label

Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

Tòa Thánh chào mừng kết quả cuộc bỏ phiếu của Liên Hiệp Quốc về Palestine.

Tòa Thánh chào mừng
kết quả cuộc bỏ phiếu
của Liên Hiệp Quốc về Palestine


Vatican (Vat. 30-11-2012) - Tòa Thánh chào mừng kết quả cuộc bỏ phiếu của Liên Hiệp Quốc chấp nhận Palestine là quốc gia quan sát viên, nhưng đồng thời kêu gọi Israel và Palestine tái thương thuyết để giải quyết tận gốc vấn đề.
Trong cuộc bỏ phiếu hôm 29 tháng 11 năm 2012 tại Liên Hiệp Quốc, có 138 nước ủng hộ nghị quyết cho Palestine trở thành quốc gia quan sát viên, 41 nước bỏ phiếu trắng, và 9 nước bỏ phiếu chống trong đó có Israel, Hoa Kỳ, và Tiệp...
Trong tuyên ngôn công bố tối ngày 29 tháng 11 năm 2012 Tòa Thánh khẳng định rằng "Cuộc bỏ phiếu này phải được đặt trong khuôn khổ những cố gắng tìm một giải pháp chung kết, với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cho vấn đề đã được đề cập đến trong nghị quyết số 181 ngày 29 tháng 11 năm 1947 của Ðại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Nghị quyết đó đã đặt căn bản pháp lý cho sự hiện hữu của 2 quốc gia. Một nước đã được thành hình, một nước khác chưa được thành lập mặc dù 65 năm đã trôi qua từ ngày ấy.
Theo Tòa Thánh, cuộc bỏ phiếu ngày 29 tháng 11 năm 2012 diễn tả tâm tình của đa số các thành phần của cộng đồng quốc tế và mang lại cho người Palestine một sự hiện diện ý nghĩa hơn tại Liên Hiệp Quốc. Ðồng thời Tòa Thánh xác tín rằng kết quả đó, tự nó không phải là một giải pháp đầy đủ cho các vấn đề trong vùng. Thực vậy, để đáp ứng thích đáng, cần phải quyết liệt dấn thân hỗ trợ việc xây dựng hòa bình và sự ổn định trong công lý và trong sự tôn trọng các khát vọng hợp pháp của người Israel cũng như của người Palestine".
Vì những lý do trên đây, Tòa Thánh đã nhiều lần mời gọi các vị lãnh đạo hai dân tộc hãy mở lại các cuộc thương thuyết trong sự thành tâm, và tránh có những hành động hoặc đặt điều kiện trái ngược với những tuyên ngôn thiện chí và sự chân thành tìm kiếm những giải pháp bằng cách cống hiến những nền tảng vững chắc cho một nền hòa bình lâu bền. Ngoài ra, Tòa Thánh tha thiết kêu gọi Cộng đồng quốc tế gia tăng dấn thân và khích lệ óc sáng tạo, để đưa ra những sáng kiến giúp thiết lập một nền hòa bình lâu dài, trong sự tôn trọng các quyền của người Israel và Palestine. Hòa bình cần những quyết định can đảm!"
Sau cùng, thông cáo cho biết "Tòa Thánh chào mừng quyết định của Ðại hội đồng Liên Hiệp Quốc cho Palestine thành một quốc gia quan sát viên không phải là thành viên của Liên Hiệp Quốc. Ðây là cơ hội thuận tiện để nhắc lại lập trường chung đã được Tòa Thánh và tổ chức giải phóng Palestine bày tỏ trong hiệp định cơ bản ngày 15 tháng 2 năm 2000, ủng hộ việc nhìn nhận một quy chế đặc biệt được quốc tế bảo đảm cho thành Jerusalem, với mục đích bảo tồn tự do tôn giáo và lương tâm, căn tính và đặc tính của Jerusalem như một Thành Thánh, cũng như sự tôn trọng các Nơi Thánh tại đó và sự lui tới các nơi này.
Israel và Hoa Kỳ cho rằng việc Liên Hiệp Quốc chấp nhận Palestine là một chướng ngại cản trở tiến trình hòa bình tại Trung Ðông thay vì đẩy mạnh. Tuy nhiên, kết quả cuộc bỏ phiếu cho thấy Israel và Hoa Kỳ càng bị cô lập trên trường quốc tế về vấn đề này.
Phía Israel cũng khó chịu về lời kêu gọi của Tòa Thánh mong muốn một qui chế đặc biệt cho thành Jerusalem có quốc tế bảo đảm. Báo chí Israel đã nhiều lần mạnh mẽ phê bình lập trường này của tòa Thánh.
Cho đến nay Tòa Thánh cũng như quốc tế không nhìn nhận chủ quyền của Israel trên khu vực đông Jerusalem mà Israel xáp nhập sau cuộc chiến 6 ngày hồi năm 1967.

G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét