộc đối thoại này phải từ trái tim đến trái tim. Năm chữ này quả thật rất mực hệ trọng, vì qua đó tôi hiểu để đạt được yêu cầu mong muốn của Thư Chung, người đạo chúng ta phải biết sống đạo để gầy dựng được sự tương tri và lòng tương kính giữa người có tôn giáo với người không tôn giáo, nhất là giữa người tôn giáo này với người tôn giáo khác.

Thỉnh thoảng lang thang trên Internet, tôi tình cờ lạc vào trang web của tôn giáo A hay tôn giáo B. Người của tôn giáo A đưa mấy bài dằng dặc chữ nghĩa ca tụng trường hợp một tín đồ tôn giáo B sau “nhiều năm lầm lạc” (sic) nay đã tìm được con đường cứu độ trong tôn giáo A! Thế là tôn giáo B “phản pháo”, ra sức chứng minh kẻ “phản đạo” mà tôn giáo A nêu lên thật sự chẳng phải tín đồ hay chức sắc của mình. Hoặc đi xa hơn nữa, tôn giáo B tìm cách trả đũa bằng cách đăng tải những trường hợp người từ tôn giáo A bỏ sang tôn giáo B!

Tất cả những bài viết nhiệt thành ấy đều xuất phát từ tấm lòng quá thương đạo của mình mà bộc lộ vui mừng khi thấy đạo của mình được tăng thêm dân số. Cho nên ngược lại cũng rất bực bội khi thấy đạo của mình bị công khai hóa một trường hợp làm giảm dân số, khiến cho mình thấy bị mất uy tín hoặc mất thể diện trước bàn dân thiên hạ.

Theo tôi, nếu thực sự biết sống đạo đúng nghĩa và đúng cách, tất cả những vụ việc đầy thị phi đáng tiếc như thế sẽ chẳng có cơ hội nào để được khích động rùm beng rồi trở thành thái độ bất bao dung giữa hai tôn giáo A và B.

Các tôn giáo chỉ là những phương tiện cứu độ khác nhau để đưa loài người đến một bến đỗ tuyệt đích và duy nhất là Đạo. Ai có duyên với phương tiện nào thì dùng phương tiện đó, nếu nửa chừng họ muốn đổi phương tiện di chuyển thì cũng nên xem là chuyện nhỏ. Nếu ai đó nửa cuộc hành trình bỗng đổi phương tiện di chuyển thì giá trị tuyệt đối của một tôn giáo, một chánh pháp, không hề vì thế mà được tăng thêm hay bị giảm đi trong cõi thế gian tương đối này.

Vì vậy, mỗi người có tôn giáo cũng nên biết tự kềm chế lòng quá nhiệt thành sùng đạo của mình. Theo tôi, đó là một ý thức và thái độ cần thiết góp phần vào cuộc đối thoại giữa các tôn giáo với cả con tim, với trọn tâm hồn cao thượng mà mình đã diễm phúc được chính nền giáo lý thâm hậu của đạo mình dày công hun đúc, huấn tập.

*

Khi đặt ra yêu cầu đối thoại từ trái tim đến trái tim” Thư Chung 2011 không dừng lại ở mục đích có được sự tương tri và lòng tương kính giữa các tôn giáo. Bởi lẽ tương tri và tương kính là bước đầu để có được bước kế tiếp là tương trợ và tương tác giữa các tôn giáo nhằm phục vụ hạnh phúc đích thực của con người” (số 39). Thế nên, Thư Chung lại viết (số 40): Đồng thời, đối thoại cũng giúp Giáo Hội rộng mở hợp tác với các tôn giáo trong công cuộc lành mạnh hóa xã hội và thăng tiến con người.”

Lý tưởng cao cả của các nền chánh giáo xưa nay đều tha thiết mong muốn xây dựng cõi trần gian thành thiên đàng tại thế, nghĩa là con người được sống hạnh phúc hơn, được giải thoát khỏi những khổ đau. Lý tưởng hoằng đại ấy nếu chỉ là sứ mạng riêng lẻ một tôn giáo thì ắt hẳn phải rất chậm và rất khó thực thi. Trái lại, nếu càng có thêm nhiều tôn giáo cùng chung tay góp sức thi hành, trên nền tảng tương tri, tương kính, tương tác, tương trợ thì sẽ càng thâu ngắn thời gian và khoảng cách đến đích cuối cùng.

Với chủ trương vạn giáo nhất lý, với tinh thần bao dung mọi tín ngưỡng, giáo lý đạo Cao Đài đã có lần chỉ ra rằng: “… tôn giáo hiện hữu còn tranh chấp, là chưa tạo được một thực thể Đạo thuần chánh để cứu thế.” [1] Nói cách khác, các tôn giáo hãy cùng đoàn kết lại.

Đối thoại như Thư Chung 2011 đề ra chính là một giải pháp góp phần hóa giải sự tranh chấp giữa các tôn giáo hiện hữu. Với đồng cảm và chia sẻ của người đạo Cao Đài, tôi xin kính thành cầu nguyện Thiên Chúa ban ơn để Thư Chung 2011 được thành tựu viên mãn trong sự soi sáng mầu nhiệm của Ý Chúa và bằng tâm huyết của tất cả cộng đồng Dân Chúa.

Phú Nhuận 18-5-2011
Huệ Khải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét