label

Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2015

Ý kiến: Giáo hoàng, bang giao Mỹ-Cuba và VN

Ý kiến: Giáo hoàng, bang giao Mỹ-Cuba và VN


Khi Đức Giáo hoàng Phanxicô đến Havana vào ngày 19/09, Chủ tịch Cuba Raul Castro đã ra tận sân bay đón ngài.
Bốn ngày sau đó ông cũng ra sân bay ở Santiago de Cuba – cách Havana đến 870km – để tiễn đưa ngài. Điều đó chứng tỏ vị lãnh đạo 84 tuổi này rất kính trọng Đức Giáo hoàng.
Tương tự, khi máy bay của Đức Giáo hoàng Phanxicô đáp xuống căn cứ không quân Andrews ở thủ đô Washington chiều 22/9, Tổng thống Barack Obama và gia đình, cùng với Phó Tổng thống Joe Biden và phu nhân, đã có mặt ở đó để chào đón ngài.

'Sức mạnh kinh tế, quân sự không phải lúc nào cũng là quan trọng nhất'

Trong sáu ngày ở Mỹ, có hàng ngàn, hàng chục ngàn thậm chí hàng trăm ngàn người nồng nhiệt xuống đường chào đón Đức Giáo hoàng hoặc tham dự các cuộc gặp, sinh hoạt và Thánh lễ của ngài.
Nước Mỹ dành cho lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình – người cũng sang thăm Mỹ ngày 22/09, không bằng Đức Giáo hoàng.
Theo Reuters, khi tới Seattle, ông Tập chỉ được Thống đốc tiểu bang Washington, Jay Inslee, đón tại sân bay.
Khi ông về khách sạn Westin, có khoảng 100 người tụ tập ở đó, gồm các tín đồ Pháp luân công phản đối Bắc Kinh cấm đoán, đàn áp phong trào của họ ở Trung Quốc.
Khi ông Tập bay đến Washington DC ngày 24/09 bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tại Mỹ chỉ có Phó Tổng thống Joe Biden đón ông ở phi trường.
Đức Giáo hoàng Phanxicô được mời phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ ngày 25/09.
Jane Perlez viết trên New York Times hôm 24/09 rằng quan chức của Trung Quốc từng ngỏ ý để ông Tập Cận Bình đọc diễn văn trước Quốc hội Mỹ nhưng ý tưởng ấy đã bị phía Mỹ từ chối.
Jane Perlez trước đó cũng nói ông Tập chọn đến Seattle trước và chỉ đến Washington sau khi Đức Giáo hoàng Phanxicô đã rời thủ đô Mỹ vì biết không thể cạnh tranh với một vị Giáo hoàng quá nổi tiếng.
Có thể nói, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã hoàn toàn làm lu mờ Chủ tịch Trung Quốc, dù xét về sức mạnh quân sự, kinh tế, so với ông Tập, ngài chẳng có gì. Ngài chỉ là ‘nguyên thủ’ của một ‘quốc gia’ bé tý, có lãnh thổ chưa đầy nửa km vuông, với vỏn vẹn 842 dân, 100 lính canh người Thụy Sỹ, không quân đội, không vũ khí.
Còn ông Tập Cận Bình lãnh đạo một cường quốc, với diện tích gần 10 triệu km vuông, 1,35 tỷ người và 2,3 triệu lính với ngân sách quốc phòng ước tính hơn 100 tỷ USD.
Điều này ít nhiều cho thấy sức mạnh quân sự, kinh tế không phải lúc nào cũng vượt trội những giá trị, yếu tố phi vật chất khác trong chính trị thế giới.

Những thông điệp quan trọng

Đức Giáo hoàng Phanxicô, kể từ khi được chọn làm người lãnh đạo Giáo hội cách đây hơn hai năm, ngoài việc thúc đẩy canh tân trong Giáo hội, đã có nhiều sáng kiến, hoạt động nhằm xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
Một trong những đóng góp của ngài được nhiều người khen ngợi, Mỹ và Cuba biết ơn đó là giúp họ bình thường hóa bang giao sau nhiều thập kỷ hiềm khích.
Tổng thống Obama và lãnh đạo Cuba Raul Castro dành cho ngài một sự tiếp đón nồng hậu, vì họ muốn ghi nhận đóng góp đó của ngài.
Giới lãnh đạo, người dân Mỹ dành cho ngài một sự đón tiếp như thế và các tổ chức, dư luận quốc tế nói chung có thiện cảm với ĐGH vì ngài còn cổ súy những giá trị tốt đẹp khác.
Một số báo Mỹ nói Hoa Kỳ kính trọng, ngưỡng mộ Đức Giáo hoàng vì ngài lên tiếng bảo vệ nhân quyền, tự do – đặc biệt là tự do tôn giáo – trong khi khá lạnh nhạt với Tập vì ông và chính quyền Trung Quốc vi phạm nhân quyền, tự do tôn giáo.
Trong các bài giảng, phát biểu, diễn văn tại Mỹ, ngài đã nêu nhiều thách đố, khủng hoảng mà thế giới đang phải đối diện – trong đó có vấn đề tôn giáo cực đoan, buôn bán vũ khí, xung đột, chiến tranh, vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo, nghèo đói, nạn ô nhiễm môi sinh và làn sóng di dân.
Ngài đã kêu gọi Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế can đảm, khôn ngoan, độ lượng, đối thoại và cộng tác với nhau để giải quyết những thách đố, khủng hoảng đó.
Một điểm khác được ngài nhấn mạnh, nếu không muốn nói là trọng tâm của diễn văn của ngài tại LHQ, là đề cao vai trò của LHQ, luật pháp, trọng tài quốc tế, của việc dùng các biện pháp ôn hòa để giải quyết các tranh chấp, xung đột giữa các quốc gia.
Lời kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế và bình đẳng giữa các quốc gia đó của Đức Giáo hoàng rất có ý nghĩa đối với chính trị thế giới và rất có lợi cho những quốc gia nhỏ, nằm cạnh những láng giềng lớn, như Việt Nam.

Quan hệ với Việt Nam

Cuba, nước cộng sản độc đảng như Việt Nam đã đón tiếp đón đến ba vị Giáo hoàng trong vòng 17 năm qua.
Đức Giáo hoàng đã có những thông điệp rất thiết thực về các vấn đề quốc tế lớn – gồm những điều rất có lợi cho cả Việt Nam.
Nhưng sao đến giờ Việt Nam vẫn chưa thiết lập quan hệ ngoại giao và chưa một Đức Giáo hoàng nào sang thăm Việt Nam?
Quan trọng hơn, một biến cố như vậy có thể xẩy ra trong thời gian tới hay không?
Được biết ĐGH Gioan Phaolô II và ĐGH Bênêđictô XVI đã rất mong được thăm Việt Nam và các Giám mục Việt Nam cũng đã muốn chính quyền Việt Nam mời hay cho phép các ngài sang thăm đất nước mình vào năm 1999, khi Giáo hội Việt Nam kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang và dịp lễ Bế mạc Năm Thánh tại La Vang vào ngày 06/01/2011, khi người Công giáo Việt Nam kỷ niệm 350 năm thành lập hai địa phận tông tòa đầu tiên ở Việt Nam.
Tuy không có một giải thích chính thức nào từ hai phía, có thể nói những điểm sau là lý do tại sao đến giờ Việt Nam vẫn chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với Vatican hay mời Đức Giáo hoàng sang thăm:
Trước hết, khác với Cuba, ở Việt Nam người Công giáo vẫn là thiểu số. Trước khi đi hoạt động cách mạng, cả hai anh em Fidel và Raul Castro đều học trường đạo (Dòng Tên) và có thể họ cũng đã được rửa tội.
Những món quà mà hai ông và ĐGH Phanxicô tặng cho nhau trong chuyến thăm vừa rồi đều liên quan đên tôn giáo, đời sống thiêng liêng. Vì vậy, ít hay nhiều họ vẫn có thiện cảm với Giáo hội.
Vì những vấn đề lịch sử khác nhau, giới lãnh đạo Việt Nam nghi ngại Giáo hội và sợ một chuyến thăm của ĐGH sẽ gây nên những tác động không có lợi cho mình. Họ cũng sợ những cuộc tụ tập lớn. Nếu Đức Giáo hoàng đến Việt Nam, những Thánh lễ, hoạt động của ngài chắc chắn sẽ thu hút hàng trăm ngàn người tham dự.
Giáo hội và chính quyền cũng đã có nhiều điểm bất đồng. Trong đó có chuyện đất đai, các cơ sở của Giáo hội bị tịch thu, quyền tự do tôn giáo bị hạn chế và Giáo hội từng không được tham gia vào các hoạt động xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, giáo dục và bác ái.
Vatican và Cuba vẫn duy trì quan hệ ngoại giao kể từ năm 1959, khi ông Fidel Castro lên nắm quyền. Trong khi đó, dưới sự lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam không thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh.
Đến giờ, Việt Nam là một trong số ít quốc gia còn lại chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với Vatican, dù là từ 2011, Hà Nội đồng ý để Tòa Thánh có một vị Đại diện không thường ập quan hệ ngoại giao với Vatican, dù kể từ năm 2011, Hà Nội đồng ý để Tòa Thánh có một vị Đại diện không thường trú tại Việt Nam.
Một số người cho rằng Việt Nam sẽ không những cải cách chính trị nếu những cởi mở như vậy chưa xẩy ra ở Trung Quốc. Tượng tự có người nói Việt Nam sẽ không nối quan hệ ngoại giao với Vatican nếu không có những cải thiện trong quan hệ Trung Quốc-Vatican.
Mối quan hệ này hiện đang rơi vào bế tắc vì hai bên có những bất đồng quá lớn về vấn đề tự do tôn giáo và Đài Loan.
Vatican vẫn giữ quan hệ ngoại giao với Đài Bắc, trong khi đó Bắc Kinh tiếp tục đàn áp những người Công giáo không theo Giáo hội quốc doanh do họ lập nên.
Nhưng nay xem ra mọi chuyện đã có phần thay đổi và việc hai bên tiến tới thiết lập bang giao – và thậm chí việc Đức Giáo hoàng sang thăm Việt Nam – trong những năm tới có thể xảy ra.
Số người Công giáo ở Việt Nam là gần 7 triệu cũng xấp xỉ số người Công giáo ở Cuba: 53% trên 12,7 triệu dân.
Như được thể hiện trong chuyến thăm Cuba vừa qua – Đức Giáo hoàng Phanxicô là người rất cởi mở, thân thiện, sẵn sàng đối thoại với bất cứ ai, dù khác ý thức hệ.
Ngài cũng rất tế nhị, nhạy cảm, coi trọng sự hòa giải, hợp tác. Hơn nữa, cũng giống như những sinh hoạt, buổi lễ lớn khác của người Công giáo, những cuộc gặp, Thánh lễ có sự hiện diện của ngài luôn diễn ra trong trật tự dù quy tụ hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn người.
Vì vậy, có thể giờ chính quyền Việt Nam bớt nghi ngại, lo sợ về chuyện một chuyến thăm của Đức Giáo hoàng gây nên những tác động xấu, bất lợi cho họ.
Trong tám năm vừa qua, các lãnh đạo nắm giữ bốn vị trí cao nhất của Việt Nam – trong đó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hai lần – sang thăm Vatican và được Đức Giáo hoàng đón tiếp. Vì sự cởi mở, gần gũi, giản dị, đơn sơ, thân thiện của Đức Giáo hoàng Phanxicô, báo chí và dư luận chung ở Việt Nam cũng có nhiều cảm tình với ngài.
Những hình ảnh, cử chỉ, hoạt động của ngài – như việc ngài chọn một chiếc xe giản dị để đi lại trong thời gian thăm Mỹ – thường xuất hiện trên báo chí Việt Nam.
Quan hệ giữa Giáo hội và chính quyền Việt Nam được cải thiện đáng kể trong thời gian qua.
Một điểm bất đồng lớn giữa hai bên trước đây là chuyện Giáo hội tham gia vào các hoạt động giáo dục.
Nhưng ngày 03/08/2015, Ban Tôn giáo chính phủ Việt Nam đã ký quyết định chấp thuận cho Hội đồng Giám mục Việt Nam thành lập Học viện Công giáo Việt Nam tại số 72/12 Trần Quốc Toản, Quận 3, TP.HCM.
Về quân sự và kinh tế, Vatican chẳng có gì. Nhưng xét về ngoại giao, uy tín quốc tế, Tòa Thánh có tác động, ảnh hưởng rất lớn. Hiện Vatican đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 180 quốc gia, lãnh thổ trên thế giới.
Vì vậy, một quan hệ gần gũi với Tòa Thánh sẽ giúp Việt Nam cải thiện vị thế, hình ảnh, ảnh hưởng quốc tế của mình.
Hơn nữa, Việt Nam và Vatican cũng có những điểm tương đồng về nhiều vấn đề quốc tế - như sự bình đẳng giữa các quốc gia, việc xây dựng quan hệ quốc tế dựa trên sự tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau hay giải quyết các tranh chấp bằng các phương tiện hòa bình.
Từ năm 1986, Việt Nam đã chủ trương đa dạng hóa quan hệ quốc tế và đến nay đã có quan hệ đối tác toàn diện hay chiến lược với nhiều nước – trong đó có những quốc gia xa xôi, ít có ảnh hưởng về quân sự, kinh tế, đặc biệt là ngoại giao như Tây Ban Nha.
Lẽ nào Hà Nội lại không muốn hay không thể chính thức thiết lập bang giao với Vatican?
Nếu chính quyền Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Vatican hay mời Đức Giáo hoàng sang thăm cũng cho Bắc Kinh, đó cũng là cách cho nhiều nước khác và chính người dân của mình thấy họ hoàn toàn độc lập trong đường lối ngoại giao.
Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn của người viết, một người Công giáo sống tại Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét