Bị bách hại
nhưng vẫn luôn cầu nguyện
sống hiệp nhất
và can đảm loan báo Lời Chúa
Vatican (Vat. 18/04/2012) - Ðiều Giáo Hội xin trong lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa không phải là lời xin được bảo vệ, được tha khỏi bị thử thách, khổ đau. Nó không phải là lời cầu được thành công, mà chỉ là lời cầu xin có thể loan báo Lời Chúa với lòng thẳng thắn, với sự tự do và với lòng can đảm (x. Cv 4,29).
Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã nói như trên với hơn 50,000 tín hữu và du khánh hàng hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 18 tháng 4 năm 2012. Bên cạnh các đoàn hành hương bắc Mỹ và Âu châu, cũng có nhiều đoàn hành hương đến từ các nước Á châu như Indonesia, Thái Lan, Sri Lanka và một phái đoàn 31 người đến từ Việt Nam do bốn cha dòng Ða Minh hướng dẫn. Từ Phi châu có phái đoàn Nam Phi, trong khi từ châu Mỹ Latinh có phái đoàn các nước Mêhicô, Argentina, Perù và Brasil.
Trong bài huấn dụ Ðức Thánh Cha đã tiếp tục trình bầy giáo lý về lời cầu nguyện trong Thánh Kinh Tân Ước. Trong sách Công Vụ thánh sử Luca thuật lại sự kiện đoàn Tông Ðồ đã cùng Ðức Maria tụ họp nhau trong Nhà Tiệc Ly cầu nguyện chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống không phải là một biến cố lẻ loi, bởi vì sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần liên tục hướng dẫn và linh hoạt con đường của cộng đoàn kitô. Nhưng ngoài biến cố lớn lao này, thánh sử Luca còn kể lại các lần ùa nhập ngoại thường khác của Chúa Thánh Thần. Một trong những lần đó là "lễ Ngũ Tuần nhỏ" xảy ra trong một giai đoạn khó khăn tột đỉnh của cuộc sống Giáo Hội khai sinh. Chương 3 sách Công Vụ kể lại vụ hai Tông Ðồ Phêrô và Gioan cho một người què đi được nhân danh Chúa Giêsu Kitô (Cv 3,1-10), khiến hai vị bị bắt vì đã loan báo sự Phục Sinh của Chúa cho toàn dân (Cv 3,11-26). Sau một vụ xử nhanh chóng, các vị được trả tự do, ra về, kể lại cho các anh chị em khác biết những gì đã phải chịu vì làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh. Thánh Luca ghi lại lời cầu nguyện dài nhất của Giáo hội trong Tân Ước và kết thúc như sau: "Họ cầu nguyện xong, thì nơi họ họp nhau rung chuyển; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa" (Cv 4,31). Ðức Thánh Cha ghi nhận thái độ nền tảng quan trọng của tín hữu Giáo Hội thời khai sinh như sau:
Ðứng trước hiểm nguy, khó khăn, đe dọa, cộng đoàn kitô tiên khởi không tìm phân tích xem phải phản ứng thế nào, tìm các chiến thuật, tự vệ làm sao, dùng các biện pháp nào, nhưng cầu nguyện, tiếp xúc với Thiên Chúa trước cơn thử thách.
Lời cầu nguyện ấy có đặc thái là sự hiệp nhất và đồng tâm của toàn cộng đoàn, đang đương đầu với tình trạng bị bách hại vì Chúa Giêsu. Thánh Luca dùng từ "homothumadon - tất cả cùng nhau" "đồng tâm" để nêu bật lời cầu nguyện kiên trì và đồng tâm ấy (x. Cv 1,14; 2,46). Sự đồng tâm này là yếu tố nền tảng của cộng đoàn kitô tiên khởi, và phải luôn luôn là yếu tố nền tảng đối với Giáo Hội. Như thế, nó không phải chỉ là lời cầu nguyện của Phêrô và Gioan đang gặp nguy nan, mà là của toàn cộng đoàn, bởi vì những gì hai Tông Ðồ sống không chỉ liên quan tới các vị, mà liên quan tới toàn thể Giáo Hội. Trước các bách hại phải chịu vì Chúa Giêsu, cộng đoàn không những không sợ hãi và không chia rẽ, mà còn hiệp nhất sâu xa trong lời cầu nguyện, như là một người duy nhất, để khẩn nài Chúa. Có thể nói đó là điềm lạ đầu tiên xảy ra khi các tín hữu bị thử thách vì lòng tin: sự hiệp nhất được củng cố, thay vì bị thương tổn, bởi vì nó được nâng đỡ bởi một lời cầu nguyện không thể lay chuyển nổi. Giáo Hội không được sợ hãi sự bách hại phải chịu trong lịch sử, nhưng, như Chúa Giêsu trong vườn Giệtsêmani, luôn luôn tin tưởng nơi sự hiện diện, sự trợ giúp và sức mạch của Thiên Chúa được khẩn nài trong lời cầu nguyện.
Tiếp tục bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói: Cộng đoàn kitô xin gì nơi Thiên Chúa trong lúc bị thử thách này? Họ không xin bằng an cho sự sống trước bách hại, cũng không xin Chúa đánh trả lại những người đã bỏ tù Phêrô và Gioan; mà chỉ xin được "loan báo Lời Chúa với tất cả sự thẳng thắn" (x. Cv 4,29), nghĩa là cầu xin đừng mất đi sự can đảm của đức tin, can đảm loan báo đức tin.... Tuy nhiên, trước hết cộng đoàn kitô tìm đọc các biến cố dưới ánh sáng đức tin qua Lời Chúa giúp hiểu được thực tại của thế giới. Cộng đoàn khởi hành bằng việc nhớ lại và khẩn cầu sự cao cả vô biên của Thiên Chúa, khẩn cầu Ðấng Tạo Hóa, vì biết rằng mọi sự đến từ Người và mọi sự ở trong tay Người. Tiếp đến là nhìn nhận những gì Chúa đã làm trong lịch sử là luôn luôn gần gũi dân Người, lo lắng cho họ và không bỏ rơi các thụ tạo.
Tới đây thì thánh vịnh 2 được trích dẫn và đọc trong hoàn cảnh khó khăn mà Giáo Hội đang sống lúc đó. Ðây là thánh vịnh cử hành việc đăng quang của vua Giuđa, nhưng quy chiếu về biến cố Ðấng Cứu Thế đến, mà không gì, không sự nổi loạn, bách hại, đàn áp nào của con người có thể chống lại được: "Sao chư dân lại ồn ào náo động? Sao vạn quốc dám bầy kế viễn vông? Vua chúa trần gian cùng nổi dậy, vương hầu khanh tướng lập mưu đồ chống lại Ðức Chúa, chống lại Ðấng Người đã xức dầu phong vương" (Cv 4,25). Chính khi đọc Thánh Kinh là Lời Chúa, cộng đoàn có thể nói với Chúa trong lời cầu nguyện của mình: "Ðúng thế, trong thành này... họ đã cùng nhau toa rập chống lại tôi tớ thánh của Ngài là Ðức Giêsu, Ðấng Ngài đã xức dầu, để thực hiện tất cả những gì quyền năng và ý muốn của Ngài đã định trước" (Cv 4,27). Ðiều đã xảy ra được đọc dưới ánh sáng của Chúa Kitô, là chìa khóa giúp hiểu biết cả sự bách hại nữa. Thập Giá luôn luôn là chìa khóa cho sự Phục Sinh... Và ở đây người ta cũng tìm thấy ý nghĩa kinh nghiệm bách hại, mà cộng đoàn kitô tiên khởi đang sống. Cộng đoàn đầu tiên này không phải là một hiệp hội đơn thuần, mà là một cộng đoàn sống trong Chúa Kitô. Vì thế điều xảy ra cho cộng đoàn là phần chương trình của Thiên Chúa. Cũng như Chúa Giêsu các môn đệ cũng găp chống đối, hiểu lầm và bách hại. Và Ðức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:
Chính vì thế lời xin mà cộng đoàn kitô Giêrusalem thưa lên với Chúa trong lời cầu không phải là lời xin được bảo vệ, được tha khỏi bị thử thách, khổ đau. Nó không phải là lời cầu được thành công, mà chỉ là lời cầu xin có thể loan báo Lời Chúa với lòng thẳng thắn, với sự tự do và với lòng can đảm (x. Cv 4,29).
Rồi cộng đoàn xin cho việc loan báo đó được bàn tay Thiên Chúa đi kèm để cho các vụ khỏi bệnh, các dấu chỉ và điềm thiêng được thực hiện (x.Cv 4,30), nghĩa là lòng lành của Thiên Chúa được hữu hình như sức mạnh biến đổi thực tại, hoán cải tâm trí, cuộc sống con người và đem đến sự mới mẻ triệt để của Tin Mừng.
Ðức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: sau cùng Thánh Luca ghi nhận "nơi họ họp nhau cầu nguyện rung chuyển; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa" (Cv 4,31). Nơi đó rung chuyển nghĩa là đức tin có sức mạnh biến đổi trái đất và thế giới. Cùng Thần Khí đã nói qua Thánh vịnh 2 trong lời cầu nguyện của Giáo Hội ùa nhập vào trong nhà, và tràn đầy con tim của tất cả những người đã khẩn cầu Chúa. Ðó là hoa trái của lời cầu nguyện chung, mà cộng đoàn kitô dâng lên Thiên Chúa: việc đổ Thần Khí xuống, ơn của Chúa Phục Sinh Ðấng hỗ trợ và hướng dần việc tự do can đảm loan báo Lời Chúa, thúc đẩy các môn đệ Chúa ra đi mà không sợ hãi đem Tin Vui đến tận cùng thế giới.
Ðức Thánh Cha kết thúc bài huấn dụ như sau: Anh chị em thân mến chúng ta cũng phải đem các biến cố của cuộc sống thường ngày vào trong lời cầu nguyện của chúng ta để tìm ý nghĩa sâu thẳm của chúng. Như cộng đoàn kitô tiên khởi, chúng ta cũng phải để cho mình được soi sáng bởi Lời Chúa.
Qua việc suy niệm Thánh Kinh, chúng ta có thể học nhìn thấy Thiên Chúa hiện diện trong cuộc sống, cả trong những lúc khó khăn, và tất cả, kể cả những điều không thể hiểu được, đều là phần của một chương trình tình yêu cao siêu hơn, trong đó chiến thắng cuối cùng trên sự dữ, tội lỗi và cái chết thực sự là chiến thắng của sự thiện, của ơn thánh, của cuộc sống của Thiên Chúa.
Cũng như cộng đoàn kitô tiên khởi, ước chi lời cầu nguyện giúp chúng ta đọc lịch sử cá nhân và lịch sử tập thể trong viễn tượng đúng đắn và trung thành hơn, trong viễn tượng của Thiên Chúa. Và chúng ta cũng muốn canh tân lời cầu xin ơn Thánh Thần, Ðấng sưởi ấm con tim và soi sáng trí tuệ để nhận ra Chúa thực hiện các lời khẩn cầu của chúng ta như thế nào, theo ý muốn yêu thương của Người, chứ không theo các tư tưởng của chúng ta.
Trước khi cất kinh Lậy Cha và ban phép lãnh tòa thánh cho mọi người, Ðức Thán Cha đã chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và chúc tất cả những ngày hành hương Roma sốt sắng và bổ ích.
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét