label

Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

Lễ bổn mạng dòng Thánh Gia
9g30 sáng Chúa nhật 30-12-2012, cùng với 30 cha và khoảng 1000 giáo dân xa gần, Đức Cha Giuse đã cử hành thánh lễ mừng kính thánh Gia Thất tại dòng Thánh Gia, Cần Xây.
Đức Cha dùng hình ảnh của Thánh Gia Thất là mẫu gương của các gia đình trong tinh thần khó nghèo và yêu thương nhau để nhắc nhở mọi người, mọi gia đình cùng sống và noi gương. Chính trong gia đình nhỏ bé ở làng quê Nazarét, Chúa Giêsu đã hiện diện trong thân phận con người, vâng lời cha mẹ và thi hành thánh ý Thiên Chúa.
Sau thánh lễ, đại diện nhà dòng, cha Bề trên GB. Trần Hữu Hạnh ngỏ lời cảm tạ và tri ân hai Đức Cha, quý cha và quý khách đã yêu thương, quan tâm và giúp đỡ nhà dòng về nhiều mặt trong thời gian qua.
Trước khi dùng tiệc chung vui với nhà dòng, Đức Cha Giuse đã cử hành nghi thức thánh hóa khu nhà mới của Đệ Tử viện.

 
 
 

Sứ điệp Hội nghị toàn thể lần thứ X của Liên Hội đồng giám mục Á châu





“Canh tân các sứ giả Tin Mừng để phục vụ công cuộc Tân Phúc âm hóa tại châu Á”
Sứ điệp Hội nghị toàn thể lần thứ X của Liên Hội đồng giám mục Á châu
***
“Chúng tôi loan báo cho anh chị em điều chúng tôi đã thấy và đã nghe” (1 Ga 1, 3)
Chúng tôi, các giám mục đại diện của các Hội đồng Giám mục thành viên và các Hội đồng Giám mục liên kết, thuộc Liên Hội đồng Giám mục Á châu, đã họp Hội nghị toàn thể lần thứ X tại Xuân Lộc và Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam), từ ngày 10 đến ngày 16 tháng Mười Hai 2012. Tham dự Hội nghị, có: Đức hồng y Gaudencio Rosales, Đặc sứ của Đức Thánh Cha; Đức Tổng giám mục Saviô Hàn Đại Huy SDB, Tổng thư ký Bộ Loan báo Tin Mừng các dân tộc; Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam; quý đại biểu huynh đệ của các Liên Hội đồng Giám mục châu Đại dương, châu Mỹ Latinh và châu Âu; quý đại biểu một số tổ chức quyên góp và tài trợ; quý Đức cha và Thư ký các văn phòng FABC; và quý khách mời. Tổng số đại biểu tham dự là 111 vị (gồm: 7 hồng y, 69 giám mục, và 35 linh mục, tu sĩ, giáo dân).
Chúng tôi cảm tạ Chúa về biến cố lịch sử bản Quy chế thành lập FABC được Tòa Thánh chuẩn nhận 40 năm trước đây. Quả là một hồng phúc đặc biệt cho chúng tôi vì dịp kỷ niệm 40 năm FABC lại trùng với bốn biến cố quan trọng: Năm Đức Tin, kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Vatican II, 20 năm xuất bản sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, và Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 13 vừa kết thúc về Tân Phúc âm hóa để thông truyền đức Tin Kitô giáo.
Tất cả những biến cố này nhắc chúng ta ý thức về căn tính sâu xa nhất của mình: chúng ta là một cộng đoàn đức Tin được Chúa kêu gọi thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng nơi trần gian. Chúng tôi cảm tạ Chúa đã chúc lành cho FABC trong công cuộc canh tân sứ vụ yêu thương và phục vụ tại châu Á.
Chúng tôi hết lòng biết ơn Giáo hội tại Việt Nam, đặc biệt các giáo phận Xuân Lộc và TP.HCM, đã dành cho chúng tôi sự đón tiếp hết sức nồng hậu và hiếu khách. Chúng tôi cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã cởi mở và giúp đỡ Hội nghị chúng tôi được diễn ra tại đất nước có những truyền thống và văn hóa phong phú này. Chúng tôi nguyện xin Thiên Chúa ban muôn ơn lành cho Giáo Hội tại Việt Nam và nhân dân Việt Nam.
Chúng tôi cũng bày tỏ tình hiệp thông và liên kết, cũng như sự khích lệ, đối với Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc. Các đại biểu của Giáo hội Trung Quốc đã không có mặt tại Hội nghị của chúng tôi. Chúng tôi thiết tha mong mỏi sẽ có ngày cuộc quy tụ huynh đệ được mở rộng thêm ra với sự tham gia tích cực tại FABC của Giáo hội Trung Quốc. Chúng tôi hiệp nhất với Giáo hội Trung Quốc trong lời cầu nguyện cho mọi người của đất nước rộng lớn này được bình an, hưởng niềm vui và hy vọng đã được Chúa Kitô mang đến.
Chúng tôi hết lòng biết ơn tất cả anh chị em giáo dân, nam nữ tu sĩ, các linh mục và giám mục đang thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, thậm chí phải liều cả mạng sống. Tinh thần quả cảm và hết lòng phục vụ Tin Mừng của anh chị em đã soi sáng và củng cố chúng tôi rất nhiều.
Tuần lễ diễn ra Hội nghị thực sự là một Tuần Đức Tin. Ngọn lửa niềm tin của chúng tôi vào Thiên Chúa đã bừng cháy thêm lên trước đức Tin sâu sắc và sống động của dân Chúa tại Việt Nam và qua câu chuyện của các vị tử đạo. Nhờ chứng từ cao cả của các vị tử đạo, sức mạnh của đức Tin và đức Cậy đã ngời sáng.
Trong ánh sáng của Lời Chúa, Hội nghị của chúng tôi nhận diện những nẻo đường thực thi sứ vụ mà Chúa Thánh Thần soi dẫn. Được Thánh Thần hướng dẫn, chúng tôi đọc các dấu chỉ thời đại, những trào lưu lớn trong xã hội tại châu Á và những thực tại đang diễn ra trong Giáo hội của mình, đồng thời phân tích những thách đố và cơ hội đang mở ra để có thể đáp ứng từ chiều sâu đức Tin của mình. Chúng ta đang thực thi một sứ vụ rất khó khăn là loan báo Đức Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu thế giữa những thay đổi mau chóng tại châu Á. Vì lẽ đó, chúng ta càng phải ý thức hơn nữa mình phải trở thành một cộng đoàn có kinh nghiệm về Đức Kitô và làm chứng cho Đức Kitô. Trọng tâm công cuộc Tân Phúc âm hóa đã được Đức Chân phước giáo hoàng Gioan Phaolô II khởi xướng và được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tái khẳng định, chính là lời thúc giục hãy trở nên những chứng nhân đích thực và đáng tin cậy về Đức Giêsu là Thiên Chúa và là Đấng Cứu thế.
Chính Thần khí đã từng thúc đẩy Công đồng Vatican II nay cũng đang hiệu triệu chúng ta thành những sứ giả được đổi mới của Tin Mừng để phục vụ công cuộc Tân Phúc âm hóa. Chính Thánh Thần là Đấng có thể làm cho Giáo hội và từng người chúng ta nên mới. Chính Thánh Thần là Đấng giúp chúng ta có thể đáp ứng một cách đáng tin và có hiệu quả trước các trào lưu xã hội và những thực tại đang diễn ra trong Giáo hội đã được Hội nghị bàn đến.
Để trở nên những thừa sai mới, chúng ta phải đáp lại Thần khí đang hoạt động tích cực trong thế giới, trong sâu thẳm hiện hữu của chúng ta, trong các dấu chỉ thời đại và trong tất cả những gì thực sự thuộc về con người. Chúng ta cần phải sống linh đạo Tân Phúc âm hóa.
Chúng tôi đề nghị với anh chị em một số chiều kích cơ bản của nền linh đạo này:
1. Gặp gỡ cá nhân với Đức Giêsu Kitô. Trước hết và trên hết, những sứ giả mới của Tin Mừng cần phải có một đức Tin sống động, được xây dựng trên nền tảng cuộc gặp gỡ sâu xa, cá vị và có sức biến đổi, với con người sống động của Đức Giêsu Kitô, một cuộc gặp gỡ đem lại hiệu quả là bản thân được hoán cải và trở nên môn đệ của Chúa Giêsu trong lời nói và việc làm. Tóm lại, chúng ta loan báo Đấng mình đã thấy, đã nghe và chạm đến (x. 1 Ga 1, 1-3). Cuộc gặp gỡ cá vị này và đời sống người môn đệ là điều hết sức cần thiết. Thiếu điều này, không ai có thể chạm đến cái hồn của châu Á.
2. Say mê sứ vụ. Nếu chúng ta có mặt là để thi hành sứ vụ, thì chúng ta cần phải có niềm say mê sứ vụ. Truyện kể về Giáo hội tại châu Á đan xen với truyện kể về các vị thừa sai và các vị tử đạo. Các vị là những giáo dân, tu sĩ nam nữ và hàng giáo sĩ đã dám liều mạng sống mình vì Đức Kitô. Câu chuyện về các ngài thôi thúc và khích lệ chúng ta. Các ngài là hiện thân của niềm say mê truyền giáo theo một cách thức mà loài người không thể làm được, nhưng đối với Thiên Chúa thì hoàn toàn có thể (x. Lc 18, 27). Chân phước Gioan Phaolô II khẳng định: “Một ngọn lửa chỉ có thể được thắp lên bởi chính một vật đang cháy lửa… (chúng ta) phải cháy lửa tình yêu Chúa Kitô và lửa nhiệt thành mong ước làm cho Đức Kitô được nhiều người nhận biết hơn, yêu mến hơn, bước theo sát Người hơn” (Tông huấn Ecclesia in Asia, số 23). Lời Thánh Phaolô: “Tình yêu Ðức Kitô thôi thúc chúng tôi” (2 Cr 5, 14) lay động cõi lòng chúng ta hãy chia sẻ tình yêu khôn sánh của Chúa Giêsu cho toàn thể thế giới. Bởi lẽ chúng ta xác tín rằng mọi niềm khao khát của các dân tộc Á châu đều được kiện toàn nơi Chúa Giêsu, Đấng là Sự Sống.
3. Tập trung vào Nước Thiên Chúa. Việc loan báo Chúa Giêsu tác động đến mọi khía cạnh cuộc sống và các tầng lớp xã hội –toàn bộ cuộc sống con người. Do đó linh đạo Tân Phúc âm hóa không tách thế giới của chúng ta khỏi Triều đại của Thiên Chúa. Không tách đời sống vật chất khỏi tôn giáo, cũng không làm cho đời sống đức Tin xa lìa nghĩa vụ làm thay đổi đời sống chính trị và kinh tế xã hội. Trên hết, linh đạo của sứ giả Tân Phúc âm hóa không tách Đức Giêsu Kitô ra khỏi Nước Chúa, cũng không tách những giá trị của Nước Chúa ra khỏi Con người Đức Giêsu. Tập trung vào Nước Thiên Chúa là trao bản thân mình cho Chúa Giêsu và tầm nhìn của Người về một nhân loại mới đúng theo khuôn mẫu của Người.
4. Quyết tâm hiệp nhất. Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho chúng ta được hiệp nhất với Chúa Cha, với Người và với nhau (x. Ga 17, 20-22). Qua cuộc Khổ nạn, cái Chết và sự Phục sinh của Người, Chúa Giêsu đã phục hồi mọi sự nơi chính mình Người, và đưa nhân loại cùng toàn thể thụ tạo vào sự hiệp thông với Chúa Cha và Thánh Thần. Như Chúa Giêsu, những nam nữ thừa sai Tân Phúc âm hóa cần phải sống và cổ võ sự hiệp thông. Quả thật, linh đạo hiệp thông chính là linh đạo của Tân Phúc âm hóa. Chân phước Gioan Phaolô II nhắc chúng ta nhớ “hiệp thông và sứ vụ gắn kết với nhau không thể tách rời”. Thông hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi “là nguồn mạch và là hoa trái của sứ vụ: hiệp thông đưa đến sứ vụ và sứ vụ được hoàn tất trong hiệp thông” (Tông huấn Ecclesia in Asia, số 24, trích dẫn Thông điệp Christifideles laici, số 32). Vì thế đây phải là phương châm của chúng ta: “hiệp thông vì sứ vụ” và “sứ vụ vì hiệp thông” (Tông huấn Ecclesia in Asia, số 25). Các sứ giả Tin Mừng sẽ gặt hái kết quả hữu hiệu khi sống kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu và quảng đại dấn thân làm chứng và cổ võ sống thông hiệp với Chúa, với nhau và với mọi thụ tạo.
Trong bối cảnh châu Á đang tìm kiếm sự hài hòa giữa những căng thẳng và xung đột đang gia tăng, mọi thành phần dân Chúa –giáo sĩ và giáo dân, nam cũng như nữ, giới trẻ cũng như thiếu niên nhi đồng– đều được mời gọi trở thành những người loan báo Tin Mừng, sứ giả của Lời Chúa, người kiến tạo hòa bình và xây dựng sự hiệp thông. Một sự hiệp thông như vậy cần được thể hiện qua chính sự hiệp thông sống động của các cộng đoàn giáo xứ và giáo phận.
5. Đối thoại, một phương cách sống và thi hành sứ vụ. Công cuộc Tân Phúc âm hóa kêu gọi lấy tinh thần đối thoại thúc đẩy cuộc sống hằng ngày và chọn tương quan hòa hợp chứ không đối đầu. Đối thoại phải là tiêu chí cho mọi hình thức thực thi sứ vụ và phục vụ tại châu Á. Đặc trưng của đối thoại là khiêm tốn nhận ra sự hiện diện kín đáo của Thiên Chúa trong cuộc tranh đấu của người nghèo, trong sự phong phú về văn hóa của nhân dân, trong sự đa dạng về truyền thống tôn giáo và trong thẳm sâu cõi lòng mỗi người. Đối thoại như thế là lối sống và phương cách truyền giáo của chúng ta. Đối thoại trở thành nền tảng cho nền linh đạo hiệp thông nhằm canh tân sứ giả Tin Mừng.
6. Hiện diện khiêm hạ. Chúng tôi tin rằng mỗi người châu Á đều dự phần và đồng hành trong cuộc hành trình tiến đến Nước Thiên Chúa, và tin rằng những cánh đồng truyền giáo là những thửa đất có sự hiện diện và hoạt động lạ lùng của Thánh Thần Thiên Chúa. Trên cánh đồng truyền giáo bao la tại châu Á, chứng từ lặng lẽ nhưng hùng hồn của đời sống Kitô hữu đích thực đòi phải biết hiện diện trong khiêm hạ, biết sống đối thoại, trong đó bao gồm cuộc sống cầu nguyện và “chiêm niệm”. Đó là yêu cầu đặt ra cho các sứ giả mới của Tin Mừng, hoạt động giữa những nền văn hóa đề cao sự bỏ mình và quý trọng cầu nguyện. Sự hiện diện khiêm hạ phải được thể hiện bằng nếp sống giản dị và liên kết với người nghèo.
7. Vai trò ngôn sứ của người truyền giáo. Trở nên ngôn sứ là trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần, nhận diện những nghịch lý tại châu Á và tố cáo bất cứ những gì làm suy yếu, hạ thấp giá trị và tước bỏ phẩm giá của con cái Thiên Chúa. Những sứ giả mới của Tin Mừng phải bảo vệ phẩm giá làm người của tất cả mọi người, nhất là của phụ nữ, trẻ em và những người không có đủ điều kiện sống cho ra con người trong xã hội châu Á chúng ta. Qua việc tố cáo bất công, những sứ giả mới của Tin Mừng loan báo tình yêu của Thiên Chúa, “những điều quan trọng hơn trong Lề Luật” tức là là công bình, lòng nhân từ và thành tín (Mt 23, 23), và tình yêu được Chúa Giêsu dành ưu tiên cho người nghèo.
8. Liên đới với những nạn nhân. Trong Hội nghị, chúng tôi đã lưu ý con số các nạn nhân của quá trình toàn cầu hóa, của bất công, của thảm họa hạt nhân và thiên tai, của những cuộc tấn công do những kẻ cực đoan và khủng bố gây ra, con số ấy đang gia tăng từng ngày. Chúa Giêsu đứng về phía nạn nhân của các thảm họa và bất công. Người liên đới với những ai bị xã hội loại bỏ. Liên đới và xót thương những nạn nhân và bị gạt ra ngoài lề xã hội phải trở thành chiều kích chính yếu của linh đạo Tân Phúc âm hóa.
9. Chăm sóc tạo thành. Hội nghị cũng đã lưu ý việc lạm dụng thiên nhiên vì lợi ích kinh tế thiển cận và ích kỷ vẫn chưa được khắc phục. Những nguyên nhân do con người gây ra đã góp phần đáng kể làm cho trái đất nóng lên và khí hậu thay đổi, khiến người nghèo và người bị bóc lột phải hứng chịu những tác động bi đát hơn nữa. Mối quan tâm đến sinh thái, việc bảo toàn công trình tạo dựng, bao gồm sự công bằng và đồng cảm giữa các thế hệ, là yếu tố cơ bản trong linh đạo hiệp thông.
10. Can đảm sống đức Tin và tử đạo. Từ buổi đầu Kitô giáo có mặt đến nay, mảnh đất Á châu đã thấm máu đào của các vị tử đạo. Nếu ngày nay chúng ta được mời gọi hãy đem sự hy sinh cao cả mà làm chứng cho đức Tin, chúng ta sẽ không từ nan. Chúa Giêsu đã căn dặn chúng ta, hy sinh như thế là dấu chứng tối hậu chúng ta tận trung với Người và với sứ mạng của Người. Xin các vị tử đạo tại đất nước chúng ta, trong đó có nhiều vị đã được tôn kính trên bàn thờ, giúp chúng ta biết noi gương các ngài và chuyển cầu cho chúng ta được thêm mạnh sức. Chúng ta tri ân Đức Chân phước giáo hoàng Gioan Phaolô II và Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã công bố nhiều vị chứng nhân người Á châu là những đấng tử đạo của Giáo hội, “máu các vị tử đạo là hạt giống phát sinh Kitô giáo”.
Kết luận
Trong Năm Đức Tin này, vào thập niên thứ hai của thiên niên kỷ mới, nhân dịp kỷ niệm 40 năm FABC, chúng tôi kêu gọi mọi người thuộc các Giáo hội tại châu Á hãy nuôi dưỡng niềm say mê đặc biệt đối với công cuộc Tân Phúc âm hóa.
Chúng ta không được để mình thờ ơ hoặc bi quan trước những trào lưu xã hội tại châu Á đang đe dọa cấu trúc xã hội, sự bền vững của gia đình và tầm nhìn đức Tin của chính cộng đoàn Kitô hữu. Ẩn bên trong những thực tại này có thể là những nguồn lực nội tại của Thánh Thần, đang hoạt động trong lòng những giá trị Á châu, là những hạt giống của một nhân loại mới đang khao khát sự sống viên mãn trong Đức Giêsu.
Sứ vụ của công cuộc Tân Phúc âm hóa, mới trong nhiệt tâm, mới về phương pháp và mới trong cách diễn tả, đang được đặt ra cấp thiết. Sứ vụ này kêu gọi các sứ giả Tin Mừng phải canh tân đổi mới với một linh đạo được đổi mới, linh đạo hiệp thông, linh đạo truyền giáo, linh đạo Tân Phúc âm hóa. Mỗi giáo xứ, mỗi cộng đoàn, mỗi gia đình cần phải trở thành trường dạy nền linh đạo này. Sứ vụ này đòi hỏi các nhà thừa sai mới phải sống hoán cải sâu sắc, phải thay đổi tầm nhìn cũng như phải nên giống Đức Kitô trong tâm tư và thái độ, và phải hiệp thông với Thiên Chúa. Sứ vụ này đòi hỏi phải có niềm tin sống động vào Chúa, phó thác nơi Chúa, theo chân Chúa Giêsu từ trong tư tưởng, tình cảm đến hành động.
“Đoàn chiên nhỏ bé” của Chúa Giêsu không được rụt rè hoặc sợ hãi giữa hàng tỉ người châu Á, chiếm hơn 60% dân số thế giới. Bởi vì chúng ta có chính Đức Giêsu Kitô, là nguồn duy nhất mang lại niềm tin cho chúng ta, là hồng ân độc đáo Thiên Chúa ban cho loài người. Người đồng hành với chúng ta như đã từng đi với các môn đệ trên đường đến Emmaus (x. Lc 24, 13-32). Trong mỗi cử hành Thánh Thể, Người mở mắt và sưởi ấm trái tim chúng ta bằng ngọn lửa tình yêu đối với công cuộc Tân Phúc âm hóa tại châu Á.
Xin Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu và là Mẹ của chúng ta, đồng hành cùng chúng ta đang bước đi trên những nẻo đường Á châu để “kể chuyện Chúa Giêsu”. Chúng ta không sợ. Chúng ta đã được Chúa bảo đảm, “Hãy yên tâm, Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14, 27). Và chúng ta đã nhận được lời Người cam kết: “Hãy nhớ, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).
Xuân Lộc và TP.HCM, Việt Nam
Ngày 16 tháng Mười Hai 2012

 
Thành Thi chuyển ngữ


Đức Thánh Cha kêu gọi bênh vực và nâng đỡ gia đình

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 30-12-2012, ĐTC Biển Đức 16 mời gọi các gia đình Công Giáo noi gương Thánh Gia Thất và gia tăng nỗ lực bênh vực chính cách gia đình.

Buổi đọc kinh Truyền Tin lễ Thánh Gia và cũng là chúa nhật cuối cùng của năm 2012. Hàng chục ngàn tín hữu có mặt tại Quảng trường thánh Phêrô dưới bầu trời nắng đẹp, cạnh hang đá máng cỏ khổng lồ bên cây thông cao 25 mét.

Trong bài huấn dụ ngắn, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa bài Tin Mừng theo thánh Luca về biến cố Chúa Giêsu theo cha mẹ đi hành hương ở Đền thờ Jerusalem, và sau đó ngài âm thầm ở lại, và mãi ba ngày sau cha mẹ Ngài mới tìm lại được con ở Đền thờ sau 3 ngày lo lắng tìm kiếm. ĐTC nói:

“Anh chị em thân mến, hôm nay là lễ Thánh Gia Nazareth. Trong phụng vụ, đoạn Tin Mừng theo thánh Luca trình bày cho chúng ta Đức Trinh Nữ Maria và thánh Giuse, trung thành với truyền thống, lên Jerusalem để mừng lễ Vượt Qua cùng với Chúa Giêsu 12 tuổi.

Lần đầu tiên mà Chúa Giêsu vào Đền thờ của Chúa là 40 ngày sau khi Ngài sinh ra, khi cha mẹ Ngài dâng cho Chúa ”một cặp chim gáy hoặc chim bồ câu non” (Lc 2,24), nghĩa là lễ vật của những người nghèo. Trong toàn sách Tin Mừng theo thánh Luca, vốn là một Tin Mừng thấm đượm một nền thần học về người nghèo và về sự thanh bần, thánh nhân cho thấy .. rằng gia đình Chúa Giêsu được kể vào số những người nghèo của Israel; thánh Luca cho chúng ta hiểu rằng chính nơi họ mà lời hứa của Chúa có thể được viên mãn” (L'infanzia di Gesù, 96). Hôm nay, Chúa Giêsu lại vào Đền Thờ, nhưng lần này với một vai trò khác, có liên hệ đích thị tới Ngài. Cùng với Mẹ Maria và Thánh Giuse, Ngài hành hương lên Jerusalem theo qui định của Lề Luật (Xc Xh 23,17, 34,23ss), cho dù Ngài chưa đầy 13 tuổi: đó là dấu chỉ lòng đạo đức sâu xa của Thánh Gia. Nhưng khi song thân Ngài lên đường trở về Nazareth, thi xảy ra một điều bất ngờ: Ngài ở lại Thành Thánh mà không nói gì cả. Suốt 3 ngày, Mẹ Maria và Thánh Giuse tìm kiếm và thấy Ngài trong Đền Thờ, đang nói chuyện với các Thầy Thông Luật (Xc Lc 2,46-47); và khi song thân hỏi lý do tại sao thì Chúa Giêsu trả lời rằng Thầy Mẹ không nên ngạc nhiên, vì xây chính là chỗ của con, đây là nhà của Ngài, nơi Cha Ngài là Thiên Chúa (Xc L'infanzia di Gesù, 143). Origène đã viết: ”Ngài nói tiên tri sẽ ở trong Đền thờ của cha Ngài, Cha mà Ngài mạc khải cho chúng ta và Ngài nói là Con của Người” (Omelie sul Vangelo di Luca, 18,5).

”Sự lo lắng của Mẹ Maria và Thánh Giuse về Chúa Giêsu cũng là sự lo lắng của mỗi cha mẹ trong việc giáo dục mỗi người con, dẫn con cái vào cuộc sống và hiểu biết thực tại. Vì thế, ngày nay chúng ta cần đặc biệt cầu xin Chúa cho tất cả các gia đình trên thế giới. Noi gương Thánh Gia Nazareth, các cha mẹ hãy nghiêm túc quan tâm đến sự tăng trưởng và giáo dục con cái mình, để chúng trưởng thành như những người có trách nhiệm và những công dân lương thiện, không bao giờ quên rằng đức tin là một hồng ân quí giá cần được nuôi dưỡng nơi chính các con cái, kể cả bằng gương sáng. Đồng thời chúng ta hãy cầu nguyện để mỗi để mỗi trẻ em được đón nhận như một món quà của Thiên Chúa, được tình thương của cha mẹ nâng đỡ, để có thể lớn lên như Chúa Giêsu, ”càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa và người đời” (Lc 2,52). Ước gì tình yêu, lòng trung thành và tận tụy của Mẹ Maria và thánh Giuse là mẫu gương cho tất cả các đôi vợ chồng Kitô, họ không phải bạn hữu hay chủ nhân cuộc sống của con cái mình, nhưng là những người gìn giữ hồng ân khôn sánh này của Thiên Chúa”.
”Ước gì sự thinh lặng của thánh Giuse, người công chính (Xc Mt 1,19) và gương của Mẹ Maria, đã cẩn giữ mọi sự trong tâm hồn (Xc Lc 2,51) đưa chúng ta đi vào mầu nhiệm đầy đức tin và tình người của Thánh Gia. Tôi cầu chúc tất cả các gia đình Kitô sống trước sự hiện diện của Thiên Chúa với cùng tình yêu và niềm vui của gia đình Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse”.

Chào thăm

Sau khi ban phép lành, ĐTC đã chào thăm các tín hữu bằng nhiều ngôn ngữ và tóm tắt ý chính bài huấn giáo. Với các tín hữu nói tiếng Pháp, ngài nhận xét rằng: ”Con Thiên Chúa đã muốn sinh ra trong một gia đình, qua đó mang lại cho gia đình một ý nghĩa cao thượng và chỗ đứng không thể thay thế được đối với con người và xã hội. Gia đình là chiếc nôi tự nhiên của trẻ em. Gia đình là mảnh đất đầu tiên và không thể thay thế được nơi mà con người và những liên hệ giữa con người bén rễ và được xây dựng. Xin Mẹ Maria và Thánh Giuse giúp các cha mẹ giáo dục con cái và thông truyền đức tin cho chúng!

ĐTC cũng nói bằng tiếng Tây Ban Nha và sứ điệp của ngài được trực tiếp truyền hình tới hàng chục ngàn người ở Madrid:

”Tôi thân ái chào thăm các tín hữu nói tiếng Tây Ban Nha hiện diện ở đây trong buổi đọc kinh kính Đức Mẹ. Từ đây, tôi cũng chào thăm đông đảo các tín hữu tham dự ”Thánh Lễ của các gia đình” được tổ chức tại Madrid. Ước gì Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse là mẫu gương đức tin làm cho tình yêu được chiếu tỏa rạng ngời và củng cố đời sống của các gia đình. Nhờ lời chuyển cầu của các Ngài, chúng ta cầu xin cho gia đình tiếp tục là món quà quí giá cho mỗi phần tử của gia đình, một niềm hy vọng vững chắc nhất cho toàn thể nhân loại. Và niềm vui chia sẻ cuộc sống theo Thiên Chúa mà chúng ta đã học biết từ cha ông chúng ta, thúc đẩy chúng ta biến thế giới thành một gia đình đức tin, một không gian hòa hợp, liên đới và tôn trọng lẫn nhau. Với ý hướng đó, chúng ta hãy chạy đến cùng Mẹ Maria, Mẹ Thiên Quốc của chúng ta, để Mẹ tháp tùng các gia đình trong ơn gọi của họ, trở thành như một Giáo Hội tại gia và là tế bào nguyên thủy của xã hội. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em.”
Thánh lễ Gia đình được cử hành lần thứ 6 tại Madrid, do ĐHY Antonio Maria Rouco, TGM sở tại, Chủ tịch HĐGM Tây Ban Nha, chủ sự, cùng với đông đảo các GM và linh mục, tại quảng trường Colón.

Trong bài giảng ĐHY Rouco khẳng định rằng chỉ có gia đình được quan niệm và sống hoàn toàn trong sự thật, như ngôn ngữ rõ rệt và không thể xóa bỏ của bản chất con người, mới phản ánh chân trời hy vọng cho con người và xã hội thời nay.

ĐHY cũng nói về gia đình Công Giáo như niềm hy vọng vững chắc duy nhất nếu chúng ta xét đến thực tại xã hội và văn hóa hiện nay và những giải pháp phù vân vô hiệu lực người ta đề nghị để ra khỏi tình trạng khủng hoảng sâu đậm của nhân loại hiện thời. Gia đình cần đương đầu với những chướng ngại về kinh tế, xã hội, văn hóa, pháp luật và chính trị người ta đặt ra trên hành trình của gia đình. Vì thế, ĐHY nói, ngày nay hơn bao giờ hết, điều cấp thiết là thực hiện đạo lý đức tin chân lý ngàn đời về hôn nhân và gia đình”.

G. Trần Đức Anh OP

Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012




Đức Thánh Cha chủ sự buổi cầu nguyện với các bạn trẻ Taizé

VATICAN. Lúc 6 giờ chiều 29-12-2012, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ sự buổi cầu nguyện với hàng chục ngàn bạn trẻ Kitô Âu Châu, tại Quảng trường thánh Phêrô.

Đây là cuộc gặp gỡ thứ 35 do tu viện đại kết Taizé bên Pháp tổ chức từ chiều ngày 28-12-2012 và đến ngày 2-1-2013, với sự tham dự của 40 ngàn bạn trẻ.

Từ hàng giờ trước khi chính thức bắt đầu buổi cầu nguyện, các bạn trẻ đã có mặt tại quảng trường thanh gia phần thánh ca do ca đoàn đảm trách. Lúc gần 6 giờ, ĐTC đã từ nội thành Vatican tiến ra, trong xe bọc kiếng, tiến qua các lối đi ở quảng trường để chào thăm các bạn bạn trẻ, trước khi tiến lên thềm đền thờ, nơi có lễ đài đơn sơ, với ảnh Chúa Kitô chịu đóng đanh, hai bên có Đức Mẹ và thánh Gioan.

Hai bên lễ đài có các tu huynh Taizé cùng với các LM Công Giáo, Chính Thống và Mục Sư Tin Lành, Anh giáo. Đại diện cho chính quyền địa phương có ông đô trưởng Gianni Alemanno.

Buổi cầu nguyện bắt đầu với dấu thánh giá của ĐTC và diễn ra với các thánh ca, thánh vịnh, đọc Kinh Thánh và kinh nguyện bằng nhiều thứ tiếng, giữa hàng chục ngàn ánh nến lung linh trong đêm tối.

Cuối buổi đọc kinh, trong lời chào mừng ĐTC, thầy Alois, một tín hữu Công Giáo người Đức, tu viện trưởng Taizé, cho biết các bạn trẻ hiện diện thuộc các hệ phái Kitô khác nhau, đến từ toàn Âu Châu và từ các đại lục khác: tất cả đều được liên kết nhờ một phép rửa và cùng có Lời Chúa... Thầy Roger Schutz, người sáng lập tu viện đại kết Taizé đã mở ra những hành trình hòa giải.. Nhờ chứng tá của Thầy, rất nhiều người đã muốn thực hiện trước sự hòa giải qua cuộc sống: họ đã sống như những người được hòa giải. Các tín hữu Kitô hòa giải có thể trở thành những chứng nhân về an bình và hiệp thông, trở thành những người mang một tình liên đới mới trong toàn thể nhân loại. Sự tìm kiếm một quan hệ bản thân với Thiên Chúa, chính là nền tảng của tiến trình ấy. Phong trào đại kết bằng việc cầu nguyện này không khuyến khích một thái độ bao dung dễ dàng, nhưng tạo điều kiện cho sự lắng nghe lẫn nhau và đối thoại chân thành”.
Trong bài huấn dụ với những đoạn bằng 5 thứ tiếng, ĐTC ghi nhận đây là lần thứ 4 Roma đón tiếp các bạn trẻ tham dự cuộc gặp gỡ Âu Châu và ngài nói: ”Trong dịp này, tôi muốn lại lại những lời mà vị Tiền Nhiệm của tôi Gioan Phaolô 2 đã nói với các bạn trẻ trong cuộc gặp gỡ thứ 3 của các bạn tại Roma: ”Giáo Hoàng cũng cảm thấy dấn thân sâu xa với các bạn trong cuộc lữ hành tín thác này trên trái đất.. Cả tôi cũng được kêu gọi trở thành một người lữ hành tín thác nhân danh Chúa Kitô” (30-12-1987)

Và ĐTC đề cao sự nghiệp và tấm gương của thầy Roger: ”Như một chứng nhân không biết mệt mỏi về Tin Mừng hòa bình và hòa giải, thầy Roger đã khích lệ tất cả những người đi qua Taizé trở thành người tìm kiếm hiệp thông. Chúng ta phải lắng nghe trong con tim chúng ta về tinh thần linh đạo đại kết được sống thực của Thầy, và để cho mình được chứng tá của Thầy hướng dẫn tiến tới một phong trào đại kết được thực sự nội tâm và linh đạo hóa. Theo gương của Thầy Roger, ước gì nhiều người trong các bạn có thể trở thành những người mang sứ điệp hiệp nhất này. Tôi bảo đảm với các bạn về quyết tâm không thể hồi lại của Giáo Hội Công Giáo trong việc tiếp tục tìm kiếm con đường hòa giải dẫn đến sự hiệp nhất hữu hình của các tín hữu Kitô. Vì thế, tôi này tôi rất thân ái chào thăm các tín hữu Chính Thống và Tin Lành trong số các bạn”.

ĐTC cũng nhắc nhở các bạn trẻ rằng: ”Chúa Kitô đang mong ước nhận được từ nơi mỗi người trong các bạn câu trả lời cho câu hỏi: ”Thầy là ai đối với các con?”. Chúa mong nhận được câu trả lời đến từ tự do nội tâm sâu xa của các bạn, chứ không từ sự cưỡng bách hoặc sợ hãi. Chính khi trả lời câu hỏi ấy, cuộc sống của các bạn sẽ tìm được ý nghĩa mạnh mẽ nhất (...). Trong những ngày này ở Roma, gước gì các bạn để cho lời thưa xin vâng với Chúa Kitô trổi lên trong tâm hồn các bạn, đặc biệt tận dụng những lúc thinh lặng lâu dài vốn giữ một chỗ đứng trung tâm trong các buổi đọc kinh chung của các bạn”

Buổi đọc kinh kéo dài một tiếng đồng hồ. Sau khi ban phép lành kết thúc ĐTC còn bắt tay chào thăm các tu huynh Taizé hiện diện. (SD 29-12-2012)

G. Trần Đức Anh OP

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

NGÀY ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA

NGÀY ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA
 
          Ngày 27.12 lễ kính Thánh Gioan Tông Đồ, Bổn Mạng Nhà Hưu Dưỡng của quý Sơ Chúa tỉnh Dòng Cù Lao Giêng. Một ngày vui của 98 Sơ đang nghỉ dưỡng tại đây. Ngay từ sớm từng đoàn người là thân nhân và ân nhân từ các giáo xứ nơi quý Sơ đã từng phục vụ.8g30 "các ngoại" rất vui mừng được chào đón Đức Cha đến chung vui với và chủ sự Thánh lễ. Điều này làm tăng thêm niềm vui mừng và khích lệ quý Sơ trong những tháng ngày cuối đời.
          Đúng 9g30 Đức Cha, cha Tổng Đại Diện, cha quản hạt Chợ Mới, cha quản hạt Long Xuyên và 15 cha tiến vào nhà nguyện, hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện đặc biệt cho "các ngoại". Khởi đầu bài giảng, Đức Cha tóm lược tiểu sử Thánh Gioan Tông Đồ. Với đoạn Tin Mừng (Ga 20,2-8), Đức Cha giúp mọi người hiểu Lời Chúa và nhận ra Chúa bằng "tình yêu". Chính Thánh Gioan đã cảm nhận được Chúa yêu mình mà ngài đã nhận ra được Chúa Giêsu Phục Sinh dù không gặp được Ngài cách hữu hình. Trong niềm vui Giáng Sinh, Đức Cha chúc mừng mọi người và mời gọi cộng đoàn hãy biết đón nhận và phục vụ Chúa qua mọi biến cố trong đời sống. Cũng như "các ngoại" đã từng phục vụ các em và mọi người tại các giáo xứ. Giờ đây "các ngoại" vẫn tiếp tục phục vụ nhưng bằng đời sống cầu nguyện và đạo đức của mình. Chúng ta hãy cầu nguyện và giúp đỡ quý Sơ sống những năm tháng còn lại.
          Cuối lễ, Sơ Giám Tỉnh tri ân và cám ơn Đức Cha đã dành ưu ái cho Hội Dòng. Và cũng cám ơn quý cha, quý khách, quý ân nhân, thân nhân đã thương mến và giúp đỡ Hội Dòng.
          Ban chiều cùng ngày Đức Cha đã lên Cần Xây viếng thăm các cha già tại nhà hưu dưỡng và cha Giuse Đỗ Xuân An tại tu viện Nguồn Sống.
    
      
    
    
    
    
    
    
    
    
    
    

Một cái nhìn về sinh hoạt Giáo hội Công giáo trong năm 2013



Một cái nhìn về sinh hoạt Giáo hội Công giáo trong năm 2013
WHĐ (28.12.2012) – Những sinh hoạt và sự kiện nào của Giáo hội trong năm 2013 sẽ trở thành tin tức hàng đầu trên các các phương tiện truyền thông ở Roma và trên toàn thế giới?
Sau đây là nhận định của trang mạng Rome Reports:
Một trong những sự kiện nổi bật nhất năm 2013 chắc chắn là việc Đức giáo hoàng đến Rio de Janeiro, Brasil để cử hành Ngày Giới trẻ Thế giới. Sự kiện này dự kiến ​​sẽ thu hút khoảng 2 triệu người trẻ. Tòa thánh Vatican cũng cho biết nhân dịp này có thể ĐTC cũng sẽ đến thăm các nước châu Mỹ Latinh khác như Colombia và Panama.
Năm 2013, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI cũng sẽ ban hành một Thông điệp mới về đức tin. Đây Thông điệp thứ tư trong triều giáo hoàng của ngài và có khả năng Thông điệp này sẽ được công bố vào tháng Giêng.
Trong năm 2013, Đức giáo hoàng ​​sẽ tiếp tục đẩy mạnh Năm Đức Tin, với một số cuộc gặp gỡ.
Chẳng hạn, vào ngày 15 tháng Sáu, tại Vatican sẽ có cuộc gặp gỡ về quyền được sống, tức là bảo vệ phẩm giá của con người từ lúc thụ thai cho đến khi chết tự nhiên.
Ngày 18 tháng Năm, Đức giáo hoàng sẽ tiếp các đại diện và thành viên của tất cả các phong trào Công giáo tại Quảng trường Thánh Phêrô. Đây là những tổ chức và các nhóm đưa ra các ý tưởng và phương pháp để sống đức tin và có hàng triệu người tham gia. Những tổ chức lớn nhất là Phong trào Focolare, Canh Tân Đặc Sủng, và Hiệp Thông và Giải Phóng.
Ngày 2 tháng Sáu, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI sẽ tham dự gichầu Thánh Thể, lần đầu tiên trong lịch sử được mọi người trên toàn thế giới tham dự cùng một lúc.
Ngài cũng mời các gia đình trên toàn cầu đến Roma trong hai ngày 26 và 27 tháng Mười để suy tư về việc đức tin giúp họ vượt qua những thử thách hng ngày như thế nào.
Vào tháng Sáu, lần đầu tiên Đức giáo hoàng sẽ gặp tất cả các vị Sứ thần để thảo luận về ý nghĩa của việc đại diện cho Đức giáo hoàng, nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo.
Theo thông lệ, vào tháng Mười, Đức giáo hoàng sẽ tuyên phong các vị thánh mới. Năm sắp tới, ngài có thể lập “kỷ lục mới” khi tuyên phong 802 vị thánh trong một buổi lễ. Đó 800 vị tử đạo Otranto, Italia, bị sát hại vì đức tin vào năm 1480; cùng với vị thánh đầu tiên của Colombia mẹ Laura và vị nữ tu người Mexico Chân phước Maria Guadalupe.
Người ta mong rằng Đức giáo hoàng sẽ thực hiện đầy đủ lịch làm việc của năm 2013, mặc dù ngài sẽ tròn 86 tuổi vào tháng Tư. ngài sẽ trở thành một trong 4 vị giáo hoàng nhiều tuổi nhất trong lịch sử Giáo Hội.
Trong năm 2013, 10 hồng y sẽ tròn 80 tuổi, do đó không còn quyền bầu Giáo hoàng. Đến ngày 25 tháng 12-2013 con số hồng y cử tri sẽ là 109 vị. Có lẽ Đức giáo hoàng sẽ đặt thêm các hồng y mới vào cuối tháng Mười Một, khi bế mạc Năm Đức Tin.
 
Thái Hòa

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Lễ Giáng Sinh 2012 tại nhà Thờ Chánh Toà Long Xuyên


Lễ Giáng Sinh 2012 tại nhà Thờ Chánh Toà Long Xuyên
 
          Nhà thờ Chánh Toà Long Xuyên là nhà thờ duy nhất nằm ngay trung tâm thành phố. Không khí đêm Noel được bao phủ bởi thời tiết se lạnh cùng với dòng người từ giáo dân đến anh chị em tôn giáo bạn nô nức đến rất đông.
          21 giờ 15 mọi người chuẩn bị cho đêm cho đêm cực thánh bằng việc tập hát.
          21 giờ 30 canh thức Giáng Sinh với phần diễn nguyện của các em thiếu nhi Thánh Thể, ca đoàn trong giáo xứ trong bầu khí trang nghiêm rất thích hợp cho mọi người suy niệm về mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa.
          Đúng 22 giờ 00 Thánh Lễ do Đức Cha Giuse, Giám Mục Giáo Phận chủ tế, cùng với 9 cha thuộc nhà thờ Chánh Toà và Toà Giám Mục đồng tế.
          Đầu bài giảng, Đức Cha nói đến ngày lễ Giáng Sinh không phải của riêng ai hay tôn giáo nào, bởi mọi người hiện diện nơi đây không chỉ là những người công giáo mà còn thuộc nhiều nguồn gốc văn hoá, xã hội, thuộc các tôn giáo bạn, cả anh chị em tự nhận là vô thần, nhưng có một điểm chung là chúng ta đang cùng nhau biểulộ niềm vui, tình liên đới và niềm hy vọng. Niềm vui, tình liên đới và niềm hy vọng tập trung vào một nhân vật đó là Hài Nhi Giêsu nằm trong hang đá máng cỏ, hôm nay là sinh nhật của Ngài. Vậy trong niềm vui, tình liên đới và niềm hy vọng chúng ta mong đợi điều gì? Đức Cha kể lại câu chuyện của Đức Hồng Y Carlo Maria Martini về việc Chúa Giêsu trở lại trái đất cách hữu hình vào dịp đại lễ Giáng Sinh. Mọi người hỏi Chúa món quà Giáng Sinh Chúa để đâu? Chúa Giêsu không trả lời mà mở rộng vòng tay hướng về mọi người. Đó chính là món quà Ngài mang theo. Ngài đã trao ban chính bản thân Ngài cho chúng ta, hiện diện giữa chúng ta, làm bạn với chúng ta vì Ngài là Đấng Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Niềm vui, tình liên đới và niềm hy vọng của lễ Giáng Sinh là sự kết duyên giữa đất và trời, giữa Thiên Chúa và con người, “Thiên Chúa làm người, để cho con người được làm con Chúa”.
          Lạy Chúa Giêsu Hài Nhi, Chúa mời gọi chúng con đem niềm vui, tình liên đới và niềm hy vọng đến với tất cả mọi người.
     
      
    
    
     
    
    
  

Năm 2012 qua các sự kiện tiêu biểu



Năm 2012 qua các sự kiện tiêu biểu
WHĐ (27.12.2012) – Kết thúc năm 2012, theo thông lệ, Ban biên tập Trang tin điện tử Hội đồng Giám mục Việt Nam đã bình chọn 10 sự kiện đáng chú ý nhất trong sinh hoạt của Giáo hội toàn cầu và Giáo hội Việt Nam:
– Giáo hội toàn cầu:
1. Năm Đức Tin kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Vatican II
Qua Tông thư – Tự sắc PORTA FIDEI ngày 11 tháng Mười 2011, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI công bố Năm Đức Tin 2012–2013 của toàn thể Giáo hội Công giáo. Cụ thể, Năm Đức Tin sẽ bắt đầu từ ngày 11 tháng Mười 2012, nhân kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Vatican II, và sẽ kết thúc vào ngày đại lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, 24-11-2013.
Sáng 11-10-2012, tại quảng trường Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chủ tế Thánh lễ Khai mạc Năm Đức Tin. Đồng tế với ĐTC có các Hồng y, Thượng phụ, Giám mục, các Nghị phụ đang tham dự Thượng Hội đồng Giám mục. Có 14 giám mục trong số 70 vị đã từng là nghị phụ của Công đồng Vatican II. Đặc biệt, hiện diện trong Thánh lễ còn có Giáo chủ Giáo hội Chính thống Bartholomaios I, Thượng phụ Constantinopolis và Tổng Giám mục Rowan Williams, vị đứng đầu Giáo hội Anh giáo.
2. Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 13
Sáng Chúa nhật 7-10-2012, tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ thứ 13 về Tân Phúc âm hóa.
Thượng Hội đồng kéo dài trong ba tuần (7–28/10/2012).
Hai giám mục Việt Nam tham dự Thượng Hội đồng này là Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, giám mục Phan Thiết và Đức cha Giuse Nguyễn Năng, giám mục Phát Diệm.
Trong dịp này, Đức Thánh Cha đã tuyên phong Thánh Gioan Avila và Thánh Hildegard Bingen là Tiến sĩ Hội Thánh.
3. Tân Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin
Ngày 2-7-2012, Đức hồng y William Joseph Levada (76 tuổi), Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, kiêm Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng Ecclesia Dei, Ủy ban Giáo hoàng Kinh Thánh Ủy ban Thần học Quốc tế đã được Đức Thánh Cha chấp thuận cho từ nhiệm vì đến tuổi nghỉ hưu.
Kế nhiệm ngài trong các nhiệm vụ kể trên là Đức giám mục Gerhard Ludwig Müller (65 tuổi), nguyên giám mục giáo phận Regensburg. Cùng với việc bổ nhiệm này, Đức cha Müller cũng được nâng lên hàng Tổng giám mục.

Đức Tổng giám mục Müller thụ phong linh mục năm 1978 thuộc giáo phận Mainz, nguyên là giáo sư tín lý tại Đại học Ludwig-Maximilians, München. Ngài từng là thành viên của Ủy ban Thần học Quốc tế và của Bộ Giáo lý Đức tin.

4. Trang Twitter của Đức Thánh Cha
Đầu tháng 12-2012, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã mở tài khoản riêng trên mạng xã hội Twitter. Ngày 12-12-2012, l Đức Mẹ Guadalupe, ĐTC đã gửi tweet đầu tiên –bằng 8 ngôn ngữ (Anh, Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha, Đức, Ba Lan, Ả Rập và Pháp)– như sau:
“Các bạn thân mến, tôi rất vui mừng được liên lạc với các bạn qua Twitter. Cảm ơn các bạn đã quảng đại hồi đáp. Tôi chân thành chúc lành cho tất cả các bạn”.
Đức Tổng giám mục Claudio Maria Celli, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Truyền thông Xã hội, giải thích: “Sáng kiến ​​này xuất phát từ mong muốn của ĐTC; ngài muốn sử dụng tất cả các cơ hội do các công nghệ truyền thông mới cung cấp trong thế giới ngày nay”.
Cho đến nay, tài khoản Twitter của Đức Thánh Cha đã có hơn 2 triệu follower trong 8 ngôn ngữ.
5. Thêm hai giáo hạt tòng nhân cho các cựu tín hữu Anh giáo
Ngày 1-1-2012 Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã thiết lập một giáo hạt tòng nhân cho các nhóm tín hữu và giáo sĩ Anh giáo trên khắp Hoa Kỳ muốn trở thành Công giáo. Đức Thánh Cha cũng bổ nhiệm cha Jeffrey N. Steenson là một cựu giám mục Anh giáo Hoa Kỳ và là giáo sư ở Houston, coi sóc giáo hạt tòng nhân mới này. Giáo hạt tòng nhân này mang tên Tòa Thánh Phêrô và đặt trụ sở tại Houston, Texas.
Ngày 15-6-2012, thêm một Giáo hạt tòng nhân nữa được thiết lập tại Australia. Giáo hạt tòng nhân mới này mang tên Đức Mẹ Thánh giá Phương Nam. Vị bản quyền là cha Entwistle, cũng là một cựu giám mục Anh giáo.
Năm 2009, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã ban hành Tông hiến Anglicanorum coetibus, nhằm thiết lập các Giáo hạt tòng nhân cho phép các cựu tín hữu Anh giáo gia nhập Giáo hội Công giáo mà vẫn giữ một số truyền thống linh đạo và phụng vụ Anh giáo của mình. Giáo hạt tòng nhân đầu tiên là Giáo hạt Đức Mẹ Walsingham tại Anh quốc và xứ Wales, được thành lập vào năm 2011.
– Giáo hội Việt Nam:
1. Hội nghị toàn thể Liên Hội đồng Giám mục Á châu tại Việt Nam
Kỷ niệm 40 thành lập (1972-2012), Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) đã tổ chức Hội nghị toàn thể lần thứ X tại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên một Hội nghị như thế được tổ chức tại Việt Nam. Mới đầu, thời gian ấn định là từ 19 đến 24-11-2012, nhưng do Đức Thánh Cha triệu tập Công nghị Hồng y vào ngày 24-11 nên Hội nghị phải dời lại đến ngày 11-12-2012. Hội nghị nhóm họp tại giáo phận Xuân Lộc trong 5 ngày và bế mạc tại giáo phận TP.HCM vào ngày 16-12.
Chủ đề Hội nghị toàn thể lần thứ X của FABC là “Bốn mươi năm FABC: Đáp ứng những thách đố của châu Á”.
2. Giáo hội Việt Nam khai mạc Năm Đức Tin
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã ban hành Tự sắc Porta Fidei, công bố Năm Đức Tin cho toàn Giáo hội Công giáo để kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Vatican II. Năm Đức Tin bắt đầu từ 11-10-2012 và kết thúc ngày 24-11-2013.
Hiệp thông với Giáo hội toàn cầu, Giáo hội Việt Nam chính thức khai mạc Năm Đức Tin vào sáng 12-10-2012, khi kết thúc Hội nghị Thường niên kỳ II-2012 của Hội đồng Giám mục Việt Nam tại Thanh Hóa. Lễ khai mạc Năm Đức Tin được tổ chức trọng thể tại khuôn viên Nhà thờ Chính tòa Thanh Hóa với sự tham dự của quý Đức cha đang dự Hội nghị, đông đảo quý linh mục tu sĩ từ nhiều giáo phận và hàng chục ngàn giáo dân. Cũng có sự góp mặt một cộng đoàn tín hữu Việt Nam tại hải ngoại.
Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng ấn định ngày khai mạc năm Đức Tin ở cấp giáo phận là 18-10-2012 và ở cấp giáo xứ là 21-10-2012.
3. Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Vương cung thánh đường Đức Mẹ La Vang
Ngày 15-8-2012, tại Thánh địa La Vang - Tổng giáo phận Huế, Đức Tổng giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã cử hành Thánh lễ trọng thể kính Đức Mẹ hồn xác lên trời và Nghi thức đặt viên đá đầu tiên xây dựng Vương cung thánh đường Đức Mẹ La Vang. Đồng tế với Đức cha Chủ tịch có Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam, Đức Tổng giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể, Tổng giám mục Tổng giáo phận Huế và 16 Đức giám mục trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, 1 Đức Viện phụ, cùng với hơn 200 linh mục. Tham dự Thánh lễ đặc biệt này có rất đông tu sĩ nam nữ và khoảng 200 ngàn tín hữu.
4. Phái đoàn Tòa Thánh đến Hà Nội
Chúa nhật 26-2-2012, Phái đoàn Tòa Thánh đã đến Hà Nội, chuẩn bị cho cuộc họp lần thứ ba với Phái đoàn Việt Nam theo thỏa thuận đã đạt được từ cuộc họp lần trước tại Vatican hồi cuối tháng Sáu 2010. Phái đoàn do Đức ông Ettore Balestrero, Thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh dẫn đầu, cùng với Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam, Đức ông Phanxicô Xaviê Cao Minh Dung thuộc Bộ Ngoại Giao Tòa Thánh và Đức ông Barnaba Nguyễn Văn Phương thuộc Bộ Truyền Giáo.
5. Tân Tổng giám mục Tổng giáo phận Huế và Tân giám mục giáo phận Phú Cường
Ngày 18-8-2012, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chấp thuận đơn từ nhiệm Tổng giám mục Tổng giáo phận Huế của Đức Tổng giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể và bổ nhiệm Đức giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, giám mục phụ tá Tổng giáo phận Huế làm Tổng giám mục Tổng giáo phận Huế.
Ngày 12-9-2012 tại Nhà thờ chính tòa Phủ Cam, Đức tân Tổng giám mục đã cử hành Thánh lễ tạ ơn và khởi đầu sứ vụ mới.
Tại giáo phận Phú Cường, ngày 25-08 đã diễn ra Thánh lễ tạ ơn và chuyển giao sứ vụ giám mục do Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ, nguyên giám mục giáo phận Phú Cường và Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước, Tân giám mục giáo phận Phú Cường cử hành, cùng với quý giám mục, quý linh mục trong và ngoài giáo phận. Trước đó, ngày 30 tháng Sáu 2012, Đức Thánh Cha đã chấp thuận đơn từ nhiệm giám mục giáo phận Phú Cường của Đức giám mục Phêrô Trn Đình Tứ.
 
WHĐ