Lời Chúa:
Lc 13, 22-30
Hồi ấy, trên đường
lên Giêrusalem, Ðức Giêsu đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy.
Có kẻ hỏi Người: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?”
Người bảo họ: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em
biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được. Một khi chủ nhà đã đứng
dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: ‘Thưa
ngài, xin mở cho chúng tôi vào!’, thì ông sẽ bảo anh em: ‘Các anh đấy ư? Ta
không biết các anh từ đâu đến!’ Bấy giờ anh em mới nói: ‘Chúng tôi đã từng được
ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của
chúng tôi’. Nhưng ông sẽ đáp với anh em: ‘Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút
đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!’. Ở đó anh em sẽ
khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Ápraham, Ixaác và Giacóp cùng tất cả các
ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. Thiên hạ
sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. Và kìa có những kẻ
đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.”
Suy niệm:
Cuộc đời
thật ra gồm nhiều cửa hẹp.
Cửa hẹp khi thi vào đại học.
Cửa hẹp khi đi xin việc làm.
Cửa hẹp khi muốn đưa trái banh vào
lưới.
Sống là phấn đấu bước qua nhiều cửa
hẹp.
Cửa càng hẹp, càng phải cố gắng
nhiều.
Cửa hẹp mà vào được mới quý.
Nếu thiên đàng có cửa,
thì hẳn vào cửa thiên đàng chẳng
phải như dạo chơi.
“Hãy chiến đấu để vào qua cửa hẹp” (Lc 13,24),
vì “cửa hẹp dẫn đến sự sống” (Mt 7,14).
Chiến đấu
ở đây là chiến đấu với chính mình,
với cái tôi cồng kềnh của mình,
nặng nề vì những vun vén cá nhân,
phình to vì tự hào và tham vọng.
Thật ra cửa vào sự sống không hẹp
nhưng hẹp vì cái tôi của tôi to
quá.
Cần nỗ lực liên tục để giữ cho cái
tôi nhỏ lại,
khiêm hạ trước Thiên Chúa, cởi mở
trước anh em.
Cần có một cái tôi như trẻ thơ
mới được vào Nước Trời (Mt 18,3).
Cái tôi của chúng ta luôn có khuynh
hướng bành trướng
nhờ thu tích nơi mình tri thức,
tiền bạc, khả năng.
Cả kinh nghiệm, tuổi tác, đạo đức,
chức vụ,
cũng có thể làm cái tôi xơ cứng và
khép lại.
Ðể “người lớn” trở nên hồn hậu như
trẻ thơ,
cần phải biến đổi và tự hạ (x. Mt 18,3-4).
Ðây thật là một cuộc chiến với
chính mình.
Khi hủy mình ra không, ta sẽ dễ đi
qua cửa hẹp.
Nhiều
người Do Thái đến chậm, khi cửa đã đóng.
Họ gõ cửa và đòi vào.
Họ tưởng thế nào mình cũng có một
chỗ nơi bàn tiệc,
bởi lẽ mình đã từng ngồi đồng bàn
với Ðức Giêsu,
và đã nhiều lần nghe Ngài giảng
dạy.
Tiếc thay, tương quan đó lại quá
hời hợt
đến độ Chúa phải lên tiếng nói với
họ:
“Ta không biết các anh từ đâu đến!”
Chúa cũng có thể nói với chúng ta
như vậy,
dù chúng ta đã dự lễ, rước lễ, nghe
giảng, tĩnh tâm...
Chúa vẫn không quen biết chúng ta
vì chúng ta chẳng để cho Ngài đi
vào đời mình.
Chúng ta vẫn là những người xa lạ
trước mắt Chúa.
Ðời sống
Kitô hữu là một cuộc chiến đấu liên tục.
Chiến đấu để qua cửa hẹp nhờ bỏ cái
tôi ích kỷ.
Chiến đấu để vào trước khi cửa đóng
lại.
Cứu độ là một ơn Chúa ban,
nhưng ta phải nỗ lực mới dám đưa
tay đón nhận.
Ước gì chúng ta đừng tự hào vì đã
biết Chúa,
nhưng phải làm sao để Chúa biết ta
và reo lên:
“Ðây là đầy tớ tốt lành và trung tín.”
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu,
xin cho con dám hành động
theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.
Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,
vì xác tín rằng
Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con,
Chúa ngàn lần quảng đại hơn con,
và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu
con.
Lạy Chúa Giêsu trên thập
giá,
xin cho con dám liều theo Chúa
mà không tính toán thiệt hơn,
anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ,
can đảm lướt thắng sự yếu đuối của
quả tim,
và ném mình trọn vẹn cho sự quan
phòng của Chúa.
Ước gì khi dâng lên Chúa
những hy sinh làm cho tim con rướm
máu,
con cảm nghiệm được niềm vui bất
diệt
của người một lòng theo Chúa.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét