label

Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

Các Giáo hội nhỏ tại Á châu mang đến nhiều bài học cho Đại hội toàn thể FABC


Các Giáo hội nhỏ tại Á châu mang đến nhiều bài học cho Đại hội toàn thể FABC
WHĐ (16.12.2012) – Ngày thứ hai của Đại hội toàn thể lần thứ X của Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) thật đặc biệt thú vị và có nhiều thông tin cho các giám mục lần đầu tiên tham dự một sự kiện như thế, bởi vì Đại hội cho các ngài có dịp tìm hiểu về các Giáo hội khác của châu Á.
Trong phiên họp ngày 12-12, khi trả lời cho Tài liệu làm việc của Đại hội “Đáp ứng những thách đố của châu Á: Tân Phúc âm hóa”, các giám mục này đã mô tả các Giáo hội địa phương, nơi các ngài đang phục vụ.
Trong số các giám mục này có những vị thuộc các Hội đồng Giám mục là thành viên chính thức của FABC, những vị khác thuộc các Giáo hội địa phương nhỏ chưa có Hội đồng Giám mục, nên chỉ là thành viên liên kết của FABC.
Timor Leste, vừa trở thành thành viên chính thức mới nhất trong năm nay, có đại diện là Đức giám mục Norberto do Amaral, giám mục giáo phận Maliana, giáo phận mới nhất của Timor Leste. Đây là lần đầu tiên ngài tham dự một Đại hội toàn thể của FABC. Timor Leste là một trong những nước nhỏ nhất trong FABC – rộng gần 15.000 km vuông với số dân khoảng một triệu. Nhưng Đức giám mục Amaral cho biết đây là quốc gia Công giáo nhất châu Á bởi vì “98% dân số là người Công giáo”. Người Tin Lành chiếm một phần trăm và người Hồi giáo ít hơn một phần trăm.
Turkmenistan, một nước cộng hòa Trung Á, lại có một thực tế khác. Số người Công giáo tại đây là ít nhất trong các nước gia nhập FABC. Đây là một “vùng truyền giáo tự trị”, một cơ cấu dành cho một Giáo hội mới thành lập hoặc một Giáo hội rất nhỏ. Theo cha Andrzei Madej người Ba Lan, thuộc Dòng Hiến sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm (OMI), là lãnh đạo Giáo hội tại đây từ năm 1992, Giáo hội tại Turkmenistan phục vụ khoảng 150 người Công giáo, gồm các nhà ngoại giao và một số người lao động nước ngoài đến từ Philippines. Tuy nhiên, ngài nói thêm, “Giáo hội của chúng tôi đang phát triển vì mỗi năm chúng tôi thường có thêm hai người Công giáo trong quốc gia có 5 triệu người này”.
Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan, các quốc gia Trung Á khác là thành viên liên kết của FABC, đã giảm sút số người Công giáo do cuộc di cư của các sắc dân trở về Đức, Nga và Ba Lan. Chẳng hạn, Tajikistan đã từng có hàng ngàn người Công giáo, chủ yếu là dân tộc Đức, nhưng bây giờ chỉ còn 326 người Công giáo trong tổng số dân 7,1 triệu.
Ở Kazakhstan, một nước cộng hòa Trung Á khác đã trở thành thành viên chính thức của FABC vào năm 2008, tình hình lại khác. Đức Tổng giám mục Tomasz Peta Chủ tịch Hội đồng Giám mục Kazakhstan cho biết Kazakhstan có 150.000 người Công giáo sống rải rác khắp bốn giáo phận. Trong một cuộc phỏng vấn, Đức giám mục Jose Luis Mumbiel nói rằng giáo phận Chúa Ba Ngôi của ngài có 30.000 người Công giáo nhưng chỉ có 3.000 người tham dự Thánh lễ Chúa Nhật. “Chúng tôi đang cố gắng tìm cách khuyến khích nhiều người tham dự Thánh lễ. Chúng tôi hy vọng sẽ thành lập thêm các giáo xứ để mọi người có thể dễ dàng tham dự”.
Mông Cổ, một thành viên liên kết khác của FABC, được đặt là “vùng truyền giáo tự trị” từ năm 1922, nhưng Giáo hội ở đây chỉ thực sự hoạt động cách nay 20 năm. Lãnh đạo Giáo hội này là Đức giám mục Wenceslao Padilla, người Philippines thuộc Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ, cho biết khi ngài đến đây vào năm 1992, Mông Cổ không có người Công giáo, nhưng sau đó đã trở thành Hạt Phủ doãn Tông tòa Ulaanbaatar và hiện nay có 850 người Công giáo.
Đức giám mục Padilla nói: “Trong số 850 người Công giáo này, khoảng 19% không còn đến nhà thờ và nhiều người đã trở lại với tôn giáo cũ của họ. Đây là mối quan tâm của chúng tôi và chúng tôi cần có những chương trình mới cho những người tân tòng”.
Tại một số nơi ở Nam Á, người Công giáo chiếm khoảng 1% hoặc ít hơn trong tổng số dân. Chẳng hạn ở Nepal, nơi Đức giám mục dòng Tên Antonio Francis Sharma là Ðại diện Tông Tòa. Ngài nói rằng Nepal có gần 8.000 người Công giáo trong tổng số dân 27,5 triệu người, nhưng các trường học do Giáo hội điều hành đang có hơn 23.000 trẻ em theo học, và 99,9% trong số đó là người không Công giáo.
Ở khu vực Đông Á, người Công giáo chiếm ít hơn một phần trăm dân số tại Nhật Bản và Trung Hoa đại lục, nhưng gần 9% dân số trong tổng số 50 triệu dân của của Hàn Quốc là người Công giáo.
Qua tất cả các mô tả trên đây, có một thông điệp rõ ràng là một Giáo hội địa phương dù lớn hay nhỏ, các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân Công giáo đều làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô và loan báo Tin Mừng bằng cách không ngừng đối thoại với những người thuộc các tôn giáo khác, với nền văn hóa bản địa và với người nghèo.
(Theo fabc.org)
 
Huy Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét