Tóm lược các diễn tiến trong tuần đầu tiên của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình
Các
tiêu đề giật gân như “Đức Giáo Hoàng đơn giản quá trình kết thúc một
cuộc hôn nhân”, “Tiến trình cải cách của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho
phép một cuộc hôn nhân được kết thúc trong 45 ngày”, “Đức Giáo Hoàng
Phanxicô tạo thuận lợi và giảm chi phí kết thúc một cuộc hôn nhân trong
Giáo Hội” đã bùng lên sau những động thái gần đây của Đức Thánh Cha
Phanxicô trong việc cải cách quy trình tuyên bố hôn nhân vô hiệu và
những điều khoản đặc biệt liên quan đến việc xưng tội trong Năm Thánh
Lòng Thương Xót.
Tiếp
tục trào lưu tung tin giật gân như vậy, truyền thông thế tục thi nhau
đồn đoán đủ thứ về những gì sẽ xảy ra trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về
Gia Đình dưới triều đại của vị Giáo Hoàng “Tôi là ai mà phán xét người
ta”.
Nhưng,
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng là vị Giáo Hoàng của những ngạc nhiên. Khác
xa với những dự đoán của nhiều cơ quan truyền thông thế tục, sáng Chúa
Nhật 04 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khai mạc Thượng Hội Đồng
Giám Mục về Gia Đình với một bài giảng trong đó ngài hùng hồn kêu gọi
bảo vệ hôn nhân truyền thống giữa một người nam và một người nữ và lên
án sự suy giảm hôn nhân:
“Người
ta càng ngày càng thiếu nghiêm túc trong việc xây dựng một mối quan hệ
yêu thương vững chắc và sinh hoa kết quả: khi thịnh vượng cũng như lúc
gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu. Tình yêu lâu dài, trung
tín, tận tâm, ổn định và sinh hoa kết quả ngày càng bị đánh giá thấp,
xem như là một di tích cổ kính thời xa xưa. Có vẻ như người ta cho rằng
xã hội tiên tiến nhất chính là xã hội có sinh suất thấp nhất và có tỷ lệ
phá thai, ly dị, tự tử, và ô nhiễm môi trường cao nhất.”
Đức
Thánh Cha khẳng định kế hoạch của Thiên Chúa cho kỳ công sáng tạo yêu
quý của Ngài là “thấy nó thành toàn trong sự kết hiệp yêu thương giữa
một người nam và một người nữ, khi họ vui mừng trong cuộc hành trình
được chia sẻ với nhau, sinh hoa kết quả trong món quà trao tặng cho nhau
là chính mình. Đó cũng là kế hoạch Chúa Giêsu trình bày trong Tin Mừng
hôm nay: ‘Từ lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con
người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với
vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là
hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.’ (Mc 10: 6-8; x. St 1:27; 2:24) “
Ngài
nhấn mạnh rằng Giáo Hội được mời gọi để thực hiện sứ mệnh của mình
trong sự thật, không đổi thay theo thị hiếu chóng qua hay theo những ý
kiến thời thượng nhằm “bảo vệ mỗi cá nhân và toàn thể nhân loại khỏi cám
dỗ tự quy hướng về mình như là trung tâm, cũng như cám dỗ biến tình yêu
sinh hoa kết quả thành thói ích kỷ vô sinh, và biến sự kết hiệp trung
tín thành một hình thái kết hợp tạm thời.”
Tuy
nhiên, Đức Thánh Cha cũng không quên nhấn mạnh rằng “Giáo Hội được mời
gọi để thực hiện sứ mệnh của mình trong tình bác ái, không chỉ trỏ kết
án người khác, nhưng – trung thành với bản chất của một người mẹ - ý
thức về nhiệm vụ của mình là tìm kiếm và chăm sóc cho các cặp vợ chồng
với dầu chấp nhận và thương xót… để bao gồm họ và dẫn họ đến suối nguồn
của ơn cứu rỗi.”
Trong
phiên khoáng đại đầu tiên diễn ra một ngày sau đó, Đức Thánh Cha nói
với Giám Mục rằng “Thượng Hội Đồng Giám Mục không phải là một nghị viện
nơi mà để đạt tới sự đồng thuận hoặc thỏa hiệp chung, người ta thương
thuyết với nhau, kết ước với nhau hoặc nhượng bộ nhau, nhưng phương pháp
duy nhất của Thượng Hội Đồng Giám Mục là cởi mở đối với Chúa Thánh Linh
với lòng can đảm tông đồ, với lòng khiêm tốn theo tinh thần Phúc Âm, và
với lời cầu nguyện tín thác, để chính Chúa hướng dẫn chúng ta, soi sáng
và đặt trước mắt chúng ta, không phải những ý kiến cá nhân, nhưng là
niềm tin nơi Thiên Chúa, lòng trung thành với Huấn quyền Hội Thánh,
thiện ích của Giáo Hội và phần rỗi các linh hồn” và cảnh báo các nghị
phụ “không để cho mình sợ hãi đứng trước những cám dỗ của thế giới,
không dập tắt nơi tâm hồn con người ánh sáng chân lý, thay thế nó bằng
những tia sáng bé nhỏ và nhất thời, và càng không sợ hãi đứng trước con
tim chai đá của một số người, tuy có thiện ý, nhưng làm cho người người
xa lìa Thiên Chúa”.
Cũng
trong phiên khoáng đại đầu tiên, Đức Hồng Y Péter Erdő, là tổng tường
trình viên cũng đưa ra một diễn văn khẳng định một lập trường dứt khoát
trên những chủ đề như đồng tính luyến ái, ly dị, và ngừa thai. Trong
diễn văn dài 7,000 từ của mình, Đức Hồng Y nhận xét rằng có nhiều lực
lượng tiêu cực đang chống đối với gia đình ngày nay, bao gồm nghèo đói,
chiến tranh, và biến đổi khí hậu, thuyết tương đối về đạo đức và chủ
nghĩa cá nhân.
Đức
Hồng Y Erdő khẳng định thêm là nhân phẩm của tất cả mọi người phải được
tôn trọng, và rằng Giáo Hội phải chăm sóc mục vụ cho tất cả mọi người,
nhưng chúng ta cũng cần nhớ rằng khi Chúa Giêsu tha thứ cho những người
tội lỗi, Ngài cũng nói với họ hãy “đi và đừng phạm tội nữa.”
Trong
một cuộc họp báo sau ngày đầu tiên, Đức Hồng Y André Vingt-Trois là
Tổng Giám Mục Paris khẳng định thêm “Nếu ai nghĩ rằng họ sẽ tìm thấy một
sự thay đổi căn bản trong tín lý của Giáo Hội, người ấy sẽ thất vọng.”
Liên
quan đến đề nghị của Đức Hồng Y Walter Kasper về khả thể cho những
người ly dị và tái hôn được rước lễ trong những trường hợp nhất định nào
đó, là vấn đề được nhiều người quan tâm, Đức Tổng Giám Mục Mark
Coleridge của tổng giáo phận Brisbane, Australia cho biết sau phát biểu
của 72 vị trong những ngày đầu của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình
rằng theo ước tính của ngài ít nhất 65% các giám mục sẽ phản đối việc
cho phép người Công Giáo ly dị và tái hôn được rước lễ.
Sau
gần một tuần họp, chủ đề nổi bật nhất nổi lên từ các báo cáo là nhu cầu
cần thiết phải có một cách tiếp cận tích cực với hôn nhân Kitô giáo.
Cũng có một số nghị phụ phàn nàn rằng Tài liệu làm việc phản ảnh các mối
quan tâm của người Công Giáo ở thế giới phương Tây - đặc biệt tại châu
Âu và Hoa Kỳ - mà không quan tâm đúng mức đến các gia đình Công Giáo ở
những nơi khác.
Những
mối quan tâm khác bao gồm các tác động tiêu cực của “hệ tư tưởng giới
tính” và trào lưu “thực dân hóa ý thức hệ” của các tổ chức cấp viện
phương Tây trên các nước đang phát triển; hoàn cảnh của người nhập cư và
người tị nạn, tình trạng các tín hữu Kitô ở Trung Đông; và sự cần thiết
là Giáo Hội phải cung cấp những hỗ trợ tốt hơn cho các gia đình đang
gặp khó khăn để đáp ứng những đòi hỏi của hôn nhân Kitô giáo.
Các
tham dự viên cũng kêu gọi những quan tâm về suy tư thần học đối với sự
trung thành, yêu thương vợ chồng và gia đình, về những người sống anh
hùng chứng tá chân thực của hồng ân gia đình.
Nhóm
A Anh Ngữ kêu gọi “Thông điệp của Thượng Hội Đồng phải loan báo Tin
Mừng của Chúa Giêsu Kitô rõ ràng và hấp dẫn hơn” trong khi nhóm B Anh
Ngữ nhận định rằng “việc phân tích những khó khăn mà các gia đình phải
đối mặt là quá tiêu cực. Bất chấp những thách đố các gia đình phải đối
diện trong mọi nền văn hóa, gia đình với sự trợ giúp của ơn thánh Chúa
luôn tìm thấy sức mạnh để thực hiện ơn gọi của mình là yêu thương. Vì
thế, nhóm C Anh Ngữ kêu gọi “một cách lý giải ít tiêu cực hơn về lịch
sử, văn hóa và tình hình của các gia đình vào lúc này.” Nhóm D Anh Ngữ
kêu gọi thông điệp của Thượng hội đồng “nên bắt đầu với hy vọng hơn là
thất bại,” và nhận xét đó “Các văn bản còn thiếu điều gì đó thu hút mọi
người.” Nhóm Đức khuyến cáo mỗi chương trong thông điệp của Thượng Hội
Đồng nên bắt đầu với một đoạn mô tả vẻ đẹp của hôn nhân Kitô Giáo.
Nhóm
tiếng Pháp cho rằng “Thượng Hội Đồng không nên chỉ tập chú vào các vấn
đề và những cuộc khủng hoảng các gia đình phương Tây đối đầu.”
Thứ
Bẩy 10 tháng 10, Thượng Hội Đồng Giám Mục đã dành hai phiên khoáng đại
thứ 6 và thứ 7, vào ban sáng và ban chiều để lắng nghe các nghị phụ phát
biểu ý kiến về phần hai của Tài liệu làm việc có tiêu đề “Sự phân định
ơn gọi gia đình” với những chủ điểm như Chúa Giêsu và gia đình: đặc tính
bất khả phân ly của hôn nhân như hồng ân và nghĩa vụ; gia đình hình ảnh
Chúa Ba Ngôi, chiều kích truyền giáo của gia đình; đặc tính bất khả
phân ly của hôn phối và niềm vui sống chung, lòng từ bi thương xót đối
với các gia đình bị thương tổn.
Chúa
Nhật 11 tháng 10, các nghị phụ được nghỉ, và trong hai ngày thứ Hai và
thứ Ba, các vị gặp gỡ nhau trong các nhóm nhỏ để thảo luận về phần 2 của
Tài liệu làm việc.
Đặng Tự Do
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét