label

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

Nhật ký Đại hội Giáo lý toàn quốc lần thứ 3: Ngày thứ nhất, 09.08.2011



Nhật ký Đại hội Giáo lý toàn quốc lần thứ 3
Ngày thứ nhất, 09.08.2011
UB GIÁO LÝ ĐỨC TIN (09.08.2011)Sáng thứ ba 9 tháng 8 năm 2011,vào lúc 5 giờ 30 Đức cha chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin Phaolô Bùi Văn Đọc đã chủ tế Thánh lễ cầu nguyện cho Đại hội tại nhà nguyện Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội.
Tham dự viên Đại hội lần thứ 3 này có 198 người, thuộc các Ban giáo lý của 26 Giáo phận trên toàn quốc, trong đó có 2 giám mục, 96 linh mục, 59 tu sĩ nam & nữ và 41 giáo dân nam & nữ. Số đại biểu đông nhất là 98, thuộc giáo tỉnh Hà Nội, tiếp theo là giáo tỉnh Sài Gòn với con số đại biểu là 57 và giáo tỉnh Huế là 43. So với 2 Đại hội trước, thì Đại hội lần này có số tham dự viên đông nhất.
Đúng 8 giờ, tại Hội trường Đại chủng viện thánh Giuse, Đại hội chính thức khai mạc với nghi thức cung nghinh Lời Chúa rất sốt sắng, lời chào mừng và giới thiệu thành phần tham dự của linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền, Trưởng ban Giáo lý toàn quốc. Tiếp theo Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin đã công bố ý nghĩa và mục đích của Đại hội với những lời lẽ ngắn gọn nhưng thật đầy đủ trong câu Lời Chúa: “Anh em đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền dạy cho anh em…” và sau đó linh mục Giuse Hồ Sĩ Hữu, Thư ký Ban Thường vụ giới thiệu chương trình làm việc những ngày của Đại hội.
Lúc 8 giờ 30, Đức Tổng giám mục Hà Nội Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã có bài thuyết trình đầu tiên với đề tài Rao giảng Tin Mừng hôm nay với những thách thức của nó”. Bài thuyết trình nhằm giúp tham dự viên hiểu ý nghĩa và tiến trình của việc Phúc âm hóa hay Rao giảng Tin Mừng (évangélisation) cũng như sự cấp bách và những thách thức của nó do tác động của những thay đổi sâu rộng và mau chóng về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và tôn giáo, trên thế giới cũng như trên đất nước.
Tiếp đến là bài thuyết trình của linh mục Giuse Vũ Quang Học (Ban Giáo lý giáo tỉnh miền Bắc) với đề tài: “Giáo lý viên trong viễn tưởng rao giảng Tin Mừng”. Bài này giúp tham dự viên hiểu bản chất, mục đích và nhiệm vụ của việc dạy giáo lý: nhìn giáo lý trong viễn tượng loan báo Tin Mừng thì việc dạy giáo lý là một giai đoạn chủ yếu trong tiến trình Rao giảng Tin Mừng, và giáo lý là tác vụ Lời Chúa, là việc giáo dục đức tin, là hoạt động của Giáo hội; mục đích của việc dạy giáo lý là hiệp thông sâu xa với Chúa Giêsu Kitô; và nhiệm vụ căn bản của việc dạy giáo lý là giúp hiểu biết đức tin, giáo dục phụng vụ, huấn luyện luân lý, dạy cầu nguyện, giáo dục đời sống cộng đoàn và khai tâm cho việc truyền giáo.
Sau giờ nghỉ giải lao là phần thảo luận riêng của 10 nhóm trong một tiếng, mỗi nhóm có các linh mục trưởng ban Giáo lý các giáo phận phụ trách. Phần thảo luận gồm 4 câu hỏi mà Đại hội đề ra:
1. Rao giảng Tin Mừng hay Phúc âm hóa (évangélisation), trước và sau Công đồng Vaticanô II, được hiểu như thế nào? Cuốn Hướng dẫn Tổng quát 1997 hiểu Rao giảng Tin Mừng theo nghĩa nào? Đặt trong viễn tượng Rao giảng Tin Mừng này, việc dạy giáo lý có được sự thay đổi và bước tiến mới nào?
2. Việc dạy giáo lý có nhiệm vụ khai tâm và giáo dục. Việc dạy giáo lý tại giáo phận của quý anh chị đã đảm nhận nhiệm vụ này như thế nào? Kinh nghiệm dạy giáo lý nào quý anh chị muốn chia sẻ với Đại hội?
3. Việc dạy giáo lý trong giáo phận của quý anh chị có là nơi giúp Kitô hữu sống kinh nghiệm thiêng liêng tức gặp gỡ và kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu hay chỉ là trường dạy chân lý đức tin và luân lý? Để đạt mục đích này, cần đổi mới những gì trong việc dạy giáo lý?
4. Lộ trình và giáo trình huấn luyện của giáo phận có hỗ trợ các giảng viên giáo lý chu toàn các nhiệm vụ căn bản trên không? Nhiệm vụ nào cần được quan tâm nhiều hơn?
Đến 11 giờ đại diện các nhóm trình bày tóm tắt phần thảo luận và Ban giáo lý Giáo tỉnh miền Bắc đúc kết. Lúc 12 giờ các đại biểu dùng cơm trưa trong tinh thần liên kết sống động, tiếp tục chia sẻ những kinh nghiệm của giáo phận mình.
(Nguồn: giaolyductin.og)
 
Ban Truyền thông Đại hội Giáo lý

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét