label

Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Giới thiệu Tài Liệu Làm Việc của Hội nghị toàn thể Liên Hội đồng Giám mục Á châu



Giới thiệu Tài Liệu Làm Việc
của Hội nghị toàn thể Liên Hội đồng Giám mục Á châu
WHĐ (30.11.2012) – Để chuẩn bị cho Hội nghị toàn thể lần thứ X của Liên Hội đồng Giám mục Á châu, sẽ diễn ra tại Tòa giám mục Xuân Lộc từ ngày 10–16 tháng 12 năm 2012, Ban Tổ chức đã gửi đến các Hội đồng Giám mục liên hệ Tài Liệu Làm Việc. Hơn ai hết, Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc, giám mục giáo phận Mỹ Tho, là người đã nghiên cứu kỹ Tài liệu này, vì ngài là một trong hai đại diện chính thức của Hội đồng Giám mục Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị. Chúng tôi trân trọng giới thiệu bài trình bày của Đức cha Phaolô về Tài Liệu Làm Việc này.
*****
Tài Liệu Làm Việc (Working Document) đề ngày 30 tháng 07 năm 2012, dựa vào đó các đại biểu sẽ tham luận góp ý, gồm có 52 số và chia ra làm 4 phần.
1. Phần thứ nhất (Phần A)
Phần này nhắc lại lịch sử của FABC, nhắc lại các chủ đề đã trao đổi trong các Hội nghị toàn thể lần trước, những đóng góp của các tiểu ban trong FABC, sinh hoạt của các Hội đồng Giám mục và Giáo hội địa phương tại Châu Á.
Trước hết Tài liệu làm việc nhắc lại những “ý tưởng chủ đạo của Công đồng Vatican II” là những nguyên tắc hướng dẫn cho sự canh tân Giáo hội tại Châu Á: – Dân Thiên Chúa, Vương Quốc của Thiên Chúa – Sự Phúc âm hoá toàn diện – Sự Hiệp Thông, Liên Đới – Tính Đồng Đoàn của Giám mục (Collegiality) – Sự Tham gia hay Thông phần – Sự Đối Thoại – Canh tân Phụng Vụ – Dấn thân đồng hành với thế giới.
Đường lối cơ bản đã được đề ra từ năm 1974 tại Đài Loan cho việc loan báo Tin Mừng, cách sống và sinh hoạt của Dân Chúa tại Châu Á là “Đường lối đối thoại” trên 3 lãnh vực (Triple Dialogue): trước hết là đối thoại với người nghèo, rồi đối thoại với các nền văn hoá và các tôn giáo. Giáo hội lựa chọn phục vụ người nghèo là thành phần còn rất đông đảo tại các nước Á Châu, nỗ lực “hội nhập văn hoá”, để việc loan báo Tin Mừng không mang dáng vẻ xa lạ đối với các địa phương, để làm cho Tin Mừng của Chúa thấm nhập vào các nền văn hóa, biến đổi và nâng cao các nền văn hoá từ bên trong. Châu Á có những tôn giáo đã hiện hữu từ rất lâu đời, nên Giáo hội nỗ lực đối thoại và hợp tác với các tôn giáo để phục vụ con người và xã hội.
Tài liệu làm việc cũng nhắc nhiều đến nỗ lực suy nghĩ của FABC giúp Giáo hội sinh hoạt một cách năng động và mới mẻ hơn, chủ yếu dựa vào ánh sáng của Công đồng Vatican II và các Thượng Hội đồng Giám mục thế giới. Nhấn mạnh đến mô hình Giáo hội Hiệp Thông, Cộng đồng Đức Tin, Cộng đồng Cầu nguyện. Nét cơ bản được nhấn mạnh nhiều là sự tham gia tích cực và tinh thần đồng trách nhiệm của mọi thành phần Dân Chúa, vai trò của người giáo dân trong Sứ Vụ Yêu Thương và Phục Vụ của Giáo hội tại Á châu.
Việc loan báo Tin mừng và Canh tân Giáo hội tại Á châu lưu tâm nhiều đến “mục vụ gia đình” rất cần thiết để củng cố đời sống các gia đình đang bị đe doạ vì những biến chuyển quá mau chóng của xã hội, làm đảo lộn nhiều giá trị truyền thống lâu đời. Giáo hội tại Á châu nỗ lực tối đa để bảo vệ “nền văn minh tình thương và văn hoá Sự Sống’. Sự hiệp thông của các “Cộng đoàn cơ bản” cũng rất cần thiết, và việc sống và cử hành “Mầu Nhiệm Thánh Thể” vẫn phải luôn được coi là Nguồn Suối và Chóp đỉnh của Sứ Vụ và mọi sinh hoạt của Giáo hội.
 Tóm lại nội dung chủ yếu của phần này là nhìn lại:
– 9 Hội nghị khoáng đại trước Hội nghị lần này.
– Quan điểm của FABC về Giáo hội tại Á Châu (Giáo hội là tôi tớ phục vụ Tin Mừng của Chúa Giêsu tại Á Châu)
– Phương pháp “phân định mục vụ” (pastoral discernment), cách làm việc của các tiểu ban, công tác thần học
– Công việc của các văn phòng của FABC
– Sự hợp tác của các Hội đồng Giám mục và các Giáo hội địa phương.
2. Phần thứ hai (Phần B)
Phần thứ hai nói về “các dấu chỉ của thời đại”, các “xu thế” thời đại tại Á Châu. Phần này nêu ra những vấn đề rất lớn và rất cụ thể là những thách đố mục vụ cho Sứ mạng của Giáo hội tại Á châu như:
– Vấn đề “toàn cầu hoá”, ảnh hưởng xã hội của nền kinh tế thị trường
– Văn hoá mới đang lan rộng tại Châu Á và làm đảo lộn những giá trị cổ truyền, tạo ra não trạng “duy thế tục”, “duy vật”, “hưởng thụ”, “tương đối hoá” (secular, materialist, consumerist and relativist culture)
– Sự nghèo khổ: quãng cách càng ngày càng lớn giữa thiểu số giàu có và đa số nghèo khổ
– Vấn đề các di dân và những người tị nạn
– Vấn đề dân số
– Vấn đề tự do tôn giáo
– Vấn đề sự sống bị đe doạ nghiêm trọng
– Vấn đề truyền thông xã hội
– Vấn đề môi sinh – Vấn đề phụ nữ và giới trẻ
– Vấn đề các giáo phái
– Vấn đề ơn gọi.
Phần này có nêu ra mặt trái và mặt phải của các thách đố, đòi hỏi một sự “phân định” dưới ánh sáng Tin Mừng.
3. Phần thứ ba (Phần C)
Đây là phần suy nghĩ về bối cảnh mục vụ dưới ánh sáng đức tin, mời gọi nhìn ngắm công trình Tạo dựng của Thiên Chúa, để nhận ra Ngài là Cội nguồn và là Mục đích cuối cùng của mọi thực tại. Thiên Chúa sáng tạo nhờ Lời và Thần Khí Tác Tạo. Tạo dựng là công trình của Tình Yêu, là Sự Thiện Hảo, là một “Hoà điệu”. Con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, có nam và có nữ. Con người có trách nhiệm gìn giữ và bảo vệ vũ trụ là công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Nhưng tội lỗi đã xâm nhập vào thế giới loài người và đã làm đổ vỡ quan hệ giữa con người với Thiên Chúa và với nhau. Đó là nguồn gốc của mọi sự dữ lan tràn mà chúng ta vẫn đang chứng kiến.
Từ ánh sáng mầu nhiệm tạo dựng, ta rút ra một số nguyên tắc cơ bản: – Sự hiệp thông và liên đới của tất cả công trình tạo dựng. Tình yêu hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa, giữa người nam và người nữ trong gia đình, giữa gia đình và cộng đồng xã hội, giữa loài người và các thụ tạo khác. – Thiên Chúa là Cội nguồn và là Đấng bảo vệ sự hiệp thông; cảm thức về linh thánh trong tôn giáo có thể là một sức mạnh tinh thần đối lại với văn hoá duy vật và duy thế tục. – Phẩm giá của con người và “sự Hiệp thông phổ quát”phát xuất từ việc con người là hình ảnh của Thiên Chúa. – Của cải là chung cho mọi người. – Trách nhiệm chăm sóc môi trường của con người.
Phân nửa thứ hai của phần này dành cho việc “kể chuyện Chúa Giêsu” – Đấng là Tình Yêu nhưng không của Thiên Chúa: Ngài đến loan báo Nước Thiên Chúa; phẩm giá con người, sự liên đới, sự hiệp thông, tình thương ưu tiên dành cho người nghèo; tình yêu phổ quát của Thiên Chúa, sự hoà điệu của công trình tạo dựng; vai trò trung tâm của ngôi vị con người; sự công chính, sự liêm khiết và tinh thần phục vụ vượt mọi quy ước. Đề cập đến “sự hạ mình của Con Thiên Chúa” (kenosis), mầu nhiệm Vượt qua, Cứu chuộc và Giao hòa của Ngài.
4. Phần thứ tư (Phần D)
Trong phần cuối cùng, Tài Liệu Làm Việc đưa ra những nguyên lý cơ bản cho nỗ lực đáp lại các thách đố mục vụ, như vai trò ngôn sứ của Giáo hội, việc “Tân phúc âm hoá”, chiều kích thần nhiệm của giải đáp, “linh đạo hiệp thông”.
+ Phaolô Bùi Văn Đọc
Giám mục giáo phận Mỹ Tho
 
Gm Phaolô Bùi Văn Đọc
Gia đình là môi trường thuận tiện đầu tiên để thông truyền đức tin


Gia đình là nơi thuận tiện đầu tiên để nói về Thiên Chúa, để thông truyền đức tin cho các thế hệ mới. Vì thế các phụ huynh phải biết tỉnh thức và nhậy cảm chú ý tới các dịp thuận tiện giúp trình bầy đức tin cho con cái với niềm vui, khả năng lắng nghe và đối thoại.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói như trên với 7.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung trong đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 2́́́́8-11-2012.

Trong bài huấn dự ngài đã khai triển đề tài ”Làm thế nào để thông truyền đức tin cho con người ngày nay?” Tình yêu của Thiên Chúa đã được đổ vào lòng chúng ta và bao trùm cuộc sống để nó trở nên tốt lành. Như thế chính Thiên Chúa là Tình Yêu và Sự Thiện tối cao tự thông truyền cho chúng ta. Và nếu chúng ta nói về Thiên Chúa là bởi vì chúng ta biết rằng Người yêu thương chúng ta, chú ý tới chúng ta và tình yêu của Người vô tận và vĩnh cửu, lớn lao hơn tình yêu của cha mẹ và tình yêu vợ chồng. Việc loan báo được dành cho tất cả mọi người ấy dẫn đưa tới cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa Tình Yêu, được mạc khải một cách duy nhất nơi Đức Giêsu chịu đóng đanh. Vì không có ơn cứu rỗi cho nhân loại, nếu không phải là nơi Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô. Nơi Người mọi người tìm được sự thành toàn tràn đầy của mình. Thông truyền sứ điệp này là một nhiệm vụ nòng cốt của đức tin: đức tin đến từ việc lắng nghe Lời Chúa (Rm 10,14.17).

Nhưng làm thế nào để thông truyền Tin Mừng, để mở đường cho sự thật cứu độ trong con tim thường đóng kín của con người ngày nay và trong trí khôn đôi khi bị biết bao chói lòa của xã hội làm lo ra? Trước hết phải nhìn kiểu hành động của Thiên Chúa trong lịch sử, bởi vì chính Thiên Chúa đã bước vào việc thông truyền với con người, còn hơn thế nữa Ngài tự thông truyền cho con người cho đến chỗ nhập thể làm người. Nơi Đức Giêsu thành Nagiarét chúng ta gặp gỡ gương mặt của Thiên Chúa, từ Trời xuống để chìm ngập trong thế giới loài người và dậy họ ”nghệ thuật sống”, chỉ cho họ con đường hạnh phúc, để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và khiến cho chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa một cách tràn đầy (Ep 1,5; Rm 8,14). Đức Thánh Cha định nghĩa việc nói về Thiên Chúa như sau:

Nói về Thiên Chúa trước hết có nghĩa là biết rõ điều chúng ta phải đem đến cho con người ngày nay: là Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô như câu trả lời cho vấn nạn nền tảng tại sao lại sống và sống ra sao.

Vì thế nói về Thiên Chúa đòi hỏi một sự liên tục lớn lên trong đức tin, một sự thân tình với Đức Giêsu và Tin Mừng của Người, một sự hiểu biết Thiên Chúa sâu xa và một đam mê mạnh mẽ đối với chương trình cứu độ của Người, không nhượng bộ cám dỗ thành công, nhưng theo phương pháp của Thiên Chúa, phương pháp của sự Nhập Thể trong gia đình Nagiarét đơn sơ và trong hang đá Bếtlehem, phương pháp của dụ ngôn hạt cải. Cần phải không sợ hãi sự khiêm tốn của các bước đi bé nhỏ và tin cậy nơi men vào trong bột và làm cho nó dậy lên một cách nhiệm mầu (x. Mt 13,33). Trong việc nói về Thiên Chúa, trong công tác rao giảng Tin Mừng dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, cần tái chiếm trở lại sự đơn sơ, trở lại với điều nòng cốt của việc loan báo: đó là Tin Mừng của Thiên Chúa Tình Yêu, đến gần chúng ta trong Đức Giêsu Kitô cho tới Thập gía và trong sự Sống lại, trao ban hy vọng và mở ra cho chúng ta cuộc sống vĩnh cửu. Thánh Phaolô là người đã nêu gương cho chúng ta, khi nói với tín hữu Côrintô rằng người ”không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa... và người không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1 Cr 2,1-2). Thánh Phaolô cho biết người không có ý cho cái gì của người, nhưng rong ruổi trên các nẻo đường xa xôi chỉ với ước muốn loan báo Chúa Kitô chịu đóng đinh, suối nguồn ơn cứu rỗi, Đấng đã chinh phục thánh nhân trên đường đến thành Damasco.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha giải thích việc loan báo Tin Mừng như sau:

Nói về Thiên Chúa có nghĩa là dành khoảng trống cho Đấng làm cho chúng ta hiểu biết Thiên Chúa, mạc khải gương mặt tình yêu của Người; có nghĩa là lấy đi chính cái tôi bằng cách hiến dâng nó cho Chúa Kitô, trong ý thức rằng không phải chúng ta chiếm được người khác cho Thiên Chúa, mà phải chờ đợi họ từ chính Thiên Chúa, phải khẩn nài họ từ Người. Việc nói về Thiên Chúa luôn luôn nảy sinh từ việc lắng nghe Người, từ việc đắm chìm trong một đời cầu nguyện sâu xa.

Thật thế, đối với thánh Phaolô thông truyền đức tin là nói lên một cách công khai điều mình đã nghe đã thấy trong cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, điều đã mình kinh nghiệm trong cuộc sống được biến đổi bởi cuộc gặp gỡ ấy: nghĩa là đem Đức Giêsu đến, mà thánh nhân cảm thấy hiện diện trong mình và đã trở thành định hướng đích thực cuộc sống của người, để làm cho mọi người hiểu rằng Chúa Giêsu cần thiết cho thế giới và định đoạt đối với sự tự do của mỗi người.

Và thánh Phaolô để cho toàn cuộc sống của mình bị lôi cuốn vào công tác loan báo Chúa Kitô. Để nói về Thiên Chúa cần phải nhường chỗ cho Người trong sự tín thác rằng Người hành động trong sự yếu đuối của chúng ta, dành chỗ cho Người không sợ hãi, với sự đơn sơ và niềm vui trong xác tín sâu thẳm rằng càng để Người vào trung tâm bao nhiêu, thì việc loan báo của chúng ta càng sinh hoa trái bấy nhiêu. Điều này cũng có giá trị đối với các cộng đoàn Kitô: được mời gọi cho thấy hoạt động biến đổi của ơn thánh Chúa, bằng cách thắng vượt các khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa, các khép kín, các ích kỷ, thờ ơ và bằng cách sống tình yêu Thiên Chúa trong các tương quan thường ngày.

Chúa Giêsu đã nói về Thiên Chúa mà Người gọi là Abba Cha và về Nước Thiên Chúa với cái nhìn tràn đầy thương xót đối với các khó khăn của cuộc sống con người. Việc thông truyền của Người đã là một việc giáo dục liên lỉ cúi xuống trên con người để dẫn đưa nó tới với Thiên Chúa.

Các Phúc Âm cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đã chú ý tới mọi hoàn cảnh Người gặp gỡ, Người đắm mình trong thực tại của con người thời đó với sự tin tưởng tràn đầy nơi sự trợ giúp của Thiên Chúa Cha. Các môn đệ sống với Chúa và các đám đông gặp gỡ Người trông thấy cung cách nói năng hành xử của Người, và nhận ra nơi đó hoạt động của Chúa Thánh Thần, hoạt động của Thiên Chúa. Nơi Chúa Giêsu lời loan báo và cuộc sống giao thoa nhau: Người hành động và giảng dậy luôn luôn khởi hành từ một tương quan thân tình với Thiên Chúa Cha. Kiểu hành xử này trở thành chỉ dẫn nòng cốt đối với các Kitô hữu. Kiểu sống trong đức tin và tình bác ái trở thành việc nói về Thiên Chúa ngày nay; vì với một cuộc đời được sống trong Chúa Kitô, nó cho thấy sự đáng tin cậy của những điều chúng ta nói bằng lời. Và ở đây chúng ta phải chú ý nhận ra các dấu chỉ thời đại, nghĩa là nhận ra các tiềm năng, các ước muốn, các chướng ngại gặp phải trong nền văn hóa hiện nay, đặc biệt phải biết nhận ra ước muốn sự trung thực, khát vọng sự siêu việt, sự nhậy cảm bảo vệ thiên nhiên và không sợ hãi thông truyền câu trả lời mà niềm tin nơi Thiên Chúa cống hiến. Năm Đức Tin là dịp giúp tái khám phá ra các lộ trình mới trên bình diện cá nhân và cộng đoàn với trí tưởng tượng được Chúa Thánh Thần linh hoạt, để tại mọi nơi sức mạnh của Tin Mừng trở thành sự khôn ngoan và định hướng cho cuộc sống.

Cả trong thời đại chúng ta nơi đặc ân để nói về Thiên Chúa là gia đình, là trường học đầu tiên để thông truyền đức tin cho các thế hệ mới. Trong Hiến Chế về Giáo Hội và Sắc lệnh về Hoạt động tông đồ Công Đồng Chung Vaticăng II coi cha mẹ là các sứ giả đầu tiên của Thiên Chúa. Họ được mời gọi tái khám phá ra sứ mệnh của mình, bằng cách lãnh trách nhiệm giáo dục và mở các lương tâm của các trẻ nhỏ cho tình yêu của Thiên Chúa, như một việc phục vụ nền tảng đối với cuộc sống của chúng, trong việc là các giáo lý viên và là các thầy dậy đức tin đầu tiên cho con cái họ. Và trong nhiệm vụ này điều quan trọng trước hết là sự tỉnh thức, có nghĩa là biết tiếp nhận các dịp thuận tiện để nói về đức tin trong gia đình, và giúp chín mùi suy tư có óc phán đoán đối với nhiều tình trạng điều kiện hóa mà con cái phải chịu. Sự chú ý ấy của cha mẹ cũng là sự nhậy cảm nhận ra các vấn nạn tôn giáo, đôi khi hiển nhiên đôi khi dấu ấn trong tâm hồn con cái. Đức Thánh Cha nói tới niềm vui trong kiểu thông truyền đức tin trong gia đình như sau:

Việc thông truyền đức tin phải có giọng điệu tươi vui. Đó là niềm vui phục sinh không im lặng hay dấu diếm các thực tại của sự đau đớn, khổ sở, mệt nhọc, khó khăn, hiểu lầm và của cả chính cái chết, nhưng biết cống hiến các tiêu chuẩn giúp giải thích tất cả trong viễn tượng của niềm hy vọng Kitô. Cuộc sống tốt lành của Phúc Âm chính là cái nhìn mới mẻ này, là khả năng nhìn mọi hoàn cảnh với chính đôi mắt của Thiên Chúa.

Thật là quan trọng giúp mọi thành phần trong gia đình hiểu rằng đức tin không phải là một gánh nặng, mà là suối nguồn của niềm vui sâu xa, là nhận ra hành động của Thiên Chúa, nhận biết sự hiện diện của sự thiện không gây ồn ào, và cống hiến các định hướng qúy báu giúp sống tốt cuộc đời mình. Và sau cùng là khả năng lắng nghe và đối thoại: gia đình phải là một môi trường, trong đó con người tập sống với nhau, giải quyết các xung khắc trong việc đối thoại với nhau bằng cách lắng nghe, nói, hiểu và yêu nhau, để là dấu chỉ của tình yêu thương xót của Thiên Chúa. Như thế, nói về Thiên Chúa có nghĩa là làm cho người ta hiểu bằng lời nói và cuộc sống rằng Thiên Chúa không phải là Đấng tranh đua với cuộc sống chúng ta, nhưng là Đấng bảo đảm đích thực cho sự cao cả của con người.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Với các bạn trẻ ngài ước mong Mùa Vọng sắp bắt đầu là dịp các bạn trẻ tái khám phá ra tầm quan trọng của niềm tin nơi Chúa Kitô; người đau yếu biết đương đầu với các khổ đau bằng cách ướng cái nhìn lên Chúa Hài Đồng; và các cặp vợ chồng mới cưới gia tăng ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa trong gia đình mới của họ.

Sau cùng Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.


Linh Tiến Khải
Guaratiba: nơi canh thức và thánh lễ của Đức Thánh Cha với giới trẻ quốc tế ở Brazil


RIO DE JANEIRO. Giáo quyền và chính quyền thành phố Rio de Janeiro đã chọn khu vực Guaratiba làm nơi cử hành buổi canh thức tối thứ bẩy 27-7-2013 và thánh lễ kết thúc Ngày Quốc tế giới trẻ sáng chúa nhật hôm sau 28-7 tại thành phố Rio de Janeiro bên Brazil.

Quyết định đây được thông báo hôm 28-11 vừa qua trong cuộc họp giữa ĐHY Stanislaw Rylko, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân, cùng với giáo quyền, chính quyền địa phương, và hơn 200 đại biểu mục vụ giới trẻ đến từ 75 quốc gia và 40 phong trào Giáo Hội, nhóm tại Rio từ ngày 23 đến 28-11-2012 để chuẩn bị chi tiết cho việc tiến hành Ngày Quốc Tế giới trẻ năm tới.

Thoạt đầu, ban tổ chức định chọn căn cứ không quân Santa Cruz cho hai biến cố nói trên, nhưng nay họ quyết định di chuyển việc cử hành này về Guaratiba, một khu vực rộng gần 14 ngàn hécta, có 110 ngàn dân cư cách trung tâm thành phố Rio lối 50 cây số về hướng tây. Ban tổ chức dự kiến số người tham dự hai sinh hoạt chót của Ngày quốc tế giới trẻ ở Rio có thể lên tới 2 triệu người.

Ông Eduardo Paes, thị trưởng thành Rio loan báo địa điểm Guaratiba và nói rằng ban tổ chức không phải trả tiền thuê đất tại đây cho các chủ nhân, bù lại họ được lợi nhờ hạ tầng cơ cấu mà việc tổ chức buổi canh thức và thánh lễ tại đây mang lại.

ĐHY Rylko đã lên tiếng cám ơn và cho biết ”ĐTC Biển Đức 16 đặc biệt quan tâm theo dõi việc chuẩn bị Ngày Quốc Tế giới trẻ và ngài đặt nhiều hy vọng của Giáo Hội nơi biến cố này”.

Trong cuộc họp, ban tổ chức cho biết khu vực bờ biển Copacabana được chọn làm nơi đón tiếp ĐTC và các bạn trẻ. Nơi đây thường diễn ra các cuộc gặp gỡ lớn, có thể đón tiếp 2 triệu người, với đầy đủ các cơ cấu hạ tầng, cửa tiệm, quán ăn và nhất là an ninh.

Đức Cha Orani Tempesta, dòng Xitô, TGM giáo phận Rio sở tại nói với hãng tin Sir của HĐGM Italia rằng khu vực Guaratiba là nơi cần phải được trang bị cho cuộc gặp gỡ nhưng đây không phải là vấn đề vì có sự cộng tác chặt chẽ với các cơ quan chính quyền thành phố và liên bang. Sự hợp lực này cũng mang lại thành quả cả về phương diện an ninh. Tình trạng an ninh tại Rio được cải tiến nhiều trong những năm gần đây”.

Sau cùng Đức TGM Tempesta nói rằng: ”Ngày Quốc Tế giới trẻ đang thay đổi Giáo Hội tại Brazil chứ không phải tại thành phố Rio mà thôi. Năm nay tại Brazil đang chiến dịch Huynh đệ giới trẻ và cả Giáo Hội địa phương cũng đang suy tư về giới trẻ. Mọi cố gắng đều hướng tới việc chuẩn bị tốt đẹp hơn Ngày Quốc Tế giới trẻ và cuộc gặp gỡ với ĐTC. Tuy nhiên, chúng tôi không quên hướng cái nhìn về tương lai, về thời điểm hậu Ngày Quốc Tế giới trẻ” (RG 28-11-2012)

G. Trần Đức Anh OP
Đức Thánh Cha kêu gọi trợ giúp các trẻ em bị Sida



VATICAN. ĐTC đặc biệt kêu gọi quan tâm giúp đỡ các trẻ em bị nhiễm Sida và khích lệ các sáng kiến trong lãnh vực này.

Ngỏ lời với các tín hữu hành hương vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 28-11-2012, ĐTC nói:

”Ngày 1-12 tới đây là Ngày Thế giới chống bệnh Sida, một sáng kiến do LHQ đề xướng để lưu ý về một căn bệnh đã làm cho hàng triệu người chết và gây ra những đau khổ thê thảm cho con người, nhất là tại những miền nghèo nhất trên thế giới, họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiếm được các thuốc men hữu hiệu. Đặc biệt tôi nghĩ đến rất đông trẻ em mỗi ngày bị nhiễm vi-rút bệnh này từ mẹ, mặc dù có những phương pháp để ngăn ngừa sự nhiễm bệnh như thế. Tôi khích lệ nhiều sáng kiến, trong khuôn khổ sứ mạng của Giáo Hội, được thăng tiến để bài trừ tai tương này”. (SD 28-11-2012)


G. Trần Đức Anh OP

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012

Chân phước tử đạo đầu tiên của Ấn Độ: Devasahayam Pillai


Chân phước Devasahayam Pillai

Chân phước tử đạo đầu tiên của Ấn Độ: Devasahayam Pillai (23/4/1712 – 14/1/1752)
WHĐ (28.11.2012) – Giáo phận Kottar Ấn Độ đang chuẩn bị đón một trong những sự kiện quan trọng nhất của lịch sử giáo phận vào ngày 02 tháng Mười Hai sắp tới khi vị Tôi tớ Chúa Devasahayam Pillai của giáo phận này được tuyên phong Chân phước. Sự kiện này dự kiến ​​thu hút khoảng một trăm ngàn giáo dân trên khắp tiểu bang Tamil Nadu cùng 40 giám mục, linh mục và tu sĩ khắp nơi. Pillai được tôn phong là vị tử đạo của giáo phận, ngài bị sát hại hồi thế kỷ 18 vì đã tuyên xưng đức tin Công giáo.
Cha Gabriel - người đứng đầu Ủy ban vận động phong chân phước của giáo phận Kottar - cho biết Đức hồng y Angelo Amato, Bộ trưởng Bộ Phong Thánh sẽ chủ sự Đại lễ tuyên phong chân phước ngày 02 tháng 12. Các Đức hồng y của Ấn Độ Oswald Gracias Telespore Toppo cũng sẽ tham dự Đại lễ này.
Đức hồng y Amato nói rằng Pillai người chịu bách hại vì đức tin đầu tiên của Ấn Độ được tuyên phong Chân phước. Ngài đã giữ vững đức tin cho đến chết và là một mẫu gương cho Giáo hội Công giáo ở Ấn Độ.
Cha Gabriel nói rằng những nỗ lực vận động phong chân phước cho Pillai đã khởi sự khi ngài mới chịu tử đạo giám mục Cochin (Kochi) lúc đó là Đức cha Clement Joseph đã trình lên Tòa Thánh một báo cáo vào năm 1756. Sau đó, giáo dân Kottar đã nỗ lực rất nhiều và thành lập một Ủy ban địa phương gọi là Câu lạc bộ Công giáo tại Nagercoil vào năm 1984. Những nỗ lực không ngừng của giáo phận và giáo dân đã mang lại kết quả.
Cha Gabriel nói: “Sự kiện vị Tôi tớ Chúa Devasahayam Pillai của giáo phận Kottar được phong chân phước trong Năm Đức Tin là một vinh dự to lớn và chúng tôi đang háo hức chuẩn bị cho sự kiện này”.
(Asia News, 26-11-2012)
 
Minh Đức

Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

Anh em làm chứng cho Thầy (27.11.2012 – Thứ ba Tuần 34 Thường niên)


Anh em làm chứng cho Thầy
Lời Chúa: Lc 21, 5-11
Nhân có mấy người nói về Ðền Thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Ðức Giêsu bảo: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” Họ hỏi Người: “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước?” Ðức Giêsu đáp: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: “Chính ta đây”, và “Thời kỳ đã đến gần”; anh em chớ có theo họ. Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục đâu.”
Rồi Người nói tiếp: “Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện.”
Suy nim:
Trong số 117 vị Tử Ðạo Việt Nam, được phong thánh năm 1988,
có một phụ nữ duy nhất, mẹ của 6 người con.
Ðó là bà Anê Lê Thị Thành, còn gọi là bà Ðê.
Trước khi là một anh hùng tử đạo,
bà đã là một người mẹ hiền gương mẫu.
“Thân mẫu chúng tôi rất chăm lo việc giáo dục các con.
Chính người dạy chúng tôi đọc chữ và học giáo lý,
sau lại dạy cách dự thánh lễ và xưng tội rước lễ.”
Ðó là lời khai của cô con gái út trước giáo quyền.

Nhà bà Ðê là nơi các linh mục trú ẩn.
Buổi sáng lễ Phục Sinh năm 1861,
quan Tổng Ðốc Nam Ðịnh cho quân bao vây làng của bà.
Bà Ðê bị bắt lúc đã 60 tuổi.
Bà bị đánh đập tra tấn, bị ép phải chối đạo,
bị lôi qua Thánh Giá, bị bỏ rắn độc vào người.
Khi con gái đến thăm bà trong nhà giam,
đau đớn vì thấy quần áo mẹ loang đầy vết máu,
bà đã an ủi con với một niềm lạc quan lạ lùng:
“Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy,
mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc?”
Sau ba tháng chịu đủ mọi cực hình,
người phụ nữ ấy đã hiến đời mình cho Chúa.

Cuộc đời của vị thánh nữ tiên khởi của Việt Nam
là một sức nâng đỡ lớn cho chúng ta.
Thiên Chúa đã làm điều phi thường
nơi một người phụ nữ già nua, yếu  đuối.
Quan “Hùm Xám” tỉnh Nam Ðịnh cũng phải bó tay
trước sự yếu đuối kiên vững của bà.
Khôn ngoan và đơn sơ, can đảm chịu đau khổ,
bà thánh Ðê đã phó mặc cho Chúa đời mình.
Bà chẳng lo phải nói gì, phải làm gì trước tòa án,
vì sức mạnh của Thánh Thần ở với bà.

Hội Thánh thời nào cũng cần những người dám sống vì đức tin,
dám làm chứng cho Chúa trước mặt người đời.
Sống đức tin là một loại tử đạo không đổ máu,
không đòi hy sinh mạng sống,
nhưng lại đòi hy sinh cả tương lai vững vàng ổn định.

Mỗi ngày, chúng ta thường bị đặt trước những chọn lựa,
trước thập giá của Ðức Giêsu,
y hệt như các vị tử đạo ngày xưa.
Có khi chúng ta đã bước qua thập giá, khi chọn mình,
đã chối Chúa bằng chính cuộc sống.
Càng có tự do, ta lại càng dễ sa sút đức tin.
Tiền bạc, tiện nghi, khoái lạc vẫn là những thụ tạo
gây ra những cuộc bách hại êm ả và khủng khiếp
mà cuối cùng chúng ta cũng phải đối diện.
Ước gì chúng ta không để mất đức tin
được mua bằng giá máu của bao vị tử đạo,
và ước gì chúng ta không ngừng chuyển giao đức tin ấy
cho hơn 80 triệu đồng bào trên quê hương.
Cầu nguyn:
Lạy các thánh tử đạo Việt Nam,
các ngài đã dám sống đến cùng ơn gọi kitô hữu
trong một hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm.
Sự hy sinh của các ngài
cho thấy tình yêu mạnh hơn sự chết
và chết là cửa mở vào cõi sống bất diệt.
Dù mang phận người yếu đuối,
nhưng nhờ ơn Chúa đỡ nâng,
các ngài đã chiến thắng khải hoàn.

Xin cầu cho chúng con là con cháu các ngài
biết can trường sống đức tin của bậc cha anh
trong một thế giới vắng bóng Thiên Chúa,
biết nhiệt thành làm chứng về tình yêu
bằng một đời hiến thân phục vụ.

Ước gì ngọn lửa đức tin
mà các ngài đã thắp lên
bằng cuộc sống và cái chết,
được bừng tỏa trên Tổ quốc Việt Nam.

Ước gì máu thắm của các ngài
thấm vào mảnh đất quê hương
để công cuộc truyền giáo sinh nhiều hoa trái.
 
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Ðức Thánh Cha cử hành thánh lễ với 6 tân Hồng Y.

Ðức Thánh Cha cử hành
thánh lễ với 6 tân Hồng Y


Vatican (Vat. 25-11-2012) - Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã chủ sự thánh lễ đồng tế với 6 tân Hồng Y mới được ngài tấn phong và mời gọi các vị dành ưu tiên cho Thiên Chúa và Nước Chúa trước những lợi lộc trần thế.
Thánh lễ mừng kính Chúa Kitô Vua Vũ Trụ diễn ra lúc 9.30 sáng chúa nhật 25 tháng 11 năm 2012 tại Ðền Thờ Thánh Phêrô trước sự hiện diện của 8 ngàn người, trong đó có 50 Hồng Y và 40 Giám Mục, cùng với 4 phái đoàn chính thức từ Liban, Philippines, Nigeria và Ấn độ, nhiều vị đại sứ, thân nhân, tín hữu thuộc hai Giáo Hội Công Giáo Ðông phương: Maronite Liban và Siro Malankara Ấn độ cũng như từ các giáo phận của các tân Hồng Y.
18 thầy giúp lễ là các đại chủng sinh trường Truyền giáo và đặc biệt trong số các phó tế, cũng có một thầy người Việt là Giuse Nguyễn Công Khương thuộc giáo phận Thanh Hóa.
Ðảm nhận phần thánh ca trong buổi lễ, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, còn có ca đoàn Mẹ Giáo Hội (Mater Ecclesiae) gồm 80 ca viên, và Ca đoàn Học Viện Giáo Hoàng về thánh nhạc gồm 50 ca viên.
Sau khi Ðức Thánh Cha xông hương bàn thờ và an tọa, Ðức Hồng Y James Michael Harvey người Mỹ, tân giám quản Ðền thờ Thánh Phaolô ngoại thành, đã đại diện các Hồng y mới cám ơn Ðức Thánh Cha đã bổ nhiệm các vị làm Hồng y. Ngài cũng đặc biệt cám ơn Ngài vì các hoạt động giáo huấn, từ những nghiên cứu thần học trước đây cho đến các huấn dụ gần đây. Ðức Hồng Y Harvey kết luận với quyết tâm cùng với Ðức Giáo Hoàng tham gia vào công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng: "Khi đón nhận từ tay Ðức Thánh Cha vinh dự của tước vị Hồng Y, chúng con quyết tâm trở thành những người kiên trì thực hiện công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng trong tinh thần trách nhiệm, với sự nâng đỡ của ơn thánh Chúa".
Bài giảng của Ðức Thánh Cha
Trong bài giảng sau bài Tin Mừng, Ðức Thánh Cha nói:
"Lễ trọng kính Chúa Kitô Vua Vũ Trụ kết thúc năm phụng vụ được phong phú thêm qua sự đón nhận vào Hồng y đoàn 6 thành viên mới. Theo truyền thống, tôi đã mời các vị đồng tế thánh lễ với tôi sáng hôm nay. Tôi xin gửi đến mỗi vị lời chào thân ái nhất và cám ơn Ðức Hồng Y James Michael Harvey vì những lời chào mừng nhân danh tất cả.
Tiếp đến, Ðức Thánh Cha đã dựa vào các bài đọc của ngày lễ để giải thích ý nghĩa vương quyền của Chúa Kitô. Ngài nói: "Khi trả lời câu chất vấn của quan Philatô "Ông có phải là vua người Do thái không?" (Ga 18,33), Chúa Giêsu minh định bản chất Vương quốc và chính sứ mạng cứu thế của Người, không phải là quyền lực trần thế, nhưng là tình yêu thương phục vụ. Chúa khẳng định rằng không được lẫn lộn nước của Ngừơi với bất kỳ vương quốc chính trị nào. "Nước của tôi không thuộc về thế gian này.. không thuộc trần thế" (v.36).
Ðức Thánh Cha nói: "Rõ ràng là Chúa Giêsu không có một tham vọng chính trị nào. Sau khi Chúa hóa bánh ra nhiều, dân chúng phấn khởi vì phép lạ, muốn tôn Người làm vua, để lật độ quyền lực của người La Mã và thiết lập một vương quốc chính trị mới, sẽ được coi như Nước Thiên Chúa hằng được mong chờ. Nhưng Chúa Giêsu biết rằng Nước Thiên Chúa hoàn toàn khác hẳn, không dựa trên võ khí và bạo lực. Và chính việc hóa bánh ra nhiều, một đàng trở thành dấu chỉ sứ mạng cứu thế của Ngừơi, nhưng đàng khác là một lằn ranh trong hoạt động của Người: từ lúc đó, hành trình hướng về Thập Giá ngày càng trở nên rõ ràng hơn; tại đó trong cử chỉ yêu thương tột cùng, Nước Thiên Chúa, nước hứa, sẽ chiếu sáng rạng ngời. Nhưng đám đông dân chúng không hiểu, họ thất vọng, và Chúa Giêsu rút lên núi một mình để cầu nguyện (Xc Ga 6,1-15). Trong trình thuật về cuộc khổ nạn, chúng ta cũng thấy các môn đệ, tuy cùng chia sẻ cuộc sống với Chúa Giêsu và lắng nghe lời Người, nhưng họ nghĩ đến một vương quốc chính trị, được thiết lập nhờ võ lực. Trong vườn Giệtsimani, Phêrô đã rút gươm khỏi vỏ và bắt đầu chiến đấu, nhưng Chúa Giêsu đã chặn ông lại (Xc Ga 18,10-11). Người không muốn được bảo vệ bằng võ khí, nhưng muốn chu toàn thánh ý Chúa Cha cho đến cùng và thiết lập vương quốc của Người, không phải bằng võ khí và bạo lực, nhưng bằng vẻ yếu đuối của tình thương trao ban sự sống. Nước Thiên Chúa là nước hoàn toàn khác với các nước trần thế.
"Chính vì thế, đứng trước một người không phương thế tự vệ, yếu ớt, bị hạ nhục, như Chúa Giêsu, một người quyền lực như quan Philatô cũng ngạc nhiên; ngạc nhiên vì ông nghe nói về một nước, về những người phục vụ. Và ông đặt câu hỏi mà ông thấy có vẻ là nghịch lý: "Vậy ông là vua sao?" Một người ở trong hoàn cảnh như thế là vua thuộc loại nào? Nhưng Chúa Giêsu trả lời khẳng định: "Quan nói đúng: tôi là vua. Vì thế, tôi đã sinh ra và đến trần thế; để làm chứng cho sự thật. Ai bởi sự thật thì nghe tiếng tôi" (18,37). Chúa Giêsu nói về vua, về vương quốc, nhưng Người không nói đến sự thống trị, nhưng là sự thật. Quan Philatô không hiểu: có thể có quyền lực lực nào mà không đạt được với những phương thế của con người? một quyền lực không theo tiêu chuẩn thống trị và sức mạnh? Chúa Giêsu đã đến để mạc khải và mang đến một vương quyền mới, vương quyền của Thiên Chúa; Người đến để làm chứng về sự thật của một vị Thiên Chúa là tình thương (Xc 1 Ga 4,8.16) và Người muốn thiết lập một nước công chính, tình thương và an bình (Xc Kinh Tiền Tụng). Ai cởi mở đối với tình thương, thì lắng nghe chứng từ ấy và đón nhận trong niềm tin, để vào Nước Thiên Chúa".
Tiếp tục bài giảng, Ðức Thánh Cha nhắc đến thị kiến của Ngôn Sứ Daniel nói về một nhân vật huyền bí giữa trời và đất, ngự đến trong đám mây và được trao ban quyền bính, vinh quang và vương quốc (7,13-14). "Ðó là những lời nói về một vị vua thống trị từ biển này tới biển khác, cho đến tận bờ cõi trái đất với một quyền bính tuyệt đối, không bao giờ bị hủy diệt. Thị kiến này của Ngôn Sứ, thị kiến cứu thế, sáng tỏ và được thể hiện trong Chúa Kitô: Quyền bính của Ðức Messia chân chính, quyền bính không bao giờ tàn lụi và không bao giờ bị hủy diệt, không phải quyền bính của các vương quốc trần thế phát sinh rồi suy sụp, nhưng là vương quốc sự thật và tình thương.
Sau cùng, trong bài đọc thứ hai, tác giả sách Khải quyền quả quyết cả chúng ta cũng được tham dự vào vương quyền của Chúa Kitô.. Nhờ sự hy sinh của Người, Chúa Giêsu mở đường cho chúng ta đi vào một quan hệ sâu xa với Thiên Chúa: trong Người, chúng ta trở thành dưỡng tử đích thực, như thế, chúng ta được tham dự vào vương quyền của Chúa trên thế giới. Vì vậy, là môn đệ của Chúa Giêsu có nghĩa là không để cho mình bị thu hút vì các tiêu chuẩn trần thế về quyền lực, nhưng vào thế giới ánh sáng của sự thật và tình thương của Thiên Chúa.
Ðức Thánh Cha nói tiếp:
"Tác giả sách Khải Huyền mở rộng cái nhìn về sự tái lâm của Chúa Giêsu để xét sử và thiết lập vĩnh viễn Nước Chúa, và nhắc nhở chúng ta rằng sự hoán cải, như lời đáp lại ơn thánh của Chúa, chính là điều kiện để thiết lập Nước Chúa (Xc 1,7). Ðó là một lời mời gọi mạnh mẽ gửi đến tất cả và từng người: luôn trở về cùng Nước Thiên Chúa, chủ quyền của Thiên Chúa, Sự Thật, trong đời sống chúng ta. Chúng ta khẩn cầu hằng ngày trong kinh Lạy Chúa với câu "Nước Cha trị đến", có nghĩa là thưa với Chúa Giêsu: Lạy Chúa, xin làm cho chúng con thuộc về Chúa, xin Chúa sống trong chúng con, xin Chúa tập hợp nhân loại đang bị phân tán và đau khổ để trong Chúa tất cả đều được tùng phục Chúa Cha của lòng từ bi và tình thương.
Và Ðức Thánh Cha kết luận rằng: "Hỡi các anh em hồng y quí mến, tôi đặc biệt nghĩ đến các tân hồng y mới được tấn phong hôm qua, anh em được ủy thác trách vụ cam go này, đó là làm chứng về Nước Thiên Chúa, làm chứng cho sự thật. Ðiều này có nghĩa là luôn dành ưu tiên cho Thiên Chúa và thánh ý Chúa trước những lợi lộc trần thế và quyền lực của nó. Anh em hãy noi gương Chúa Giêsu, Ðấng đã biểu lộ vinh quang của Người trước quan Philato, trong tình trạng tủi nhục như Phúc âm mô tả: Chúa đã biểu lộ vinh quang của Người là yêu thương đến tột cùng, hiến mạng sống cho những người mình yêu. Ðó là mạc khải về Nước Chúa Giêsu. Và vì thế, chúng ta hãy đồng tâm hiệp ý cầu nguyện: "Adveniat regnum tuum", xin cho Nước Chúa được hiển trị. Amen
Trong phần rước lễ, 120 linh mục phân phát Mình Thánh Chúa các tín hữu, và chính Ðức Thánh Cha cũng cho hàng chục người được rước Mình Thánh Chúa.
Thánh lễ kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ và kết thúc lúc 11 giờ rưỡi. Sau đó, đúng 12 giờ trưa, Ðức Thánh Cha đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài để đọc kinh truyền tin với lối 30 ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô dưới bầu trời nắng thu.
Kinh Truyền tin
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Ðức Thánh Cha cũng giải thích về ý nghĩa lễ Chúa Kitô Vua và khẳng định rằng "Nước Chúa Kitô được ủy thác cho Giáo Hội là mầm mống và khởi đầu của nước này. Giáo Hội có nghĩa vụ loan báo và phổ biến Nước Chúa Kitô nơi mọi dân nước, với sức mạnh của Thánh Linh. Vào cuối thời gian đã định, Chúa sẽ giao nộp cho Chúa Cha Nước Chúa và giới thiệu với Ngài tất cả những ai đã sống theo giới luật tình thương.
Các bạn thân mến, tất cả chúng ta được mời gọi nối tiếp hoạt động cứu độ của Thiên Chúa qua sự trở về cùng Tin Mừng, quyết liệt theo vị Vua không đến để được hầu hạ nhưng để phục vụ và làm chứng cho sự thật (Xc Mc 10,45; Ga 18,37). Trong viễn tượng này tôi mời gọi mọi tín hữu hãy cầu nguyện cho 6 Hồng y mới mà tôi đã bổ nhiệm hôm qua, xin Chúa Thánh Linh củng cố các vị trong đức tin và đức mến, ban cho họ được tràn đầy hồng ân Chúa, để họ sống trách nhiệm mới như một sự tận tụy hơn nữa đối với Chúa Kitô và Nước Chúa..."
"Chúng ta hãy cầu xin Ðức Trinh Nữ Maria giúp tất cả chúng ta sống thời gian hiện tại trong niềm mong chờ Chúa tái lâm, tha thiết cầu xin Chúa: "Xin cho Nước Chúa được hiển trị", và chu toàn những công việc ánh sáng làm cho chúng ta ngày càng gần Trời Cao hơn, với ý thức rằng trong những thăng trầm trao đảo của lịch sử, Thiên Chúa tiếp tục xây dựng Nước Tình Thương của Người.
Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, Ðức Thánh Cha nhắc đến lễ phong chân phước thứ bẩy 24 tháng 11 năm 2012. Ngài nói:
"Hôm qua, tại Macas, bên Ecuador, đã có lễ phong chân phước cho chị Maria Troncatti, nữ tu dòng Con Ðức Mẹ Phù Hộ, sinh tại Val Camonica. Chị làm y tá trong thời thế chiến thứ I, rồi đi Ecuador, tại đây chị hoàn toàn xả thân phục vụ dân chúng trong vùng rừng núi, rao giảng Tin Mừng và thăng tiến con người. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì chứng nhân quảng đại này của Ngài!"
Ngài cũng loan báo: "chiều thứ bẩy, 1 tháng 12 tới đây, các sinh viên đại học Roma sẽ hành hương tại Mộ Thánh Phêrô nhân dịp Năm Ðức Tin. Tôi sẽ chủ sự Kinh Chiều I Chúa nhật thứ I Mùa Vọng cho họ".

G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

Hội nghị toàn thể Liên Hội đồng Giám mục Á châu: cơ hội thúc đẩy sự hiệp thông và sứ vụ loan báo Tin Mừng tại châu Á



Hội nghị toàn thể Liên Hội đồng Giám mục Á châu:
cơ hội thúc đẩy sự hiệp thông và sứ vụ loan báo Tin Mừng tại châu Á
Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm trả lời phỏng vấn của WHĐ
WHĐ (25.11.2012) –  Hội nghị toàn thể của Liên Hội đồng Giám mục Á châu đã gần kề. Để thông tin cho độc giả về việc chuẩn bị Hội nghị, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, người chịu trách nhiệm liên lạc giữa Ban Tổ chức của Liên Hội đồng Giám mục Á châu và Ban Tổ chức của Hội đồng Giám mục Việt Nam.
– Trong Thư Mục vụ Năm Đức Tin, Hội đồng Giám mục Việt Nam cho biết Liên Hội đồng Giám mục Á Châu sẽ họp Đại hội tại Việt Nam, từ ngày 19 đến 25 tháng 11 năm 2012. Xin Đức cha cho biết thêm chi tiết.
– Đúng là Liên Hội đồng Giám mục Á châu sẽ họp Hội nghị lần đầu tiên tại Việt Nam, tuy nhiên có sự điều chỉnh về ngày giờ vì những lý do bất ngờ. Ngày 24 tháng 10, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã công bố triệu tập công nghị hồng y vào ngày 24 tháng 11 năm nay, đồng thời trao mũ hồng y cho 6 vị, trong đó có hai vị người Á châu. Như thế, các hồng y người Á châu và nhiều giám mục khác sẽ không thể có mặt tại Hội nghị sắp tới của Liên Hội đồng Giám mục Á châu, dự kiến tiến hành tại Việt Nam từ 19 đến 25 tháng 11 năm 2012. Vì thế, Ban Tổ chức Hội nghị đã quyết định thay đổi ngày giờ. Hội nghị lần thứ X của các giám mục Á châu sẽ tiến hành từ ngày 10 đến 16 tháng 12 năm 2012, tại Tòa giám mục Xuân Lộc và tại Thành phố Hồ Chí Minh.
– Sự thay đổi đó có gây khó khăn gì cho Hội nghị không?
– Chắc là cũng có một số khó khăn, ví dụ một số giám mục sẽ không thể đến tham dự được vì đã lên chương trình làm việc trong giáo phận của các ngài. Hơn nữa, ngày họp (10 – 16/12) gần sát với lễ Giáng Sinh nên một số vị cũng khó tham dự.
– Còn về phía Giáo Hội Việt Nam thì sao?
– Chúng tôi đặt lợi ích của Đức Thánh Cha và Giáo Hội phổ quát lên trên, vì thế chúng tôi cố gắng thích nghi với sự thay đổi này cách tốt nhất có thể. Cách riêng, giáo phận Xuân Lộc và Sài Gòn phải cố gắng nhiều hơn để phục vụ Hội nghị.
– Sự thay đổi này có gây khó khăn gì đối với Chính quyền Việt Nam không?
– Chúng tôi đã thông báo cho Chính quyền biết về sự thay đổi này. Chính quyền đã có văn thư trả lời và đề nghị xúc tiến việc thực hiện thủ tục nhập cảnh cho các giám mục và chuyên viên thần học đến dự hội nghị. Ngày 23 tháng 11 vừa qua, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã thông báo cho chúng tôi biết: (1) Đồng ý cho 118 khách được nhập xuất cảnh Việt Nam, theo danh sách đính kèm; (2) Những khách này được nhận thị thực tại sân bay quốc tế. Như thế, coi như mọi sự đang tiến hành tốt đẹp.
– Đức cha nói đây là lần đầu tiên Liên Hội đồng Giám mục Á châu họp Hội nghị tại Việt Nam?
– Vâng, cứ 4 năm, Liên Hội Đồng lại tổ chức Hội nghị toàn thể (Plenary Assembly) một lần, và họ đã tổ chức tại nhiều nước châu Á như Thái Lan, Philippines, Hàn quốc, Ấn Độ… Trong quá khứ, Liên Hội đồng đã từng đề nghị tổ chức Hội nghị tại Việt Nam nhưng khi đó, chúng ta chưa đủ điều kiện để đón tiếp. Nhờ ơn Chúa, nay chúng ta có điều kiện tương đối tốt hơn, về cơ sở vật chất cũng như về nhân sự làm việc, nên Hội đồng Giám mục Việt Nam quyết định nhận lời đề nghị của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu, tiến hành Hội nghị tại Việt Nam.
– Như vậy có thể coi đây là sự kiện đặc biệt đối với Giáo hội Việt Nam. Vậy những Hội nghị như thế này có ý nghĩa gì đối với các Giáo hội địa phương tại châu Á?
– Theo quy chế của Liên Hội đồng Giám mục Á châu, Hội nghị toàn thể là cơ chế cao nhất của Liên Hội đồng. Mỗi Hội đồng Giám mục cử đại biểu đến tham dự và chỉ những đại biểu này mới có quyền biểu quyết về những vấn đề quan trọng của Liên Hội đồng. Những quyết định này có tác động trên đường hướng mục vụ của các Giáo hội địa phương tại châu Á. Ví dụ, ngày nay khi nói đến Giáo hội tại châu Á, ai cũng nói đến đường hướng đối thoại với người nghèo, với các nền văn hóa, và với các tôn giáo. Đây chính là đường hướng đã được Liên Hội đồng Giám mục Á châu đưa ra từ 40 năm nay. Dĩ nhiên những quyết định này không mang tính bó buộc về pháp lý nhưng là những chỉ dẫn cho đời sống mục vụ.
– Vậy Hội nghị lần này có chủ đề và mục đích gì?
– Chủ đề chính của Hội nghị lần này là 40 năm Liên Hội đồng Giám mục Á châu : Đáp ứng những thách đố của châu Á. Như thế, Hội nghị này ghi dấu kỷ niệm 40 năm thành lập Liên Hội đồng, đồng thời là cơ hội để các giám mục Á châu nhìn lại đời sống và sứ vụ của Giáo hội tại châu Á, cũng như định hướng cho tương lai sắp tới.
Cụ thể, chúng ta có thể thấy rõ hơn qua những chủ đề nhỏ của từng ngày trong Đại hội :
Ngày thứ nhất: Nhìn về quá khứ, dâng lời tạ ơn.
Ngày thứ hai: Phân định các dấu chỉ thời đại, xin ơn khôn ngoan.
Ngày thứ ba: Suy tư đức tin về hoàn cảnh mục vụ, xin ơn hướng đạo.
Ngày thứ tư: Đáp ứng những thách đố mục vụ, xin ơn can đảm và quảng đại.
Ngày thứ năm: Tái cam kết dấn thân cho sứ vụ của Giáo Hội tại châu Á.
Ngày thứ sáu: Cử hành kỷ niệm 40 năm (1972-2012).
– Chủ đề và mục đích trên có ý nghĩa gì đối với Giáo Hội Việt Nam?
– Ý nghĩa lớn nhất, theo tôi, là sự hiệp thông. Đừng quên rằng cách đây 40 năm, khi Liên Hội đồng Giám mục Á châu được thành lập dưới thời Đức Phaolô VI, đã có hai giám mục Việt Nam có mặt trong sự kiện lịch sử ấy rồi. Nghĩa là Giáo hội Việt Nam đã tham gia từ đầu. Nhưng do hoàn cảnh thời cuộc, mối liên lạc của chúng ta với Liên Hội đồng đã bị gián đoạn một thời gian. Nay chúng ta có thể đón tiếp Liên Hội đồng tổ chức Hội nghị toàn thể tại đất nước mình, thì đó là dấu chỉ cụ thể cho sự hiệp thông trong Hội Thánh.
Trong sự hiệp thông ấy, chúng ta có thể học hỏi từ các Giáo hội chị em những kinh nghiệm, suy tư và sáng kiến mục vụ quý giá. Hầu hết các Giáo hội tại châu Á đều có chung những đặc điểm: (1) người công giáo chỉ là thiểu số trong đất nước mình (trừ Philippines và Timor Leste), (2) sống trong những đất nước giàu truyền thống văn hóa, (3) sống chung với các anh chị em thuộc các tôn giáo khác, (4) ngày nay đang phải đối diện với trào lưu thế tục và toàn cầu hóa. Vì thế, học hỏi những suy tư, kinh nghiệm và sáng kiến mục vụ từ các nước khác trong châu Á là điều cần thiết và hữu ích.
– Cuối cùng, Đức cha còn muốn nói thêm điều gì?
– Trong cuộc họp với Ban Tổ chức của Liên Hội đồng, chuẩn bị cho Hội nghị toàn thể, lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, các ngài tha thiết xin anh chị em tín hữu Việt Nam cầu nguyện cho Hội nghị. Cũng vì thế, trong Thư Mục vụ Năm Đức Tin, Hội đồng Giám mục Việt Nam xin chúng ta cầu nguyện cho Hội nghị thành cơ hội thúc đẩy sự hiệp thông và sứ vụ loan báo Tin Mừng tại châu Á. Tôi cũng xin được hiệp ý trong lời cầu xin ấy.
 
WHĐ

Ðức Thánh Cha chủ sự công nghị tấn phong 6 Hồng Y mới.

Ðức Thánh Cha chủ sự
công nghị tấn phong 6 Hồng Y mới


Vatican (Vat. 24-11-2012) - Sáng thứ bẩy, 24 tháng 11 năm 2012, 6 Hồng y mới thuộc 6 quốc gia đã được Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 tấn phong trong công nghị tại Ðền thờ Thánh Phêrô.
Ðây là lần thứ hai trong năm nay, Ðức Thánh Cha bổ nhiệm các Hồng Y mới. Lần đầu vào ngày 18 tháng 2 năm 2012, ngài tấn phong 22 hồng y mới trong đó có 10 vị thuộc các cơ quan trung ương Tòa Thánh.
Trong lần bổ nhiệm này, lần đầu tiên không có vị Hồng y nào người Ý và Âu Châu. Các vị người Mỹ, Ấn độ, Philippines, Nigeria, Liban và Colombia. Ðức Thánh Cha đã giải thích ly nghĩa công nghị này hôm 27 tháng 10 năm 2012, trong phiên họp cuối cùng của Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 13. Ðức Thánh Cha nói sở dĩ ngài tuyên bố triệu tập Công nghị vào ngày 24 tháng 11 năm nay (2012) để bổ nhiệm thêm 6 Hồng y mới "là để bổ túc cho công nghị ngày 18 tháng 2 năm nay (2012), trong bối cảnh tái truyền giảng Tin Mừng, với một cử chỉ nói lên tính chất hoàn vũ của Giáo Hội, chứng tỏ rằng Giáo Hội là Giáo Hội của mọi dân tộc, nói mọi ngôn ngữ, và luôn luôn là Giáo Hội của Lễ Hiện Xuống; không phải Giáo Hội của một đại lục, nhưng là Giáo Hội hoàn vũ."
Trong số 9 ngàn người hiện diện trong buổi lễ tấn phong có hơn 80 Hồng y, 60 Giám Mục và đông đảo thân nhân và tín hữu của các vị tiến chức.
Có 4 phái đoàn chính thức về dự lễ: phái đoàn Liban do vị Tổng thống là Tướng Michel Sleiman, hướng dẫn, cùng với phu nhân, đoàn tùy tùng và 500 người từ Liban đến dự lễ. Phái đoàn Philippines do Phó Tổng Thống Jejomar Binay và đoàn tùy tùng hướng dẫn, không kể hàng ngàn tín hữu Philippines trong và ngoài nước. Phái đoàn Ấn độ do giáo sư Kurien, Chủ tịch Quốc hội và đoàn tùy tùng. Phái đoàn Nigeria do Thượng nghị sĩ David Mark và đoàn tùy tùng hướng dẫn.
Huấn dụ
Trong bài huấn dụ sau bài Tin Mừng, Ðức Thánh Cha đã đặc biệt giải thích về đặc tính Công Giáo của Giáo Hội và sứ mạng của Hội Thánh. Giáo Hội là Công Giáo vì trong sứ mạng cứu độ, Chúa Kitô ôm trọn cả nhân loại. Tuy sứ mạng của Chúa Giêsu, trong cuộc sống trần thế, giới hạn vào dân tộc Do thái, vào những con chiên lạc của Nhà Israel (Mt 15,24), nhưng sứ mạng ấy ngay từ đầu đã nhắm mang lại cho tất cả mọi dân tộc ánh sáng Tin Mừng và đưa mọi dân tộc vào trong Nước Chúa... Rồi sau đó, Chúa Giêsu sai Giáo Hội của ngài không phải đến với một nhóm, nhưng là với toàn thể nhân loại, để tập họp họ lại trong đức tin, trong một dân tộc duy nhất để cứu độ họ, như Công đồng chung Vatican 2 đã biểu lộ rất rõ ràng trong Hiến chế tín lý Lumen gentium, Ánh sáng muôn dân: "Mọi người được kêu gọi gia nhập Dân mới của Thiên Chúa. Vì thế, dân tộc này là một và duy nhất, đồng thời phải mở rộng cho toàn thế giới, và cho mọi thế kỷ, để kế hoạch của ý Thiên Chúa được thành tựu" (n.13).
Sau khi giải thích ý nghĩa tính chất Công Giáo, đặc tính phổ quát của Giáo Hội, Ðức Thánh Cha áp dụng đặc tính này vào Hồng y đoàn:
"Cả Hồng y đoàn cũng được đặt trong đường hướng và viễn tượng hiệp nhất và phổ quát của Giáo Hội: Hồng y đoàn biểu lộ sự đa diện, vì diễn tả khuôn mặt của Giáo Hội phổ quát. Ðặc biệt qua công nghị này, tôi muốn nêu bật rằng Giáo Hội là Giáo Hội của tất cả mọi dân tộc, vì thế Giáo Hội được biểu lộ trong các nền văn hóa khác nhau của các đại lục. Ðó là Giáo Hội của Lễ Hiện Xuống, qua các tiếng nói khác nhau, cùng xướng lên bài ca hòa hợp duy nhất dâng lên Thiên Chúa hằng sống.
Ðức Thánh Cha chào thăm các phái đoàn chính thức của các nước, các Giám Mục, Linh Mục, tu sĩ giáo dân thuộc các cộng đoàn giáo phận và mọi người tham dự niềm vui của các tân thành viên Hồng y đoàn và ngài nói:
"Các tân Hồng y đại diện cho các giáo phận khác nhau trên thế giới, từ ngày hôm nay được liên kết với Giáo Hội Roma theo một danh nghĩa rất đặc biệt, và qua đó, củng cố các mối liên hệ tinh thần nối kết toàn thể Giáo Hội, được Chúa Kitô làm cho sống động, và được xiết chặt quanh Người Kế Vị Thánh Phêrô. Ðồng thời, nghi thức hôm nay diễn tả giá trị tột đỉnh của lòng trung thành. Thực vậy, Anh em đáng kính, trong lời tuyên thệ Anh em sắp làm, có ghi những lời đầy ý nghĩa sâu xa về tinh thần và về đặc tính Giáo Hội. "Tôi hứa và thề từ bây giờ và mãi mãi, bao lâu tôi còn sống, luôn trung thành với Chúa Kitô và Tin Mừng của Chúa, luôn vâng phục Hội Thánh Roma Tông Truyền". Và khi nhận mũ đỏ, anh em sẽ được nhắc nhở rằng mũ này có nghĩa là "Anh em phải sẵn sàng hành xử can đảm, đến độ đổ máu đào, để làm cho đức tin Kitô được tăng trưởng, để dân Chúa được yên hàn". Và nghi thức trao nhẫn có kèm theo lời nhắn nhủ: "Anh em hãy biết rằng với tình yêu mến vị Thủ lãnh các Tông Ðồ, tình yêu của anh em đối với Giáo Hội được củng cố".
Tiếp tục bài giảng, Ðức Thánh Cha nói với các Hồng Y rằng: "Ðó là điều mà ngày hôm nay anh em đảm nhận trong Giáo Hội, qua những cử chỉ và lời nói đi kèm ấy. Từ nay trở đi, anh em càng được liên kết chặt chẽ và thâm sâu hơn với Tòa Thánh Phêrô: các hiệu tòa nhà thờ ở Roma sẽ nhắc nhớ anh em mối liên hệ liên kết anh em, như những thành phần với danh nghĩa rất đặc biệt, với Giáo Hội Roma này, Giáo Hội chủ trì tình bác ái đại đồng. Ðặc biệt qua sự cộng tác của anh em với các cơ quan trung ương Tòa Thánh, anh em sẽ là những cộng sự viên quí giá của tôi, nhất là trong sứ vụ Tông Ðồ đối với toàn thể Giáo Hội Công Giáo, trong tư cách tôi là Mục Tử toàn thể đoàn chiên của Chúa Kitô và người đầu tiên đảm bảo đạo lý, kỷ luật và luân lý của Giáo Hội." Và Ðức Thánh Cha kết luận rằng: "Các bạn thân mến, chúng ta hãy chúc tụng Chúa, Ðấng không ngừng làm cho Giáo Hội của Ngài rải rác khắp nơi trên thế giới được các hồng ân phong phú" (Lời nguyện) và làm cho Giáo Hội được luôn tươi trẻ. Chúng ta hãy phó thác cho Chúa công tác phục vụ mới mẻ của các anh em đáng kính này dành cho Giáo Hội, để các vị có thể can đảm làm chứng về Chúa Kitô, trong niềm tin ngày càng tăng trưởng và và trong tình yêu không ngừng hy sinh".
Nghi thức tấn phong Hồng Y
Sau bài huấn dụ, Ðức Thánh Cha bắt đầu nghi thức tấn phong Hồng y mới. Ngài nói:
"Anh chị em rất thân mến, chúng tôi sắp thi hành một hành vi trọng đại và vui mừng trong thánh vụ của chúng tôi. Hành vi này có liên hệ trước tiên tới Giáo Hội tại Roma, nhưng cũng liên quan tới toàn thể cộng đồng Giáo Hội. Chúng tôi sắp gọi một số người anh em gia nhập Hồng Y đoàn, để các vị được hiệp nhất với Tòa thánh Phêrô bằng một mối dây bền chặt hơn, trở nên thành phần của hàng giáo sĩ Roma, và cộng tác mật thiết hơn với sứ vụ tông đồ của chúng tôi."
"Mang mặc phẩm phục màu đỏ, các vị Hồng Y phải là những chứng nhân can trường của Chúa Kitô và Phúc âm của ngài tại thành Roma cũng như tại những nơi xa xăm nhất. Vì vậy với quyền của Thiên Chúa toàn năng của các thánh Tông Ðồ Phêrô Phaolô và quyền của chúng tôi, chúng tôi tấn phong và long trọng tuyên bố các anh em chúng tôi sau đây là Hồng Y của Hội Thánh Roma."
Ðức Thánh Cha lần lượt xướng tên 6 Hồng Y:
1. James Michael Harvey, người Mỹ, Tổng Giám Mục hiệu tòa Menfi
2. Ðức Béchara Boutros Rai, Thượng Phụ giáo chủ Công Giáo Maronite, Liban
3. Ðức Baselios Cleemis Thottunkal, Tổng Giám Mục Trưởng Trivandrum, Giáo Chủ Công Giáo Siro-Malankara, Ấn Ðộ
4. Ðức Cha John Olorunfemi Onaiyekan, Tổng Giám Mục giáo phận Abuja, thủ đô Nigeria
5. Ðức Cha Rubén Salazar Gómez, Tổng Giám Mục giáo phận Bogotà, thủ đô Colombia
6. Ðức Cha Luis Antonio Tagle, Tổng Giám Mục giáo phận Manila, thủ đô Philippines.
Ðức Thánh Cha ấn định 1 vị tân Hồng y thuộc đẳng phó tế là Ðức Hồng Y James Harvey, Ðức Hồng Y Béchara Rai thuộc hàng Thượng Phụ và 4 vị còn lại là Hồng y thuộc đẳng Linh Mục.
Tiếp tục nghi thức, 6 tiến chức Hồng Y đã tuyên xưng đức tin và tuyên thệ trung thành với Chúa Kitô và Tin Mừng của Chúa, luôn luôn tuân phục Tòa Thánh và Thánh Phêrô nơi bản thân Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 và các đấng kế vị ngài được bầu lên hợp pháp; luôn bảo tồn bằng lời nói và hành động tình hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo; không bao giờ tiết lộ cho người nào những gì đã được ủy thác để gìn giữ, mà sự tiết lộ điều ấy có thể gây hại hoặc làm ô danh Hội Thánh; hết sức chuyên cần và trung tín thi hành các công tác được kêu gọi thi hành trong việc phục vụ Giáo Hội, theo các quy tắc luật định.
Kế đến, từng Hồng Y lần lượt tiến lên quì trước mặt Ðức Thánh Cha để ngài đội mũ đỏ Hồng Y, và khi trao nhẫn, ngài nói:
"Ðức Hồng Y hãy nhận chiếc nhẫn từ tay của Phêrô, và Ðức Hồng Y nên biết rằng do lòng yêu mến vị Thủ lãnh các thánh tông đồ mà lòng yêu mến Giáo hội được kiện cường".
Sau cùng Ðức Thánh Cha trao sắc chỉ về việc phong Hồng Y cũng như việc chỉ định tước hiệu thánh đường.
Sau khi lãnh mũ và sắc phong các Tân Hồng Y trao đổi cử chỉ bình an với Ðức Thánh Cha các vị đến chào các Hồng Y cũ rồi lên ngồi trên 6 chiếc ghế dành cho các vị phía tay trái của Ðức Thánh Cha, đối diện với hàng ghế của các Hồng Y cũ.
Nghi thức tấn phong các Hồng y mới kéo dài 1 tiếng đồng hồ và kết thúc với Kinh Lạy Cha và lời nguyện của Ðức Thánh Cha xin cho các tôi tớ Chúa là các tân Hồng Y khi kiên trì xây dựng Giáo Hội, chiếu tỏa rạng ngời với đức tin toàn vẹn và tâm trí tinh tuyền.
Trong số 6 Hồng y mới, vị trẻ nhất là Ðức Hồng Y Baselios Cleemis Thottunkal, Tổng Giám Mục trưởng Giáo Hội Siro Malankara, 53 tuổi; vị cao niên nhất là Ðức Hồng Y Béchara Boutros Rai, 72 tuổi (1940), Thượng Phụ Giáo Chủ Công Giáo Maronite, Liban.
Với việc tấn phong trên đây, Hồng y đoàn có 211 vị thuộc 66 quốc gia, gồm 117 vị người Âu, 55 vị Mỹ châu, 20 vị Á châu, 18 vị Phi châu và 1 vị Úc châu. Tổng cộng có 91 vị trên 80 tuổi và 120 dưới 80 tuổi.

G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)