Thần học
công giáo phải tìm được câu trả lời ngay trong chính nguồn mạch của mình
WHĐ
(11.07.2012) / ZENIT – “Thần học công giáo phải tìm được câu trả lời ngay trong
chính nguồn mạch của mình”, Đức Tổng giám mục Gerhard Ludwig Müller, Tân Bộ trưởng
Bộ Giáo lý Đức tin, tuyên bố như trên trên tờ nhật báo “Mittelbayerische” của vùng Bavaria, số đề ngày 06-07-2012.
Đức cha Müller
cho biết ngài nhận được tin Đức giáo hoàng bổ nhiệm ngài làm Bộ trưởng Bộ Giáo
lý Đức tin vào ngày 16-05. Tại Roma, ngài sẽ ở tại căn phòng Đức giáo hoàng
Bênêđictô XVI đã ở khi ngài làm Bộ trưởng Bộ này: “Sách vở vẫn còn nguyên ở đó”,
Đức cha nhấn mạnh, điều này có nghĩa là “theo ý Đức giáo hoàng, số sách này sẵn
sàng phục vụ Viện Bênêđictô tại
Ratisbon vốn xuất bản các công trình của Joseph Ratzinger”.
Mặc dù Đức cha
Müller, cho đến nay vẫn là giám mục Ratisbon, nói rằng ngài hạnh phúc về nền
văn hóa ngài đang chia sẻ –thậm chí vẫn trung thành với câu lạc bộ bóng đá “SSV
Jahn Ratisbon”– nhưng ngài cũng lấy làm hoan hỉ từ nay được làm việc với “15
dân tộc” khác nhau, qua đó, có được kinh nghiệm về “Giáo hội toàn cầu”.
Tại quê hương của
ngài, Đức TGM Müller đôi khi được xem là một người có tinh thần “phóng khoáng”.
Ngài chấp nhận sự đánh giá này và trích dẫn Thánh Tôma Aquinô: “Deus maxime liberalis est / Thiên Chúa
là Đấng phóng khoáng nhất”. Ngài cũng giải thích: “Theo nghĩa tổng quát, tính
cách phóng khoáng có nghĩa là hào phóng..., tôi muốn được là người phóng
khoáng theo nghĩa này”.
Thần
học giải phóng
Nhắc lại các
quan hệ của ngài với nền thần học giải phóng –ngài vốn là sinh viên và bạn của
linh mục Gustavo Gutierrez, “cha đẻ” của nền thần học giải phóng–, Đức TGM Müller
nhấn mạnh rằng đức tin công giáo không tách rời khỏi “trách nhiệm đối với thế
giới, khỏi tình yêu thương người nghèo khổ”. Do đó, “mọi nền thần học Kitô giáo
đều có gì đó liên quan đến sự tự do của con người”.
Đối với Đức TGM
Müller, trước “sự cùng khốn và bất công hiển nhiên” diễn ra tại Nam Mỹ, thái độ
của người Kitô hữu là một “vấn đề thần học”. Ngài nhấn mạnh: “Chúng ta không thể
làm ngơ bước qua với cái nhíu mày đạo đức”, bởi vì “đức tin và việc lành đi đôi với
nhau”.
Vị Tân Bộ trưởng
nhìn nhận ngài “hoàn toàn đồng ý” với Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, vốn không “đặt
lại vấn đề về toàn bộ nền thần học giải phóng”, nhưng “chỉ một số khía cạnh” mà
ngài cùng chia sẻ với Đức giáo hoàng.
Đức TGM Müller
nhấn mạnh rằng thần học giải phóng không thể là “một sự trộn lẫn đáng ngờ giữa
chủ nghĩa cộng sản và đức tin công giáo”. Ngài giải thích: Thần học công giáo
phải tìm được câu trả lời ngay trong chính nguồn mạch của mình”. Vả lại, “giáo
huấn xã hội của Giáo hội công giáo đã chứng tỏ còn cao hơn nhiều các phân tích
của chủ nghĩa cộng sản”.
Vấn đề là không
ủng hộ cho “một xã hội phân chia thành người
giàu và người nghèo, trong đó, kẻ thì được học hành, kẻ khác thì không”. Đối với
Đức TGM, “thợ và chủ không thể hành động chống lại nhau như các nhóm lợi ích mà
tất cả đều phải dấn thân mưu cầu công ích”.
Vấn đề
rước lễ của người ly dị tái hôn
Trở lại vấn đề rước
lễ của những người ly dị tái hôn, vốn là vấn đề rất được tranh cãi tại Đức, một
lần nữa Đức TGM Müller nhìn nhận ngài đồng ý với Đức giáo hoàng: “Hôn nhân có
hiệu lực giữa những người Kitô hữu không thể bị hủy bỏ, và bao hàm lời hứa
trung tín suốt đời”.
Ngài nói thêm,
vả lại cũng sẽ là sai lầm khi tin rằng “nếu không được rước lễ, người ta chẳng
còn là gì trong Giáo hội”. Thực ra, người ta vẫn có thể “tham dự thánh lễ”, dấn
thân vào “mầu nhiệm cứu độ của Đức Giêsu Kitô”, dù không rước lễ.
Đức TGM Müller nhắc
lại, dù có phải “nhìn nhận tình cảnh khó khăn của các đôi vợ chồng mà không phải
lúc nào hai bên cũng đều có lỗi như nhau”, thì cũng đừng quên “những tổn thương
mà con cái của các cha mẹ ly dị phải gánh chịu”.
Do đó, ngài mời
gọi đặt lại vấn đề về “não trạng xem việc cam kết của hôn nhân và việc lập gia
đình một cách quá mơ hồ”.
Nghĩ
tới sự hiệp nhất của Giáo hội
Cuối cùng, Đức TGM
Müller đề cập đến các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Vatican và Huynh đoàn Piô
X. Ngài cho rằng đây là những cuộc đàm phán “có tính cách thân thiện, kitô giáo
và nhân văn”, nhưng cũng đang “trong tiến trình”.
Đức TGM nhấn mạnh,
để là người công giáo, người ta phải “nhìn nhận quyền bính của giáo hoàng và
các giám mục”. Và ngài nói tiếp, các cuộc đàm phán sẽ đạt đến một “điểm không
thể đảo ngược”, và sẽ được quyết định khi nghĩ đến “sự hiệp nhất của Giáo hội”.
Đối với Đức TGM
Müller, không có con đường nào khác hơn là phải “chấp nhận hình thức và nội
dung của Công đồng chung Vatican II”, bởi vì, cho dù có “những lạm dụng”, cuộc
cải tổ phụng vụ của Vatican II vẫn “chính đáng và cần thiết”.
(Zenit,
09-07-2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét