label

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Thư viện Tòa Thánh Vatican số hóa một triệu trang bản chép tay và sách cổ



Thư viện Tòa Thánh Vatican số hóa một triệu trang bản chép taysách cổ *
WHĐ (16.04.2012) / VIS – Trên nhật báo Osservatore Romano số ra ngày 12 tháng Tư vừa qua, Đức ông Cesare Pasini, Quản thủ Thư viện Tòa Thánh Vatican đã loan báo: trong năm năm tới 1,5 triệu trang bản chép tay và sách cổ của Thư viện Vatican và Thư viện Bodleian ở Oxford sẽ được chuyển sang định dạng kỹ thuật số. Đây là sáng kiến ​​lớn nhất của Thư viện Vatican và đang được thực hiện với sự giúp đỡ của Tổ chức Polonsky.
Hai phần ba các tác phẩm được số hóa - khoảng một triệu trang sách hay 2.500 cuốn sách sẽ được lựa chọn trong số các bản chép tay và sách cổ bằng tiếng Hy Lạp và tiếng Do Thái trong Thư viện Tòa Thánh Vatican. Thư viện này hiện sở hữu 8.900 quyển sách cổ, đây là bộ sưu tập lớn thứ tư trên thế giới. Mới đây một danh mục sách cổ đã được công bố trên mạng internet và, nhờ vào dự án mới nhất này, người ta hy vọng hơn 800 tác phẩm hoàn chỉnh có thể được tra cứu trực tuyến. Trong số này có quyển sách De Europa nổi tiếng của Đức giáo hoàng Piô II, do Albrecht Kunne Memmingen in trước năm 1491, và quyển Kinh Thánh 42-dòng bằng tiếng Latinh của Johann Gutenberg, cuốn sách đầu tiên in bằng kỹ thuật sắp chữ, vào khoảng năm 1454 - 1455.
Một số bản chép tay bằng tiếng Do Thái đặc biệt quan trọng cũng được số hóa, bao gồm bn Sifra, được viết trong khoảng cuối thế kỷ thứ chín và giữa thế kỷ thứ mười và có lẽ bản là bản chép tay Do Thái cổ nhất còn tồn tại; một quyển Kinh Thánh bằng tiếng Ý vào khoảng năm 1100; các chú giải Kinh Thánh và bộ Talmud; HalakhahKabbalah, cũng như các bài viết về triết học, y học và thiên văn học.
Trong số các bản chép tay bằng tiếng Hy Lạp được số hóa có các tác phẩm của Homer, Sophocles, Plato và Hypocrites, cũng như các bản Tân Ước và các tác phẩm của các giáo phụ, nhiều bản được trang trí bằng các bức tiểu họa Byzantine.
Ngoài 8900 sách cổ, Thư viện Tòa Thánh Vatican còn sở hữu hơn 80.000 bản chép tay. Đức ông Pasini giải thích rằng chuyển chúng sang định dạng kỹ thuật số là một cách bảo tồn tốt hơn di sản văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham khảo và bảo đảm tạo ra bản sao tốt nhất trước khi có bất kỳ tổn hại nào cho bản gốc. Điều này cũng có nghĩa là làm cho những tác phẩm này đến được với nhiều người hơn ở trên mạng”.
Dự án số hóa của Thư viện Tòa Thánh Vatican đã bắt đầu cách đây hai năm, kể từ đó số lượng các bản chép tay được số hóa đã tăng dần nhờ những nỗ lực của phòng in sao riêng của thư viện. Ngoài ra còn có một số sáng kiến ​​khác theo cách thức hợp tác với các tổ chức văn hóa, chẳng hạn các bản chép tay Palatine bằng tiếng Latin đang được tiến hành số hóa qua sự hợp tác với trường Đại học Heidelberg.
(VIS, 13-04-2012)
–––––––––––––––––––––
* sách cổ (incunabulum) ở đây là sách in trước năm 1501
 
Huy Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét