label

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

Thảm cảnh nạn đói trong vùng Sừng Phi châu.

Thảm cảnh nạn đói
trong vùng Sừng Phi châu


Phi Châu (Avvenire 30-7-2011) - Trong các tuần qua, Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã liên tục kêu gọi cộng đồng quốc tế liên đới cứu trợ các dân tộc vùng Sừng Phi châu, đặc biệt là Somalia, đang gặp nạn đói trầm trọng. Nhưng cho tới nay đã chỉ có các tổ chức bác ái kitô và các tổ chức phi chính quyền hưởng ứng, còn chính quyền dân sự các quốc gia Bắc Mỹ và Âu châu đã thinh lặng. Cuộc khủng hoàng kinh tế tài chánh và chính trị kéo dài, cũng như chiến cuộc dai dẳng từ mấy tháng qua tại Libia, đã khiến cho các chính quyền dân sự tây âu ở trong tình trạng rối ren, không còn lòng trí và sự hăng say nào để nghĩ đến việc cứu trợ 12 triệu người đói trong vùng Sừng Phi châu nữa.
Ðáp lại lời kêu mời của Ðức Thánh Cha Hội Ðồng Giám Mục Italia đã trích ra từ qũy 8 phần ngàn 1 triệu Euros để cứu đói. Trong khi Caritas Italia đã trợ giúp lập tức 300,000 Euros. Các Giám Mục Italia cũng đã phát động chiến dịch quyên góp trong mọi giáo xứ toàn nước ngày 18 tháng 9 năm 2011. Hội Ðồng Tòa Thánh Cor Unum Ðồng Tâm ngay từ đầu đã đóng góp lượt đầu tiên 50,000 Euros và Caritas quốc tế đã lập tức cùng với các Caritas địa phương phối hợp công tác cứu trợ. Somalia là quốc gia bị đói nặng nhất, một phần cũng vì tình trạng cuộc nội chiến kéo dài từ hàng chục năm qua. Chính quyền Mogadiscio qúa yếu, trong khi lực lượng hồi giáo cực đoan Shabaab qúa mạnh và kiểm soát toàn miền nam và nhiều vùng khác. Các toán phiến quân hồi liên tục đánh phá nhiều khu vực khác nhau trong thủ đô. Dưới ảnh hưởng của phong trào hồi khủng bố Al Qaeda, các lực lượng Shabaab tuyên bố họ chiến đấu cho một nước Somalia vĩ đại, bao gồm một phần của miền tây bắc Kenya và tây nam Etiopia. Trong các vùng này thường xảy ra các vụ giao tranh do các nhóm phiến quân hay các băng đảng tội phạm Somali gây ra. Các lực lượng Shabaab không chấp nhận cho các tổ chức bác ái quốc tế đem phẩm vật cửu trợ tới cho dân chúng đang phải đói khát trong vùng.
Trại tị nạn Dadaab ở bên kia biên giới Kenya đã phải tiếp nhận hơn 400,000 người. Và trong các tuần qua hàng ngày vẫn còn có từ 1,400 đến 3,000 người di cư nhập trại. Hàng ngàn người Somali đã bắt đầu chiếm một phần mới của trại gọi là Ifo-2. Một bản tường trình của các tòa đại sứ Ðan Mạch và Na Uy cho biết làn sóng di cư đông đảo như thế sẽ gây ra các âm hưởng không thể tránh được đối với cuộc sống xã hội và trên môi sinh của Kenya; và nước Kenya cũng lo sợ cho nền an ninh của mình. Ngoài ra, tình hình nghiêm trọng nói trên cũng ảnh hưởng nặng nề trên việc di chuyển và đồng cỏ của Kenya.
Bản báo cáo nói trên cũng cho biết là 18% các phẩm vật cứu trợ do Chương trình thực phẩm của Liên Hiệp Quốc cũng cấp trong năm 2010 đã bị người tị nạn bán lại để lấy tiền. Ðây là lý do giải thích tại sao giá lương thực tại Dadaab rẻ hơn vùng lân cận. Các trại Dagahaley, Ifo và Ifo-2 chỉ cách Dadaab vài cây số, gần biên giới với Somalia, tạo ra thành phố tị nạn lớn nhất thế giới với hơn 400,000 người. Nhưng số người tìm tới các trại tị nạn này sẽ còn cao hơn nữa, đến độ Liên Hiệp Quốc đã tái lên tiếng báo động rằng đây là nạn đói kém tệ hại nhất từ 60 năm qua, và nó sẽ kéo dài suốt năm 2011 này.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phong vấn Linh Mục Piero Gheddo, thuộc Hội truyền giáo nước ngoài Milano, gọi tắt là PIME, về thảm cảnh nạn đói trong vùng Sừng Phi châu. Cha Piero Gheddo đã từng chứng kiến tận mắt rất nhiều thảm cảnh khẩn thiết đó đây trên thế giới, và trong qúa khứ cũng đã từng sờ mó được sự bần cùng của người dân Somalia.
Hỏi: Thưa cha, mặc dù Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã nhiều lần kêu gọi cộng đồng quốc tế liên đới trợ giúp các dân tộc trong vùng Sừng Phi châu đang bị nạn đói hoành hành, nhưng xem ra chính quyền các quốc gia tây âu giả điếc làm ngơ và không nhúc nhích. Tại sao vậy?
Ðáp: Có đúng thật là vì cuộc khủng hoảng kinh tế tại Italia cũng như các nước khác . Trên thế giới có qúa nhiều chuyện khẩn thiết, và trong tình trạng đó người ta thật dễ dàng lo ra không chú ý tới thảm cảnh của người khác. Nhưng mà tôi hướng tới các tín hữu kitô, tới những người không có quyền lo ra.
Hỏi: Làm thế nào để duy trì sự chú ý của dư luận công cộng trước một thảm cảnh không thể chờ đợi được nữa như nạn đói trong vùng Sừng Phi châu thưa cha?
Ðáp: Tôi bắt đầu từ chính chúng ta là kitô hữu, cụ thể là với chính tôi. Khi tôi chứng kiến các tình trạng có sắc thái tận thế như tình trạng tại Somalia hiện nay, tôi đặt vấn đề với chính đức tin của tôi. Niền tin của tôi nơi Chúa Kitộ có giá trị gì, nếu tôi không cảm thấy được mời gọi hành động trước các tai ương kinh khủng như thế này? Tự cật vấn mình trước, rồi sau đó xem chúng ta sẽ phải làm gì. Nhưng bước chuyển tiếp đầu tiên là không bất động, không thờ ơ. Là kitê hữu chúng ta không được là khán giả ngồi trước đài truyền hình và nói "tội nghiệp cho các người nghèo đói này", rồi đổi sang đài khác. Một sự kiện nghiêm trọng như nạn đói trong vùng Sừng Phi châu mời gọi tính nhận bản của tôi, mời gọi ý thức huynh đệ của tôi đối với mọi dân tộc trên thế giới này.
Hỏi: Có điều gì cấp bách mà con người thời đại chúng ta lại không hiểu thưa cha?
Ðáp: Ðiều cấp bách mà con người ngày nay không hiểu: đó là chúng ta là những người được ưu đãi trong nhận loại; mọi người đều muốn được sống như chúng ta, trong một quốc gia, trong đó sự thịnh vượng, phát triển và tự do được bảo đảm. Người nghèo túng nhất sống tại Italia cũng còn giầu đứng trước các nạn đói kém. Vực thẳm xa cách giữa cuộc khủng hoảng kinh tế của Italia chúng ta và Somalia đang chết đói chết khát, thật là kinh khủng.
Hỏi: Và không phải chỉ có Somalia mà thôi, nhưng còn có biết bao nhiêu quốc gia khác cũng đang lẩm vào trình trạng hạn hán mất mùa như thế thưa cha.
Ðáp: Không, không có nước nào bị tới mức tồi tệ như Somali đâu. Chúng ta đang chứng kiến ngày tận thế của một dân tộc. Chúng ta thử so sánh với Italia để nhận ra tầm nghiêm trọng của nạn đói tại Somalia. Áp dụng vào dân số 65 triệu của Italia, thì có 25 triệu người đang chết vì đói và thiếu dinh dưỡng. Chúa Giêsu đã nói là phải cho người nghèo những gì thừa thãi. Và cái thừa thãi của chúng ta thì khổng lồ. Chúng ta không bao giờ hài lòng với những gì mình có, mà luôn luôn ước muốn có thêm nhiều hơn nữa. Khi nói lên những điều này chúng ta thức tỉnh các lương tâm.
Hỏi: Thưa Cha Gheddo, dân chúng lo sợ rằng tiền và các phẩm vật cứu trợ không tới với người dân bị đói, mà ở trong các mạng lưới của các tổ chức quốc tế lớn, hay trong tay các nhà độc tài địa phương. Bên Somalia có nguy cơ của lực lượng Shabaab, các chiến binh hồi giáo bạo lực. Cha nghĩ sao?
Ðáp: Cần phải tin tưởng nơi những người công chính. Bên Somalia có các tổ chức phi chính quyền của Italia hoạt động rất hữu hiệu. Chẳng hạn như tổ chức "Hành động Agire", và chính cổ thức Caritas. Tôi rất cảm phục các anh chị em thiện nguyện này, và tôi không hiểu làm sao họ có thể đến được thủ độ Mogadiscio. Họ rất can đảm, và trong qúa khứ tôi đã thấy có nhiều người bị bắt và bị tra tấn tại Somalia. Bình thường các nhân viên thiện nguyện được tôn trọng. Tuy nhiên, nguy hiểm không loại trừ ai, nhưng ai đã chọn thi hành sứ mạng thiện nguyện, thì đều biết điều đó. Liên quan tới các tổ chức của Liên Hiệp Quốc, có đúng thật là họ phung phí rất nhiều và trả lương rất hậu hĩnh cho các nhân viên của họ đi đó đây trên thế giới, nhưng các nhân viên thiện nguyện của các tổ chức phi chính quyền thì liều mạng sống mỗi ngày một cách nhưng không, hay cùng lắm thì chỉ nhận được những gì vừa đủ để trang trải các chi phí của họ. Và các thừa sai thì lại còn cho đi nhiều hơn nữa.
Hỏi: Thưa cha, tại những nơi Kitô giáo đã đâm rễ sâu thì sự phát triển rất hiển nhiên, trái lại, nơi nào Kitô giáo chưa đêm rễ sâu thì con đường tiến bộ gặp nhiều cản trở, có đúng thế không?
Ðáp: Trong hầu hết các quốc gia hồi giáo, mặc dù giầu tài nguyên, nhưng vẫn có nhiều vấn đề. Ðây là điều hiển nhiên. Có các gốc rễ tôn giáo và văn hóa ngăn chặn sự phát triển. Không cần phải nghĩ tới các người Taliban, mà chỉ cần nhìn đất nước Ai Cập do ông Hosni Mubarak lãnh đạo, thì đủ hiểu. Nhưng liên quan tới câu hỏi này, tôi muốn trở lại với vấn đề cứu trợ. Tín hữu kitô có trong mình thiện chí cứu vớt người khác, chỉ cần xem sự từ bỏ của các thừa sai kitô đó đây trên thế giới thì biết. Và chỉ tại Phi châu thôi hiện có 7,000 thừa sai Italia gồm các linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân hoat động. Và cả các tổ chức phi chính quyền hầu như tất cả đều được linh hứng từ Kitô giáo, và điều này chứng minh cho thấy lương tâm của người dân Italia mang đậm sắc thái công giáo và ý thức liên đới rất mạnh, được diễn tả ra một cách cụ thể trong cuộc sống của các giáo xứ và của các phong trào và hội đoàn. Ngày quyên góp trong mọi giáo xứ trên toàn nước để trợ giúp các dân tộc lâm cảnh đói khát trong vùng Sừng Phi châu, đặc biệt là Somalia do Hội Ðồng Giám Mục Italia phát động ngày 18 tháng 9 năm 2011, được đọc hiểu trong nhãn quan đó.
Hỏi: Ðây là một lương tâm bắt nguồn từ các gốc rễ kitô, mà dù muốn dù không, cũng ảnh hưởng trên cả những người không tin nữa, có phải vậy không thưa cha?
Ðáp: Vâng chắc chắn là như thế rồi, ít nhất là cho tới nay. Bởi vì từ ít lâu nay cuộc khủng hoảng luân lý cũng đang thay đổi các sự vật, và không còn có các gia đình nữa, các gia đình tan rã; cha mẹ không giáo dục con cái nữa; và như thế gia tài luân lý trước đây vững chãi, ngày nay lại gặp nguy cơ bị phá tán, và cần được tuyệt đối vãn hồi, vì khả năng liên đới và dấn thân của chúng ta đều phải đi qua đó.
(Avvenire 30-7-2011)

Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét