label

Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012




Đức Thánh Cha phê bình những trào lưu làm biến thái các quyền con người

VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 phê bình những trào lưu hạ giá con người và làm biến thái các quyền con người.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 3-12-2012, dành cho 40 tham dự viên khóa họp toàn thể của Hội đồng Tòa Thánh công lý và hòa bình đang tiến hành tại Roma từ ngày 3 đến 5-12-2012 này dưới quyền chủ tọa của ĐHY Chủ tịch Peter Turkson, người Ghana.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, ĐTC đề cao giáo huấn xã hội của Hội Thánh như là một điều thuộc về sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội và vì thế cũng cần phải coi trọng đạo lý này đối với công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng. Ngài nói: ”Khi đón nhận Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người trong đời sống bản thân, và cả trong các quan hệ xã hội, chúng ta trở thành những người mang một nhân sinh quan cũng như quan niệm về phẩm giá, tự do, đặc tính liên chủ thể của con người, được ghi đậm với chiều kích siêu việt theo chiều ngang cũng như chiều dọc... Nền tảng và ý nghĩa của các quyền lợi của con người cũng tùy thuộc một nền nhân loại học toàn diện.”

ĐTC giải thích rằng, trong viễn tượng đó, ”các quyền lợi và nghĩa vụ của con người không phải chỉ có một nền tảng duy nhất là ý thức xã hội của các dân tộc, nhưng trước tiên chúng tùy thuộc luật luân lý tự nhiên, được Thiên Chúa ghi khắc trong lương tâm mỗi người, vì thế xét cho cùng, chúng tùy thuộc sự thật về con người và về xã hội”.

Trong bài huấn dụ, ĐTC cũng nhận xét rằng tuy việc bảo vệ các quyền con người đã đạt được những tiến bộ lớn trong thời đại ngày nay, nhưng nền văn hóa hiện thời, chịu ảnh hưởng của cá nhân chủ nghĩa duy lợi ích và một thứ chủ thuyết duy kinh tế do các chuyên gia điều khiển; chúng có xu hướng làm giảm giá trị con người. Con người được quan niệm như một hữu thể ”lỏng” (fluido), không có thực chất trường kỳ. Tuy con người chìm đắm trong một mạng vô biên các quan hệ và thông tin, nhưng điều nghịch lý là con người ngày nay là một hữu thể bị cô lập, lẻ loi, vì dửng dưng đối với quan hệ cấu thành hữu thể người, vốn là căn cội của mọi quan hệ khác, quan hệ cấu thành ấy là quan hệ với Thiên Chúa. Con người ngày nay chủ yếu chỉ được xét dưới khía cạnh sinh học hoặc như một ”tư bản nhân sự”, một ”nguồn lực” trong một hệ thống sản xuất và tài chánh đứng trên nó.”

Trong chiều hướng đó, ĐTC tố giác rằng ”Một đàng ngừơi ta tiếp tục tuyên xưng phẩm giá con người, nhưng đàng khác, các ý thức hệ mới - như ý thức hệ duy lạc thú và ích kỷ về các quyền tính dục và quyền sinh sản, hoặc ý thức hệ của một chủ thuyết duy tư bản tài chánh luật rừng, đè nặng trên chính trị và làm biến thái cơ cấu kinh tế thực sự. Chúng góp phần coi công nhân viên và lao công của họ như những thiện ích hạng nhỏ, và làm băng hoại những nền tảng tự nhiên của xã hội như gia đình”.

Sau cùng, ĐTC cổ võ lập trường đã được Đức chân phước Giáo Hoàng Gioan 23 đề ra, đề nghị thành lập một thẩm quyền quốc tế trong lãnh vực kinh tế, kiến tạo một cộng đồng thế giới, với một thẩm quyền tương ứng, được hướng dẫn nhờ tình thương yêu đối với công ích của gia đình nhân loại”.

Vấn đề này cũng là chủ đề khóa họp hiện nay của Hội Đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình. Trong số các tham dự viên có có 6 HY, 6 GM và 8 giáo dân thành viên của Hội đồng.

Trong ngày họp đầu tiên các tham dự viên đã nghe Đức Cha Mario Toso, dòng Don Bosco, tường trình về hoạt động của Hội đồng trong thời gian qua.

Trong những ngày kế tiếp, các tham dự viên đặc biệt bàn về đề tài quyền bính chính trị và quyền tài phán hoàn cầu trong viễn tượng kinh tế. Đây là điều các vị Giáo Hoàng gần đây vẫn cổ võ (SD 3-12-2012)

G. Trần Đức Anh OP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét