label

Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

Tuần tam nhật và Lễ Bổn mạng HĐMVGX GP Long Xuyên


TUẦN TAM NHẬT và LỄ BỔN MẠNG
 
KÍNH HAI THÁNH
PHÊRÔ ĐOÀN CÔNG QUÍ
EMMANUEL LÊ VĂN PHỤNG
BỔN MẠNG HỘI ĐỒNG MỤC VỤ GIÁO XỨ
GIÁO PHẬN LONG XUYÊN
(31-07)
 31/07/2012
  
TUẦN TAM NHẬT
 
NGÀY THỨ NHẤT
1.         Những Kinh mở đầu
2.         Suy niệm (Trích trong sách kỷ niệm 150 năm hai Thánh)
Thánh Phêrô Đoàn Công Quí: Vị mục tử như lòng Chúa mong ước
Thánh Phêrô Đoàn Công Quí kết thúc cuộc đời và lãnh nhận triều thiên tử đạo ở tuổi 33. Giống như Chúa Giêsu, Ngài là vị mục tử tốt lành như lòng Chúa mong ước, với những đức tính sau đây:
Trước hết là yêu mến và hiểu biết những người mình có trách nhiệm. Thánh nhân đã thể hiện tâm tình này thường xuyên trong cuộc sống. Trong suốt thời gian làm thầy và làm linh mục, dù ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào, ngài trao ban cho bổn đạo tất cả thời giờ cần thiết. Ngài biết dừng lại chuyện trò. Ngài lắng nghe họ bày tỏ tâm sự. Ngài hiểu biết tâm tư, những ước muốn, niềm khao khát của các tín hữu trong hoàn cảnh khó khăn, thử thách. Niềm vui và nỗi đau của họ, cũng là niềm vui và nỗi đau của ngài. Giữa chủ chăn và con chiên, có một tình yêu vô biên, một sự thân tình sâu sắc, một sự cảm thông trọn vẹn và một sự chia sẻ chân thành. Vì thế mà sự hiện diện của ngài luôn đem lại bình an, niềm vui, sự an ủi tinh thần rất lớn lao cho mọi người. Ngài đã noi gương và thực hiện lời của Chúa Giêsu, Chúa Chiên Lành: “Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta.” (Ga 10,14).
Thứ đến là trao ban sự sống đời đời. “Sự sống đời đời là nhận biết thiên Chúa là Cha và Đức Giê su Ki tô là Đấng mà Chúa Cha sai đến” (Ga 17,3). Xác tín vững vàng vào chân lý đó, ngài ra sức đi đến với mọi người, nỗ lực loan báo Tin Mừng, chia sẻ niềm hạnh phúc được làm con Chúa. Dù gặp thời thuận tiện hay không thuận tiện, khi công khai thi hành chức vụ, lúc ẩn náu qua ngày, ở bất cứ nơi đâu, ngài luôn nhiệt tình săn sóc, giúp đỡ tín hữu, giáo dân. Ngài đã rảo qua các họ đạo để giảng dạy giáo lý, trao ban các bí tích, nâng đỡ những người hấp hối, khuyên nhủ những người khô khan, nguội lạnh, bê trễ, giúp họ trở về nẻo chánh đường ngay. Ngài cũng lợi dụng chính thời gian bị tù đày để thực hiện sứ mạng cao quí này, đối với bạn tù, đối với quân lính và cai tù, lương cũng như giáo. Cùng bị bắt với ngài, có hai người, vì sợ cảnh lưu đày khắc nghiệt, đã nhẹ dạ chối đạo; ngài đã nâng đỡ họ chỗi dậy, ăn năn và trở lại. Ngài đã noi gương thực hiện lời của chúa Giêsu. Chúa Chiên Lành: “Ta cho các chiên Ta được sống đời đời” (Ga 10,27).
Sau cùng là sẵn sàng tự hiến đời mình, hy sinh mạng sống cho những người mình có trách nhiệm. Ngài ý thức trách nhiệm cao quí của chủ chăn. Điều ngài quan tâm hơn hết, hông phải là sự sống và sự an toàn của ngài, mà là sự sống và an toàn những người mình có trách nhiệm. Một lần kia, trong thời gian ngài làm cha phó ở Cái Mơn, quân lính bao vây, truy lùng các giáo sĩ. Không tìm được, họ đã bắt các chức việc trong làng, và các nữ tu để tra tấn, khai thác. Không sợ nguy hiễm đến tính mạng, ngài đã đến giữa quân lính để thuyết phục họ thả những người bị bắt ra. Khi được tin các nữ tu bị hành hạ dã man, ngài càng quyết tâm thực hiện ý định hy sinh tính mạng, thay thế. Chỉ khi nhận được lệnh rõ ràng của bề trên can ngăn, ngài mới dừng lại. Vào ngày 07.01.1859, trong cuộc đại bố ráp của quan quân, để tìm bắt tây dương đạo trưởng, tại Cù Lao Giêng, ngài có đủ thời giờ tránh thoát; nhưng vì không muốn cho chủ nhà là ông câu Phụng, bị phiền toái, ngài đã ở lại để thu xếp đồ đạc. Và cũng muốn cho chủ nhà không bị tra khảo, hành hạ, ngài đã can đảm xuất hiện, tự nhận mình là đạo trưởng. Vì thế, ngài đã bị bắt giữ, và sau đó, được diễm phúc làm chứng nhân của Đức Kitô bằng chính mạng sống của mình. Ngài đã noi gương và thực hiện lời của Chúa Giêsu, Chúa Chiên Lành: Mục tử tốt lành trao hiến mạng sống vì đàn chiên” (Ga 10,11).
Noi gương Chúa Giêsu, sống hết mình vì đàn chiên, và sẵn sàng dâng hiến mạng sống vì đàn chiên, ngài thật là vị mục tử như lòng Chúa mong ước.
Thực ra, chỉ có Đức Kitô là chủ chăn của Giáo Hội. tuy nhiên, cũng có những người đã lãnh nhận từ Đức Ki tô sứ mạng trở thành chủ chăn như ngài, và nhân danh ngài. Với chức vị đặc biệt, Đức Giáo Hoàng, các giám mục, các linh mục là những chủ chăn, mà chính Đức Ki tô đã mời gọi các ngài thực hiệng nhiệm vụ này trong Giáo Hội. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các ngài để các ngài luôn xứng đáng là những vị mục tử như lòng Chúa mong ước. Chúng ta cũng hãy nhiệt tình cộng tác và chia sẻ trách nhiệm của các ngài, để chương trình cứu độ của Chúa sớm được hoàn thành. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là, khi đem áp dụng cho những người hiến thân cho Chúa trong đời sống tu trì, thì từ ngữ chủ chăn có một ý nghĩa hẹp. Nó chỉ định một người lãnh nhận trách nhiệm hướng dẫn một cộng đoàn Kitô hữu. Từ ngữ này cũng có thể được dùng trong một ý nghĩa rộng rãi hơn cho tất cả các tín hữu, là những người, bằng cách này hay cách khác, trong một mức độ nào đó, thi hành một công việc “mục vụ” nơi những người cùng sống chung quanh. Một công việc được gọi là mục vụ, khi nó giúp đỡ cho một người nào đó hiểu biết Đức Kitô và Phúc Âm của ngài nhiều hơn, hiểu biết nhiều hơn và mở rộng lòng ra trước kho tàng phong phú đó nhiều hơn.
Theo nghĩa này, chúng ta có thể nói, cha mẹ là chủ chăn của các con cái. Cha mẹ có trách nhiệm giáo dục con cái theo giáo huấn Đức Kitô. Các thầy cô giáo trong trường học cũng là chủ chăn của các học sinh. Chúng ta thậm chí có thể nói rằng, mỗi người trong chúng ta, bằng một cách nào đó, là chủ chăn của một người khác, bởi vì ở gần chúng ta, luôn luôn có một hay nhiều người khác mà chúng ta có thể loan báo Tin Mừng, có thể hướng dẫn về với Đức Kitô.
Vì thế theo gương của Chúa Giê-su, và nhờ cầu bầu của thánh Phê-rô Đoàn Công Quí, chúng ta hãy cầu xin Chúa biến đổi chúng ta thành những mục tử như lòng Chúa mong ước nơi môi trường sống của chúng ta. Nhờ đó, tất cả đều được hướng dẫn về với Chúa, chung hưởng hạnh phúc viên mãn trong Nước Chúa.
3.         Đọc kinh kính hai Thánh
Kính lạy hai thánh Phêrô Đoàn Công Quí và Emmanuel Lê Văn Phụng/ là những chứng nhân anh dũng/ đã hy sinh mạng sống để làm chứng cho Đức Kitô và Tin Mừng của Chúa. Các Thánh đã chỉ cho thế gian con đường về Trời / xin hãy tỏ cho chúng con con đường yêu thương và sự sống của Chúa Cha / Xin hãy giúp chúng con nếm cảm hạnh phúc khi nhận biết Đức Giêsu Kitô / khi yêu mến Chúa và làm cho Chúa được yêu mến /  Giống như Các Thánh / chớ gì chúng con khám phá ra niềm vui được sống trong ơn sủng của Chúa Thánh Thần / để bước theo Đức Giêsu Kitô với đức tin son sắt và niềm cậy trông vững bền.
Xin dạy chúng con yêu mến / luôn sống bí tích Hòa Giải và bí tích Thánh Thể một cách sâu đậm hơn / Chính ở đó / chúng con sẽ gặp gỡ Chúa trong chân lý / hầu được thánh hóa trọn vẹn / chớ gì sự hiện diện của Chúa trong bí tích Thánh Thể lôi cuốn chúng con / làm cho chúng con được no thỏa / và là nguồn an ủi cho mỗi người chúng con.
Xin hãy giúp chúng con khám phá ra rằng / Lời Chúa là ánh sáng cho thời đại hôm nay / và là kim chỉ nam / để yêu mến và phục vụ anh em trong niềm vui / cách đặc biệt nơi những anh chị em nghèo khổ và bé mọn chung quanh. Xin hãy dạy cho chúng con biết làm chứng nhân của Đức Giêsu Kitô trong cuộc sống đời thường / bằng cách yêu thương / chia sẻ / hy sinh và tha thứ / cùng chu toàn mọi bổn phận và trách nhiệm hàng ngày / qua những việc làm cụ thể / thiết thực và hiệu quả / để đem lại sự nâng đỡ / niềm an ủi cho mọi người / Nhờ đó/ chúng con được sống hạnh phúc viên mãn trong Nước Chúa / cùng Các Thánh muôn đời. Amen./-
4.         Thánh lễ 
 
NGÀY THỨ HAI
1.         Những Kinh mở đầu
2.         Suy niệm (Trích trong sách kỷ niệm 150 năm hai Thánh)
Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng: chứng nhân đời thường của Đức Kitô
Lúc sinh thời, thánh Emmanuel Lê Văn Phụng giữ chức Lý trưởng, là chức thứ nhì trong làng. Vì thế, ngài được gọi là ông Lý Phụng. Đồng thời, ngài coi sóc việc đạo cho cả phủ nội tỉnh An Giang (Châu Đốc), gọi là Câu Phủ; cho nên, người đương thời cũng quen gọi ngài là Ông Câu Phụng. Với những chức vụ đạo, đời khá quan trọng như thế, ngài đã làm việc hết mình để đem lại hạnh phúc cho mọi người. Cuộc đời của thánh nhân có những nét đặc biệt sau đây.
Trước hết, là một tín hữu ngoan đạo, ngài luôn luôn tỏ ra là một gia trưởng gương mẫu. Dù rất bận chuyện làng-xã và họ đạo, thế nhưng, cùng với người vợ rất đảm đang là bà Anna Của, ngài đã nỗ lực sinh dưỡng, dạy dỗ một cách tốt đẹp tất cả 9 người con, năm trai, bốn gái, ngoài ra còn có hai người con nuôi cũng được ngài đùm bọc, cưu mang, giáo dục đầy đủ. Ngài quan tâm đặc biệt đến vấn đề giáo lý, đạo đức, học hành của con cái. Ngài lưu ý chỉ dạy cách ăn nết ở theo luân thường, đạo lý từ ngàn xưa. Thật là gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Điều đó đã được các linh mục lưu trú trong nhà khẳng định và ca ngợi.
Thứ đến, ngài có một tinh thần tông đồ rất nhiệt thành, hăng hái. Với tư cách là người đứng đầu trong họ đạo, ngài luôn luôn sống hết mình với Thiên Chúa, với Hội Thánh và với bà con bổn đạo, ngài rất hăng say trong việc mở mang Nước Chúa, cho dù phải gặp nhiều khó khăn, gian nan, thử thách.
Trong thời gian cấm đạo gắt gao nhất, ngài vẫn âm thầm dâng hiến đất đai, xây dựng nhà thờ, nhà xứ và nhà các nữ tu. Mái ấm của ngài là nơi lưu trú thường xuyên của các linh mục, kể cả các vị thừa sai nước ngoài.. sinh hoạt đạo đức của họ đạo, với các lễ nghi phụng vụ, với các bí tích được trao ban đều đặn, hầu như luôn luôn được diễn biến bình thường, là nhờ ở sự khôn khéo và tài đức của ngài.
Đồng thời, nhờ lòng đạo đức sâu sắc và sự am hiểu giáo lý một cách vững vàng, ngài đã được Bề trên chọn làm giảng viên giáo lý của họ đạo Cù Lao Giêng, và sau đó, của cả tỉnh An Giang. Với vai trò đặc biệt này, ngài ra sức dạy giáo lý cho các thiếu nhi, thanh niên và cả những người lớn tuổi. Ngài thường xuyên thăm hỏi, khuyên nhủ, giải thích và giúp đỡ những người khô khan, nguội lạnh trở về với Chúa. Ngài nhiệt tình lo lắng cho những người hấp hối, nguy tử được lãnh nhận các bí tích sau cùng, chuẩn bị chu đáo trước khi ra trình diện với Chúa.
Ngoài ra, lòng bác ái của ngài cũng là một nhân đức nổi trội. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngài vẫn tỏ ra tâm hồn nhân ái đặc biệt. Gặp thời dịch bệnh hoành hành, ngài đã sắm ghe, mua thuốc, phân phát, cứu giúp những người bệnh, cách riêng là những người nghèo khổ… trong thời gian tù đày, ngài cũng sẵn lòng chia sẻ những gì mình có cho các bạn tù, cho lính canh và cai tù… Ngay cả với kẻ thù, ngài cũng tỏ ra tấm lòng quảng đại, bao dung. Sở dĩ ngài bị bắt và bị giam giữ, cùng với cha sở Phêrô Quí là do hai tên bất lương tố cáo, hãm hại. thế nhưng, khi hai tên này đến xin bà vợ của ngài giúp đỡ tiền bạc, từ trong tù, ngài đã khuyến khích và yêu cầu bà thực hiện… Nhìn vào cung cách sống đó, tất cả mọi người đều thán phục người tông đồ của Chúa.
Sau cùng, với sự khôn khéo, tế nhị đặc biệt, với tinh thần trách nhiệm cao độ của người đứng đầu với những phương tiện vật chất mà Chúa trao ban, ngài đã xây dựng được những mối quan hệ tốt đẹp với tất cả những người chung quanh, kể cả quan quyền lúc bấy giờ. Ngài sẵn sàng hy sinh, dâng hiến những gì mình có để làm sáng danh Chúa, để loan báo Tin Mừng cho mọi người. Nhờ đó, mà ngài đã giúp cho họ đạo được bình yên, ngay cả trong thời buổi khó khăn nhất.
Và như thế, với tình yêu son sắt với Chúa và anh em, với sự trung tín kiên vững của người môn đệ, với niềm xác tín vào ơn cứu độ của thiên chúa, ngài đã hiến dâng mạng sống, để xứng đáng là sứ giả của Chúa Kitô tại quê hương thân yêu của ngài. Ngài đã trở nên một mẫu gương chứng nhân tiêu biểu của Đấng Cứu Thế cho đồng bào của ngài.
Noi gương của Thánh nhân, chúng ta hãy nỗ lực sống tin Mừng mỗi ngày trong cuộc sống đời thường, một cách cụ thể, thiết thực và hiệu quả.
Hãy sống trọn vẹn ơn gọi mà Chúa trao ban trong gia đình. Hãy là những người cha có trách nhiệm, người mẹ đảm đang, người con hiếu thảo để tạo bầu khí yêu thương, hạnh phúc trong mái ấm. những lời nói, cử chỉ, việc làm thắm đượm tình bác ái sẽ giúp đem lại bình an, niềm vui và hy vọng. Sự quan tâm, chăm sóc cho nhau sẽ đan dệt nên những tâm tình yêu thương, liên đới, chia sẻ, hy sinh và phục vụ…
Nên nhớ rằng, qua bí tích rửa tội, mỗi người đã lãnh nhận sứ mạng loan báo Tin Mừng cứu độ của Đức Ki-tô cho những anh em chung quanh. Trong hoàn cảnh hiện tại, chúng ta có thể chu toàn sứ mạng đó bằng đời sống gương mẫu của chúng ta qua nhữn việc làm cụ thể. Chính nhờ đời sống đầy tình yêu thương bác ái của chúng ta mà người ta có thể nhận ra Chúa, yêu mến Chúa, tin Chúa và đến với Chúa.
Ngoài ra, tinh thần tông đồ cũng mời gọi chúng ta nhiệt tình cộng tác với Đức Giám Mục giáo phận, với các linh mục phụ trách giáo xứ, với các thành phần dân Chúa, để giúp mọi người thăng tiến về mọi mặt, nhất là trưởng thành trong đức tin, đức cậy và đức mến. Hãy dùng tất cả những phương tiện mà Chúa trao ban, hãy biết chia sẻ những gì mình có, như: tài năng, thời giờ, sức khỏe, công ăn việc làm, tiền của vật chất… để làm vơi nhẹ những khổ đau, đem lại niềm an ủi, nâng đỡ tinh thần, tạo nên sự phấn khởi, lạc quan… cho những người đang gặp khó khăn, thử thách. Không ai nghèo túng đến nỗi không có gì để chia sẻ cho người khác. Một nụ cười tươi tắn, một sự đón tiếp niềm nở, một lời nói động viên hay một lời khen ngợi chân thành, một cái bắt tay thân tình, một sự giúp đỡ nho nhỏ… tất cả đều có một giá trị vô cùng lớn lao và cao quí. Tất cả đều là dấu chỉ chắc chắn loan báo hạnh phúc đích thực, sung mãn và vĩnh viễn của Nước trời. Sống được như thế, chúng ta sẽ là những chứng nhân đời thường của Đức Kitô, theo gương của thánh Emmanuel Lê Văn Phụng, và sẽ được chung hưởng hạnh phúc viên mãn với ngài, trong vinh quang Thiên Chúa.
3.         Đọc kinh kính hai Thánh
Kính lạy hai thánh Phêrô Đoàn Công Quí và Emmanuel Lê Văn Phụng/ là những chứng nhân anh dũng/ đã hy sinh mạng sống để làm chứng cho Đức Kitô và Tin Mừng của Chúa. Các Thánh đã chỉ cho thế gian con đường về Trời / xin hãy tỏ cho chúng con con đường yêu thương và sự sống của Chúa Cha / Xin hãy giúp chúng con nếm cảm hạnh phúc khi nhận biết Đức Giêsu Kitô / khi yêu mến Chúa và làm cho Chúa được yêu mến /  Giống như Các Thánh / chớ gì chúng con khám phá ra niềm vui được sống trong ơn sủng của Chúa Thánh Thần / để bước theo Đức Giêsu Kitô với đức tin son sắt và niềm cậy trông vững bền.
Xin dạy chúng con yêu mến / luôn sống bí tích Hòa Giải và bí tích Thánh Thể một cách sâu đậm hơn / Chính ở đó / chúng con sẽ gặp gỡ Chúa trong chân lý / hầu được thánh hóa trọn vẹn / chớ gì sự hiện diện của Chúa trong bí tích Thánh Thể lôi cuốn chúng con / làm cho chúng con được no thỏa / và là nguồn an ủi cho mỗi người chúng con.
Xin hãy giúp chúng con khám phá ra rằng / Lời Chúa là ánh sáng cho thời đại hôm nay / và là kim chỉ nam / để yêu mến và phục vụ anh em trong niềm vui / cách đặc biệt nơi những anh chị em nghèo khổ và bé mọn chung quanh. Xin hãy dạy cho chúng con biết làm chứng nhân của Đức Giêsu Kitô trong cuộc sống đời thường / bằng cách yêu thương / chia sẻ / hy sinh và tha thứ / cùng chu toàn mọi bổn phận và trách nhiệm hàng ngày / qua những việc làm cụ thể / thiết thực và hiệu quả / để đem lại sự nâng đỡ / niềm an ủi cho mọi người / Nhờ đó/ chúng con được sống hạnh phúc viên mãn trong Nước Chúa / cùng Các Thánh muôn đời. Amen./
4.         Thánh lễ 
 
NGÀY THỨ BA
1.         Những Kinh mở đầu
2.         Suy niệm (Trích Bài giảng của Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu trong Thánh lễ hành hương Năm Thánh giáo phận Long Xuyên tại Cù Lao Giêng, 31-07-2010)
Tinh thần đồng trách nhiệm trong sứ mạng của Hội Thánh
Anh chị em thân mến,
Tinh thần đồng trách nhiệm là một đặc tính rất độc đáo của giáo huấn công đồng Vaticanô II. Tại công đồng, tinh thần đồng trách nhiệm được nhấn mạnh trong việc đề cao hiệp đoàn tính của hàng Giám mục. Hoa trái của tinh thần trách nhiệm này là Thượng Hội đồng Giám mục của Giáo Hội. Tinh thần này được nhân rộng cho các giáo phận trong tổ chức của linh mục đoàn. Tinh thần này còn được mở rộng hơn nữa trong tổ chức của Hội đồng Mục vụ Giáo phận, và Hội đồng Mục vụ Giáo xứ của các cộng đoàn để cổ vũ cho sự hợp tác của hàng giáo sĩ và giáo dân. Tinh thần đồng trách nhiệm này được diễn tả qua mô hình Hội thánh tham gia và hiệp thông trong tông huấn Giáo Hội tại Á châu, được Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chuẩn nhận từ những đề nghị của Thượng Hội đồng Giám mục Á Châu. Và giáo phận Long Xuyên, để chuẩn bị cử hành Năm Thánh giáo phận, đã đưa ra đường hướng xây dựng giáo phận theo mô hình của một Hội thánh tham gia và hiệp thông trong tinh thần đồng trách nhiệm.
Thật tự hào cho giáo phận, khi mô hình Hội thánh tham gia và hiệp thông trong tinh thần đồng trách nhiệm đã được thực hiện trước công đồng Vaticanô II cả trên 100 năm tại họ Đầu Nước, nay là Cù Lao Giêng, một trong những họ đạo cổ kính và điển hình của giáo phận, do cha sở họ đạo là linh mục Phêrô Đoàn Công Quí, và đại diện giáo dân là ông câu Emmanuel Lê Văn Phụng.
Thật vậy, cha sở Phêrô và ông câu Phụng đã thể hiện tinh thần đồng trách nhiệm trong sự cộng tác với nhau để điều hành sinh họat của họ Đầu Nước - Cù Lao Giêng. Đặc biệt là ông câu Phụng đã dâng hiến tài sản của gia đình mình cho Giáo Hội, để xây cất cơ sở vật chất như chủng viện, nhà dòng. Hơn nữa, cha sở Phêrô và ông câu Phụng đã thể hiện tinh thần đồng trách nhiệm bằng sự đoàn kết với nhau trong chức linh mục của Chúa Kitô, để mỗi người theo sứ mạng của mình, phục vụ nhiệm thể Chúa Kitô. Riêng ông câu Phụng đã biến gia đình mình trở thành một Hội thánh tại gia, nơi mà trong thời bách hại, hàng giáo sĩ thường lui tới để trú ngụ, để ẩn náu và thi hành tác vụ linh mục, cụ thể là cử hành các bí tích cho giáo dân trong vùng. Nhất là cha sở Phêrô cùng với ông câu Phụng đã thể hiện tinh thần đồng trách nhiệm bằng sự hiệp thông với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô trong cuộc tử đạo của mình. Máu của hai thánh đã hòa trộn với Máu Thánh của Chúa Kitô, cùng thấm đẫm tại phần đất của vùng Châu Đốc, An Giang. Như vậy, sự cộng tác, sự đoàn kết và hiệp thông là những bài học cho giáo phận Long Xuyên, cho hàng giáo sĩ cũng như giáo dân, về tinh thần đồng trách nhiệm được biểu hiện từ cuộc đời và cuộc khổ nạn của hai thánh Quí - Phụng.
Thực ra, không phải là do hai thánh Quí - Phụng, cũng không phải là do công đồng Vaticanô II đưa ra những bài học về tinh thần đồng trách nhiệm trong cộng đoàn Kitô hữu. Chính Chúa Kitô đã sống và đã dạy bài học này cho những người theo Chúa trong bầu khí của cộng đoàn các Tông đồ. Chúa đã muốn các ông cộng tác với nhau và với mọi người nên sai các ông đi từng hai người một. Chúa muốn các ông đoàn kết với nhau và với mọi người nên đề ra chương trình hành động chung là làm chứng và loan báo Tin mừng bình an. Và Chúa muốn các ông hiệp thông với nhau và với mọi người trong lý tưởng của Mầu nhiệm Nước Thiên Chúa.
Chúa Kitô đã dạy bài học tinh thần đồng trách nhiệm. Công đồng Vaticanô II và Liên Hội đồng Giám mục Á Châu trở về nguồn với tinh thần tham gia và hiệp thông. Như vậy, giáo phận Long Xuyên không có con đường nào khác ngoài con đường trở về xây dựng giáo phận thành một Hội thánh tham gia và hiệp thông trong tinh thần đồng trách nhiệm.
Sẽ rất hài lòng cho hai thánh tử đạo nếu giữa anh chị em và cha sở đã có những hợp tác chặt chẽ trong mục vụ, và đã có những nỗ lực giải quyết những chia rẽ, những bất hòa, để tránh tình trạng kình chống nhau trong họ đạo. Và ước mơ rằng họ đạo Cù Lao Giêng sẽ là nơi hành hương cấp giáo phận để tinh thần đồng trách nhiệm của hai đấng Thánh được suy tư, chiêm ngưỡng và được tiếp tục học hỏi như bài học cho các cộng đoàn Kitô hữu trong và ngoài giáo phận.
Xin hai thánh tử đạo là cha sở Phêrô và ông câu Phụng chúc lành cho chúng con, và tiếp tục giúp chúng con biết học bài học xây dựng Nước Thiên Chúa bằng tinh thần đồng trách nhiệm. Amen. 
 
LỄ BỔN MẠNG
1.         Cung nghinh biệt tôn hai Thánh (Rước vào thánh lễ)
-           Trống lệnh
-           Hương
-           Thánh giá nến cao
-           Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ, giáo họ, giáo khu, đại diện các thành phần Dân Chúa.
(Ăn mặc lịch sự, Ban TV đeo phù hiệu)
-           Kiệu hai Thánh
-           Giúp lễ
-           Chủ sự: Trước khi rước kiệu, xông hương hai Thánh.
(Khi đi kiệu, đoàn rước đọc kinh kính hai Thánh, hát bài thích hợp).
       Khi kiệu vào tới cửa thánh đường, đọc tiểu sử hai Thánh (1)
-           Đặt hai Thánh trên cung thánh.
-           Cha Chủ sự xông hương bàn thờ, trở về ghế chủ tọa.
2.         Đại diện Hàng Xứ (Viên chức Cựu) chúc mừng HĐMVGX.
3.         Thánh lễ: Các Thánh Tử Đạo, có lời nguyện giáo dân, thêm lời nguyện cầu cho HĐGX. (2)
4.         Sau lời nguyện hiệp lễ: Đại Diện TV/HĐMVGX cảm tạ Cha xứ và giáo xứ.
5.         Tiệc mừng: Ăn sáng hoặc ăn trưa, do Ban TV/HĐMVGX tổ chức (Tùy hoàn cảnh) 
 
(1) TIỂU SỬ HAI THÁNH
 
Thánh Phêrô Đoàn Công Quí
Ngài là con của ông Antôn Đoàn Công Miêng và bà Anê Nguyễn Thị Trường, sinh năm 1826, tại họ đạo Búng, Thủ Dầu Một ( Bình Dương).
Ngay từ nhỏ, cậu Phêrô đã có lòng ước ao dâng mình cho Chúa. Sau khi đã nhập vào Đại Chủng Viện Thánh Giuse (Thị Nghè), Thầy Phêrô được gởi đi tu học tại đại chủng viện Thừa Sai Paris ở Pénang (Malaysia), năm 1848; hoàn tất chương trình đào tạo, trở về quê hương vào ngày 11/04/1855. Lúc bấy giờ các vua triều Nguyễn, nhất là vua Tự Đức, đang cấm đạo rất gắt gao. Vào tháng 9 năm 1858, Thầy được chịu chức một cách âm thầm tại Thủ Dầu Một; sau đó, được cử đi phục vụ tại các giáo xứ Lái Thiêu, Gia Định, Kiến Hòa, làm Cha Phó họ đạo Cái Mơn (Vĩnh Long), và là Cha Sở họ đạo Đầu Nước (Cù Lao Giêng, An Giang), từ ngày 27/12/1858, trú ngụ tại nhà ông câu Emmanuel Lê Văn Phụng.
Cùng với lòng nhiệt thành tông đồ, hăng hái phục vụ bổn đạo, Cha còn có lòng yêu mến Đức Mẹ một cách đặc biệt. Nhờ có tài hát xướng, Cha đã sáng tác những bài thánh ca để phổ biến lòng tôn sùng Đức Mẹ. Ngoài ra, Cha luôn khao khát tử đạo để làm chứng cho Chúa. Bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu, khi có dịp là cha sẵn sàng dâng hiến mạng sống, để làm chứng cho Chúa. Và Cha đã thực hiện được ý nguyện khi được Bề Trên cử về Cù Lao Giêng làm Cha Sở.
Về nhiệm sở mới được 10 ngày, Cha bị bắt cùng với ông Câu Emmanuel Lê Văn Phụng, và 32 giáo dân khác, vào ngày 07/01/1859 và bị giam giữ tại nhà tù Châu Đốc cho đến ngày 31/07/1859.
 
Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng
Ngài sinh năm 1796, tại họ đạo Đầu Nước (Cù Lao Giêng), làng Tấn Đức, tổng An Bình, tỉnh An Giang, thuộc Trấn Châu Đốc.
Là một gia đình gương mẫu, cùng với vợ là bà Anna Của, ông đã nuôi dạy 9 người con và 2 người con nuôi nên những người đạo đức, tốt lành. Với lòng bác ái cao quý, ông thường chia sẻ, giúp đỡ những người nghèo khổ, túng thiếu,… nhất là trong thời dịch bệnh và ngay cả khi bị giam tù ở Châu Đốc.
Với tinh thần tông đồ cao, ông hăng say hy sinh, phụng sự Chúa và phục vụ anh em. Trong thời gian cấm đạo rất gắt gao, ông vẫn âm thầm dâng đất cất nhà thờ, chủng viện và nhà các dì phước. Trong nhà ông, thường xuyên có các linh mục trú ngụ. Có thời gian, có 5 linh mục cùng một lúc; trong đó có các vị thừa sai nước ngoài (Tây dương đạo trưởng).
Ngoài ra, ông còn có tài ngoại giao rất đặc biệt. Ông có mối quan hệ rất tốt với chính quyền địa phương, cụ thể là Quan Huyện. Nhờ đó, mà giáo dân Cù Lao Giêng vẫn được an bình trong thời điểm cấm đạo rất khó khăn.
 Vì có người tố cáo, ngày 07 tháng 01 năm 1859, Ông bị bắt cùng với cha Phêrô Đoàn Công Quí và 32 giáo dân khác. Các ngài bị điệu về Châu Đốc giam giữ.
 
Gương sáng tử đạo
Trong suốt 7 tháng trời, Tổng Trấn và quan quân triều đình ra sức dụ dỗ Cha Phêrô và ông Emmanuel bỏ đạo, để được thăng quan, tiến chức và tưởng thưởng. Nhưng các ngài vẫn một mực yêu mến Đức Kitô, nhiệt tình với Tin Mừng Phúc âm và trung thành với Giáo Hội.
Không thuyết phục được, Tổng Trấn gởi sớ về triều đình xin án lệnh. Vua Tự Đức châu phê và gởi về Châu Đốc ngày 30/07/1859. Ngày hôm sau, 31/07/1859, tại Bến Chà Và (Bến Cây Mét), các ngài đã hiến dâng mạng sống để làm chứng cho Đức Kitô và Tin Mừng Phúc m.
Để tuyên dương công trạng, nhân đức và tinh thần tông đồ đầy nhiệt huyết, vào ngày 02/05/1909, Đức Giáo Hoàng Piô X đã tôn phong các ngài lên bậc Chân phước (Á thánh).
Sau đó, vào ngày 19/06/1988, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nâng các ngài lên bậc Hiển Thánh cùng với 115 vị tử đạo khác tại Việt Nam.
Các ngài đã nêu gương sáng về Đức Tin kiên vững, Đức Mến nồng nàn, Đức Cậy vững vàng, nhất là lòng nhiệt thành loan báo cho mọi người Tin Mừng tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Đây còn là mẫu gương sống động về tinh thần đồng trách nhiệm giữa linh mục và giáo dân, giữa Cha sở và Hội Đồng mục vụ giáo xứ mọi thời và mọi nơi.
Cũng còn đúng với đường hướng xây dựng giáo phận theo mô hình của một Hội Thánh tham gia và hiệp thông trong tinh thần đồng trách nhiệm.
 
(2) LỜI NGUYỆN TÍN HỮU
 
Chủ tế: Anh chị em thân mến, hai thánh tử đạo Phêrô Đoàn Công Quí và Emmanuel Lê Văn Phụng là những đấng đã hết lòng tin tưởng và yêu mến Chúa và Giáo Hội, sống trọn vẹn niềm tin đã lãnh nhận. Với tâm tình cảm phục và mến yêu hai bậc anh hùng tiền bối trong đời sống đức tin, chúng ta cùng sốt sắng dâng lời cầu nguyện:
1.         Hội Thánh có sứ mệnh làm chứng cho Chúa trước mặt mọi người / Chúng ta cùng cầu xin Chúa tuôn tràn sức mạnh Thánh Thần trên Hội thánh / để Hội Thánh luôn chu toàn sứ mệnh Chúa giao. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
2.         Đức Thánh Cha thay mặt Chúa lãnh đạo dân Chúa ở trần gian / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho Đức Thánh Cha và các vị Mục Tử trong Hội Thánh / được tràn đầy ơn khôn ngoan và sức mạnh Chúa Thánh Thần / để các ngài có thể nhiệt tâm chu toàn trách nhiệm Chúa trao. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
3.         Hai thánh tử đạo Phêrô Đoàn Công Quí và Emmanuel Lê Văn Phụng đã can đảm bước theo Chúa Kitô trên con đường thập giá và đã anh dũng hiến dâng mạng sống để nói lên lòng yêu mến Chúa của mình / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các Kitô hữu biết luôn cố gắng noi gương các ngài mà bước trọn con đường Chúa đã đi qua / và tích cực giới thiệu Chúa cho chính đồng bào mình. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
4.         Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho Hội đồng mục vụ giáo xứ nhiệm kỳ 2011 – 2015 luôn gắn bó và tin yêu Chúa giữa muôn vàn thử thách của cuộc đời / biết noi gương hai thánh bổn mạng Phêrô Đoàn Công Quí và Emmanuel Lê Văn Phụng / hầu xây dựng một Hội Thánh tham gia và hiệp thông vì sứ vụ trong tinh thần đồng trách nhiệm. Chúng ta cùng cầu xin Chúa
5.         Trước tiên, anh em hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và đức công chính của Người / còn mọi thứ khác Người sẽ thêm cho / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những quý chức đã tận tâm phục vụ trong Hội đồng mục vụ giáo xứ qua các nhiệm kỳ / được nhiều sức khỏe và ơn lành / Xin Thiên Chúa thưởng công bội hậu cho quý chức còn sống cũng như đã qua đời. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
Chủ tế: Lạy Chúa, thánh Phêrô Đoàn Công Quí và thánh Emmanuel Lê Văn Phụng đã không ngần ngại hy sinh mạng sống để tuyên xưng đức tin, nói lên lòng mến của các ngài đối với Chúa; xin Chúa thương trợ giúp để chúng con có thể luôn hiên ngang sống đức tin đã lãnh nhận. Nhờ đó, mai sau chúng con cùng được chung hưởng vinh quang với các ngài trên thiên quốc. Chúng con cầu xin…
UBMVGD/Gp/LX
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét