label

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Đức Tổng giám mục Hàn Đại Huy nhận định về Trung Quốc và Giáo hội Trung Quốc



Đức Tổng giám mục Hàn Đại Huy
nhận định về Trung Quốc và Giáo hội Trung Quốc
Trong Hội nghị toàn thể lần X của Liên Hội đồng Giám mục Á châu mới diễn ra tại Xuân Lộc (10-16/12/2012), sự hiện diện của Đức TGM Hàn Đại Huy là sự hiện diện được chờ đợi, vì ngài là Tổng thư ký Bộ Truyền Giảng Tin Mừng cho Các Dân Tộc, quen gọi là Bộ Truyền Giáo. Do bận rộn công tác, ngài chỉ có thể có mặt sau khi Hội nghị được tiến hành hai ngày, tuy nhiên ngài đã ở lại cho đến khi kết thúc. Ngay sau Thánh Lễ bế mạc và bữa tiệc kết thúc hội nghị tại Sài Gòn, ngài vội vã lên đường trở về Rôma.
Trong cuộc gặp gỡ các giám mục Á châu tại Hội nghị, Đức TGM Hàn Đại Huy đã có bài nói chuyện rất đáng quan tâm. Mở đầu bài nói chuyện, vị giám mục gốc Hong Kong đã chia sẻ rằng ngài có thể ngỏ lời với nhiều tư cách, tuy nhiên “lần này, tôi muốn ngỏ lời với anh em trong tư cách một giám mục đến từ Trung Quốc”. Rồi vị giám mục đến từ Trung Quốc đưa ra những nhận định về đất nước Trung Quốc và về Giáo hội công giáo tại Trung Quốc.
1. Ngôi làng của những chú ngựa vằn
Nói về Trung Quốc, ngài mượn một câu chuyện của Trương Duy Nghênh, nhà kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, giải thích về những cải cách ở Trung Quốc. Chuyện kể rằng trong một ngôi làng kia, cư dân vốn quen thuộc với việc dùng ngựa để vận chuyển hàng hóa. Nhưng ở ngôi làng bên cạnh, người ta lại dùng ngựa vằn. Các vị lão thành trong làng không ngừng đề cao giống ngựa của mình và chê bai giống ngựa vằn là hoang dã. Thế nhưng sau nhiều năm, họ phải nhìn nhận rằng loại ngựa vằn khỏe hơn và có ích hơn, và họ quyết định là phải dùng loại ngựa vằn này. Điều khó khăn là đã bao nhiêu năm đề cao giống ngựa cũ, dân chúng đã được “tẩy não” rồi, bây giờ làm sao thuyết phục người ta dùng ngựa vằn? Các vị lão thành bèn nghĩ ra một kế hoạch tinh vi, ấy là hằng đêm, khi dân chúng đang say ngủ, họ lấy sơn vẽ những vòng lên một số con ngựa. Khi dân chúng thức giấc và ngỡ ngàng thấy có những con quái vật xuất hiện trong làng, các vị lão thành mới trấn an họ rằng đây không phải là ngựa vằn mà chỉ là những con ngựa cũ được trang trí bằng ít hình vẽ thôi. Rồi dân chúng dần dần quen với những con ngựa được trang trí lạ mắt. Và sau “thời kỳ quá độ”, các nhà lãnh đạo bắt đầu thay giống ngựa cũ bằng loại ngựa vằn. Loại ngựa này đã làm thay đổi hẳn đời sống của dân làng vì nó sản xuất nhiều hơn và tạo sự phồn thịnh cho dân làng.
Ta vẫn kiên quyết tiến lên chủ nghĩa xã hội đấy chứ vì chủ nghĩa xã hội vạn lần văn minh hơn chủ nghĩa tư bản. Cho dù ta có chủ trương kinh tế thị trường đi nữa thì đó là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Còn hỏi rằng “theo định hướng xã hội chủ nghĩa” là gì thì chuyện đó để sau sẽ bàn! Ý của Trương Duy Nghênh là thế, nhưng Đức cha Hàn Đại Huy muốn mượn câu chuyện này để trình bày những suy nghĩ khác về Trung Quốc. Ngài nói: “Với sự cải cách về kinh tế, Trung Quốc đã trở thành người khổng lồ. Những sản phẩm mang nhãn hiệu “made in China” đã có mặt khắp nơi: cửa hàng, nhà ở, văn phòng. Ngày nay nhãn hiệu đó cho thấy sự trỗi dậy của một quyền lực kinh tế không thuộc phương Tây, và quyền lực ấy dứt khoát đóng một vai trò trong việc định hình trật tự thế giới hiện hành. Thật vậy, Trung Quốc đã đem mô hình tăng trưởng của mình đi khắp nơi: châu Phi, châu Mỹ La Tinh, Trung Á, kể cả Trung Đông. Việc giới thiệu ấy bao gồm nhiều dự án lớn, từ những công trình xây dựng lớn đến cầu đường cũng như phát triển đường hàng hải. Ở mức độ nào đó, thế giới bắt đầu bị định hình theo cái gọi là “made in China”. Trước đây người ta loan báo là sẽ đến giai đoạn “phổ quát hóa nền dân chủ tự do của phương Tây”, nhưng nay điều đó không còn là chọn lựa duy nhất”.
“Sự tăng trưởng bằng mọi giá đã được Đặng Tiểu Bình thúc đẩy bằng câu nói nổi tiếng: “Mèo đen hay mèo trắng không quan trọng. Điều quan trọng là nó bắt chuột”. Do đó tăng trưởng kinh tế là điều đi trước mọi thứ ý thức hệ. Thế nhưng sự thành công của cải cách kinh tế cũng mang theo nó nhiều vấn đề nghiêm trọng. Vấn đề không chỉ là sự tàn phá môi trường mà còn là sự tàn phá những giá trị tinh thần truyền thống, chẳng hạn như những gì Khổng Tử dạy: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân – Điều ta không muốn thì đừng làm cho người khác”. Cuối cùng ra, màu sắc của con mèo có thật sự là không đáng quan tâm? Nếu Trung Quốc muốn định hình thế giới, thì cái gì sẽ định hình Trung Quốc?”
Và Đức cha Hàn Đại Huy nói tiếp: “Là người Kitô hữu, chúng ta có câu trả lời trong Đức Kitô. Cậu bé Đaniel đã giải thích giấc mơ của vua Nabuchodonosor về một pho tượng khổng lồ như sau: “Đầu pho tượng ấy bằng vàng ròng, ngực và hai cánh tay bằng bạc, bụng và hai bắp chân bằng đồng, hai bàn chân nửa sắt nửa sành. Ngài đang mải nhìn thì bỗng có một tảng đá tách ra, dù không có bàn tay nào đụng tới, nó đập vào pho tượng trúng hai chân nửa sắt nửa sành khiến hai bàn chân vỡ tan ra. Bấy giờ tất cả cùng vỡ tan…” (Đaniel 2, 31-35). Theo giải thích của các giáo phụ, tảng đá không do con người làm ra ấy là biểu tượng báo trước Ngôi Lời nhập thể. Tôi tin rằng sớm hay muộn, chính Đức Kitô sẽ định hình Trung Quốc”.
2. Tự do tôn giáo và Coca-cola
Nói đến tình hình Giáo hội công giáo tại Trung Quốc, Đức cha Hàn Đại Huy không dùng ẩn dụ nhưng vận dụng chuyện có thật, chuyện của hãng Coca-cola. Đó là hãng giải khát có tầm vóc toàn cầu, sản phẩm có mặt khắp nơi trên thế giới. Để bảo đảm chất lượng sản phẩm, người lãnh đạo phái các nhà quản lý của hãng đến mọi chi nhánh, làm đúng như yêu cầu của hãng, nhờ đó người tiêu thụ dù ở bất cứ đâu vẫn có thể tin tưởng vào chất lượng sản phẩm.
Từ sự kiện này, Đức cha Hàn Đại Huy cho biết: “Về tự do tôn giáo ở Trung Quốc, bạn có thể chọn tôn giáo bạn thích, nhưng cuối cùng ra, người quyết định chất lượng sản phẩm là Đảng Cộng sản. Để bảo đảm điều đó, Đảng cũng phái các nhà quản lý đến các nơi để điều hành. Điều này đang xảy ra trong trường hợp các giám mục bất hợp pháp tại Trung Quốc”.
Vấn đề bắt đầu rõ ra và câu hỏi xuất hiện: “Tại sao ở Trung Quốc lại xảy ra việc phong chức giám mục bất hợp pháp?” Hãy bắt đầu bằng việc chọn ứng viên giám mục. Theo Đức cha Tổng thư ký Bộ Truyền Giáo, “Việc tuyển chọn này hoàn toàn do chính quyền kiểm soát và thao túng. Bản tường trình việc tuyển chọn sẽ được gửi đến Bắc Kinh để xin sự chấp thuận của cái gọi là Hội đồng Giám mục Trung Quốc (không được Tòa Thánh Vatican nhìn nhận). Đôi khi bản tường trình ấy cũng được gửi đến Vatican để xin Đức Thánh Cha chuẩn nhận. Thế nhưng dù Đức Thánh Cha có nhận hay không, thì Ủy ban yêu nước và cái gọi là Hội đồng Giám mục (HĐGM) sẽ chuẩn nhận với sự đồng ý của chính quyền. Nếu ứng viên được Đức Thánh Cha chuẩn nhận thì tiến hành phong chức cách hợp pháp, còn nếu không được chuẩn nhận thì người ta làm cách bất hợp pháp”.
“Trong trường hợp phong chức bất hợp pháp, một số đông các viên chức và công an được huy động để ép buộc các giám mục hợp pháp tham dự và bảo đảm nghi lễ diễn ra đúng đắn. Khi đối diện với thông tư mạnh mẽ của Vatican, Trung Quốc phi bác quyết liệt và củng cố lập trường tự bầu cử, tự phong chức. Những giám mục và linh mục nào vâng phục chính quyền thì được hậu đãi, còn những ai trung thành với Đức giáo hoàng sẽ bị nghiêm trị”.
“Chính quyền và cái gọi là HĐGM muốn làm mờ đi ranh giới giữa các giám mục hợp pháp và giám mục bất hợp pháp, bằng cách bảo đảm rằng chỉ có các giám mục hợp pháp mới được chủ trì và tham dự vào việc phong chức bất hợp pháp, và ngược lại, các giám mục bất hợp pháp thì lại có mặt trong những lần phong chức hợp pháp. Bằng cách đó, họ làm mờ nhạt đi những quy định của giáo luật về việc phong chức hợp pháp, đồng thời cố gắng làm cho những lần phong chức bất hợp pháp trở thành hợp pháp trước mắt mọi người. Chính quyền chấp nhận để cho một vài giám mục xin Đức giáo hoàng tha thứ, đang khi đó lại ém nhẹm trước công luận việc những giám mục ăn năn sám hối và xin Đức giáo hoàng tha tội. Điều gây phiền toái hơn nữa là Hội Công giáo Yêu nước cố gắng vận động sự ủng hộ từ những cộng đoàn công giáo ở ngoài Trung Quốc, bằng cách tạo điều kiện cho “những nhà truyền giáo nước ngoài” đến làm việc cho Trung Quốc, cả trong nước lẫn ở ngoài”.
Đức cha Hàn Đại Huy cho biết thêm: “Hội Công giáo Yêu nước còn tổ chức việc phong chức linh mục do các giám mục bất hợp pháp và bị vạ tuyệt thông chủ sự, làm như thế để trộn lẫn cái sai với cái đúng, cái thật với cái giả. Hậu quả là các tín hữu đâm ra mơ hồ, bực bội và chia rẽ nhau. Nếu tình hình này còn tiếp tục thì sớm hay muộn, cộng đồng công giáo sẽ mất đi tính khả tín trong việc Phúc âm hóa. Tuy nhiên điều đó lại phục vụ cho những mục tiêu của chính quyền, vốn dành nhiều nhân lực và tài lực để duy trì sự kiểm soát đối với Giáo hội. Thực sự là Đảng khó lòng đảo ngược hay làm chậm lại hệ thống này. Ít ra đây cũng là điều mà nhiều người công giáo nghĩ, phát xuất từ thực tế là cái gọi là HĐGM đang nắm quyền về tài sản của Giáo hội. Người ta sẽ không chịu mất quyền kiểm soát đối với những gì họ đang có khi mà những tài sản đó đem lại lợi nhuận lớn lao cho họ”.
Trước tình hình có vẻ bi đát đó, câu hỏi đặt ra là “Liệu chính quyền có thể kiểm soát mọi sự?” Đức cha Hàn Đại Huy trả lời ngay: “Không, nếu chính người công giáo không muốn như thế”. Rồi ngài đưa ra trường hợp của Đức cha Tađêô Mã Đạt Khâm, giám mục phụ tá Thượng Hải, được nhiều người trên thế giới biết đến vì lập trường rõ ràng và minh bạch đối với Nhà nước. Đức cha Hàn Đại Huy cũng ước mong Liên Hội đồng Giám mục Á Châu sẽ nâng đỡ và khích lệ vị giám mục phụ tá Thượng Hải cũng như các tín hữu công giáo tại Trung Quốc.
***
Khi ngỏ lời trong hội nghị, Đức TGM Hàn Đại Huy đã chọn lựa tư thế là một giám mục Trung Quốc để chia sẻ với anh em giám mục Á châu. Khi đến thăm các nữ tu Nhà Kín Cát Minh ở Sài Gòn, ngài xin các chị cầu nguyện cho ba điều: việc truyền giáo, ơn gọi, và Trung Quốc. Tất cả cho thấy ngài nặng lòng với đất nước Trung Hoa và Giáo hội tại đây. Vì yêu nước nên băn khoăn thao thức với tiền đồ của dân tộc, với hạnh phúc đích thực của người dân. Lòng yêu nước ấy lại được đức tin thúc đẩy và soi sáng nên ngài mạnh mẽ khẳng định: “Sớm hay muộn, chính Đức Kitô sẽ định hình Trung Quốc”. Không lạ gì bài nói chuyện của ngài đã tạo được sự đồng cảm sâu sắc nơi các giám mục hiện diện và được nhắc đến nhiều bên lề hội nghị. Cũng hi vọng rằng không chỉ có Đức cha Hàn Đại Huy, cũng không chỉ có Đức cha phụ tá Thượng Hải mới có lập trường này, nhưng nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân Trung Hoa cũng đồng quan điểm. Trong tác động của ân sủng, sự đồng cảm ấy sẽ là chất men xúc tác để tạo sức sống mới cho Giáo hội công giáo tại đất nước đông dân nhất thế giới.
 
Thiên Triệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét