label

Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

Điều răn đứng đầu (1.4.2011 – Thứ sáu Tuần 3 Mùa Chay)


Điều răn đứng đầu
Lời Chúa: Mc 12, 28b-34
Khi ấy, có một người trong nhóm Kinh sư tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng:“Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?” Đức Giêsu trả lời: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ítraen, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, với tất cả trái tim ngươi, tất cả linh hồn ngươi, tất cả trí tuệ ngươi, tất cả sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu mến người thân cận với ngươi như chính mình ngươi. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn nhũng điều răn đó.” Ông kinh sư nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” Đức Giêsu thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.
Suy nim:
Giữa một rừng 365 điều cấm làm và 248 điều phải làm dựa theo Luật,
các rabbi thường tranh luận với nhau xem điều răn nào đứng đầu.
Đức Giêsu đã trả lời câu hỏi của vị kinh sư bằng lời mở đầu của kinh Shema,
kinh này được người Do thái đọc sáng chiều mỗi ngày:
“Nghe đây, hỡi Ítraen, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất.
Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, với tất cả trái tim ngươi,
tất cả linh hồn ngươi, tất cả trí tuệ ngươi, tất cả sức lực ngươi” (Đnl 6, 4).
Đó là điều răn đứng đầu, điều răn thứ nhất trong mọi điều răn (c. 29).
Tuy nhiên, Đức Giêsu còn muốn thêm một điều răn thứ hai nữa.
“Ngươi phải yêu mến người thân cận với ngươi như chính mình ngươi” (Lv 19,18).
Và Ngài kết luận: “Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn nhũng điều răn đó” (c.31).
Đức Giêsu tóm gọn mọi luật lệ trong hai điều răn, bằng hai câu trích trong sách thánh.
Cả hai đều bị chi phối bởi một động từ duy nhất: yêu mến.
Yêu mến Thiên Chúa, yêu mến tha nhân:
đó là câu trả lời của Đức Giê su cho ông kinh sư Do thái cách đây hai ngàn năm.
Đó cũng là câu trả lời của Ngài cho các Kitô hữu hôm nay.
Ngài mời ta hãy để lòng yêu mến thấm vào mọi lãnh vực của cuộc sống.
Điều răn thứ nhất là yêu mến Thiên Chúa, yêu Ngài với tất cả con người mình (c.30).
yêu Ngài một cách tuyệt đối, và đặt Ngài lên trên mọi người, mọi sự khác,
vì chỉ mình Ngài là Tạo Hóa, tất cả mọi sự khác chỉ là thụ tạo.
Chúng ta yêu mến Thiên Chúa để đáp lại tình Ngài yêu mến chúng ta trước.
Ăn ngay ở lành không đủ.
Theo đạo không phải chỉ là chuyện ăn ngay ở lành.
Tình yêu đối với tha nhân không thay thế được tình yêu đối với Thiên Chúa.
Nhưng tình yêu đối với Thiên Chúa lại đòi hỏi tình yêu đối với tha nhân.
Thương người như thể thương thân.
Nhưng đối với tôi thương thân là gì? Tôi cần gì trong cuộc sống?
Cảm thông, khoan dung, trung tín, tôn trọng, khích lệ, nâng đỡ, hiền từ…
Tôi biết người khác cũng cần những điều ấy như tôi, và tôi muốn trao cho họ.
Có một cuộc đối thoại thực sự và thân tình giữa ông kinh sư với Đức Giêsu.
Ông hỏi, nhưng không có ý thử Ngài.
Câu trả lời của Đức Giêsu khiến ông hoàn toàn nhất trí.
Ông thấy lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân lớn hơn mọi lễ vật trong Đền thờ,
dù ông không coi thường việc dâng lễ vật cho Thiên Chúa.
Phụng vụ phải đi kèm với cuộc sống mến yêu.
Mùa Chay là thời gian trở lại với trái tim của mình
để xem Thiên Chúa có chỗ nào trong trái tim đó.
Chỉ khi tim tôi bị tình yêu Thiên Chúa chinh phục và chiếm trọn,
nó mới có thể mở ra đến vô cùng trước tha nhân.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa,
xin cho con quả tim của Chúa.
Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,
nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa
vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường
để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.
Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,
mọi trả thù ti tiện.
Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,
không một biến cố nào làm xáo trộn,
không một đam mê nào khuấy động hồn con.
Xin cho con đừng quá vui khi thành công,
cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.
Xin cho quả tim con đủ lớn
để yêu người con không ưa.
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở
để có thể ôm cả những người thù ghét con.

 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Mọi kitô hữu đều có thể nên thánh.

Mọi kitô hữu đều có thể nên thánh

Vatican (Vat. 30/03/2011) - "Mọi kitô hữu đều có thể nên thánh theo cương vị của mình: tu sĩ như là tu sĩ, giáo dân như là giáo dân, linh mục như là linh mục, người lập gia đình như là người có gia đình, thương gia như là thương gia, binh sĩ như là binh sĩ, và cứ như thế đối với mọi giai tầng xã hội khác".
Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã lập lại khẳng định trên đây của thánh Alfonso de Liguori trước hơn 25,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ Tư 30 tháng 3 năm 2011.
Trong bài huấn dụ Ðức Thánh Tha đã giới thiệu gương mặt của thánh Alfonso de Liguori, người sáng lập dòng Chúa Cứu Thế, một thần học gia luân lý lỗi lạc, Giám Mục, Tiến sĩ Giáo Hội và là tác giả lời của bài thánh ca Giáng Sinh nổi tiếng "Chúa xuống từ các vì sao".
Ðề cập tới tiểu sử của thánh nhân ngài nói:
Thánh nhân sinh năm 1696 thuộc một gia đình quyền qúy và giầu có tỉnh Napoli. Ðược phú bẩm các khả năng trí thức cao vời, mới 16 tuổi Alfonso đã đậu tiến sĩ lưỡng luật: dân sự và giáo luật. Là trạng sư xuất sắc nhất tỉnh Napoli thời đó, trong 8 năm trời người thắng tất cả mọi cuộc kiện. Tuy nhiện, trong tâm hồn khát khao Thiên Chúa và ước mong toàn thiện ấy, Thiên Chúa đã hướng dẫn người tới chỗ hiểu rằng Chúa mời gọi người sống một ơn gọi khác. Thật thế, năm 1723 giận dữ trước cảnh gian tham hối lộ và bất công hoành hành trong giới luật sư, Alfonso bỏ nghề, cùng với nó là mọi giầu sang và thành công, và quyết định trở thành linh mục, mặc dù thân phụ kịch liệt phản đối. Thánh nhân đã có các bậc thầy rất giỏi dậy các môn Thánh Kinh, lịch sử Giáo Hội và thần bí. Người thủ đắc được một nền văn hóa thần học rộng rãi, và vài năm sau đó sẽ làm cho nó sinh hoa trái, khi bắt đầu viết các tác phẩm của mình. Alfonso de Liguori thụ phong linh mục năm 1726 và gắn bó với Dòng Thừa Sai Tông Ðồ của giáo phận trong việc thi hành sứ vụ. Người bắt đầu hoạt động rao truyền Tin Mừng và dậy giáo ý cho những lớp người khiêm tốn nhất của xã hội Napoli thời đó.
Tiếp tục tiểu sử thánh Alfonso de Liguori Ðức Thánh Cha nói: không ít người được thánh nhân dậy dỗ là những người có nhiều thói xấu và hành động tội phạm. Nhưng với lòng kiên nhẫn, người dậy họ cầu nguyện và khích lệ họ canh cải lối sống. Alfonso đã đạt các kết qủa tuyệt hảo: trong các khu phố bần cùng nhất của thành phố Napoli nam Italia, có nhiều nhóm được thành lập. Cứ vào ban chiều, các thành viên tụ tập nhau trong các tư gia hay trong các hàng quán để cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa, dưới sự hướng dẫn của một vài giáo lý viên do thánh nhân đào tạo, và của một số linh mục khác. Các linh mục thường xuyên thăm viếng các nhóm tín hữu này. Do ước muốn của Ðức Tổng Giám Mục Napoli các buổi sinh hoạt này được tổ chức trong các nhà thờ và nhà nguyện của thành phố và lấy tên là "Các nhà nguyện về chiều". Chúng đã là một suối nguồn đích thực của việc giáo dục luân lý, lành mạnh hóa xã hội, trợ giúp nhau giữa dân nghèo: các vụ trộm cắp, thách đấu kiếm để trả thù và mại dâm cuối cùng biến mất.
Cả khi bối cảnh xã hội và tôn giáo thời thánh Alfonso de Liguori khác với bối cảnh ngày nay, các "nhà nguyện về chiều" là một mô thức hoạt động truyền giáo mà chúng ta có thể lấy hứng cho công tác tái truyền giảng Tin Mừng, đặc biệt cho các người nghèo khó nhất, và để xây dựng một sự chung sống nhân bản, công bằng, huynh đệ và liên đới hơn. Nhiệm vụ thừa tác thiêng liêng được giao phó cho các linh mục, trong khi giáo dân được đào tạo có thể là các linh hoạt viên kitô hữu hiệu, như men tin mừng trong xã hội.
Năm 35 tuổi cha Alfonso de Liguori tiếp xúc với các nông dân và mục tử của mọi vùng trong toàn Vương quốc Napoli. Nhận thấy sự dốt nát tôn giáo và tình trạng bị bỏ rơi của họ, cha quyết định bỏ thủ đô Napoli để tận hiến cuộc đời cho các anh chị em nghèo khó về tinh thần và vật chầt này. Năm 1732 cha thành lập dòng Chúa Cứu Thế Rất Thánh, dưới sự bảo trợ của Ðức Cha Tommaso Falcoia và trở thành Bề trên của dòng. Dưới sự hướng dẫn của thánh nhân các tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế đã là các thừa sai lưu động đích thực, đi tới các làng mạc xa xôi hẻo lánh, khích lệ tín hữu hoán cải, và kiên trì trong cuộc sống kitô, đặc biệt qua lời cầu nguyện. Cả ngày nay nữa, các tu sĩ của dòng sống rải rác tại nhiều quốc gia trên thế giới, với các hình thức tông đồ mới mẻ, vẫn tiếp tục sứ mệnh rao giảng Tin Mừng này. Tôi nghĩ tới các vị với lòng biết ơn, và khích lệ các vị luôn trung thành với đặc sủng của đấng sáng lập dòng.
Lòng tốt và nhiệt huyết tông đố mục vụ của cha Alfonso được qúy trọng đến độ năm 1762 người được chỉ định làm Giám Mục giáo phận Sant' Agata dei Goti. Năm 1775 các tật bệnh thân xác bắt buộc ngài phải thôi chức vụ với sự chấp thuận của Ðức Giáo Hoàng Pio VI. Năm 1787, khi nghe tin Ðức Cha Alfonso qua đời, Ðức Giáo Hoàng kêu lên: "Người đã là một vị thánh". Và qủa thế, Ðức Cha Alfonso được phong hiển thánh năm 1839, và năm 1871 được tuyên bố là Tiến sĩ Giáo Hội. Có nhiều lý do biện minh cho tước hiệu này, trước hết vì giáo huấn thần học luân lý phong phú của người, tới độ Ðức Giáo Hoàng Pio XII phong người làm "Bổn Mạng các cha giải tội và các nhà luân lý".
Vào thời thánh nhân, do ảnh hưởng của phong trào Jansenisme, người ta phổ biến một kiểu giải thích luân lý nghiêm khắc: thay vì dưỡng nuôi niềm tín thác và hy vọng nơi lòng xót thương của Thiên Chúa, thì lại phổ biến sự sợ hãi và giới thiệu một gương mặt của một vì Thiên Chúa cau có khắt khe, trái nghịch với mạc khải của Chúa Kitô. Thánh Alfonso, nhất là trong tác
phẩm chính của người tựa đề "Thần học luân lý", đã đề nghị một tổng hợp quân bình và thuyết phục giữa các lề luật của Thiên Chúa - được khắc ghi trong con tim, được Chúa Kitô mạc khải một cách tràn đầy, và được Giáo Hội giải thích một cách uy tín - với các năng động của lương tâm và sự tự do của con người. Chính trong việc gắn bó với chân lý và sự thiện, con người có thể trưởng thành và thực hiện chính mình.
Tiếp đến, Ðức Thánh Cha nêu bật phương cách làm việc mục vụ của thánh Alfonso như sau: Thánh Alfonso xin các mục tử linh hồn và các cha giải tội trung thành với giáo thuyết luân lý công giáo, đồng thời có thái độ bác ái, thông cảm, dịu dàng, để các hối nhân có thể cảm thấy họ được đồng hành, nâng đỡ khích lệ trên con đường lòng tin và cuộc sống kitô. Thánh nhân không bao giờ mệt mỏi lập di lập lại rằng: các linh mục là dấu chỉ hữu hình lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa, là Ðấng tha thứ và soi sáng tâm trí kẻ có tội, để họ hoán cải và thay đổi lối sống. Trong thời đại chúng ta, trong đó có các dấu chỉ lạc đường của lương tâm luân lý và của một sự thiếu sót lòng qúy chuộng đối với Bí tích Giải Tội, giáo huấn của thánh Alfonso vẫn còn rất thời sự.
Cùng với các tác phẩm thần học, thánh Alfonso còn sáng tác nhiều sách khác nữa cho việc đào tạo tôn giáo của dân chúng. Với giọng văn đơn sơ và dễ chịu, được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau, các tác phẩm của thánh nhân đã góp phần vào việc nhào nặn tinh thần tu đức bình dân của hai thế kỷ vừa qua. Một vài tác phẩm rất bổ ích cho cả ngày nay nữa chẳng hạn như: "Các cách ngôn vĩnh cửu", "Các vinh quang của Mẹ Maria", "Thực hành yêu mến Chúa Giêsu Kitô". Cuốn sau cùng này là tổng hợp tư tưởng và là tuyệt tác của thánh nhân. Người nhấn mạnh rất nhiều trên lời cầu nguyện, cho phép chúng ta rộng mở cho Ơn Thánh để chu toàn ý muốn của Thiên Chúa. Thánh nhân viết về lời cầu nguyện như sau: "Thiên Chúa không từ chối ơn thánh của lời cầu nguyện với bất cứ ai; với ơn thánh đó người ta được sự trợ giúp chiến thắng mọi tà dâm và mọi cám dỗ. Và tôi nói và trả lời và sẽ luôn luôn trả lời, cho tới bao lâu tôi còn sống, rằng toàn ơn cứu độ của chúng ta là ở nơi việc cầu nguyện". Từ dó nảy sinh ra phương châm nổi tiếng của thánh nhân là "Ai cầu nguyện, thì được cứu rỗi" (De gran mezzo della preghiera e opuscoli affini. Opere ascetiche II, Roma 1962, tr.171).
Trong số các hình thức cầu nguyện được thánh Alfonso nhiệt liệt khuyến khích có việc viếng Mình Thánh Chúa hay chầu Mình Thánh Chúa ngắn hay dài, cá nhân hay cộng đoàn. Thánh nhân viết: "Chắc chắn trong tất cả mọi việc đạo đức đứng đầu, sau các Bí tích, là việc thờ lậy Mình Thánh Chúa. Nó rất được Thiên Chúa ưa thích và hữu ích cho chúng ta nhất... Ôi, dịu ngọt biết bao nhiêu, khi ở trước bàn thờ với đức tin... và dâng lên Chúa các nhu cầu riêng như một người bạn làm với một người bạn, với tất cả sự tín cẩn" (Visite al SS. Sacramento ed a Maria SS. per ciascun giorno del mese. Introduzione). Nền tu đức của thành Alfonso có chieu kích kitô học vì tập trung nơi Chúa Kitô và Tin Mừng của Người.
Thánh Alfonso cũng rất sùng kính Mẹ Maria, mà người minh giải vai trò trong lịch sử cứu độ. Mẹ là Ðấng kết hiệp với Chúa Cứu Thế và là Vị Trung gian ơn thánh, là Mẹ, là Trạng sư và là Nữ Vương. Ngoài ra, thánh nhân còn khẳng định rằng lòng sùng kính Ðức Maria sẽ là niềm an ủi lớn lao cho chúng ta trong giờ chết. Sau cùng người nhấn mạnh trên ơn gọi nên thánh của tất cả mọi kitô hữu, mỗi người trong cương vị, ơn gọi và hoàn cảnh sống riêng của mình... Chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã cho Giáo Hội có các vị thánh và các tiến sĩ dậy dỗ, khích lệ chúng ta lớn lên trong đức tin và sống tình yêu thương mỗi ngày.
Ðức Thánh Cha nồng nhiệt chào mừng phái đoàn của Ðức Tân Tổng Giám Mục Trưởng của Giáo Hội Công Giáo Ucraine nghi lễ Ðông Phương Sviatoslav Schevchuk. Ngài xin Thiên Chúa Ba Ngôi ban dồi dào ơn lành và củng cố quốc dân Ucraine trong an bình và hòa hợp.
Sau khi chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Ðức Thánh Cha đã chúc tất cả mùa Chay thánh thiện, rồi ngài cất kinh Lậy Ccha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

Cầu nguyện cho các tín hữu Pakistan

Pakistan: hai tín hữu Kitô bị sát hại
nhiều nhà thờ bị đốt phá

Pakistan: hai tín hữu Kitô bị sát hại, nhiều nhà thờ bị đốt phá.
Islamabad, Pakistan [Asianews 28/3/2011] - Hai tín hữu bị sát hại và nhiều nhà thờ bị đốt phá tại Pakistan.
Theo tin của hãng thông tấn Asianews, hai tín hữu Kitô bị giết chết, một số nhà thờ bị tấn công và nhiều cuốn kinh thánh bị đốt cháy. Ðây là một hành động trả đủa của những người hồi giáo cực đoan tại Pakistan sau khi một mục sư tin lành tại bang Florida đốt kinh Coran.
Cuộc bạo động trên đây đã xảy ra tại một nhà thờ Tin lành ở Hyderabad hôm 25 tháng 3 năm 2011. Các chứng nhân nói rằng những người hồi giáo cực đoan đã tấn công ngôi nhà thờ, nhưng một số tín hữu đã đứng ra chống trả. Các lực lượng an ninh đã rời bỏ hiện trường và để mặc cho cuộc bạo động xảy ra.
Vị mục sư quản nhiệm nhà thờ nói rằng mặc dù các Giáo hội Kitô đã lên án việc đốt kinh Coran tại Hoa kỳ, những người hồi giáo cực đoan vẫn không dung tha ngôi nhà thờ này vì họ cho rằng nhà thờ này có liên hệ với người Mỹ.
Trong một diễn biến khác, một nhà thờ Tin lành khác tại vùng Badami Bagh ở Lahore, cũng bị tấn công. Những người hồi giáo cực đoan đốt phá nhà thờ, ném các quyển Kinh thánh ra đường và tố cáo các tín hữu Kitô phạm thượng.
Trong khi đó hồi cuối tuần qua, nhiều cuộc biểu tình cũng đã được tổ chức tại nhiều thành phố như Peshawar, Lahore và Islamabad để lên án việc đốt kinh Coran. Những người biểu tình hô những khẩu hiệu chống Mỹ và đòi hỏi phải giết chết mục sư Terry Jones, người khởi xướng việc đốt kinh Coran. Những người hồi giáo cực đoan còn đe dọa sẽ tấn công các tín hữu Kitô nếu chính phủ Hoa kỳ không trừng phạt mục sư Jones. Cộng đồng Kitô tại Pakistan vẫn ủng hộ người Hồi giáo và lên án việc đốt kinh Coran.

CV.

Người mạnh hơn (31.3.2011 – Thứ năm Tuần 3 Mùa Chay)

Người mạnh hơn
Lời Chúa: Lc 11, 14-23
Khi ấy, Ðức Giêsu trừ một tên quỷ, và nó là quỷ câm. Khi quỷ xuất rồi, thì người câm nói được. Ðám đông lấy làm ngạc nhiên. Nhưng trong số đó có mấy người lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương Bêendêbun mà trừ quỷ.” Kẻ khác lại muốn thử Người, nên đã đòi Người một dấu lạ từ trời. Nhưng Người biết tư tưởng của họ, nên nói: “Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nọ đổ xuống nhà kia. Nếu Xatan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được?... Bởi lẽ các ông nói tôi dựa thế Bêendêbun mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ? Bởi vậy, chính họ sẽ xét xử các ông. Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều đại Thiên chúa đã đến giữa các ông. Khi một người mạnh được vũ trang đầy đủ canh giữ lâu đài của mình, thì của cải người ấy được an toàn. Nhưng nếu có người mạnh hơn đột nhập và thắng được người ấy, thì sẽ tước lấy vũ khí mà người ấy vẫn tin tưởng và sẽ đem phân phát những gì đã lấy được. Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.”
Suy nim:
Đức Giêsu vừa mới trục xuất được một quỷ câm.
Khi quỷ xuất ra thì người câm nói ngay được (c. 14).
Cùng với sự ngạc nhiên thích thú của đám đông,
còn có sự vu khống xuyên tạc của một số người khác.
Họ cho rằng chẳng qua Đức Giêsu chỉ là kẻ dựa dẫm Bêendêbun.
Bêendêbun là tên của một vị thần ở vùng Canaan.
Người Do thái vẫn coi các thần dân ngoại là ma quỷ (1Cr 10, 19-20).
Ở đây, Bêendêbun chính là quỷ vương, là Xatan (c. 18).
Như thế Đức Giêsu bị tố cáo là người cùng phe với quỷ,
dùng tay tướng quỷ để trừ các quỷ nhỏ.
Đức Giêsu cho thấy sự sai lầm của lập luận này.
Ngài nhắc đến nước của Xatan, một nước hiện vẫn còn đứng vững (c. 18).
Nước ấy chưa sụp đổ vì không có sự chia rẽ giữa các quỷ với nhau,
nên không thể bảo là Ngài dùng quỷ vương để trừ quỷ nhỏ.
Vả lại, có những người Do thái khác cũng trừ quỷ như Ngài.
Có ai dám bảo là họ thông đồng với quỷ vương không ? (c. 19).
Đức Giêsu vén mở cho thấy ý nghĩa của việc Ngài trừ quỷ.
“Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ,
thì quả là Nước Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (c. 20).
Nước Thiên Chúa đến qua việc Đức Giêsu giải phóng.
Ngài giải phóng con người khỏi bệnh tật thân xác.
Ngài trả lại cho con người khả năng nghe, nói, nhìn.
Ngài kéo người bất toại đứng lên, đi được, đưa tay ra.
Ngài trả người phong về với cộng đoàn, đưa người chết ra khỏi mộ.
Trên hết, Ngài giải phóng con người khỏi sự chật hẹp của lòng mình.
Ngài mở con người ra trước nỗi đau và cô đơn của anh em.
Ngài nâng con người lên tới tầm cao của trái tim Thiên Chúa.
Như thế là con người được thật sự tự do.
Chỗ nào có tự do thật sự, chỗ đó có Nước Thiên Chúa.
Chỗ nào có Nước Thiên Chúa, chỗ đó nước của Xatan phải lui đi.
Cuộc chiến giữa Nước Thiên Chúa và nước Xatan vẫn tiếp diễn,
nhưng Nước Thiên Chúa đã đến rồi, ngón tay Thiên Chúa ở đây.
Chúa Giêsu vẫn tiếp tục trừ quỷ và mời chúng ta cộng tác.
Làm sao để con người hôm nay không còn bị ám bởi bất cứ thụ tạo nào,
không sụp lạy trước bao ngẫu tượng mới của thời đại?
Quỷ vẫn là kẻ mạnh, được vũ trang đầy đủ, đứng canh nhà của nó (c. 21).
Nhưng Thiên Chúa và Chúa Giêsu lại là người mạnh hơn (c. 22).
Người mạnh hơn tấn công, tước vũ khí và phân chia chiến lợi phẩm.
Trong cuộc chiến này, chúng ta không có quyền mập mờ, hàng hai.
Mùa Chay mời chúng ta đứng hẳn về phía Giêsu,
vì ai không ở với Giêsu là chống lại Ngài,
ai không thu góp với Giêsu là phân tán (c. 23).
Hãy quyết định dứt khoát để cùng với Giêsu chiến đấu cho Nước Cha.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
ai trong chúng con cũng thích tự do,
nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.
Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.
Xin giúp chúng con được tự do thực sự:
tự do trước những đòi hỏi của thân xác,
tự do trước đam mê của trái tim,
tự do trước những thành kiến của trí tuệ.
Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,
để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,
để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con được tự do như Chúa.
Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,
khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi
và chữa bệnh ngày Sabát.
Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,
khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.
Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,
vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.
Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,
để chúng con được tự do bay cao.

 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Thư Mục Vụ Đức Giám Mục Giáo Phận tháng 4 năm 2011

CỬ HÀNH VÀ SỐNG
MẦU NHIỆM CHIÊN VUỢT QUA
***
 
“Đức Kitô chịu sát tế làm Chiên Vượt Qua của chúng ta,
chúng ta hãy lấy lòng tinh tuyền và chân thật
 mà mừng đại lễ”(1Cor 5,7-8).
 
          Anh chị em thân mến,
 
          Thế là chúng ta đã đi vào trung tâm và cũng là cao điểm của niên lịch phụng vụ, với Tuần Thánh và Tam Nhật Vượt Qua. Cộng đoàn dân Chúa trong giáo phận, giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo dân, chúng ta cùng hiệp thông với toàn thể Hội Thánh Chúa Kitô, để cử hành và sống mầu nhiệm Chiên Vượt Qua.
          Như anh chị em đã học biết, Tuần Thánh là trung tâm điểm và là cao điểm của mọi sinh hoạt phụng vụ trong Hội Thánh. Tuần Thánh bắt đầu từ Chúa Nhật lễ Lá tới Chúa Nhật Phục Sinh, đặc biệt trong đó có Tam Nhật Thánh. Trong tuần này, Hội Thánh cử hành nghi thức phụng vụ với những dấu chỉ và biểu tượng có nhiều ý nghĩa phong phú, được tích luỹ qua lịch sử phụng vụ của Giáo Hội. Chính vì thế, trong thư mục vụ này, tôi muốn đưa ra một vài gợi ý cho toàn thể cộng đoàn dân Chúa sống và cử hành mầu nhiệm Vượt Qua, cụ thể là Tuần Thánh.
          Với sự canh tân phụng vụ của công đồng Vaticanô II, Tuần Thánh được Hội Thánh công nhận là hành vi cao cả nhất để Hội Thánh thờ lạy Thiên Chúa Tối Cao và là kho tàng của Hội Thánh Công Giáo. Quả thật, cử hành Tuần Thánh là cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Vì thế, ý nghĩa của phụng vụ Tuần Thánhcuộc tưởng niệm, là cuộc cử hành, là lời mời gọi tham dự, và là cuộc hành trình đi vào chiêm niệm.
          1/ Quả thật, nghi thức Tuần Thánh là cuộc tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Đức Kitô. Ngài đã thực hiện cuộc vượt qua của mình trong nghi thức tưởng niệm biến cố đêm Vượt Qua của dân Do Thái ở đất Ai Cập. Trong lịch sử phụng vụ của mình, hàng năm Hội Thánh Công Giáo vẫn cử hành nghi thức vượt qua của Thầy mình như một cuộc tưởng niệm Mầu Nhiệm Đức Kitô.  Quả thật, toàn bộ hành vi của việc cử hành phụng vụ Tuần Thánh chỉ có thể tìm được ý nghĩa và giá trị đích thực khi được hiểu trong toàn bộ bối cảnh của cuộc khổ nạn và cái chết, cùng với sự Phục Sinh và Quang Lâm của Đức Kitô. Cử hành cuộc tưởng niệm này, Hội Thánh qua mọi thời đại đang thực hiện lệnh truyền của Thầy Chí Thánh “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19). Vì là cuộc tưởng niệm, nên để có thể cử hành một cách có hiệu quả thiêng liêng, cần phải tìm hiểu và học biết về lịch sử và truyền thống các nghi lễ, về ý nghĩa và mục đích của các dấu chỉ và biểu tượng của Tuần thánh và của Tam nhật Vượt Qua.
          2/ Thứ đến, nghi thức Tuần Thánh là cuộc cử hành các nghi thức làm cho cuộc Vượt Qua của Đức Kitô sống động trong hiện tại. Quả thật, cử hành lễ Vượt qua của Chiên Tân Ước, Hội thánh đã sử dụng nhiều nghi lễ với các biểu tượng, các dấu chỉ phong phú về ý nghĩa. Tuy nhiên, điều thiết yếu làm cho cuộc cử hành mầu nhiệm Vượt qua khác với các lễ hội trần thế là niềm xác tín rằng Đức Kitô Phục Sinh với các thương tích của cuộc khổ nạn vẫn đang hiện diện sống động trong cộng đoàn. Đây chính là cuộc cử hành Bí Tích Đức Kitô đang hiện diện trong Hội Thánh của Người. Như vậy, để đạt được mục đích thiêng liêng của cuộc cử hành mầu nhiệm Vượt Qua này, như các tông đồ “đã làm y như Đức Kitô đã truyền, và dọn tiệc vượt qua” (Mt 26,19) con cái của Hội Thánh cần chuẩn bị tinh thần nội tâm, cùng với sự luyện tập các nghi lễ bên ngoài một cách nghiêm túc cho cuộc cử hành các nghi thức này.
          3/ Tiếp đến, nghi thức Tuần Thánh là lời mời gọi tham dự vào mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Công đồng Vaticanô II trong hiến chế về Phụng Vụ Thánh dạy rằng: “Các tín hữu cần đến tham dự phụng vụ thánh với tâm hồn chuẩn bị sẵn sàng, ngay thẳng, hoà hợp tâm trí mình với ngôn ngữ và cộng tác với ân sủng (PV 11). Như vậy, sự tham dự ở đây không chỉ là cá nhân chu toàn phận sự của mình với lòng đạo đức chân thành, trong trật tự, phù hợp với tác vụ trọng đại ấy, mà còn là tham dự trong sự hiệp thông với toàn  nhiệm thể Đức Kitô. “Anh chị em có uống nổi chén thầy sắp uống không?”(Mt 20, 22).Vì thế, các cộng đoàn cần tổ chức cử hành các nghi thức Tuần Thánh để có sự tham gia của mọi thành phần dân Chúa trong cộng đoàn, và nhất là sự hiệp thông trong tinh thần hiến tế của Đức Kitô bằng sự hiến tế chính cuộc sống của mình.
          4/ Cuối cùng, nghi thức Tuần thánh là cuộc hành trình đi vào chiêm niệm để mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô trở thành cùng đích cho cuộc sống trần thế này. Quả thật, trong các nghi lễ của Tuần Thánh, yếu tố nhân loại qui hướng về yếu tố thần linh, những thực tại hữu hình qui hướng về những thực tại vô hình, hoạt động hướng đến chiêm niệm và những gì là hiện tại hướng về bữa Tiệc Chiên Thiên Chúa trong Thành Thánh Giêrusalem trên trời. Cử hành các nghi thức Tuần Thánh, con cái Hội Thánh được mời gọi cử hành mầu nhiệm tình yêu cao cả, Chiên Thiên Chúa chịu sát tế để xóa tội nhân loại, tự hiến tế để nuôi sống nhân loại, tự huỷ chính mình để con người có thể hiệp thông với chính Thiên Chúa: “Thầy là cây nho, anh em là ngành, ngành nào kết hợp cùng cây sẽ trổ sinh hoa trái” (Ga 15, 5). Như vậy, tham dự nghi thức Tuần Thánh, con cái Giáo Hội được đón nhận ân sủng để được biến đổi: “Tôi sống nhưng không phải là tôi mà là chính Đức Kitô sống trong tôi”(Gal.2,20).
          Riêng với các linh mục, thừa tác viên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô trong nghi thức Tuần Thánh, chúng ta lấy giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II về vai trò của linh mục trong hy lễ tạ ơn để nhắc nhở nhau cử hành nghi thức Tuần Thánh. Theo ý nghĩa này, Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô là nguyên lý cho sự thánh thiện và lời mời gọi nên thánh. Đối với các linh mục, Mầu nhiệm Vượt Qua phải chiếm một chỗ trung tâm, trong sứ vụ cũng như trong đời sống thiêng liêng. Và với vai trò mục tử, các linh mục không những chỉ chú tâm tuân giữ các lề luật trong các nghi thức Tuần Thánh, nhưng còn lo cho các Kitô hữu tham dự vào mầu nhiệm Vượt Qua không như khách bàng quan, câm lặng, thụ động, nhưng phải ý thức các mầu nhiệm nhờ các nghi lễ và kinh nguyện, và nhờ đó họ tham dự cách tích cực, linh động và hữu hiệu (x PV. 11).
          Năm nay, Thánh Lễ Truyền Dầu sẽ được cử hành tại nhà thờ giáo xứ Bò Ót vào ngày Thứ Ba Tuần Thánh 19.4.2011. Xin mời anh chị em đến tham dự.
          Hiệp thông với ĐC cố Gioan Baotixita, tôi xin ban phép lành của Đức Kitô chịu chết, chịu mai táng, và đã phục sinh cho toàn thể anh chị em.
 
          Thân ái trong Đức Kitô,
 
+GIUSE TRẦN XUÂN TIẾU

300 ngàn người sẽ dự lễ phong chân phước cho Ðức Gioan Phaolô 2.

300 ngàn người sẽ dự lễ
phong chân phước cho Ðức Gioan Phaolô 2

Roma (Tổng hợp 29-3-2011) - Theo ban tổ chức của Giáo phận Roma, sẽ có khoảng 300 ngàn tín hữu tham dự lễ phong chân phước cho Ðức Gioan Phaolô 2 vào ngày 1 tháng 5 năm 2011.
Trong cuộc họp báo sáng ngày 29 tháng 3 năm 2011, Cha Cesare Atuire, Giám đốc điều hành tổ chức hành hương (ORP) của giáo phận Roma, cho biết con số 300 ngàn người nói trên có thể thay đổi và ban tổ chức ở trong tư thế sẵn sàng đáp ứng sự thay đổi đó.
Tổ chức Hành hương của giáo phận Roma, trực thuộc Ðức Hồng Y Giám quản Roma, là ban tổ chức chính thức, cộng tác với chính quyền miền Lazio, tỉnh và thành phố Roma, để phối hợp việc tiếp đón các tín hữu về dự lễ phong chân phước cho Ðức Gioan Phaolô 2. Cha Atuire nói: "Con số 300 ngàn người về dự lễ không ở dưới mức độ chúng tôi đã dự trù".
Trả lời câu hỏi: vậy tại sao ban đầu người ta nói có 2 triệu người về dự lễ phong chân phước như hồi Ðức Gioan Phaolô 2 qua đời? Cha Atuire đáp: Con số nói trên được đưa ra dựa theo số người đến Roma từ khi Ðức Giáo Hoàng qua đời cho đến lễ an táng. Thời gian ấy kéo dài 2 tuần lễ. Nếu người ta tổng cộng số tín hữu sẽ tham dự buổi canh thức cầu nguyện tối ngày 30 tháng 4 năm 2011 tại khu vực Circo Massimo, rồi số người dự lễ phong chân phước, sau đó là lễ tạ ơn, thì số người sẽ tăng lên nhiều.
Tổ chức hành hương Roma và ban tổ chức không xin chính quyền thành Roma tài trợ ngân khoản nào cho việc tổ chức lễ phong chân phước, xét vì hình hình tài chánh khó khăn ở địa phương. Tổ chức hành hương Roma kiếm các ân nhân, các ngân hàng hoặc các quỹ tài trợ cho biến cố này. Nếu mỗi tín hữu hành hương đóng góp 3, hoặc 4 Euro thì số tiền có thể thu được 1 triệu 200 ngàn Euro. Phần còn lại của chi phí sẽ được dùng để tái thiết nhà trọ và quán ăn cho người nghèo do Caritas đảm trách cạnh Nhà ga trung ương Termini của thành Roma. Cơ sở tân trang này sẽ được mang tên Ðức Gioan Phaolô 2.
Trong cuộc họp báo, Ban tổ chức cũng cho biết vì Quảng trưởng Thánh Phêrô không thể chứa hết các tín hữu tham dự lễ phong chân phước, nên sẽ có những màn ảnh khổng lồ được bố trí tại khu vực Lâu Ðài Thiên Thần, Circo Massimo và Quảng trường Risorgimento.
Sau cùng Ban tổ chức phát hành thẻ di chuyển gọi là "Gioan Phaolô 2 Pass", giá 18 Euro, người sử dụng có thể di chuyển trong vòng 3 ngày trên các phương tiện chuyên chở công cộng như xe bus, xe tram, Metro cũng như xe hỏa nối liền Roma với Ostia, xe bus Roma Cristiana dành cho du khách. Ngoài ra họ nhận được một túi đồ ăn pic-nic trưa ngày lễ phong chân phước và nhiều tài liệu thông tin khác. Thẻ "Gioan Phaolô 2 Pass" không phải là vé để dự lễ phong chân phước, vì việc tham dự lễ này hoàn toàn miễn phí và mở rộng cho mọi người. (Tổng hợp 29-3-2011)

G. Trần Ðức Anh, OP

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011

Kiện toàn (30.3.2011 – Thứ tư Tuần 3 Mùa Chay)

Kiện toàn
Lời Chúa: Mt 5, 17-19
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy không đến để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.”
Suy nim:
Vào thời Tin Mừng Mátthêu được viết, các người Do thái thuộc Hội Đường
thường chỉ trích các người Do thái đã tin vào Đức Giêsu Kitô,
coi họ như những người đã bỏ Luật Môsê, bỏ cái cốt lõi của Do thái giáo.
Đức Giêsu của Mátthêu đã bác bỏ lối hiểu sai này.
“Thầy không đến để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn” (c. 17).
Kiện toàn là đưa Luật Môsê đến chỗ thành tựu, hoàn hảo,
bởi lẽ nó có những hạn chế, bất toàn,
do Thiên Chúa phải nương theo trình độ lúc đó của Dân Ngài.
Kiện toàn là giải thích lại Luật Môsê theo đúng ý Thiên Chúa.
Chẳng ai biết Ý Thiên Chúa Cha bằng Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô.
Hơn ai hết, Đức Giêsu có quyền nói lên ý nghĩa mới mẻ của Lề Luật.
Có một dòng chảy liên tục trong khoa sư phạm của Thiên Chúa.
Ngài huấn luyện Dân Ngài qua Môsê và các ngôn sứ trong lịch sử.
Đỉnh cao nhất là Đức Giêsu, Đấng vén mở trọn vẹn ý định của Thiên Chúa.
Đức Giêsu không phá những công trình đi trước, ngài kiện toàn.
Lời giáo huấn của Ngài vừa liên tục với,
vừa vượt qua Giao Ước thứ nhất còn khiếm khuyết.
Vượt qua về chiều rộng,
khi Ngài mời ta đi xa hơn chuyện không được giết người,
mà còn không được có hành vi, lời nói giận ghét anh em (Mt 5, 22).
Vượt qua về chiều sâu,
khi Ngài đòi ta không được giữ Luật kiểu giả hình bên ngoài,
nhưng phải khởi đi từ trái tim, từ cái tâm bên trong (cc. 27-28),
khi Ngài đưa ra những đòi hỏi tận căn trước đây chưa hề có
về việc chẳng những không được trả thù mà còn yêu kẻ thù (cc. 38-48).
Mọi lề luật đều qui về điều răn chính yếu là yêu thương.
Phải yêu như Cha trên trời mới trở thành con cái Cha (c. 45).
Đức Giêsu mời chúng ta nghiêm túc giữ Luật Môsê đã được Ngài kiện toàn.
Luật ấy là lời giáo huấn của Ngài mà các môn đệ đã nghe.
Con người thời nay thích tự do nên dị ứng với luật lệ.
Nhưng giữ luật không phải là chuyện của nô lệ hay trẻ con.
Khi tránh được thói nệ luật, cứng nhắc bám vào mặt chữ,
ta có thể giữ luật như cách biểu lộ hồn nhiên tình yêu với Chúa và tha nhân.
Trung tín với những đòi hỏi nhỏ bé của các điều răn chỉ vì yêu,
và “dạy người ta mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28, 20),
đó là con đường dẫn đến hạnh phúc mai sau cho người môn đệ.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
ai trong chúng con cũng thích tự do,
nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.
Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.
Xin giúp chúng con được tự do thực sự:
tự do trước những đòi hỏi của thân xác,
tự do trước đam mê của trái tim,
tự do trước những thành kiến của trí tuệ.
Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,
để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,
để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con được tự do như Chúa.
Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,
khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi
và chữa bệnh ngày Sabát.
Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,
khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.
Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,
vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.
Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,
để chúng con được tự do bay cao.

 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Ðức Thánh Cha tiếp kiến Giáo Chủ Chính Thống Chypre.

Ðức Thánh Cha tiếp kiến
Giáo Chủ Chính Thống Chypre

Vatican (SD 28-3-2011) - Trưa ngày 28 tháng 3 năm 2011, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã tiếp kiến Ðức Tổng Giám Mục Chrysostomos II, Giáo chủ Chính Thống toàn đảo Chypre.
Trong cuộc hội kiến, hai vị đã bàn về tình hình các tín hữu Kitô tại Trung Ðông và vấn đề tự do tôn giáo tại đảo Chypre. Tiếp đến, Ðức Tổng Giám Mục đã gặp Ðức Hồng Y Quốc vụ khanh Tarcisio Bertone.
Ðức Thánh Cha đã mời Ðức Tổng Giám Mục giáo chủ và 2 người thuộc đoàn tùy tùng dùng bữa trưa với ngài.
Ðây là lần thứ 3 Ðức Thánh Cha gặp Ðức Tổng Giám Mục Chrysostomos II. Lần trước đây trong dịp ngài viếng thăm tại Ðảo Chypre từ ngày 4 đến 6 tháng 6 năm 2010 và lần đầu tiên cách đây 4 năm, khi Ðức Tổng Giám Mục Chrysostomos viếng thăm Ðức Thánh Cha và Giáo Hội Roma từ ngày 12 đến 19 tháng 6 năm 2007.
Trong 3 ngày lưu lại Roma cho đến 30 tháng 3 năm 2011, Ðức Tổng Giám Mục giáo chủ Chính Thống Chypre cũng gặp Ðức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, và một số Hồng Y khác, đặc biệt là Ðức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Ðông phương và Ðức Hồng Y Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn.
Số tín hữu Chính Thống chiếm 78% tức là 619 ngàn người trên tổng số 794 ngàn dân cư tại Cộng hòa Chypre, và đây cũng là một trong những Giáo Hội Chính Thống tự quản kỳ cựu nhất, hiện có 10 giáo phận.
Miền bắc đảo Chypre bị người Thổ nhĩ kỳ chiếm đóng từ hơn 35 năm nay và tuyên bố là một nước độc lập, nhưng không được quốc tế nhìn nhận. (SD 28-3-2011)

G. Trần Ðức Anh, OP

Cha Bề trên dòng Phanxicô tại Thánh Ðịa kêu gọi đối thoại.

Cha Bề trên dòng Phanxicô
tại Thánh Ðịa kêu gọi đối thoại

Jerusalem (SD 27-3-2011, Zenit 26-3-2011) - Cha Pierbattista Pizzaballa, Bề trên dòng Phanxicô tại Thánh Ðịa, nhận định rằng "Bao lâu chính trị đứng im bất động, thì rất tiếc là các thứ ngôn ngữ khác như bạo lực và nghi kỵ sẽ thay thế vào".
Cha Pizzaballa đưa ra lời bình luận này về tình trạng căng thẳng tái bùng lên giữa người Israel và Palestine trong những ngày này: như hôm 23 tháng 3 năm 2011, một quả bom giấu trong một sắc nhỏ đã nổ tung gần trạm điện thoại ở ga xe bus trung ương, tại Jerusalem làm cho một phụ nữ người Anh bị thiệt mạng và 50 người khác bị thương, trong đó có một vài người bị thương tích nặng. Những vụ khủng bố thuộc loại này không xảy ra tại Thành Thánh từ 3 năm nay. Vài giờ trước đó, máy bay Israel đã tấn công một vài nhóm dân quân cực đoan tại miền Gaza là vùng do nhóm Hamas kiểm soát. Ngày 22 tháng 3 năm 2011, từ Gaza một số đạn trọng pháo đã được bắn vào miền duyên hải Ashkol của Israel, và hỏa tiễn Grad được bắn vào thành phố Ashdod.
Trước đó hai ngày, hai vụ không tập của Israel tại Gaza làm cho 8 người Palestine thiệt mạng và 4 thường dân bị thương. Sáng chúa nhật 27 tháng 3 năm 2011 có thêm 2 người Palestine bị giết trong một cuộc oanh kích của Israel cũng tại miền Gaza.
Tuyên bố với đài Vatican, Cha Pizzaballa nói: "Tôi cầu mong sẽ không có một bước thụt lùi, nghĩa là người ta không trở lại chiến lược khủng bố như chúng tôi đã thấy trong những năm gần đây, và tôi hy vọng những vụ trên đây chỉ là những vụ riêng rẽ. Quả thực phải nhận rằng có một sự suy thoái trong các quan hệ chính trị, từ đó nảy sinh những vụ như thế".
Theo cha Bề trên dòng Phanxicô tại Thánh Ðịa, các giới lãnh đạo chính trị dường như bị tê liệt, họ sợ hãi hoặc không có can đảm đề ra những quyết định quan trọng. Cả hai bên đều cần có can đảm. Tình trạng hiện nay tạo ra sự nghi kỵ ngày càng sâu đậm, với những lời tố cáo lẫn nhau, và càng làm cho tình thế suy đồi thêm.
Mặt khác, trong một cuộc phỏng vấn dành cho bản tin truyền hình hằng tuần của Dòng Phanxicô tại Thánh Ðịa, Ðức Tổng Giám Mục Antonio Franco, Sứ thần Tòa Thánh tại Israel, nói đến những "nạn nhân vô tội của những tình trạng cần được giải quyết và đòi các giới hữu trách dấn thân giải quyết, những tình trạng đó chắc chắn là không thể giải quyết bằng bạo lực và cái chết của những người vô tội".
Ðức Sứ Thần nói: "Ðối với tôi, những sự kiện đó là những lời cảnh giác và nhắc nhở; tôi cầu nguyện trước tiên cho các nạn nhân và xin Chúa soi sáng để tránh được cái vòng bạo lực mới đưa tới những thảm trạng và đau khổ nặng nề hơn".
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 27 tháng 3 năm 2011, ngoài việc kêu gọi đình chiến và đối thoại để giải quyết xung đột tại Lybie, Ðức Thánh Cha cũng nhắc đến chính quyền và nhân dân ở vùng Trung Ðông, nơi đã xảy ra những vụ bạo động, để tại đây, "người ta ưu tiên theo đuổi con đường đối thoại và hòa giải, trong sự tìm kiếm một cuộc sống chung đúng đắn và huynh đệ". (SD 27-3-2011, Zenit 26-3-2011)

G. Trần Ðức Anh, OP

Thánh lễ Phong chức Linh mục và Phó tế tại Tokyo - Nhật Bản.

Thánh lễ Phong chức Linh mục
và Phó tế tại Tokyo - Nhật Bản

Tokyo, Japan (26/3/2011) - Vào lúc 14 giờ, thứ bảy - ngày 26 tháng 3 năm 2011, tại Nhà thờ dâng kính thánh Inhaxiô bên cạnh khuôn viên trường Ðại Học Sophia do các cha Dòng Tên phụ trách, thuộc thành phố Tokyo đã diễn ra Thánh lễ Phong chức Linh mục và Phó tế cho ba tu sĩ thuộc hai Hội Dòng Phanxicô Viện Tu và Salesio Don Bosco. Cả ba Tiến chức đều là người Việt Nam: Thầy Phó tế Emmanuel Trần Văn Bỉnh, OFM. Conv, Thầy Phanxicô Xaviê Trần Văn Hoài, OFM. Conv và Thầy Antôn Bùi Duy Thủy, SDB.
Theo chương trình đã định thì trong Thánh lễ Truyền chức này sẽ có sự hiện diện của Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn và mười vị Giám Mục Việt Nam tham dự. Thế nhưng vì hoàn cảnh khó khăn chung đã không cho phép, nên Ðức Hồng Y và các Giám Mục đã không thể hiện diện được. Dẫu vậy, Ðức Hồng Y và các Giám Mục đã bày tỏ tình liên đới và mối hiệp thông cầu nguyện cho đất nước Nhật Bản và các nạn nhân cùng thân nhân của họ trong biến cố thiên tai động đất và sóng thần vừa qua.
Cũng chung tâm tình và hợp nhất trong lời cầu nguyện, nên trước khi bước vào Thánh lễ, Cộng đoàn đã dâng lời nguyện xin cho đất nước Nhật Bản được bình an và cho các nạn nhân trong biến cố thiên tai vừa qua được Chúa thương đón nhận vào nơi an bình vĩnh cửu.
Thánh lễ Truyền chức do Ðức Giám Mục Berard Toshio Oshikawa, OFM. Conv chủ phong, với sự hiện diện đông đảo của các Linh mục Tu sỹ và Giáo dân từ khắp nơi đến tham dự; trong đó cũng có gia đình và thân nhân của các tiến chức đến từ Việt Nam. Thánh lễ được bắt đầu với bài ca nhập lễ "Từ Ngàn Xưa" của Linh mục Kim Long, do Ca đoàn Việt Nam cất hát cùng hoà lên với cả cộng đoàn tham dự như đưa các tiến chức đi sâu vào hơn với huyền nhiệp của Bí tích Truyền chức.
Bài đọc I trích từ sách Tiên tri Isaia 42,1-4,6-7 được đọc bằng tiếng Việt. Bài đọc II trích từ thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma 8, 33-37 được đọc bằng tiếng Nhật. Bài Tin mừng theo Thánh Gioan 10,14-18 được công bố bằng cả hai thứ tiếng Việt - Nhật.
Sau đó, nghi thức Phong chức được bắt đầu với phần xướng danh và thẩm vấn. Tiếp đến, Ðức Giám Mục chủ phong chia sẻ với các tiến chức về thừc tác vụ sắp lãnh nhận và mời gọi các tiến chức hãy chu toàn cách cẩn thận và trung thành. Nghi thức Phong chức được tiếp nối với Kinh cầu Các Thánh. Ý thức được thân phận yếu đuối và mỏng giòn nơi con người nên Giáo hội đã tha thiết nguyện xin sự trợ lực, giúp sức của Các Thánh trên trời xuống nơi các tiến chức; Ðể nhờ đó, các tiến chức chu toàn cách nhiệt tâm và trọn vẹn sứ vụ được nhận lãnh. Tiếp theo, Ðức Giám Mục đọc lời nguyện phong chức và đặt tay biểu hiện cho việc truyền chức. Từng tân chức được Ðức Cha đặt tay trên đầu nói lên việc thông ban Thánh Thần, và lời nguyện thánh hiến làm cho các tân chức được chọn tham dự vào sứ mạng của Chúa Kitô. Sau đó là nghi thức diễn nghĩa, các tân chức đã chính thức trở thành Phó tế. Các Phó tế mang dây stola chéo và nhận sách Phúc Âm từ tay Ðức Giám Mục. Ðiều này diễn tả vai trò phục vụ Lời Chúa và Bàn Thánh của hai tân Phó tế.
Tiếp ngay theo sau đó là nghi thức Phong chức Linh mục cho Thầy Emanuel Trần Văn Bỉnh. Trong phần chính của nghi thức Phong Chức Linh mục, Tiến chức được Ðức Giám mục chủ phong và các linh mục đặt tay như dấu hiệu nhận một người anh em vào Linh mục đoàn. Ðức Giám Mục đọc Lời nguyện phong chức, "xin Cha toàn năng đổi mới Thần Trí thánh hóa trong lòng tân chức, cho thầy biết chu toàn chức vụ Nhị Phẩm nhận được từ nơi Cha và cho thầy biết cải thiện phong hóa thế gian bằng gương sáng đời sống của mình". Sau Lời nguyện Phong chức, Tiến chức được mặc phẩm phục tế lễ, được xức dầu thánh hiến bàn tay và nhận lấy bánh rượu là lễ vật của dân thánh mà dâng lên Thiên Chúa.
Kết thúc nghi thức phong chức là cử chỉ trao chúc bình an của Ðức Giám mục cho Tân Linh mục.
Thánh lễ được tiếp tục với phần phụng vụ Thánh Thể mà các Tân chức được tham dự lần đầu tiên trong tư cách một "người phục vụ" đúng với sứ mạng vừa được lãnh nhận.
Trước khi kết thúc Thánh lễ, các Tân chức đã nói lên tâm tình quý mến - biết ơn đối với Ðức Cha, quý cha và các thành phần dân Chúa. Sau đó Ðức Ðức Giám Mục ban phép lành kết thúc. Tiếp ngay sau đó, Tân Linh mục đã đặt tay trên các thân nhân của mình rồi sau đó ban Phép Lành đầu tay cho cả cộng đoàn hiện diện.
Sau Thánh lễ, mọi người hiện diện đã chia vui cùng với Các Tân Chức bằng bữa tiệc trà và văn nghệ "cây nhà lá vườn", với các diễn viên thuộc mọi thành phần trong Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Nhật. Mặc dù vậy, chương trình văn nghệ cũng không kém phần hấp dẫn và vui tươi sinh động, góp thêm bầu khí hân hoan cho Thánh lễ Phong chức.
Tiết trời trên đất nước Nhật Bản đang chuyển mình vào Xuân; Mùa hoa mai và hoa anh đào đang nở rộ khắp nơi trên đất nước. Giữa bối cảnh thương đau và mất mát mà đất nước đang hứng chịu qua đợt thiên tai động đất và sóng thần, thì mùa Xuân đến như mang lại cho mọi người niềm hy vọng và sức sống mới đang đến với họ ở phía trước.
Trong niềm xúc cảm ấy, Thánh lễ Phong chức Linh mục và Phó tế như một mùa Xuân khác thêm vào nữa cho đất nước Nhật Bản nói chung và Giáo hội Nhật Bản nói riêng đó là: "Mùa Xuân Ơn Gọi". Thời gian gần đây, con số các ứng sinh Linh mục, Chủng sinh và Tu sỹ ngày một hiện diện đông đảo trên đất nước Nhật Bản. Sự hiện diện ấy như dấu chỉ nối kết hai Giáo hội Việt - Nhật và là những nhân tố thiết thực cho cánh đồng Truyền Giáo Nhật Bản.
Ước mong "Mùa Xuân Ơn Gọi" luôn ươm mầm mãi qua "Chương trình Chuẩn bị Ơn gọi Truyền giáo tại Nhật Bản" do Linh mục Ðaminh Cao Sơn Thân, S.J và nhiều người thiện chí khác vun xới; Ðể sứ mạng loan báo Tin Mừng mà Ðức Giêsu đã ủy thác cho Giáo hội luôn tiếp nối mãi cho đến tận cùng thời gian.

Dom Nguyễn (Photo: Fx. Hoài)

Giáo Hội Công Giáo và công tác cứu trợ các nạn nhân Nhật Bản.

Giáo Hội Công Giáo và công tác
cứu trợ các nạn nhân Nhật Bản

Nhật Bản (Avvenire 22-3-2011; 19.20.22.23-3-2011; AsiaNews 22.24-3-2011) - Phỏng vấn Ðức Tổng Giám Mục Alberto Bottari de Castello, Sứ Thần Tòa Thánh tại Nhật Bản, về thảm cảnh của người dân Nhật sau tai nạn động đất, sóng thần và nhiễm phóng xạ nguyên tử
Ngày 11 tháng 3 năm 2011 trận động đất mạnh tới 8.9 độ theo thước Richter đã gây ra nạn sóng thần tàn phá nhiều thành phố và làng mạc ở mạn bắc đảo Honshu bên Nhật Bản. Vùng bị nặng nhất là thành phố Sendai. Nhật báo "Yomiuri Shimbun" cho biết các làn sóng cao ít nhất là 23 mét đã ập vào các bờ biển miền bắc Nhật Bản, cuốn trôi nhiều làng mạc trên một diện tích 400 cây số vuông.
Theo thống kê do cảnh sát Nhật Bản phổ biến ngày 24 tháng 3 năm 2011 đã có 9,700 người thiệt mạng và 16,501 người bị mất tích. Nạn động đất và sóng thần lại tàn khốc hơn vì đã khiến cho 1 trong 3 động cơ phản ứng của trung tâm nguyên tử lực Fukushima bị nổ, gây ra cảnh ô nhiễm chất phóng xạ. Ba trăm ngàn người sống trong chu vi 30 cây số chung quanh lò nguyên tử đã được di tản đi nơi khác.
Báo động chất phóng xạ nguyên tử ở độ 5 đã khiến cho nửa triệu người tìm chạy trốn xa chừng nào có thể. Mặc dù nguy cơ bị nhiễm chất phóng xạ rất cao, nhưng 120 nhân viên của trung tâm nguyên tử năng đã lựa chọn ở lại để tìm cách làm nguội lò trở lại.
Ngày 24 tháng 3 năm 2011 các chuyên viên nguyên tử năng đã thành công trong việc đem điện tới phòng kiếm soát động cơ phản ứng nguyên tử số 3 và số 1. Họ hy vọng nhờ thế có thể khiến cho hệ thống làm lạnh các động cơ hoạt động trở lại, hầu giảm nguy cơ phóng xạ. Tuy nhiên, bộ trưởng y tế Nhật Bản vẫn khuyến cáo dân chúng đừng ăn rau trái trồng trong vùng Fukushima. Hoa Kỳ và các nước tây âu đã ra lệnh ngưng nhập cảng các sản phẩm nông nghiệp của Nhật Bản. Ðã có 3 nhân viên của lò nguyên tử năng được đưa vào nhà thương điều trị vì bị chất phóng xạ nặng.
Cũng ngày 24 tháng 3 năm 2011 lần đầu tiên sau trận động đất và sóng thần xa lộ nối liền thủ đô Tokyo với vùng bị nạn được mở trở lại.
Tin tức mới nhất cho biết các chuyên viên đã không thành công trong việc chế ngự động cơ số 2 của lò nguyên tử. Mức phóng xạ đã gia tăng lên độ 6 khiến cho mọi nhân viên phải rời lò nguyên tử. Theo ước tính của Ủy Ban Nguyên Tử Năng Âu châu có lẽ mức nhiễm xạ đã lên tới độ 7, tức bằng vụ nổ lò nguyên tử Chernobyl. Tuy nhiên tại Chernobyl chỉ có 1 động cơ, trong khi lò nguyên tử năng Fukushima có tới 7 động cơ. Tình trạng này khiến cho nhiều nước khác rất lo âu, vì gió có thể khiến cho chất phóng xạ lan sang hàng chục quốc gia khác. Chính quyền Tokyo đã tố cáo ban giới chức lò nguyên tử năng Fukushima là đã ém nhẹm các tin tức chính xác.
Từ khắp nơi trên thế giới các tổ chức Caritas quốc gia đang cùng với Caritas quốc tế phát động chiến dịch quyên góp để hỗ trợ người dân Nhật Bản trong tình trạng khó khăn hiện nay. Ngày 17 tháng 3 năm 2011 các Giám Mục Nhật Bản đã nhóm họp tại Tokyo và quyết định thành lập trung tâm yểm trợ giáo phận Sendai, là giáo phận gánh chịu nhiều tàn phá và thiệt hại nhất trong tai nạn động đất và sóng thần vừa qua. Trung tâm này hoạt động liên tục trong 6 tháng tới. Ðức Cha Martin Tetsuo Hiraga, Giám Mục giáo phận Sendai, kiêm Giám đốc Caritas Nhật Bản, và linh mục Peter Shiro Komatsu, phó giám đốc Caritas, sẽ đảm trách việc điều hành trung tâm với sự cộng tác của nhiều tu sĩ và giáo dân khác. Cũng có nhiều người thiện nguyện, đặc biệt là giới trẻ sẵn sằng cộng tác với trung tâm.
Trong cuộc họp các Giám Mục Nhật Bản đã trao cho trung tâm 253 ngàn mỹ kim đã nhận được cho tới nay. Linh Mục Komatsu cho biết vì thiếu xăng và vì đường lộ bị chặn nên Caritas gặp rất nhiều khó khăn trong việc tới cứu trợ các vùng khác trong giáo phận. Giáo phận đã liên lạc với các giáo xứ để xin cho người tị nạn trú ngụ. Nhà thờ chính tòa Sendai cũng biến thành nơi tiếp đón các người sống sót. Ðức Cha Hiraga đã gửi một sứ điệp trong toàn nước để an ủi các nạn nhân và cám ơn tất cả những ai đã trợ giúp giáo phận Sendai của ngài. Giáo phận Sendai gồm các tỉnh Aomori, Iwate, Miyagi và Fukushima, là những tỉnh ở gần trung tâm vụ đông đất và sóng thần nhất.
Mặt khác, các thừa sai thuộc Hội truyền giáo nước ngoài Milano (PIME) làm việc tại Nhật Bản đã phát động chiến dịch "Dự án cấp thiết Nhật Bản S116". Các cha viết: "Các bạn thân mến, xin cám ơn các bạn đã nhớ tới chúng tôi và cầu nguyện cho chúng tôi. Chúng tôi đều bình an, mặc dù đây là thời gian kinh khủng đối với tất cả mọi người. Trận động đất đã rất là nặng. Các nguy cơ nhiễm phóng xạ vẫn rất cao. Nhưng chúng tôi không có ý định rời Nhật Bản, cả khi tòa đại sứ Italia khuyên chúng tôi làm điều đó. Chúng tôi sẽ xem tình hình như thế nào. Liên quan tới việc quyên góp cứu trợ, chúng tôi đã quyết định đóng góp cho Caritas Nhật và giáo phận Sendai".
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Ðức Tổng Giám Mục Alberto Bottari de Castello, Sứ Thần Tòa Thánh tại Nhật Bản, về thảm cảnh của người dân Nhật sau tai nạn động đất, sóng thần và nhiễm chất phóng xạ nguyên tử.
Hỏi: Thưa Ðức Sứ Thần Tòa Thánh, tình hình tại Nhật Bản hiện nay ra sao?
Ðáp: Hai tuần đã trôi qua kể từ khi Nhật Bản bị trận động đất nặng, nạn sóng thần và nguy cơ nhiễm chất phóng xạ nguyên tử, từ từ chúng tôi khám phá ra các chiều kích của những gì đã xảy ra và một phần những gì đang xảy ra. Chúng tôi chỉ có thể khâm phục trước các phản ứng của người dân Nhật, đồng thời tìm hiểu năng động của những gì đang xảy ra và thông tin một cách quân bình.
Hỏi: Thưa Ðức Cha De Castello, riêng Ðức Cha thì Ðức Cha lượng định tình hình như thế nào?
Ðáp: Tôi đã ở trong Tòa Sứ Thần tại Tokyo và tôi đã trông thấy cảnh tượng động đất kinh khủng khiến cho chúng tôi rất âu lo. Thế rồi khi thấy thủ đô Tokyo tương đối không bị thiệt hại nặng bởi trận động đất, chúng tôi lại nghĩ ngay đến nạn sóng thần với các hậu qủa tàn phá rất trầm trọng. Thế rồi không lâu sau là nguy cơ bị nhiễm chất phóng xạ nguyên tử. Tất cả đã khiến cho chúng tôi bị chấn động rất nhiều, nhưng đã không ngăn cản chúng tôi phản ứng với tất cả sự sáng suốt.
Hỏi: Thưa Ðức Sứ Thần, nhân dân Nhật đã phản ứng ra sao trước các thảm họa và tình trạng cấp bách này?
Ðáp: Nhân dân Nhật đã phản ứng với khả năng tổ chức nổi tiếng của họ trong bối cảnh của một biến cố vượt qúa mọi sự chờ đợi và mọi dự kiến. Chúng ta cũng phải để ý là người ta vẫn chờ đợi đợt động đất khác thêm vào các vấn đề vốn đã rất nghiêm trọng. Cần phải nhìn tương lai với lòng hy vọng. Hiện nay thiếu điện, các chuyến xe lửa đã bị giảm bớt, và việc truyền thông gặp khó khăn. Các bài tường trình đến từ các vùng bị nạn kể lại các tình trạng đau đớn của những người sống sót bị chết vì lạnh và đói khát. Chúng tôi đang đứng trước một thực tại chưa từng thấy, và Nhật Bản đang khám phá ra các giới hạn của mình.
Hỏi: Như thế toàn nước Nhật Bản đã có thái độ như thế nào?
Ðáp: Nhật Bản muốn làm mọi sự với các thời gian và cách thức nào đó, nhưng điều này hiện không thể thực hiện được. Tuy nhiên, thái độ và cung cách phản ứng của người dân Nhật Bản, và các người đang găp khổ đau nặng nề rất đáng khâm phục và ca ngợi. Họ cảm thấy được an ủi và khích lệ rất nhiều bởi sứ điệp của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI, và sứ điệp này được phổ biến khắp nơi.
Ðã có khoảng 200,000 người tị nạn tới Tokyo, từ những vùng bị giải tỏa. Chính quyền, Giáo Hội Công Giáo địa phương và Giáo Hội hoàn vũ đang nỗ lực trợ giúp họ. Trước một tình trạng nghiêm trọng chưa từng thấy như vậy, khó mà có thể thờ ơ trước các hàng tít lớn của báo chí yêu sách giải thích thực tại mà không hiểu thực tại đó một cách đúng đắn. Tuy nhiên tình trạng này đã không bẻ gẫy được ý chí của dân tộc Nhật Bản.
Hỏi: Giáo Hội đã gần gũi các nạn nhân và người tị nạn như thế nào thưa Ðức Sứ Thần Tòa Thánh?
Ðáp: Giáo Hội đang làm những gì có thể để trợ giúp các nạn nhân. Tôi liên lạc với các Giám Mục địa phương và Ðức Cha Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Nhật Bản. Tôi biết Giáo Hội đã rất sẵn sàng và mau chóng tham dự vào công tác quyên góp cứu trợ và chia sẻ thảm cảnh của các nạn nhân. Hiện nay Giáo Hội và tổ chức Caritas đã thành lập một trung tâm phối hợp trợ giúp trong tỉnh Sendai là trung tâm bị động đất và sóng thần nặng nhất. Ngày 24-3-2011 các Giám Mục Nhật Bản nhóm họp tại Tokyo để đưa ra các đường nét cụ thể cho việc cứu trợ. Cả trên bình diện tinh thần cần phải làm sao để cho các nạn nhân cảm nhận được sức mạnh của tình liên đới và hướng sự săn sóc tới các nạn nhân một cách sâu xa hơn. Sự gần gũi là cách thức giảng dậy bằng con tim. Có nhiều khi chính các cử chỉ yêu thương bác ái đó khiến cho người ta theo Kitô giáo, đặc biệt trong bối cảnh của Nhật Bản.
(Avvenire 22-3-2011; 19.20.22.23-3-2011; ASIANEWS 22.24-3-2011)

Linh Tiến Khải